Phân tích những lý do khiến võ cổ truyền thường xuyên thất thủ trước những môn võ hiện đại, võ sư Long Phi Thanh (tên thật Phạm Văn Thanh), người sáng lập võ phái Long Phi Thanh, cho rằng có rất nhiều yếu tố ưu nhược cần được cân nhắc.

Đầu tiên phải xét về thể trạng của các võ sĩ tham gia những trận thách đấu thường có chênh lệch rất lớn. Hầu hết những người đứng ra đại diện các phái võ cổ truyền đều là những võ sư có tuổi. Thấp bé hơn về chiều cao và cân nặng dẫn tới thể lực không đảm bảo để có thể chiến đấu ngang sức với các võ sĩ trẻ tuổi, cao to hơn. Các võ sư cổ truyền cũng thường tự mãn về môn võ lâu đời của mình, không nghiên cứu kỹ đối phương trước khi lâm trận, thiếu tính toán về chiến thuật chiến đấu phù hợp cho các hiệp đấu đối kháng. Đôi khi vì tuổi cao sức yếu nhưng lại cố chấp không tiếp thu ý kiến cố vấn, tự tin thái quá vào khả năng của bản thân dẫn tới khinh địch và thất bại chứ không phải vì môn võ không có tính thực chiến.


Võ sư Long Phi Thanh và võ sinh

Bên cạnh đó, nguồn gốc một số môn võ được hình thành do nhu cầu luyện công, dưỡng lão; một số môn võ thì được hình thành với tôn chỉ ban đầu là phòng vệ. Các động tác và tư thế không dứt khoát, dẫn đến đòn đánh không thể phát hết lực. Đôi khi cũng vì nhiều đòn thế chỉ mang tính biểu diễn bay bổng đẹp mắt nhưng phi thực tế mà dẫn tới ảo giác về sức mạnh bản thân. Đến khi lên võ đài thì những đòn thế được đánh ra khiến cho người xem có cảm giác như múa tay múa chân chứ không thấy lực đánh. Các loại võ "sân khấu" như vậy thường có bộ pháp không vững, dễ bị mất trụ nếu nhận phải đòn phang ống, quét trụ vào ống quyển.

Nói về kinh nghiệm chiến đấu thì võ sư Long Phi Thanh cho rằng các loại võ hiện đại có ưu thế vì thường xuyên thực chiến, song đấu trên võ đài. Chỉ có thực tiễn trên đấu trường mới có thể kiểm nghiệm những gì mình đã học được, mới có thể không ngừng uốn nắn, hoàn thiện bản thân. Kinh nghiệm thực chiến giúp võ sĩ tiếp thu, nâng cao thế mạnh hoặc loại bỏ nhừng đòn dở, rườm rà. Nếu các võ sinh chỉ tập võ với mộc nhân mà không tập đối kháng, hoặc chỉ đấu với nhau trong võ phái để tôn vinh, ca ngợi đòn thế của mình thì sẽ không nâng cấp được bản thân. Tệ hơn, khi tập luyện với bạn bè thì sẽ không dám ra hết lực vì sợ triệt hạ đồng môn. Điều đó khiến người tập có thói quen không dụng lực khi ra đòn, tới khi vào thực chiến thì thói quen đó làm mình không đánh hết lực. Trong một số trường hợp chưa quen với không khí sàn đấu có thể dẫn đến loạn đả. Quên hết các tuyệt kỹ của môn phái, không kiểm soát được bản thân, không ra đòn hiệu quả, đánh lung tung vì bị áp lực từ phía khán giả xung quanh võ đài.

Tác động của thức ăn không đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của cơ bắp cũng là một vấn đề với người luyện võ cổ truyền. Các môn phái có liên quan tới tôn giáo, tu tập thường cấm võ sinh ăn thịt cá. Dẫn tới cơ thể bị thiếu sắt, can xi, và nhiều dưỡng chất cần thiết cho việc phát triển cơ bắp, do đó không thể phát huy được toàn bộ lực đánh. Trong khi đó, võ hiện đại được nghiên cứu khoa học từ chất lượng ăn uống đầy đủ tới các đòn đánh được cân đo đong đếm với kỹ thuật tiến bộ phù hợp với việc đấu đài hơn. Việc tu tập khí công, thiền định cũng hướng người tập đến việc thả lỏng cơ bắp, dẫn đến cơ thể không đủ rắn chắc, khiến đòn thế thiếu tốc độ và sức mạnh. Không thể đem môn võ dùng để tu tập đánh với môn võ được nghiên cứu kỹ lưỡng cho việc đánh nhau hạ gục đối phương được. Đem môn thể thao luyện công, tập dưỡng sinh để đánh đối kháng là phi thực tế. Cho nên, đem cái không thực tế áp dụng vào thực tế chắc chắn thất bại.

Ngoài ra yếu tố truyền thông cũng cần phải được cân nhắc khi nói về sự thất thế của võ cổ truyền. Chính một người được truyền thông ca tụng là đệ nhất võ sư Vịnh Xuân Quyền như Chân Tử Đan cũng phải cho rằng những danh xưng không có ý nghĩa gì trên sàn đấu. Anh thừa nhận mình chỉ là một võ sĩ nghiệp dư, còn nghề nghiệp chính của anh là làm phim. Tính thực chiến và tính biểu diễn là hoàn toàn khác nhau nhưng dễ dẫn tới lầm tưởng. "Một đường quyền chỉ là một đường quyền nhưng truyện kiếm hiệp lại thần thánh hóa nó lên", Chân Tử Đan từng nhận xét.

Võ sư Long Phi Thanh nhận xét rằng các phim võ thuật thường có những cảnh gây hưng phấn như một người chống lại nhiều người. Nhưng thực tế thì "hai đánh một không chột cũng què". Nếu cứ mang suy nghĩ trong phim ra đời thật thì không thể đánh đối kháng trên võ đài được. Các môn võ có tính khoa học hiện đại không bao giờ huấn luyện võ sinh những phương pháp phi thực tế như vậy. Tác động quảng bá của phim ảnh là vô cùng to lớn nhưng cũng làm sai lệch kiến thức thực tế. Việc được tung hô bằng những từ ngữ phi thường khiến cho nhiều môn phái bị lu mờ, chìm đắm trong ảo tưởng.

Công chúng thường thấy những cuộc biểu diễn thi triển nội lực như bị hai ngọn thương đâm vào cổ họng, dùng tay đập vỡ bê tông, thiết đầu công... Tuy nhiên nếu không sử dụng các thủ thuật thì muốn vận công cũng phải đứng tại chổ, còn trong thực chiến thì phải di chuyển nên không thể vận công dồn khí ưỡn ngực đón đòn của đối thủ được. Thực tế cho thấy khi vào trận thì võ hiện đại thường ưu tiên nhập nội, áp sát đối phương chứ không thể đứng quá xa để tung ra những thế võ như trên phim ảnh.

Các trường phái võ thuật hiện đại đều coi trọng lối đánh đơn giản và thực dụng, "quý hồ tinh bất quý hồ đa" với mục đích hạ đo ván đối thủ nhanh nhất có thể. Trong khi võ thuật truyền thống Trung Quốc hiện tại lại chuyển sang tập trung vào quyền cước, chiêu thức đẹp mắt. Lý Tiểu Long từng nói: "Tôi không sợ người luyện tập 10.000 cú đá chỉ một lần mà chỉ sợ người thực hành một cú đá 10.000 lần". Tức là ông không sợ những người biết nhiều chiêu thức võ học mà chỉ lo lắng khi đối diện với những đối thủ dành tất cả thời gian để rèn luyện một đòn thế đến mức thượng thừa. Việc thành thạo một kỹ thuật bao giờ cũng quan trọng hơn so với tập nhiều kỹ thuật mà hời hợt. Chính Lý Tiểu Long là người đã tiên phong lược bỏ qua những chiêu thức biểu diễn mà ông cảm thấy rườm rà, không cần thiết để hướng đến tính ứng dụng thực tiễn.

Lấy ví dụ từ chính võ phái do mình sáng lập, võ sư Long Phi Thanh cho rằng võ thuật hiện đại dựa trên những nghiên cứu khoa học, rút tỉa những tinh hoa của các môn võ truyền thống để trở nên phù hợp nhất với những yếu tố trong một trận đấu đài. Các đấu sĩ phải thường xuyến tập luyện đối kháng với những kỹ thuật đòn thế phù hợp nhất cho thể trạng của mình. Đồng thời trước những trận đấu thì các võ sĩ cũng nghiên cứu kỹ về đối thủ của mình, tuỳ theo đối thủ thế nào thì có đối pháp thế ấy để phù hợp cho trận đấu.


Võ sư Long Phi Thanh hướng dẫn võ sinh các tư thế thực chiến

Võ phái Long Phi Thanh được hình thành từ võ Long Hổ Hội nổi tiếng thực chiến, tiếp thu tinh hoa của võ cổ truyền với những đòn đánh có khả năng hạ gục đối phương trong tích tắc. Những cao thủ của Long Hổ Hội đã trở thành huyền thoại như võ sĩ Long Mouse (Đới Văn Quý), chỉ với 1 đòn chỏ lật đã hạ gục đại võ sư Kinh Kha; võ sĩ Tôn Ngọc Lực luyện hàng ngàn lần đòn double rờ-ve trong một buổi tập, võ sĩ Hải Huỳnh từng vô địch 6 tỉnh miền Trung nhiều năm liền. Các đòn thế của Long Phi Thanh được tinh giản tối đa giúp võ sĩ hình thành một phản xạ có điều kiện với những chuỗi đòn thể có hệ thống mang tính triệt hạ cao nhất. Ngay khi lâm trận thì người tập võ Long Phi Thanh sẽ lập tức thi triển một combo đòn như được lập trình sẵn để có thể hạ gục đối thủ trong thời gian nhanh nhất mà vẫn bảo toàn được thể lực.

Võ thuật phải có cổ truyền mới trở thành hiện đại. Võ xưa đã tích luỹ từ kinh nghiệm chiến đấu sinh tử để bảo vệ mạng sống, bảo vệ đất nước. Trong thực tế chiến trận thì chỉ trong vòng 2 phút là phân định thắng thua, ta sống địch chết hoặc ngược lại. Khi bị tấn công thì phải tấn công lại, đánh trong lúc bị đánh... không thể nương tay với kẻ thù. Các thế võ hiểm hóc, mang tính sát thương cao, luôn nhắm vào những yếu điểm để có thể triệt tiêu đối phương càng sớm càng tốt. Do đó khó mà lên đài đánh theo luật như hiện nay được, nhưng áp dụng trong chiến tranh thì rất hiệu quả. "Với lịch sử hàng ngàn năm, trải qua hàng loạt cuộc chiến lớn nhỏ thì tính chiến đấu của võ cổ truyền Việt Nam phải rất cao mới giúp ông cha ta bảo vệ đất nước vẹn toàn đến hôm nay được", võ sư Long Phi Thanh kết luận.