Lời giới thiệu

Sau khi đăng tải bài viết “Công ước UNCLOS 1982 và vấn đề Biển Đông” đăng ngày 04/08/2021 giới thiệu bài nghiên cứu “Probing Vietnam’s Legal Prospects in the South China Sea Dispute” của 3 tác giả người Việt Nam được đăng trên Tạp chí Asia Policy tháng 7/2021, Kinh tế và Dự báo Online nhận được bài cộng tác của ThS Nguyễn Thu Giang, Bộ Ngoại Giao. ThS Nguyễn Thu Giang chia sẻ quan điểm cá nhân, không thể hiện quan điểm nơi tác giả công tác của tác giả, về các loại tranh chấp và cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến Biển Đông. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của ThS Nguyễn Thu Giang đến bạn đọc.

Các loại tranh chấp tại Biển Đông

Mặc dù tranh chấp tại Biển Đông giữa các quốc gia hiện nay diễn ra phức tạp, nhưng cơ bản có thể phân thành bốn loại, gồm: (i) tranh chấp về chủ quyền đối với các thực thể ở Biển Đông; (ii) tranh chấp liên quan tới phân định các vùng biển; (iii) tranh chấp liên quan tới tính hợp pháp của các yêu sách tại Biển Đông và (iv) tranh chấp liên quan tới các hoạt động của các quốc gia vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (Công ước Luật biển 1982),[1] ví dụ tranh chấp liên quan tới hoạt động phi pháp của một quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển khác.

Vài nét về cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến Biển Đông
Tàu tuần tra trên biển

Các loại tranh chấp này mặc dù khác nhau về bản chất, nhưng đều có thể được giải quyết thông qua các biện pháp hoà bình của luật pháp quốc tế, bao gồm: nhóm biện pháp ngoại giao (đàm phán, trung gian, fact finding, hoà giải) và nhóm biện pháp pháp lý (trọng tài và toà án). Nhóm biện pháp ngoại giao sẽ thường là các biện pháp được sử dụng trước tiên do không có kết quả ràng buộc các bên, thủ tục đơn giản (chủ yếu phụ thuộc vào ý chí của các quốc gia). Tuy nhiên, việc sử dụng các biện pháp pháp lý không loại trừ việc sử dụng các biện pháp ngoại giao đồng thời. Tuỳ theo từng loại tranh chấp, các lựa chọn về các biện pháp giải quyết tranh chấp cho các quốc gia sẽ khác nhau.

Tranh chấp về chủ quyền đối với các thực thể tại Biển Đông

Các tranh chấp về chủ quyền đối với các thực thể ở Biển Đông không phải là tranh chấp liên quan tới việc giải thích và áp dụng Công ước Luật biển 1982, vì vậy không được giải quyết theo quy định của Công ước. Luật quốc tế về thụ đắc lãnh thổ điều chỉnh vấn đề chủ quyền lãnh thổ, trong đó có cả các thực thể trên biển và vì vậy sẽ là luật được sử dụng để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia về vấn đề chủ quyền đối với các thực thể ở Biển Đông, ví dụ tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải tất cả các loại thực thể biển đều là đối tượng của thụ đắc lãnh thổ, hay nói cách khác, các quốc gia không thể đặt ra câu hỏi tranh chấp chủ quyền đối với những thực thể không phải là đối tượng của thụ đắc lãnh thổ. Cụ thể các thực thể ngầm (luôn chìm dưới mặt nước biển) hoặc thực thể lúc nổi, lúc chìm (so với mặt nước biển), không phải là đối tượng của thụ đắc lãnh thổ. Ví dụ, bãi ngầm Tư Chính của Việt Nam là một thực thể luôn chìm dưới mặt nước biển, do vậy, không phải là đối tượng của thụ đắc lãnh thổ, các quốc gia không yêu sách chủ quyền đối với thực thể này. Thay vào đó, thực thể này nằm trong vùng biển của quốc gia nào thì bãi ngầm này sẽ thuộc về quốc gia đó. Ở đây, bãi ngầm Tư Chính thuộc thềm lục địa phía Nam của Việt Nam, do vậy thuộc Việt Nam, Trung Quốc không thể đưa ra yêu sách chủ quyền đối với bãi ngầm này. Các thực thể luôn nổi như đảo hoặc đá theo quy định tại Điều 121, Công ước Luật biển 1982 mới là đối tượng của thụ đắc lãnh thổ và là đối tượng của tranh chấp chủ quyền.

Để sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế giải quyết tranh chấp về chủ quyền đối với các thực thể tại Biển Đông, phù hợp với nguyên tắc chấp thuận, các quốc gia liên quan cần ký kết thoả thuận riêng để đưa tranh chấp ra các cơ quan tài phán để xem xét và đưa kết luận về chủ quyền đối với các thực thể theo quy định của luật quốc tế về thụ đắc lãnh thổ. Ví dụ, năm 2003 Malaysia và Singapore đã cùng nhau ký một thoả thuận đặc biệt để sử dụng toà án công lý quốc tế (toà ICJ) để giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với các thực thể Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks và South Ledge tại Biển Đông.

Tranh chấp về phân định biển tại Biển Đông

Công ước Luật biển 1982 quy định, chỉ các tranh chấp liên quan tới việc giải thích hoặc áp dụng Công ước mới có thể áp dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp của Công ước để giải quyết.

Công ước Luật biển 1982 quy định rõ về quyền hưởng các vùng biển của các quốc gia ven biển, bao gồm nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Công ước cũng quy định rõ phạm vi (12 hải lý đối với lãnh hải, 200 hải lý đối với vùng đặc quyền kinh tế và từ 200 hải lý tới hơn 350 hải lý đối với thềm lục địa) và cách thức xác định các vùng biển này (tính từ đường cơ sở). Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, khi hai quốc gia có bờ biển tiếp liền hoặc đối diện có vùng biển không đủ rộng để mỗi quốc gia ven biển xác định được các vùng biển với phạm vi như Công ước quy định, thì tại khu vực đó xuất hiện vùng chồng lấn giữa các quốc gia. Ví dụ, khoảng cách giữa bờ biển miền Trung Việt Nam và bờ biển đảo Hải Nam của Trung Quốc nhỏ hơn 400 hải lý, nên mỗi nước không thể xác định được vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, khi đó tại vùng biển này xuất hiện sự chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước. Khi xuất hiện sự chồng lấn các vùng biển được xác định phù hợp theo Công ước Luật biển 1982, các nước cần phải tiến hành giải quyết tranh chấp để phân định được vùng biển mà mỗi bên được hưởng là bao nhiêu.

Công ước Luật biển 1982 quy định, chỉ các tranh chấp liên quan tới việc giải thích hoặc áp dụng Công ước mới có thể áp dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp của Công ước để giải quyết. Các tranh chấp liên quan tới phân định các vùng biển là tranh chấp liên quan tới việc giải thích và áp dụng Công ước Luật biển 1982 do Công ước quy định cụ thể về việc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tại các Điều 15, 74, 83. Do vậy, loại tranh chấp này có thể sử dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp đã được Công ước quy định tại Phần XV.

Phần XV, Công ước Luật biển 1982 quy định cụ thể về việc sử dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp, trong đó có việc sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế. Một trong những yêu cầu quan trọng để thủ tục này có thể được sử dụng là một trong các bên tranh chấp không đưa ra Tuyên bố loại trừ việc sử dụng biện pháp pháp lý bắt buộc đối với các tranh chấp về phân định biển theo Điều 298. Điều này có nghĩa là, nếu một quốc gia ven biển đưa ra tuyên bố loại trừ thẩm quyền của các cơ quan tài phán quốc tế (toà ICJ, toà án quốc tế về luật biển-toà ITLOS, toà trọng thành thành lập theo Phụ lục VII của Công ước và toà trọng tài đặc biệt theo Phụ lục VIII của Công ước) theo Điều 298 thì các biện pháp pháp lý dẫn tới kết quả ràng buộc các bên tranh chấp được đề cập tại Mục 2, Phần XV của Công ước không thể được sử dụng. Ví dụ, Trung Quốc[2] và Ma-lai-xi-a[3] là hai nước ven Biển Đông đã ra Tuyên bố theo Điều 298 của Công ước để loại trừ việc sử dụng các biện pháp pháp lý bắt buộc đối với các tranh chấp về phân định biển. Điều này có nghĩa là bất kỳ quốc gia nào có tranh chấp về phân định biển với Trung Quốc hoặc Malaysia cũng không thể sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế theo quy định tại Phần XV của Công ước để giải quyết tranh chấp.

Tranh chấp liên quan tới tính hợp pháp của các yêu sách tại Biển Đông và tranh chấp liên quan đến các hoạt động vi phạm Công ước Luật biển 1982

Các tranh chấp liên quan tới tính hợp pháp của các yêu sách tại Biển Đông và tranh chấp liên quan đến các hoạt động vi phạm Công ước Luật biển 1982 cũng là tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước. Các thành viên của Công ước có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp theo các cơ chế đã được quy định sẵn tại Phần XV, Công ước và không được phép đưa ra tuyên bố loại trừ như đối với các tranh chấp liên quan tới phân định biển. Khi các tranh chấp thuộc hai nhóm này phát sinh, các bên tranh chấp có nghĩa vụ nhanh chóng trao đổi quan điểm về cách thức giải quyết tranh chấp.[4] Nếu việc trao đổi quan điểm không mang lại kết quả, một bên tranh chấp có thể đơn phương đưa tranh chấp ra giải quyết tại một trong bốn cơ quan tài phán quốc tế mà Công ước Luật biển 1982 đã trù định gồm: toà ICJ, toà ITLOS, toà trọng thành thành lập theo Phụ lục VII của Công ước và toà trọng tài đặc biệt theo Phụ lục VIII của Công ước.[5] Công ước cho phép các bên lựa chọn một trong bốn cơ quan tài phán nêu trên để giải quyết tranh chấp. Nếu hai bên chưa lựa chọn hoặc không cùng lựa chọn một trong bốn cơ quan tài phán nêu trên, toà trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước sẽ là cơ quan mặc định giải quyết tranh chấp giữa hai bên.[6] Ví dụ như đối với tranh chấp Philippines đã đệ trình liên quan tới yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc tại Biển Đông năm 2013, Toà trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước là cơ quan giải quyết tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc.

Như vậy, đối với bốn loại tranh chấp tại Biển Đông, chỉ có tranh chấp về chủ quyền đối với các thực thể là không thể sử dụng các biện pháp đã được quy định sẵn tại Công ước Luật biển 1982 để giải quyết. Đối với các loại tranh chấp còn lại về phân định biển, yêu sách không phù hợp với Công ước và các hoạt động vi phạm Công ước, các biện pháp giải quyết tranh chấp, bao gồm cả nhóm biện pháp ngoại giao và pháp lý đều có thể vận dụng, tuỳ theo loại tranh chấp là gì và chủ thể tranh chấp là quốc gia nào.

Chú thích

[1] Công ước Luật biển 1982 là một văn bản pháp lý quốc tế, được coi là Hiến pháp về biển điều chỉnh tất cả các hoạt động tại các vùng biển và đại dương. Hiện Công ước Luật biển có 168 quốc gia là thành viên, trong đó bao gồm tất cả các quốc gia ven Biển Đông.

[2] Tuyên bố ngày 25/8/2009 của Trung Quốc, trang mạng United Nations Treaty Collection, treaties.un.org, truy cập ngày 18/11/2020.

[3] Tuyên bố ngày 26/8/2019 của Malaysia, trang mạng United Nations Treaty Collection, treaties.un.org, truy cập ngày 18/11/2020.

[4] Công ước Luật biển, Điều 283.

[5] Công ước Luật Biển, Điều 287(1).

[6] Công ước Luật biển, Điều 287(3)(5).

Công ước UNCLOS 1982 và vấn đề Biển Đông Công ước UNCLOS 1982 và vấn đề Biển Đông

Cuối tháng 7/2021, Tạp chí Asia Policy, thuộc Nhà xuất bản The National Bureau of Asian Research đã xuất bản bài nghiên cứu “Probing Vietnam’s ...

"Đánh thức con rồng xanh" định hình những giá trị và đề xuất giải pháp "gọi rồng xanh thức giấc"
Sinh hoạt khoa học VIASM HANU mang BMF Analytics đến với KHXH&NV
Thống kê thương vong trong thiên nhiên
Kiel – Thành phố đầu tiên của Đức nhận chứng nhận Không Rác thải
Mùa hè 2023 ghi nhận nắng nóng lịch sử và thiên tai trên khắp thế giới
Tác động của đồng tiền “bác ái” đối với nghị sự nghiên cứu bảo vệ môi sinh
Thợ săn cá voi tại Iceland: “Tôi cần được ghi công vì giảm phát thải CO2”
Xem thêm

Mới nhất / Đọc nhiều

hoi thao khoa hoc quoc gia thuc day tang truong xanh huong toi phat trien ben vung
doi moi sang tao ket noi chinh sach voi doanh nghiep viet nam