9 tháng năm 2023, trị giá xuất khẩu có sử dụng C/O tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 mới đây, cán cân thương mại cả năm 2023 tiếp tục xuất siêu với mức thặng dư ước đạt 26 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đã tận dụng tốt cơ hội mang lại từ cam kết trong các Hiệp định FTA. Theo đó, trị giá kim ngạch xuất khẩu có sử dụng C/O ngày càng cao.

Trị giá kim ngạch xuất khẩu có sử dụng C/O ngày càng cao
Nhiều nhóm ngành hàng đã tận dụng tốt C/O nhằm đẩy mạnh xuất khẩu như gạo, dệt may...

9 tháng năm 2023, trị giá xuất khẩu có sử dụng C/O đạt 64 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều nhóm ngành hàng đã tận dụng tốt C/O nhằm đẩy mạnh xuất khẩu như gạo, dệt may...

Đáng chú ý, theo báo cáo của Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), trong năm 2022, tỷ lệ sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ CPTPP (C/O CPTPP) của hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam năm 2022 tiếp tục tăng trưởng tích cực và tăng đáng kể so với năm 2021. Cụ thể, thủy sản tăng 41,7%; giày dép tăng 51,7%; dệt may tăng 185,2%; cà phê tăng 140,1%; rau quả tăng 62,32%; hạt điều tăng 39,4%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,5%; máy móc và thiết bị tăng 152,3%...

Trong số các C/O mẫu CPTPP đã cấp cho hàng xuất khẩu đi các nước CPTPP, Canada và Mexico là 2 nước có tỷ lệ sử dụng C/O mẫu CPTPP nhiều nhất với mức tương ứng là 13,7% và 30,8%.

Như vậy, có thể thấy, thời gian qua, nhận thức và hiểu biết của doanh nghiệp về FTA nói chung và Hiệp định CPTPP nói riêng đã cải thiện đáng kể.

Trên thực tế, có khá nhiều nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi CPTPP cao. Đơn cử, ngành da giày hay dệt may, nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng quy tắc xuất xứ khác hơn so với dệt may và đặc thù ngành da giày doanh nghiệp FDI khá đông. Họ quan tâm đến FTA hơn và tận dụng ưu đãi cũng như có những chuỗi trong nội bộ để tận dụng nguồn nguyên liệu theo chuỗi.

Tăng cường chuyển giao cho doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ

Năm 2024, hoạt động xuất - nhập khẩu vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước.

Các thị trường phát triển như EU chú trọng đến phát triển bền vững, hiện đã và đang đưa ra nhiều quy định mới, như: Cơ chế điều chỉnh carbon, Quy định chống phá rừng châu Âu... có tác động đến một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta.

Vì vậy, việc nâng cao tỷ lệ mặt hàng xuất khẩu có sử dụng C/O ưu đãi càng đặt ra cấp thiết.

Theo đó, để đáp ứng được các điều kiện cấp C/O, doanh nghiệp cần có đầu tư về lưu trữ chứng từ để chứng minh xuất xứ. Đây là một gánh nặng về mặt hành chính cho doanh nghiệp khá nhiều khi các cơ quan chức năng, cũng như là nước nhập khẩu vào kiểm tra, điều tra về quy tắc xuất xứ.

Liên quan đến việc tổ chức hệ thống cấp C/O, Bộ Công Thương cần tăng cường chuyển giao cho doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ.

Hiện nay, phần lớn đều là do tổ chức cấp C/O, doanh nghiệp phải đến đăng ký nộp hồ sơ cho các tổ chức cấp để Bộ Công Thương theo xu hướng sẽ chuyển dịch dần sang cho doanh nghiệp tự chứng nhận, hiện nay đã làm với ASEAN và sẽ sang các hiệp định khác.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng để tổ chức cuộc hội thảo, tọa đàm, một mặt, đưa những thông tin về hiệp định, thuế suất lẫn quy tắc xuất xứ với doanh nghiệp ngành hàng; đồng thời cũng có trao đổi hai chiều để tiếp nhận những khó khăn, vướng mắc của các hiệp hội ngành hàng gặp phải trong quá trình thực thi.

Bộ Công Thương cũng cần tiếp tục tăng cường những hội thảo, cũng như những hoạt động xúc tiến thương mại sang các thị trường có FTA để tìm kiếm các cơ hội thị trường cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp cần quan tâm hơn, tham gia nhiều hơn và đảm bảo được tính chủ động, tiết kiệm về mặt thời gian, chi phí./.