Trên 60% doanh nghiệp chỉ đầu tư 1 lần cho hoạt động bảo vệ môi trường
Đó là thông tin được công bố tại Hội thảo “Đánh giá thực trạng tình hình đầu tư cho đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường của doanh nghiệp Việt Nam”. Dự án do Ban Thông tin Doanh nghiệp và Thị trường, thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện vào chiều 2/11 tại Hà Nội.
Doanh nghiệp ít đầu tư và chi phí thường xuyên cho bảo vệ môi trường
Chủ nhiệm dự án, Thạc sĩ Trần Thị Hồng Minh phân tích, công nghệ thân thiện với môi trường được hiểu là công nghệ được áp dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu và tiêu dùng mà trong quá trình hoạt động, sử dụng gây hại ít hơn cho môi trường so với công nghệ tư tượng và sản phẩm được tạo ra từ công nghệ đó là sản phẩm thân thiện với môi trường.
Toàn cảnh hội thảo
Còn sản phẩm thân thiện với môi trường là sản phẩm mà trong quá trình khai thác nguyên liệu, sản xuất, tồn tại, sử dụng và sau khi thải bỏ gây hại ít hơn cho môi trường so với sản phẩm cùng loại và được cấp nhãn sinh thái của tổ chức được Nhà nước công nhận.
Kết quả nghiên cứu khi đánh giá về thực trạng hoạt động đầu tư bảo vệ môi trường của doanh nghiệp cho thấy, khi khảo sát 357 doanh nghiệp tại 3 tỉnh thành phía Bắc gồm Bắc Ninh, Thái Nguyên, Quảng Ninh thì có gần 40% các doanh nghiệp khảo sát phản hồi có đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường và có chi phí thường xuyên cho bảo vệ môi trường. 24% doanh nghiệp có xây dựng hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14001.
Trong số các doanh nghiệp có hoạt động đầu tư bảo vệ môi trường, thì trên 60% doanh nghiệp chỉ đầu tư 1 lần cho hoạt động bảo vệ môi trường từ khi thành lập đến nay. 74% doanh nghiệp có tỷ lệ chi phí đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường nhỏ hơn 10% so với chi phí đầu tư ban đầu của doanh nghiệp. Tỷ lệ trung bình chi phí thường xuyên cho hoạt động bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng hơn 1% so với tổng chi phí sản xuất, kinh doanh.
Thực thế này cho thấy, “đầu tư và chi phí thường xuyên cho bảo vệ môi trường chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng chi đầu tư và chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”- Thạc sĩ Trần Thị Hồng Minh đánh giá.
Cũng theo khảo sát này, về loại hình doanh nghiệp thì tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước có đầu tư bảo vệ môi trường nhiều nhất là 75,7%; doanh nghiệp ngoài nhà nước 26,5% và và 55,5% doanh nghiệp FDI có đầu tư này.
Còn tỷ lệ doanh nghiệp có chi phí thường xuyên cho bảo vệ môi trường thì doanh nghiệp nhà nước cũng dẫn đầu với 78,7%; doanh nghiệp ngoài nhà nước là 28,2% và 52,2% doanh nghiệp FDI có chi phí thường xuyên này.
Bên cạnh đó, dự án đưa ra một số gợi ý chính sách như thí điểm thành lập ngân hàng “xanh”, cấp tín dụng hỗ trợ tài chính cho hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ than thiện với môi trường. Kết nối giữa các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp trong hoạt động hỗ trợ tài chính cho hoạt động đổi mới công nghệ than thiện với môi trường. Đẩy mạnh vai trò hoạt động của các quỹ bảo vệ môi trường, hỗ trợ vốn, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, đại diện công ty Nam Anh (Hà Nội) kiến nghị cơ quan nhà nước cần rà soát lại các chính sách hiện nay để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với các quỹ, chương trình hỗ trợ. Từ đó, giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ phù hợp với môi trường.
Thực tế, Chính phủ đang kêu gọi cải thiện môi trường, xử lý tốt các nguồn nước thải, rác thải nhưng doanh nghiệp rất khó đầu tư công nghệ thân thiện với môi trường vì kinh phí tốn kém. Chúng tôi mong muốn các chính sách gần với thực tế hơn để chúng tôi mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ”, ông Ngọc Anh nhấn mạnh.
Theo TS Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, dự án nhằm đánh giá khó khăn, thuận lợi của việc đầu tư cho đổi mới công nghệ và môi trường của doanh nghiệp. Từ đó kiến nghị các giải pháp khả thi cho doanh nghiệp. Sau khi hoàn thành, Ban thực hiện dự án đã nhận được phản hồi của doanh nghiệp về chính sách đầu tư đổi mới công nghệ và kiến nghị về cơ chế chính sách hiện nay.
Doanh nghiệp Nhà nước “chịu” đổi mới công nghệ nhất
Đối với doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, nghiên cứu của dự án này cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất còn ít. Xét theo quy mô doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chỉ có 26,2% có đầu tư đổi mới công nghệ trong tổng số doanh nghiệp khảo sát; còn doanh nghiệp vừa thì đạt 37,2%; doanh nghiệp lớn cũng chỉ có 57,9%.
Dự án thực hiện khảo sát đối với 3 loại hình doanh nghiệp là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp FDI. Xét theo ngành nghề kinh doanh, khảo sát này tập trung các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực: dệt may; xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất kim loại, kim loại đúc sẵn; sản xuất nhựa; sản xuất điện, điện tử, linh kiện điện tử; sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất đồ gỗ; sản xuất và sửa chữa xe có động cơ... |
Nhìn từ loại hình doanh nghiệp, khảo sát cho thấy, có 69,7% doanh nghiệp nhà nước có đầu tư đổi mới công nghệ; doanh nghiệp tư nhân chỉ có 24,7% và doanh nghiệp FDI thì có 46,6%.
Phân tích sâu hơn về sự đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, Thạc sĩ Trần Thị Hồng Minh cho hay, nhiều công nghệ đổi mới chưa mang đặc điểm của công nghệ thân thiện với môi trường. Trong đó, 59,3% doanh nghiệp đầu tư hướng vào quá trình hoạt động gây hại ít hơn cho môi trường; 37,4% doanh nghiệp đầu tư cho sản phẩm tạo ra gây hại ít hơn cho môi trường; 4,9% doanh nghiệp đầu tư cho sản phẩm tạo ra được cấp nhãn sinh thái.
Đáng chú ý là, chỉ 34% doanh nghiệp có đầu tư đổi mới công nghệ từ năm 2000 đến nay. 68% doanh nghiệp có đổi mới công nghệ thay đổi công nghệ một lần trong suốt quá trình hoạt động từ khi thành lập đến nay. Trong các doanh nghiệp có đổi mới công nghệ thì khoảng trên 90% doanh nghiệp cho biết máy móc, thiết bị nhập khẩu là mới, còn lại khoảng 7,5% là máy đã qua sử dụng. Đặc biệt, công nghệ nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao nhất, tới 38%; còn lại nhập từ Hàn Quốc (17%), Nhật Bản (16%), Châu Âu (12%), Đài Loan (7%), Việt Nam (5%), còn lại 5% nhập khẩu từ thị trường khác.
Doanh nghiệp còn thiếu thông tin và khó hưởng ưu đãi
Kết quả nghiên cứu của dự án này còn cho thấy, hiểu biết của doanh nghiệp về công nghệ thân thiện với môi trường còn khá hạn chế. Chỉ 55% doanh nghiệp có hiểu biết về những thông tin liên quan công nghệ thân thiện với môi trường. Tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ thân thiện môi trường chiếm tỷ trọng khá thấp, chỉ 22%.
Đáng chú ý nữa là, nguồn huy động vốn đầu tư cho công nghệ thân thiện môi trường của doanh nghiệp chủ yếu từ nguồn vốn tự có (89,4% doanh nghiệp). Không có doanh nghiệp nào trong các doanh nghiệp được khảo sát nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ các Quỹ bảo vệ môi trường, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo kết quả nghiên cứu của dự án trên, doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ cao nhất về đầu tư đổi mới công nghệ; và doanh nghiệp Việt Nam nhập công nghệ từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao nhất, tới 38%; còn lại nhập từ các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, Đài Loan... |
Về nguyên nhân khiến doanh nghiệp quyết định đầu tư hay không đầu tư cho công nghệ thân thiện môi trường, theo kết quả nghiên cứu thì, có 2 lý do lớn nhất cản trở doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ thân thiện môi trường là do chi phí ban đầu quá lớn (46,2% doanh nghiệp trả lời) và không có thông tin (36,5% doanh nghiệp trả lời). Còn doanh nghiệp quyết định đầu tư cho công nghệ thân thiện môi trường với lý do hàng đầu là để bảo vệ môi trường và nhằm nâng cao uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp.
Đến nay, Nhà nước ta đã có khá nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với doanh nghiệp đổi mới công nghệ thân thiện môi trường (như: chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ đầu tư bảo vệ môi trường; đào tạo nhân lực...), nhưng khảo sát cho thấy chỉ dưới 30% doanh nghiệp được khảo sát là có biết đến các cơ chế, chính sách này. Đồng thời, tỷ lệ doanh nghiệp nhận được các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư công nghệ thân thiện môi trường của Nhà nước còn thấp (dưới 6%), trong đó nhận hỗ trợ về thuế, phí là chủ yếu. Không có doanh nghiệp nào được hưởng hỗ trợ về nhập khẩu công nghệ thân thiện với môi trường, hỗ trợ tại các cơ sở ươm tạo công nghệ./.
Bình luận