Tiếp tục thực hiện Nghị định 67 đến hết ngày 31/12/2017
Cụ thể, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại 28 tỉnh, thành phố ven biển thực hiện các nội dung sau:
Các ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng phục vụ khai thác hải sản xa bờ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 07/07/2014 của Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư số 22/2014/TT-NHNN, ngày 15/08/2014, Thông tư số 21/2015/TT-NHNN, ngày 16/11/2015 đến hết ngày 31/12/2017; Khẩn trương chỉ đạo chi nhánh, phòng giao dịch tiếp tục triển khai cho vay đóng mới, nâng cấp tàu, cho vay vốn lưu động phục vụ khai thác hải sản xa bờ đối với các chủ tàu được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt như chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước thông tin, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản
Thống đốc cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố theo dõi, giám sát việc triển khai cho vay của các chi nhánh ngân hàng thương mại và đầu mối xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện trên địa bàn.
Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của địa phương, Ngân hàng Nhà nước đề được xem xét, giải quyết.
Trước đó, Chính phủ thống nhất kéo dài thời hạn thực hiện các chính sách quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đến hết ngày 31/12/2017.
Đáng lưu ý, theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30/11/2016, các ngân hàng thương mại nhà nước đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 808 tàu (đóng mới 711 tàu và nâng cấp 97 tàu) với tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay là 8.012 tỷ đồng. Doanh số cho vay đóng mới, nâng cấp tàu đạt 6.204 tỷ đồng; dư nợ đạt 6.175 tỷ đồng. Doanh số cho vay vốn lưu động theo chương trình đạt gần 90 tỷ đồng, dư nợ hiện nay là gần 23 tỷ đồng./.
Bình luận