Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra thuế lên đến hơn 11.608 tỷ đồng
5 tháng đầu năm năm 2024, tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý ước đạt bằng 51,6% so với dự toán
Theo Tổng cục Thuế, 5 tháng đầu năm nay, ngành Thuế tăng cường quản lý thu, thanh tra, kiểm tra thuế, rà soát các nguồn thu, chống thất thu, nhất là hoạt động kinh doanh bất động sản, hoạt động dịch vụ tài chính, ngân hàng; chống thất thu thuế trong hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới, phòng chống mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn.
Tính đến hết ngày 17/5/2024, có 59.674 cơ sở kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Nguồn: GDT |
Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm, cơ quan Thuế đã thực hiện được 11.406 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 17,12% kế hoạch và bằng 77,45% so với cùng kỳ; kiểm tra được 231.276 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 144,13% so với cùng kỳ năm 2023. Qua đó, tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 11.608,64 tỷ đồng, bằng 56,95% so với cùng kỳ. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 2.072,93 tỷ đồng, bằng 59,14% số tăng thu qua thanh tra, kiểm tra.
Thu nợ thuế cũng đạt kết quả khả quan, khi trong tháng 5/2024 ước đạt 5.033 tỷ đồng, lũy kế tính đến cuối tháng 5/2024 ước thu được 37.101 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ, trong đó: Thu bằng biện pháp quản lý nợ là 34.550 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 2.551 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Thuế, đến nay đã có 96 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký và được cấp mã số thuế qua Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, tăng 2 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký mới so với tháng trước. Lũy kế đến ngày 15/05/2024, tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp trực tiếp qua Cổng Thông tin này là 4.029 tỷ đồng. |
Nhờ những giải pháp đồng bộ trên, nên tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 5/2024 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 122.700 tỷ đồng, bằng 137,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu NSNN lũy kế 5 tháng đầu năm năm 2024 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 767.415 tỷ đồng, bằng 51,6% so với dự toán, bằng 114,9% so với cùng kỳ. Trong đó: Thu từ dầu thô ước đạt 24.678 tỷ đồng, bằng 53,6% so với dự toán, bằng 94,5% so với cùng kỳ; thu nội địa ước đạt 742.737 tỷ đồng, bằng 51,6% so với dự toán, bằng 115,7% so với cùng kỳ. Thu thuế, phí nội địa ước đạt 580.208 tỷ đồng, bằng 53,5% so với dự toán, bằng 111,7% so với cùng kỳ.
Có 13/20 khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 50%), trong đó một số khoản thu lớn như: Khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 50,3%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 52,9%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ước đạt 57,1%; thuế thu nhập cá nhân ước đạt 55%; thu từ hoạt động xổ số ước đạt 59,3%; thu khác ngân sách ước đạt 54,6%; thu chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước ước đạt 175%.
Về tổng thu, có 23/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán đạt khá (trên 50%); còn 40/63 địa phương có tiến độ thu dưới 50%. 52/63 địa phương có tăng trưởng thu. Còn 11/63 địa phương thu thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Triển khai các chính sách thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh
5 tháng đầu năm nay, ngành Thuế đã tập trung thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, tạo đà cho doanh nghiệp và người dân nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Những giải pháp “tiếp sức” cho người dân và doanh nghiệp được thể hiện qua tổng số tiền thuế, tiền thuê đất được miễn, giảm trong 5 tháng đầu năm 2024 là khoảng 31.840 tỷ đồng. Trong đó, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng theo Nghị định số 44/2023 và Nghị định số 94/2023 ước khoảng 13.600 tỷ đồng; giảm mức thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết của Quốc hội ước khoảng 16.454 tỷ đồng; giảm tiền thuê đất theo Quyết định số 25/2023/QĐ-TTg làm giảm thu khoảng 1.762 tỷ đồng.
Ngoài ra, tính đến cuối tháng 5/2024, cơ quan thuế đã ban hành 7.326 quyết định hoàn thuế giá trị giá tăng, với tổng số tiền thuế hoàn là 51.642 tỷ đồng, bằng 30,2% so với dự toán hoàn thuế giá trị giá tăng năm 2024, bằng 109% so với cùng kỳ năm 2023.
Đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế
Liên quan đến các giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai, để hoàn thành kế hoạch thu NSNN năm nay, Tổng cục Thuế cho biết, trong tháng 6 này, ngành Thuế tiếp tục theo dõi sát sao và đánh giá đúng tình hình kinh tế trong nước và thế giới năm 2024; phân tích, nhận định những tác động từ những chính sách tài khóa, tiền tệ mà các nước thực hiện đến sức khoẻ doanh nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, để nhận diện sớm những rủi ro, kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ có kịch bản, giải pháp chủ động trong điều hành thu NSNN năm 2024.
Cơ quan thuế đang tập trung giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời cho doanh nghiệp, người nộp thuế, đảm bảo đúng đối tượng, chính sách, quy định. Nguồn: GDT |
Theo Tổng cục Thuế, đến hết ngày 17/5/2024, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế tiếp nhận và xử lý ước đạt 7,78 tỷ hóa đơn, trong đó 2,16 tỷ hóa đơn có mã và hơn 5,62 tỷ hóa đơn không mã. Tính đến hết ngày 17/5/2024, có 59.674 cơ sở kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, tăng 47,9% so với cuối năm 2023, số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là hơn 415,3 triệu hóa đơn. |
Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu, đánh giá, phân tích tình hình thu tại từng địa bàn, từng khu vực thu, khoản thu, sắc thuế. Dự báo thu hàng tháng, quý sát, đúng với thực tế phát sinh để tham mưu các giải pháp chỉ đạo thu kịp thời. Rà soát, xác định chính xác những nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp về chính sách và quản lý thu hiệu quả...
Đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án tăng cường công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng; tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng; giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời cho doanh nghiệp, người nộp thuế đảm bảo đúng đối tượng, chính sách, quy định. Xây dựng đề cương khảo sát công tác quản lý thuế tại một số Cục Thuế, để triển khai Đề án Nâng cao hiệu quả quản lý và chống thất thu đối với lĩnh vực vận tải, BOT (đường bộ, đường hàng không, đường thủy, đường biển).
Tập trung triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành năm 2024. Xây dựng và triển khai công tác thanh tra, kiểm tra theo các chuyên đề chống thất thu trong các lĩnh vực có rủi ro cao về thuế như: giao dịch liên kết, chuyển nhượng vốn, thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, hoàn thuế giá trị gia tăng, gian lận sử dụng hóa đơn điện tử, khai thác tài nguyên, khoáng sản, kinh doanh theo chuỗi, cho thuê nhà. Theo dõi sát sao các khoản thuế, phí được gia hạn để tổ chức đôn đốc người nộp thuế nộp đầy đủ, kịp thời, tránh phát sinh nợ mới và tiền chậm nộp; thực hiện phân loại các khoản nợ thuế chính xác để có giải pháp quản lý, đôn đốc thu phù hợp, đúng quy định.
Tiếp tục tổ chức quản lý thuế hiệu quả đối với các nhà cung cấp nước ngoài: Rà soát, đôn đốc các nhà cung cấp nước ngoài chưa thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trên Cổng Thông điện tử của Tổng cục Thuế; tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, hoàn thiện các nội dung nâng cấp Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện; trên cơ sở phân tích dữ liệu của nhà cung cấp nước ngoài, áp dụng quản lý rủi ro tuân thủ đối với nhà cung cấp này.
Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ tại Đề án 06. Đẩy nhanh việc triển khai xác thực định danh điện tử để đảm bảo tính xác thực, hạn chế tối đa các gian lận, đảm bảo tính an toàn, bảo mật, làm sạch dữ liệu cá nhân thuế để đảm bảo chuyển đổi mã định danh cá nhân thành mã số thuế. Đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, duy trì dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hệ thống hóa đơn điện tử. Đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin thông suốt 24/7 để hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN từ khâu đăng ký, kê khai, đến nộp thuế, hoàn thuế điện tử mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan thuế./.
Bình luận