Tổ chức tín dụng là nhà phát hành huy động vốn qua kênh trái phiếu lớn nhất
Trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành không có tài sản đảm bảo
Về diễn biến của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo Bộ Tài chính, trên thị trường sơ cấp, trong tháng 7/2024, có 56 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành công, với khối lượng khoảng 45.000 tỷ đồng (giảm 15% so với tháng 6/2024, nhưng tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023).
Cụ thể, phân theo loại hình doanh nghiệp phát hành: tổ chức tín dụng phát hành 35.100 tỷ đồng (chiếm 78% khối lượng phát hành), doanh nghiệp bất động sản phát hành 5.500 tỷ đồng (12,1%); các doanh nghiệp lĩnh vực còn lại phát hành khoảng 4.400 tỷ đồng (9,9%).
Phân theo trái phiếu có tài sản đảm bảo, thì: 6.300 tỷ đồng trái phiếu phát hành có điều khoản bảo đảm (14% khối lượng phát hành). Trong đó, trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản có điều khoản bảo đảm chiếm 86,5%; trái phiếu của tổ chức tín dụng không có tài sản đảm bảo.
Tổ chức tín dụng là nhà phát hành huy động vốn qua kênh trái phiếu lớn nhất trong 7 tháng đầu năm 2024. Nguồn: VBMA |
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, có 174 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành công, với khối lượng 161.500 tỷ đồng (gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, phân theo loại hình doanh nghiệp phát hành, thì: tổ chức tín dụng phát hành hơn 109.000 tỷ đồng (chiếm 67,5% khối lượng phát hành); doanh nghiệp bất động sản phát hành gần 38.700 tỷ đồng (24%); các doanh nghiệp lĩnh vực còn lại phát hành 13.800 tỷ đồng (8,5%).
Nếu phân theo trái phiếu có tài sản đảm bảo, thì 7 tháng đầu năm nay: 24.00 tỷ đồng trái phiếu phát hành có điều khoản bảo đảm (14,9% khối lượng phát hành). Trong đó, trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản có điều khoản bảo đảm chiếm 84,4%; trái phiếu của tổ chức tín dụng không có tài sản đảm bảo.
Trong khi đó, theo Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong số các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ, các trái phiếu đã được xếp hạng tín nhiệm chiếm 7% giá trị.
Về giá trái phiếu mua lại, cũng theo VBMA, trong tháng 7/2024, các doanh nghiệp đã mua lại 32.094 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Trong phần còn lại của năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 121.854 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 51.603 tỷ đồng, tương đương 42%.
Nguồn: VBMA |
Về tình hình công bố thông tin bất thường, có 4 mã trái phiếu công bố chậm trả gốc, lãi mới trong tháng qua, với tổng giá trị 3.392 tỷ đồng và 41 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc.
Liên quan đến diễn biến trên thị trường thứ cấp, cập nhật của VBMA cho thấy, tổng giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 7 vừa qua đạt 84.406 tỷ đồng, bình quân đạt 3.670 tỷ đồng/phiên, giảm 26,2% so với bình quân tháng 6/2024.
Lũy kế trong 7 tháng đầu năm 2024, theo thông tin của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tổng giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường thứ cấp đạt 566.857 tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt khoảng 4.049 tỷ đồng/phiên.
Nhiều tổ chức tiếp tục lên kế hoạch gọi vốn qua kênh trái phiếu
Liên quan đến kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới, theo VBMA, đến nay, Hội đồng quản trị của Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý 3 và 4/2024 với tổng giá trị tối đa 6.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, kỳ hạn từ 2 năm đến 7 năm.
Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam chốt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị tối đa 6.000 tỷ đồng |
Ngoài ra, Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cũng đã thông qua phương án phát hành trái phiếu lần 3 trong năm 2024, với tổng giá trị tối đa là 900 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Trái phiếu có kỳ hạn 1 năm với lãi suất cố định 8%/năm./.
Bình luận