Tổng giám đốc May 10: “Ngành may có quá nhiều đơn hàng, chúng tôi mong vaccine về sớm”
Tổng giám đốc Thân Đức Việt cho biết, câu chuyện sản xuất, kinh doanh năm 2021 khác hẳn 2020, ngành may đang có quá nhiều đơn hàng
Trao đổi với Kinh tế và Dự báo, ông Thân Đức Việt cho biết, kiến nghị của Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã được Chính phủ ghi nhận bằng chỉ đạo các cấp, các ngành cần nhanh nhất, huy động nhiều nhất nguồn vaccine cho nhân dân. Với May 10, Công ty có 8.000 người lao động động trực tiếp và 4.000 lao động trong các công ty liên kết nằm ở 7-8 tỉnh khác nhau. Tất cả hệ thống May 10 đang chờ đợi thông tin chính thức từ cơ quan chức năng về nguồn vaccine cho người lao động.
Cũng theo ông Việt, vaccine là vấn đề cốt lõi nhất để giảm thiểu nguy cơ giãn cách cho các doanh nghiệp. “Nếu Chính phủ có đủ nguồn thì tiêm miễn phí, còn thiếu thì doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ. Theo một số thông tin tham khảo, chi phí tiêm một liều vaccine chỉ bằng 1/3 chi phí xét nghiệm. Nếu khoanh vùng, truy vết thì vẫn phải xét nghiệm tức là vẫn mất tiền, còn tốn hơn tiền tiêm vaccine”, ông Việt chia sẻ trong một cuộc tọa đàm cuối tháng 5 vừa qua.
Tại May 10, ông Việt cho biết, câu chuyện sản xuất, kinh doanh của năm 2021 khác hẳn năm 2020. Cụ thể, năm 2020, Công ty bị đứt cả nguồn cung nguyên liệu đầu vào lẫn tiêu thụ sản phẩm đầu ra do Covid-19 khi rất nhiều đơn hàng bị huỷ, phải tạm dừng sản xuất một số bộ phận. Sang năm 2021 thì ngược lại, May 10 và cả ngành may lại có quá nhiều đơn hàng, không làm được hết. Tuy nhiên, thách thức lại liên quan đến nguồn lao động. “Chúng ta cứ nói do Covid-19 nên thất nghiệp nhiều, nhưng với những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện tử, chế biến thuỷ sản.... thì lại không tuyển nổi lao động, chúng tôi đang thiếu lao động để hoàn thành đơn hàng xuất khẩu”, ông Việt nói.
May 10 có trên 90% sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản. Nếu như năm trước, các thị trường như Anh quốc, Hoa Kỳ, EU... cứ đóng, mở cửa liên tục, thì năm nay, lần mở cửa này của nhiều nước chắc chắn hơn, lâu dài hơn vì họ đã tiêm chủng đến mức tiếp cận miễn dịch cộng đồng. Từ kinh nghiệm đó, ông Việt chia sẻ, với Việt Nam, cần nhất là vaccine và chỉ có vaccine mới giải quyết được vấn đề đồng thời với dập dịch ngay từ khi phát sinh.
Với quy mô 12.000 lao động, chỉ cần một ca F0 là ảnh hưởng đến toàn bộ dây chuyển sản xuất tại May 10
Với quy mô 12.000 lao động của May 10, nếu chỉ cần một ca F0 là ảnh hưởng đến toàn bộ dây chuyển sản xuất. Ví dụ, May 10 bị một ca thì phải đóng cửa cả nhà máy vì các chuyền nằm san sát nhau. May 10 đã xây dựng kịch bản chủ động để bảo vệ chuỗi sản xuất, bảo vệ các đơn hàng. Tuy nhiên, với số lượng người lao động lớn, bên cạnh 200 cửa hàng (đại lý) trên toàn quốc, hệ thống giáo dục mầm non, cao đẳng nghề..., nên Công ty từng ngày, từng phút cập nhật số ca nhiễm, địa chỉ phát sinh nguồn lây nhiễm và hành trình đi lại, tiếp xúc của người đó để rà soát xem trong số người lao động may 10 có ai liên quan đến F1, F2 hay không… “Dù đã chủ động xây dựng nhiều tình huống và mỗi tình huống luôn đi kèm 3 kịch bản ứng phó, nhưng ngăn nguồn lây bệnh từ bên ngoài với 12.000 lao động là rất khó”, ông Việt chia sẻ. May 10 có sự đồng hành, đồng cam của người lao động cộng với việc thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Chính phủ và Hà Nội, nên đến nay chưa có ca lây nhiễm nào. Tuy nhiên, đang quản lý tốt nhưng không có nghĩa là không có nguy cơ lây nhiễm.
Covid-19 ảnh hưởng vô cùng nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp. “Chúng tôi căng mình chống dịch, từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm, Ban phòng chống dịch của May 10, tổ phòng chống dịch xuống từng bộ phận sản xuất”, ông chia sẻ. Thực tế, chỉ có thể truy vết, khoanh vùng, cách ly khi mà số ca nhiễm còn trong tầm kiểm soát, nhưng vượt quá tầm kiểm soát thì không có sức mà truy vết.
Tổng giám đốc May 10 mong rằng, vaccine về sớm và sớm được tiêm cho người lao động để chặn dịch ngay từ khi nguy cơ phát sinh. Một kiến nghị khác của lãnh đạo May 10 là Chính phủ cần xây gói hỗ trợ trực tiếp đến người lao động, khác với cách vận hành của gói 62.000 tỷ đồng năm 2020 (thực tế người lao động không tiếp cận được).
Với gói hỗ trợ các doanh nghiệp, Chính phủ cần chia gói hỗ trợ, phân loại đối tượng để hỗ trợ và nên tập trung vào đối tượng có khả năng hồi phục và với mức hỗ trợ xứng đáng để doanh nghiệp có cơ hội phục hồi. Chưa cần phân biệt lớn nhỏ, nhưng với sếu đầu đàn thì cần phải hỗ trợ tương xứng, giúp họ phục hồi sẽ kéo theo các doanh nghiệp nhỏ phục hồi theo. Còn với những doanh nghiệp gần như đóng cửa thì nên sử dụng biện pháp khác./.
Bình luận