Ủng hộ trao cơ chế thí điểm thành lập Khu thương mại tự do cho Đà Nẵng
Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng là rất cần thiết
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng. Hiện Đà Nẵng thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 119/2020/QH14, ngày 19/6/2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng.
Trước đó, trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết trước Quốc hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng Nghị quyết với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn đầy đủ, khoa học. Qua 3 năm thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị đã phát huy nhiều kết quả tích cực. Trong bối cảnh phát triển thực tế hiện nay và qua đánh giá, TP. Đà Nẵng đủ điều kiện, cơ sở để thực hiện chính thức tổ chức chính quyền đô thị và cần có các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá có tính động lực, lan tỏa. Nghị quyết số 119/2020/QH14 đang chủ yếu tập trung vào thí điểm mô hình chính quyền đô thị, còn thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá, có tính động lực, lan tỏa. Do đó, cần có thêm các cơ chế, chính sách đặc thù mới để hỗ trợ thúc đẩy phát triển Thành phố, nhằm đạt được các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 43-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần có thêm các cơ chế, chính sách đặc thù mới để hỗ trợ thúc đẩy phát triển Thành phố |
“Xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/06/2020 để sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách nhằm thực hiện chính quyền đô thị và xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để phát huy tính ưu việt, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập của chính quyền đô thị tại Nghị quyết số 119/2020/QH14 và tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Góp ý cho dự thảo, Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, trong quá trình thực hiện mô hình đô thị theo Nghị quyết 119/2020/QH14 vẫn còn có một số vướng mắc cần tháo gỡ. Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung các chính sách đặc thù vượt trội, tạo đột phá, thêm động lực và sức lan tỏa cho TP. Đà Nẵng tiếp tục phát triển. Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng lần này là rất cần thiết.
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng là rất cần thiết |
“Cần kịp thời ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng, để thể chế hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị và tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc hiện nay cho Thành phố, tạo động lực cho Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững...”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) đề xuất.
Cần có cơ chế giám sát đặc biệt
Một nội dung đáng chú ý trong dự thảo Nghị quyết được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là về việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do, cho rằng đây là chính sách mang tính đột phá, là quyết tâm chính trị, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của TP. Đà Nẵng và Chính phủ trong áp dụng mô hình phát triển tiên tiến của thế giới. Nếu thực hiện thành công, thì sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đà Nẵng và của cả vùng, cũng như làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do dành cho cả nước.
Ủng hộ cơ chế về thành lập Khu thương mại tự do, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, đây là một cơ chế rất thành công trên thế giới, nhất là đối với những nước có ưu thế về cảng biển như: Singapore (có 9 khu thương mại tự do), Trung Quốc (có 21 khu), Philippines, Indonesia, Malaysia… Hơn 30 năm qua, khu thương mại tự do phát triển rất hiệu quả và đóng góp vào sự phát triển chung của các nước đó. Việt Nam có bờ biển dài rất đẹp với 3.260 km và đã quy hoạch có 34 cảng biển quốc tế, nên ủng hộ việc Đà Nẵng đi đầu và thực hiện cơ chế thí điểm này. Tuy nhiên, đề nghị cần bổ sung thêm một số cơ chế để làm sao cho Đà Nẵng triển khai thành công việc này. Vì khi Đà Nẵng triển khai thành công mô hình này, thì có thể nhân rộng ngay ở các thành phố, các địa phương có đặc điểm tương tự, có nhiều cảng kết nối với khu thương mại tự do như cảng ở Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh...
Theo Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, để Khu thương mại tự do có thể phát triển, điều quan trọng nhất là hạ tầng, chúng ta phải kết nối được bên trong khu thương mại và bên ngoài khu thương mại, bởi ở đây có sự kết nối |
Cùng mối quan tâm, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng, pháp luật của Nhà nước ta là chưa có quy định về việc thành lập hoạt động đối với khu thương mại tự do, trong khi đó đây là mô hình kinh tế đã khá phổ biến, được nhiều quốc gia áp dụng thí điểm. Việc tạo cơ chế áp dụng thí điểm tại Đà Nẵng nhằm tạo bước đột phá mới cho Thành phố này nói riêng, đồng thời khảo nghiệm việc phát triển mô hình kinh tế mới đối với nước ta nói chung trong thực tiễn, do đó đại biểu đồng tình cao với chính sách này.
Tuy nhiên, ông Thông kiến nghị, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, cần có cơ chế giám sát đặc biệt để chúng ta vừa làm, vừa kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm, nhất là vấn đề định lượng được các tác động của chính sách này, nhằm đảm bảo tính khách quan và bao quát từ thực tiễn khi triển khai thực hiện.
Đồng tình với ý kiến của các đại biểu về cho phép thí điểm thành lập Khu Thương mại tự do Đà Nẵng, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị cần quan tâm, đặc biệt lưu ý việc thu hồi đất để phục vụ Khu Thương mại tự do này cần phải tính tới lợi ích sống còn của người dân nơi đây, nên áp dụng giá đền bù mới theo Luật Đất đai mới. Do đó, vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, thu hồi đất để thực hiện Khu Thương mại tự do cần được tính toán sao cho phù hợp với điều kiện của TP. Đà Nẵng và thực tiễn của địa phương.
“Khu thương mại tự do Đà Nẵng cần được nghiên cứu, áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất và các ưu đãi khác như khu kinh tế. Áp dụng đồng bộ cơ chế quản lý hải quan và các chính sách đang áp dụng đối với khu phi thuế quan. Việc áp dụng thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng để linh hoạt trong việc điều chỉnh các cơ chế thí điểm thương mại; tạo môi trường kinh doanh tốt hơn trong Khu thương mại tự do; tích lũy kinh nghiệm và các đánh giá cần thiết trong quá trình nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp luật để áp dụng trên toàn quốc”, Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Quân (Long An) đề xuất.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu |
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, việc thí điểm thực hiện Khu thương mại tự do là một mô hình mới nhưng đã được nhiều nước áp dụng thành công. Do đó, cần có khung pháp lý về quản lý Nhà nước đối với mô hình này, có thể áp dụng cho một số địa phương khác với cơ chế phù hợp và giao Chính phủ về thẩm quyền trên một số lĩnh vực trong áp dụng như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất./.
Bình luận