Tín dụng năm 2021 tích cực

Sau giai đoạn giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19, đến nay hầu hết các địa phương trên cả nước đã và đang mở cửa các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại và cùng chuyển sang trạng thái bình thường mới. Nhờ đó, nền kinh tế đã có nhiều tín hiệu khởi sắc từ đầu quý IV/2021. Nhu cầu về nguồn vốn cho các mục đích tiếp tục tăng cao trong quý cuối năm này. Cho đến cuối năm 2021, thanh khoản nguồn tín dụng trong toàn hệ thống ngân hàng vẫn luôn được duy trì dồi dào, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng không bị sức ép tăng mà vẫn duy trì ở mức thấp. Lãi suất liên ngân hàng tại thời điểm tuần cuối năm kỳ hạn qua đêm chỉ ở mức 0,63% (giảm 1 điểm cơ bản so với tuần trước) và kỳ hạn 1 tuần là 0,74% (tăng 1 điểm cơ bản).

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến cuối tháng 11/2021, tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế đã đạt 10,18 triệu tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2020, trong đó các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công thông tin... tăng trưởng cao hơn nhiều so với tỷ trọng tăng trưởng tín dụng chung của toàn nền kinh tế. Cuối tháng 10/2021, con số tăng tổng dư nợ mới chỉ là 8,7%, tức là chỉ trong một tháng giữa quý IV/2021, tổng dư nợ đã tăng thêm 1,48 điểm phần trăm. Ngoài những nguyên nhân về cơ chế, thì theo quy luật của thị trường tín dụng, vào những tháng cuối năm tốc độ tăng tín dụng luôn luôn vượt trội so với các tháng trước trong năm.

Nắm chắc quy luật trên, NHNN đã mở ra nhiều cơ chế, chính sách cấp thiết để thị trường tín dụng góp phần kích cầu, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19. Các cơ chế, chính sách của NHNN đã kịp thời chỉ đạo các nội dung xem xét chấp thuận nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2021 từ 1-6 điểm phần trăm thích ứng cho các ngân hàng thương mại (NHTM) sau khi xét chất lượng tín dụng, thị trường đầu ra và chỉ số an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel của từng NHTM cụ thể. Theo đó, hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số NHTM được NHNN cho phép nâng lên mức trần mới là: VIB 20%; MSB 25%; TPBank 5%; Techcombank 25%; VPBank 17,1%; LietVietPostBank 20%; HDBank 20%; OCB 20%. Riêng nhóm các NHTM có vốn sở hữu lớn của Nhà nước, gồm VietinBank là 11,5%; Vietcombank 14% và BIDV là 11,5%.

Tổng quan thị trường tín dụng năm 2021 và xu hướng phát triển trong năm 2022
Trần tăng trưởng tín dụng mới năm 2021 của TPBank là 5%

Thị trường tín dụng tăng trưởng tốt là tín hiệu cho thấy nền kinh tế về cuối năm đang phục hồi ngay trong bối cảnh đại dịch còn phức tạp, góp phần cải thiện tốt hơn các số liệu vĩ mô vào những tháng cuối năm 2021. Góp phần cho dư nợ tín dụng tăng mạnh là gói hỗ trợ lãi suất tại TP.HCM được đẩy mạnh từ tháng 10/2021 để hỗ trợ nền kinh tế vừa chống dịch, vừa phát triển, mở ra một kinh nghiệm rất đáng giá cho cả nền kinh tế.Ngoài giải pháp về nới trần tăng trưởng tín dụng, NHNN đã có nhiều chính sách về gia hạn món dư nợ cũ, giảm lãi suất chung và giảm lãi suất riêng, gồm cả lãi suất hiện hữu và lãi suất cho món vay mới cho các khách hàng gặp khó khăn tình thế nhưng có khả năng trả nợ... Kết quả ban đầu là “lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến cuối tháng 10/2021, tổng số tiền lãi mà các NHTM đã miễn, đã giảm cho khách hàng là khoảng 31.400 tỷ đồng”, bà Bùi Thúy Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết...

Theo NHNN, cơ quan này đang điều hành theo hướng mở rộng tín dụng cho nền kinh tế. NHNN yêu cầu và kiểm soát việc chấp hành của NHTM về việc các tổ chức này phải tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Cùng với kiểm soát chặt chẽ lượng tín dụng đổ vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, NHNN tiếp tục đánh giá thực trạng khó khăn của nền kinh tế, các ngành nghề, loại hình doanh nghiệp..., để chỉ đạo các NHTM có chính sách ưu tiên, hỗ trợ và tập trung tín dụng nhằm góp phần khôi phục kinh tế. Riêng khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các NHTM đã tiến hành cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước dịch, với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến cuối tháng 11/2021 đã đạt trên 7,1 triệu tỷ đồng cho hơn 1,2 triệu khách hàng...

Năm 2022, dự báo nhu cầu tín dụng tăng 15%

Nhiều luồng thông tin chính thống cho thấy, nền kinh tế nước ta nói chung và thị trường tín dụng nói riêng đã và đang vận động theo đúng xu hướng chung của thế giới và cũng là quan điểm nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về một cơ chế phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Theo đó, Nhà nước, các ngành và người dân đã và cần phải tìm mọi giải pháp, mọi hình thức tốt nhất có thể được để phát triển kinh tế ngay trong môi trường chưa hết dịch theo nguyên tắc “đánh dịch” để sản xuất kinh doanh, chứ không “chạy dịch” để phải đóng cửa nhà máy, công xưởng, dự án hay cửa hàng, cửa hiệu. Thị trường tín dụng do đó cũng đã và cần phải phát triển sáng tạo, thích hợp với trạng thái kinh tế này. Thậm chí thị trường vốn phải đóng vai trò xung kích cùng vào cuộc với khách hàng vay để kích cầu và chia sẻ rủi ro với nền kinh tế...

Việc giữ an toàn thị trường tín dụng cũng phải đặt thị trường này trong vai trò chủ đạo không để nền kinh tế thiếu vốn và không đổ vốn vào những nơi không có hiệu quả hoặc không kiểm soát được rủi ro, để vừa tăng thêm thanh khoản cho nền kinh tế, vừa đảm bảo kiểm soát rủi ro theo chuẩn Basel cho hệ thống NHTM nước ta.

Trong năm 2022, chúng ta có thể tin tưởng và dự báo nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao hơn 13%, có thể đạt 15% nhờ đà phục hồi của nền kinh tế cùng quá trình kiểm soát và cơ chế chống dịch bệnh kết hợp với sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Ngoài cơ chế “sống chung với lũ”, thì các chiến dịch “đánh dịch” đã và đang mở rộng, có hiệu quả. Tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 đang phủ sóng ngày càng cao, tỷ lệ cao nhất đang ưu tiên cho những “vùng rốn” mà dịch từng hoành hành như các thanh phố lớn và các khu công nghiệp lớn. Tỷ lệ này sẽ và cần phải hoàn thiện hơn, toàn diện hơn ngay trong quí I/2022. Cùng với đó, gói hỗ trợ từ Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế của Chính phủ để giảm giá tín dụng và hỗ trợ cho vay giá rẻ hoặc không lãi suất cho đối tượng ưu tiên của nền kinh tế có thể sẽ tăng lên đến 800.000 tỷ đồng trong 2-3 năm tới, sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Về phía NHNN, cần nhất quán quan điểm mở rộng tín dụng kết hợp với tiếp tục hoãn lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các dòng vốn đổ vào các dự án, các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt cần siết chặt tín dụng đổ vào các lĩnh vực cho vay chứng khoán, bất động sản – các lĩnh vực không trực tiếp kích thích sản xuất, kinh doanh lưu chuyển hàng hóa. Vì vậy, hạt nhân của chính sách tiền tệ của NHNN là phải đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo vệ giá trị sức mua của đồng tiền đo bằng giá vàng và đo bằng tỷ giá với các đồng tiền mạnh nhằm góp phần giữ vai trò chủ chốt trong việc ổn định vĩ mô của nền kinh tế - xã hội.

Các cơ chế nói trên nếu được thể chế hóa chặt chẽ hơn sẽ tạo cơ sở pháp lý cho hệ thống ngân hàng có thêm nhiều dư địa để họ thực sự là lực lượng chủ đạo kích cầu tăng trưởng trong thời gian tới nhằm hỗ trợ việc mở cửa mạnh mẽ trở lại các lĩnh vực của nền kinh tế…/.