Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, người chiến sĩ tiên phong, mẫu mực của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người là bản anh hùng ca về chủ nghĩa yêu nước, tinh thần tận tụy, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, vì hòa bình, phát triển và tiến bộ nhân loại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy diêm Thống Nhất (năm 1956)
Tư tưởng của Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế
Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh nước mất, nhà tan, trải qua bao nỗi đắng cay, khổ cực của người dân nô lệ, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) sớm có tư tưởng yêu nước, thương dân, Người nung nấu ý chí tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của chế độ thực dân, phong kiến, giành độc lập tự do cho dân tộc và xây dựng một xã hội mới, đem đến cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân.
Trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cứu nước, lãnh đạo Nhân dân ta vùng lên làm cách mạng thành công. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đã phá tan gông xiềng nô lệ hơn 80 năm của chế độ thực dân, xóa bỏ chế độ phong kiến kéo dài hàng ngàn năm trên đất nước ta, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: “Kỷ nguyên độc lập, tự do của Tổ quốc, kỷ nguyên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”[1].
Mặc dù cách mạng đã giành được thắng lợi, nhưng đời sống nhân dân vẫn vô cùng khó khăn, nền kinh tế kiệt quệ, ngân khố trống rống; hàng triệu đồng bào ở miền Bắc bị chết đói, trong lúc đó quân Pháp nổ súng tấn công Nam Bộ. Đất nước trong tình thế như “ngàn cân treo sợi tóc”, cùng một lúc nhân dân ta phải chống ba thứ giặc: “Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”, chúng âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân, xóa bỏ thành quả cách mạng. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Nước độc lập mà dân không được hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẵng có nghĩa lý gì!”[2]. Cho nên, ngay phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (ngày 03/09/1945), dưới sự chủ trì của Người, Chính phủ đã đưa ra những nhiệm vụ cấp bách cần phải giải quyết. Trước tiên là phát động phong trào tăng gia sản xuất, giải quyết nạn đói; phát động phong trào quyên góp lương thực, ủng hộ người nghèo cứu đói; tổ chức “tuần lễ vàng”, vận động nhân dân ủng hộ chính phủ, góp tiền, vàng cho ngân quỹ quốc gia. Chủ trương của Chính phủ đã được các ngành, các giới và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia ủng hộ, chỉ trong thời gian ngắn, đã cơ bản giải quyết được nạn đói; trong ngân khố đã có hàng chục cân vàng, giúp Chính phủ duy trì, điều hành hoạt động.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (tháng 12/1946), thực hiện đường lối, “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm chỉ đạo: “Động viên kinh tế”, trong đó chỉ rõ mối quan hệ giữa kháng chiến và kiến quốc, nhất là vai trò đặc biệt quan trọng của kinh tế. Người chỉ rõ, phải quan tâm phát triển kinh tế nhằm: “Làm cho nước giàu, dân mạnh - Nền thực nghiệp nước ta vốn lạc hậu. Chúng ta đặt kế hoạch cụ thể để phát triển nền thực nghiệp ấy mới có thể cung cấp đủ quân nhu, lương thực cho cuộc kháng chiến lâu dài”[3]. Nhờ có đường lối đúng đắn, công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã giành thắng lợi hoàn toàn.
Hòa bình lập lại ở miền Bắc (tháng 07/1954), trong khi miền Nam vẫn dưới sự cai trị của chính quyền thân thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đảng ta xác định, nhiệm vụ của miền Bắc là quá độ lên chủ nghĩa xã hội; miền Nam tiếp tục sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến tới thống nhất đất nước. Xuất phát từ điều kiện lịch sử cụ thể, Hồ Chí Minh chỉ ra đặc điểm, kinh tế - xã hội nước ta, một nước nông nghiệp lạc hậu, cơ sở vật chất kinh tế - xã hội yếu kém, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa để tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội. Đây là một nhiệm vụ mới mẻ, chưa hề có tiền lệ trong lịch sử. Do đó, trong thời kỳ quá độ, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng nhất, là khôi phục, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Người đã chỉ rõ, “...chúng ta phải cải tạo nền kinh tế cũ và xây dựng nền kinh tế mới, mà xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài”. Theo Người, trong thời kỳ quá độ, còn tồn tại nhiều thành phần kinh tế, gồm: Kinh tế quốc doanh; Các hợp tác xã; Kinh tế của cá nhân; Tư bản của tư nhân; Tư bản của Nhà nước. Phải phát triển các thành phần kinh tế, trong đó ưu tiên phát triển kinh tế quốc doanh để tạo nền tảng cho kinh tế xã hội chủ nghĩa; khuyến khích kinh tế hợp tác xã với các hình thức đa dạng, nhấn mạnh các nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi và quản lý dân chủ, Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất cho họ, hướng dẫn và giúp đỡ họ cải tiến cách làm ăn. Đối với các nhà công thương, họ đã tham gia ủng hộ cách mạng dân tộc dân chủ, thì sẵn sàng cải tạo, hướng họ hợp doanh với Nhà nước để góp phần xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, không xóa bỏ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và của cải khác của họ, hướng dẫn họ phục vụ cho quốc kế dân sinh, phù hợp với kế hoạch Nhà nước.
Về cơ cấu kinh tế, tuy nước ta là nước nông nghiệp, nhưng quan điểm của Hồ Chí Minh là phải xây dựng nền kinh tế công nông nghiệp hiện đại; công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là mục tiêu phấn đấu chung, là con đường no ấm thực sự của Nhân dân ta.
Về hình thức sở hữu tư liệu sản xuất, Hồ Chí Minh chủ trương chỉ đạo xây dựng nền kinh tế - xã hội chủ nghĩa, tạo lập trên cơ sở chế độ sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất. Tuy nhiên, ở thời kỳ quá độ, Hồ Chí Minh chỉ rõ, nền kinh tế đó còn tồn tại 4 hình thức sở hữu chính: “sở hữu nhà nước; sở hữu tập thể; sở hữu tư nhân và sở hữu của nhà tư bản”, từng bước tập trung phát triển chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể. Hồ Chí Minh chỉ đạo, cùng với phát triển kinh tế, phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất, đi đôi với thực hành tiết kiệm trong sản xuất, trong tiêu dùng, tiết kiệm vật tư, thời gian, sức lao động. Đồng thời, phải chống tham ô, lãng phí, quan liêu là những “giặc nội xâm”, đồng minh với giặc ngoại xâm. Người nói: “Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là con đường đi đến xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, xây dựng hạnh phúc cho nhân dân”.
Dưới sự chỉ đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, miền Bắc đã hoàn thành vượt chỉ tiêu, kế hoạch 2 năm (1957-1958) về khôi phục, cải tạo kinh tế. Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ III (tháng 09/1960) đã đề ra “Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất” phát triển kinh tế - xã hội, nhưng rất tiếc kế hoạch này không thực hiện được, vì từ tháng 08/1964, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân, đánh phá miền Bắc. Mặc dù phải tập trung toàn bộ trí lực chỉ đạo toàn dân, toàn quân ta nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn quan tâm đến nhiệm vụ xây dựng phát triển kinh tế của đất nước. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn lại: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”[4].
Mùa Xuân 1975, với thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến ngày thắng lợi ta sẽ: “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”; Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy lý luận và đổi mới kinh tế. Trên nền tảng tư tưởng Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với sự nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng, toàn dân ta, sau 35 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được “những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử”. Những thành tựu đổi mới được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục, đối ngoại và an ninh - quốc phòng.
Đặc biệt, trên lĩnh vực kinh tế: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta từng bước được hình thành và phát triển. Việt Nam đã nâng cao thế và lực, sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế, trở thành mô hình phát triển kinh tế xã hội được quốc tế thừa nhận và đánh giá cao. Chế độ sở hữu, các thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp phát triển đa dạng. Các quyền và nghĩa vụ về tài sản được thể chế hóa tương đối đầy đủ. Hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên. Đã chuyển đổi thành công nền kinh tế kế hoạch hóa, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; chuyển dịch nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, sang nền kinh tế nhiều thành phần sở hữu, với cơ cấu kinh tế đa ngành: công - nông nghiệp, dịch vụ, thương mại... Từ chỗ thu nhập GDP bình quân 70USD/người (năm 1986), đã tăng nhanh chóng, đến năm 2019 thu nhập đã tăng lên 3000 USD/người; từ một nước không đủ lương thực và hàng tiêu dùng phục vụ cho nhu cầu trong nước, đến nay trở thành một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê và nhiều mặt hàng nông, lâm nghiệp, hàng tiêu dùng, hàng may mặc, da giày...
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, chưa bền vững, năng suất lao động thấp, có nguy cơ tụt hậu về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Đảng ta nhận định, nguyên nhân là do: “...nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn chưa đủ rõ, nhất là về kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước”; “chưa nhận thức đầy đủ và xử lý tốt quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường”[5]. Việc quán triệt, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu thiếu quyết liệt, hiệu quả thấp và chưa nghiêm. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhiều chủ trương, chính sách điều tiết kinh tế - xã hội chưa được thực hiện tốt, làm nảy sinh bất bình đẳng, gây mâu thuẫn xã hội; khoảng cách phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng; công tác xóa đói, giảm nghèo còn chưa đồng đều giữa các vùng, miền; phát triển kinh tế chưa bền vững. Mặt khác, hiệu quả hoạt động của các chủ thể kinh tế, các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế còn nhiều hạn chế; “Việc tiếp cận một số nguồn lực xã hội chưa bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế. Cải cách hành chính còn chậm. Môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, mức độ minh bạch, ổn định chưa cao. Quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ. Quyền sở hữu tài sản chưa được bảo đảm thực thi nghiêm minh”[6].
Vận dụng tư tưởng của Người trong bối cảnh hiện nay
Trong bối cảnh hiện nay, dự báo xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, yêu cầu đặt ra là phải nhanh chóng nắm bắt, thích ứng với nguyên tắc, quy luật vận hành của nền kinh tế thị trường, toàn cầu hóa. Việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách phát triển kinh tế theo nguyên tắc bình đẳng giữa các thành phần kinh tế là vấn đề hết sức quan trọng, tạo tiền đề cho việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực phù hợp hơn với cơ chế thị trường, phát triển đất nước. Hoạch định các cơ chế, chính sách kinh tế cần chú trọng kết hợp giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, tạo cơ hội cho người dân tham gia và nhận được thành quả từ quá trình phát triển kinh tế. Đồng thời, phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, hoạt động của Nhà nước cho phù hợp hơn với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế trong tình hình mới, một mặt cần nghiên cứu, rút ra bài học từ lý luận và thực tiễn của công cuộc đổi mới, để điều chỉnh, bổ sung, từng bước hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường. Trong đó, cần nhanh chóng tập trung xây dựng hệ tiêu chí cụ thể trên từng lĩnh vực của nền kinh tế, như: tiêu chí về sở hữu, về các thành phần kinh tế; tiêu chí về tổ chức quản lý, điều tiết nền kinh tế; tiêu chí về cơ chế huy động, phân phối nguồn lực và phân phối kết quả hoạt động kinh tế; tiêu chí về các yếu tố thị trường, các loại thị trường; tiêu chí về các yếu tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường; tiêu chí về hội nhập kinh tế quốc tế. Cần chú ý những tiêu chí cụ thể về mức độ can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế; tự do hóa thương mại và gia nhập thị trường; về bảo đảm tính minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền, mức độ tự do kinh tế, môi trường kinh doanh và hoạt động của các doanh nghiệp.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, với vai trò “Đảng là người lãnh đạo”, là linh hồn của công cuộc đổi mới, để xứng đáng là Đảng cầm quyền, phải chú trọng công tác xây dựng Đảng, trong đó trọng tâm là xây dựng Đảng về đạo đức; tăng cường đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu, chống lợi ích nhóm, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, tức là chống “giặc nội xâm”[7]; tăng cường và có biện pháp, cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng và trong hệ thống bộ máy công quyền. Cần tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, kiểm soát, song song với việc giám sát thực thi điều lệ và các quy định của Đảng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và trong quản lý xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, phát triển kinh tế phải đi đôi với nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện công bằng xã hội. Thực hiện lời dạy của Người, mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải tiếp tục phát huy trí tuệ, sức lực và tinh thần phục vụ nhân dân, thể hiện trên từng vị trí công tác của mình, đoàn kết chặt chẽ, triển khai thực hiện sáng tạo, hiệu quả chủ trương, đường lối chính sách phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước; tích cực tham gia đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái trong nội bộ Đảng. Cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu, bằng việc nêu gương, trước hết là nêu gương về tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, gương mẫu đi đầu trong công việc; hoàn thành nhiệm vụ, nói đi đôi với làm, thường xuyên học tập nâng cao trình độ bản thân; kiên quyết chống các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, tích cực tham gia đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, chống tham ô, tham nhũng... củng cố niềm tin giữa Đảng với dân. Đó là cơ sở để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người đi xa: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”[8]; thiết thực góp phần: “...xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, theo di nguyện của Người./.
PGS, TS. Trần Minh Trưởng
Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 14/2020
Tài liệu tham khảo
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII (2017). Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, ngày 03/6/2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước
2. Hội đồng xuất bản Hồ Chí Minh toàn tập Lần thứ Ba (2011). Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia
3. Hội đồng xuất bản Hồ Chí Minh toàn tập Lần thứ Ba (2011). Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb.Chính trị Quốc gia
4. Hội đồng xuất bản Hồ Chí Minh toàn tập Lần thứ Ba (2011). Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị Quốc gia
[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb.Chính trị Quốc gia, H.2011, trang 630.
3Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, trang 3.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia. H.2011, trang 64.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, trang 530.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, sđd, trang 623.
[5] [5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa XII), tháng 06/2017.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5, tháng 06/2017.
[7]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, trang 357-358.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập15, tr.624.
Bình luận