Tiếp tục xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn trở thành “lực kéo” thúc đẩy  phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Lạng Sơn
Ông Nguyễn Vĩnh Phú, Phó Trưởng ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn (hàng trên, thứ ba từ phải sang) dự họp Hội nghị Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc năm 2023 tại TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang

Với lợi thế vị trí địa lý là cửa ngõ quan trọng nối thị trường Trung Quốc với ASEAN trong hợp tác thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và hợp tác Tiểu vùng Mê kông mở rộng (GMS), quyết định phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt - Trung đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã xác định phát triển KKT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn trở thành KKT động lực trên tuyến hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng trong giai đoạn hội nhập toàn diện của Việt Nam. Giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 – 2025.

KTT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn được Chính phủ lựa chọn là một trong các KTT cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước, do vậy hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ ở các khu vực cửa khẩu. Tỉnh Lạng Sơn xác định phát triển KTT cửa khẩu trở thành động lực, chủ đạo góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Tiếp tục xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn trở thành “lực kéo” thúc đẩy  phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Lạng Sơn
Xe chở hàng hóa dừng chân làm thủ tục kiểm tra tại Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu Phò Nhùng, tỉnh Lạng Sơn

Đến năm 2030, kinh tế, xã hội tỉnh Lạng Sơn phát triển với nhiều thuận lợi và thách thức đan xen

Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới, có nhiều cửa khẩu đường bộ và đường sắt quan trọng nối liền nước ta và khu vực ASEAN với Trung Quốc. Hiện nay, quan hệ hữu nghị hợp tác, đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc được duy trì và phát triển có tác động tích cực đối với sự phát triển của Lạng Sơn, đặc biệt là KTT cửa khẩu.

Những kết quả Lạng Sơn đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội những năm qua là tiền đề thuận lợi để Tỉnh tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Trong thời gian tới, một số dự án lớn trên địa bàn Tỉnh sẽ từng bước hoàn thành và đi vào hoạt động như: Đường cao tốc Lạng Sơn - Hà Nội, tuyến đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), nâng cấp cải tạo quốc lộ 4B đoạn Km3+700- Km18… do đó KTT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn sẽ là điểm nối quan trọng trong hợp tác phát triển liên vùng với Thủ đô Hà Nội và những tỉnh đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như: Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang và các tỉnh vùng Đông Bắc.

Quan hệ giao lưu, hợp tác giữa tỉnh Lạng Sơn và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn, có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội của Lạng Sơn. Hiện nay, phía Quảng Tây, Trung Quốc đang tập trung phát triển hệ thống hạ tầng cửa khẩu tạo điều kiện kết nối tối đa chuỗi logistics, do đó cần có hạ tầng cửa khẩu tương xứng để tạo thành chuỗi cung ứng logistics xuyên biên giới, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Với vị trí là tỉnh biên giới, Lạng Sơn luôn chịu tác động của chính sách quản lý kinh tế, thương mại của Trung Quốc, trong khi chính sách thương mại biên giới của Trung Quốc thường xuyên thay đổi theo hướng xuất nhập khẩu chất lượng cao; yêu cầu về đóng gói bao bì, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, đồng thời kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản, hoa quả, trái cây nhập khẩu từ Việt Nam. Do đó, các cấp, các ngành trong Tỉnh cần phát huy cao hiệu quả trong thực thi công vụ, duy trì công tác nắm tình hình, dự báo tình huống phát sinh để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm duy trì, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.

Tiếp tục xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn trở thành “lực kéo” thúc đẩy  phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Lạng Sơn
Lưu thông hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển KTT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn

Tiếp tục xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn trở thành “lực kéo” thúc đẩy  phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Lạng Sơn
Trạm kiểm soát liên ngành cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển KTT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn

Tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp về xây dựng và phát triển KTT cửa khẩu phù hợp trong giai đoạn mới. Triển khai đồng bộ và có hiệu quả các Chương trình về phát triển KTT cửa khẩu thuộc Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh thực hiện các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh trong các nhiệm kỳ tiếp theo và các Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình, Kế hoạch khác có liên quan.

Tăng cường kiểm tra, giám sát trong tổ chức thực hiện, nâng cao nhận thức và trách nhiệm chính trị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển KTT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn.

Tiếp tục xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn trở thành “lực kéo” thúc đẩy  phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Lạng Sơn
Nhà làm việc liên ngành cửa khẩu Bản Chắt, tỉnh Lạng Sơn

Nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu vực cửa khẩu và các khu chức năng trong KTT cửa khẩu

Tiếp tục triển khai hiệu quả đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KTT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn được phê duyệt tại Quyết định số 1055/QĐ-TTg, ngày 08/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KTT cửa khẩu thực hiện theo định hướng bố trí không gian KTT cửa khẩu, phương án phát triển KTT cửa khẩu và KTT cửa khẩu trong Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, quy hoạch vùng, liên vùng nội dung bảo đảm tích hợp, đa ngành, gắn kết; đồng thời cần đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương nhằm khai thác hiệu quả và phát huy tiềm năng, lợi thế.

Nghiên cứu, rà soát điều chỉnh phạm vi, quy mô và tên gọi KTT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn để xác định lại các khu vực cửa khẩu, các khu chức năng, các khu vực đô thị, dịch vụ... đảm bảo phù hợp với định hướng Quy hoạch tỉnh và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Nâng cao chất lượng quy hoạch, tăng cường công tác quản lý quy hoạch và các dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng được duyệt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy hoạch.

Đẩy mạnh đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu và biên giới, gắn với chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về lựa chọn KTT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn là 1 trong 8 khu KTT cửa khẩu trọng điểm, để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và phù hợp với Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh được Chính phủ phê duyệt.

Tiếp tục xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn trở thành “lực kéo” thúc đẩy  phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Lạng Sơn
Khu vực cửa khẩu Bình Nghi, tỉnh Lạng Sơn

Triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công, huy động nguồn vốn ngân sách nhà nước để tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện các dự án đầu tư công, các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng yếu trong KTT cửa khẩu. Trong đó, tập trung đầu tư nguồn lực để xây dựng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành cửa khẩu kiểu mẫu tiên tiến nhất ASEAN, đáp ứng các tiêu chí về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, con người, thủ tục thông quan, phối hợp hoạt động hai bên; đối với cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam: Trở thành lối mở thông quan hàng hóa của cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và trở thành trung tâm thương mại nông sản của Việt Nam, các nước ASEAN, Trung Quốc và hệ thống cảng cạn; Cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng sẽ trở thành một tuyến vận tải đường dài có tính cạnh tranh cao dựa trên dịch vụ logistics và các dịch vụ hỗ trợ thông minh, hiện đại tương xứng với sự phát triển của dịch vụ đường sắt các nước ASEAN.

Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tổ chức triển khai thực hiện đầu tư hoàn thành các tuyến cao tốc đường bộ, đường sắt, các tuyến quốc lộ, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông có tính chất liên kết vùng, liên kết tỉnh, các tuyến đường Tỉnh, đường ra cửa khẩu, đường tuần tra biên giới, đường ngang đáp ứng đảm bảo nhu cầu vận tải ngày càng tăng của KTT cửa khẩu. Thực hiện đầu tư cảng cạn; mở rộng các tuyến đường vận chuyển hàng hóa chuyên dụng tại khu vực cửa khẩu và các công trình hạ tầng cửa khẩu; phát triển các khu hành chính phù hợp với định hướng phát triển của Tỉnh. Huy động các nguồn lực để tập trung đầu tư hoàn thiện các khu chức năng trong KTT cửa khẩu và đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả các dự án đầu tư hạ tầng tại các khu chức năng (khu trung chuyển hàng hóa, khu chế xuất I, khu phi thuế quan), đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn.

Tiếp tục xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn trở thành “lực kéo” thúc đẩy  phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Lạng Sơn
Quang cảnh lưu thông hàng hóa tại Cửa khẩu quốc tế Hữu nghị, tỉnh Lạng Sơn

Phát triển đa dạng các loại hình thương mại, du lịch, dịch vụ, xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển mạnh mẽ kinh tế trong KTT cửa khẩu

Phát triển đa dạng các loại hình thương mại, du lịch, dịch vụ thông qua việc đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, thương mại tự do, cửa hàng miễn thuế, kết hợp du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch nhằm quảng bá và thu hút khách du lịch đến KTT cửa khẩu. Gắn kết các hoạt động du lịch của KTT cửa khẩu với tổng thể du lịch của Tỉnh. Xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch đặc sắc, các tuyến du lịch trọng điểm và du lịch văn hóa tâm linh, du lịch văn hóa lịch sử, sinh thái, mua sắm, vãn cảnh và du lịch qua biên giới.

Phát triển các loại hình dịch vụ gắn với KTT cửa khẩu, trọng tâm là dịch vụ logistics, đại lý hải quan, tư vấn pháp luật, kiểm nghiệm, kiểm dịch theo hướng chất lượng, văn minh, hiện đại, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn.

Triển khai có hiệu quả dự án Hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng Khu hợp tác thương mại, du lịch Tân Thanh - Pò Chài.

Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương và của Tỉnh; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù đối với KTT cửa khẩu để ưu tiên phát triển, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu qua địa bàn.

Tiếp tục xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn trở thành “lực kéo” thúc đẩy  phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Lạng Sơn
Cửa khẩu Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn

Đẩy mạnh phát triển văn hoá, xã hội nhằm nâng cao chất lượng, cải thiện đời sống nhân dân

Thực hiện kế hoạch, chương trình, mục tiêu phát triển các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, văn hoá, y tế, xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường trên cơ sở chủ trương chung của Đảng, Nhà nước gắn với các định hướng phát triển KKT của Trung ương, của Tỉnh.

Tăng cường xây dựng đời sống văn hóa, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thực hiện tốt các đề án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử - văn hóa trong KTT cửa khẩu.

Nâng cao chất lượng dạy và học, ổn định về quy mô, chất lượng công tác giáo dục và đào tạo. Phát triển mạng lưới y tế, đầu tư, nâng cấp hoàn thiện, đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đảm bảo phục vụ nhu cầu y tế của người dân. Phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Có chính sách ưu đãi, khuyến khích cụ thể, phù hợp với quy định hiện hành để ưu tiên tuyển dụng và sử dụng lao động tại chỗ, thu hút chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, nhân lực chất lượng cao đến công tác tại các cơ quan, doanh nghiệp trong vùng phát triển KKT cửa khẩu.

Xây dựng, ban hành kịp thời, đầy đủ, đồng bộ cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; kết hợp hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học.

Tiếp tục xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn trở thành “lực kéo” thúc đẩy  phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Lạng Sơn
Nhà làm việc liên ngành cửa khẩu Co Sâu, tỉnh Lạng Sơn

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư và thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa

Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, hiện đại; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, triển khai ứng dụng mô hình quản lý Hải quan thông minh tiến tới Hải quan số đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hải quan; tiếp tục hoàn thiện nâng cao hiệu quả hệ thống Nền tảng cửa khẩu số, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn. Triển khai có hiệu quả Đề án cửa khẩu thông minh sau khi được Chính phủ phê duyệt.

Đổi mới và đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, phương thức huy động vốn; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, tiếp tục triển khai có hiệu quả các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP); đổi mới hình thức vận động tài trợ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), thu hút, nâng cao chất lượng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào KTT cửa khẩu. Tăng cường kết hợp giữa các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và xúc tiến du lịch, nhằm quảng bá và thu hút đầu tư, thu hút du khách, phát triển thương mại.

Tiếp tục xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn trở thành “lực kéo” thúc đẩy  phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Lạng Sơn
Lưu thông hàng hóa tại cửa khẩu Cốc Nam, tỉnh Lạng Sơn

Đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới

Tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, bảo đảm chủ quyền biên giới quốc gia, tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, nhất là các đường mòn, lối mở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh.

Chú trọng công tác nắm, phân tích, dự báo tình hình liên quan đến thương mại biên giới, trong đó gắn nhiệm vụ công tác an ninh với công tác đối ngoại và hoạt động kinh tế, quán triệt quan điểm kết hợp chặt chẽ kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh.

Tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nâng cao hiệu quả bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự; xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành. Tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật về hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự, quản lý xuất nhập cảnh, quản lý cư trú, ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tăng cường tuần tra kiểm soát, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ trên địa bàn. Thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả.

Tiếp tục triển khai hiệu quả, toàn diện công tác đối ngoại trên cả 3 trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc; phát huy hiệu quả Chương trình Gặp gỡ đầu Xuân giữa các Bí thư Tỉnh ủy/Khu ủy, Ủy ban công tác liên hợp và các cơ chế trao đổi, phối hợp giữa các cấp, các ngành của Lạng Sơn và Quảng Tây (Trung Quốc) trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, du lịch, lao động, mở, nâng cấp cửa khẩu, kết nối giao thông và tiện lợi hóa thông quan, quản lý biên giới; nghiên cứu, triển khai các nội dung hợp tác mới với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây trong phát triển kinh tế cửa khẩu (như mô hình “Cửa khẩu kiểu mẫu” tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), “Cửa khẩu thông minh”).

Tăng cường hợp tác với các cơ quan, tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế và khu vực, đẩy mạnh vận động, thu hút vốn FDI, ODA và các nguồn vốn hỗ trợ phát triển song phương, đa phương để đầu tư phát triển KTT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn.

Tiếp tục xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn trở thành “lực kéo” thúc đẩy  phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Lạng Sơn
Xe chở hàng qua trạm kiểm soát liên ngành cửa khẩu Na Hình, tỉnh Lạng Sơn

Tăng cường công tác phối hợp giữa Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn với các ngành chức năng và địa phương

Rà soát cơ sở vật chất và kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng KTT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, nhằm phát huy tối đa hiệu quả vai trò, trách nhiệm của các đơn vị trong phát triển KTT cửa khẩu. Triển khai thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý KTT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trong Tỉnh, kịp thời bổ sung, điều chỉnh các nội dung phối hợp giữa các đơn vị đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ từng ngành và tình hình thực tế.

Rà soát điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, phạm vi không gian quản lý của Ban Quản lý KTT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn theo quy định, nhằm phát huy hiệu quả vai trò là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước tại KTT cửa khẩu. Bổ sung kịp thời các chỉ tiêu biên chế đối với Ban Quản lý KTT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực thực thi công vụ của đội ngũ công chức, viên chức đảm bảo hiệu quả công tác tham mưu, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm./.

Tiếp tục xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn trở thành “lực kéo” thúc đẩy  phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Lạng Sơn
Kiểm tra hàng hóa tại trạm kiểm soát liên hợp Nà Nưa, tỉnh Lạng Sơn