Tiểu ban Kinh tế - xã hội làm việc với các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng

Hội nghị của Tiểu ban làm việc với các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, thành viên Thường trực Tiểu ban.

Cùng tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; các đồng chí Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước và các đồng chí Thứ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ. Về phía các địa phương, tham dự Hội nghị có các đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vùng Đồng bằng sông Hồng.

Tại Hội nghị, sau phát biểu khai mạc của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà gợi ý các vấn đề trọng tâm thảo luận, các đồng chí đại diện lãnh đạo các địa phương đã phát biểu nêu bật những kết quả tích cực đạt được về của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025. Bên cạnh đó, là những nhận định về các “điểm nghẽn”, những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải trong thực tiễn phát triển tại các địa phương, trong đó nhấn mạnh các vấn đề về thể chế, liên kết vùng, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng… Các địa phương cũng chia sẻ các mô hình sáng tạo trong cải cách thủ tục hành chính, mô hình liên kết với doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố; chia sẻ những kinh nghiệm, bài học hay cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển. Các đại biểu cũng đề xuất, kiến nghị với Trung ương một số nội dung như: Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương tập trung nghiên cứu xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các bộ Luật, các văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng thống nhất, đồng bộ, ổn định lâu dài để xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là các quy định pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng...

Vùng Đồng bằng sông Hồng bao gồm 11 tỉnh, thành phố, trong đó có 2 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Hải Phòng và 9 tỉnh: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Đây là vùng có ý nghĩa chiến lược, quan trọng bậc nhất của cả nước về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Phát huy những tiềm năng, lợi thế to lớn, vượt trội cho phát triển, kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có đóng góp lớn, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu cho tăng trưởng kinh tế của cả nước, thúc đẩy, hỗ trợ các vùng khác cùng phát triển.

Trong giai đoạn 2021-2023, toàn Vùng và các tỉnh đã gặt hái được nhiều thành quả đáng chú ý, nổi trội là tốc độ tăng trưởng (tốc độ tăng trưởng bình quân 7,3%/năm), cao nhất so với các vùng của cả nước. Các ngành chế biến chế tạo, thương mại dịch vụ, xây dựng, vận tải kho bãi, tài chính ngân hàng, thông tin truyền thông, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo – y tế, từng bước được phát huy và trở thành trụ cột phát triển của các địa phương và toàn vùng. Nhờ vậy, tỷ trọng GRDP của Vùng trong GDP cả nước đã tăng thêm 0,7% so năm 2020, đạt hơn 30,1% vào năm 2023, vượt qua vùng Đông Nam Bộ (xấp xỉ 30,1%).

Một số địa phương trong Vùng đã có mức tăng trưởng rất cao (trên 9% bình quân năm giai đoạn 2021-2023) như Hải Phòng (10,7%), Hà Nam (10,4%), Bắc Ninh (9,5%), Quảng Ninh (9%).

Đây cũng là trung tâm hàng đầu về y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học-công nghệ với đội ngũ trí thức giỏi và đông đảo lực lượng lao động có chất lượng cao; là cái nôi sản sinh, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho cả nước với nhiều trường đại học, trung tâm nghiên cứu có uy tín…

Lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị đối với Tiểu ban, nhất là đột phá về tư duy quản lý, tạo điều kiện cho các mô hình, cơ chế, chính sách mới, hiệu quả nhanh chóng được triển khai và nhân rộng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương; tăng cường liên kết vùng trong phát triển kinh tế gắn với xác định vai trò của các địa phương; tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng; đổi mới cơ chế về quản lý đất đai, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất để tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế; quan tâm phát triển các ngành công nghiệp nền tảng; xây dựng các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển lớn mạnh; có các cơ chế phù hợp với đặc thù các tỉnh có nhiều di sản thiên nhiên và văn hóa; đổi mới cơ chế huy động, sử dụng nguồn lực...

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, thẳng thắn, cởi mở và rất trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo các địa phương. Các ý kiến đã cho thấy những vấn đề chung mà các địa phương đều quan tâm, trăn trở và cần được định hướng tập trung tháo gỡ, giải quyết trong thời gian tới.

Trong nhiều nội dung phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh hệ thống pháp luật bên cạnh chức năng quản lý cần tạo được không gian cho đổi mới, sáng tạo hướng đến thúc đẩy phát triển, trong đó quan tâm đến việc sớm thể chế hóa các mô hình kinh tế mới, đặc thù như khu thương mại tự do, kinh tế dựa vào di sản...

Phó Thủ tướng cũng quan tâm đến vấn đề tăng cường liên kết vùng, trong đó khuyến khích tính chủ động, sáng kiến của các địa phương trong hợp tác, bên cạnh vai trò điều phối, hỗ trợ của Trung ương.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Tổ Biên tập của Tiểu ban nghiên cứu, tiếp thu các vấn đề các địa phương đã báo cáo và trao đổi tại Hội nghị trong quá trình xây dựng dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030, trình Tiểu ban Kinh tế - Xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Tiểu ban./.