Vĩnh Phúc tăng cường kết nối thu hút nhà đầu tư Nhật Bản hợp tác và phát triển
Tham dự Hội nghị có 700 đại biểu dự trực tiếp và trực tuyến với các điểm cầu từ Việt Nam và từ Nhật Bản. Đây là sự kiện trọng điểm trong khuôn khổ thực hiện Chương trình Đối ngoại và Xúc tiến đầu tư năm 2022 của tỉnh Vĩnh Phúc; hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (21/9/1973 – 21/9/2023), nhằm tăng cường kết nối, thúc đẩy các hoạt động hợp tác hữu nghị, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch giữa tỉnh Vĩnh Phúc và các địa phương, đối tác, nhà đầu tư của Nhật Bản, tạo cơ hội hợp tác phát triển cho các nhà đầu tư Nhật Bản và Việt Nam.
Hội nghị “Vĩnh Phúc trong kết nối hợp tác và phát triển Việt Nam - Nhật Bản” năm 2022 |
Hội nghị là cơ hội để tỉnh Vĩnh Phúc cùng các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp của Nhật Bản và Việt Nam tìm kiếm cơ hội kết nối hợp tác cùng phát triển; góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hoà bình và thịnh vượng giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản.
Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã có bài phát biểu về các vấn đề mang tính định hướng: Tăng cường ngoại giao kinh tế, hợp tác hữu nghị với các địa phương Nhật Bản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc; quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng; cơ hội, mở rộng đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và Vĩnh Phúc...
Phát biểu chào mừng và khai mạc Hội nghị, bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhấn mạnh trong tiến trình phát triển, Vĩnh Phúc luôn xem các địa phương và doanh nghiệp Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu, trụ cột trong chiến lược hội nhập quốc tế của tỉnh. Vĩnh Phúc đã thiết lập và có lịch sử 27 năm mối quan hệ hợp tác với các địa phương ở Nhật Bản từ năm 1995, tiếp tục có quan hệ hợp tác hữu nghị chính thức với tỉnh Akita từ năm 2015; với tỉnh Tochigi, Nhật Bản từ tháng 12 năm 2021. Khi Tập đoàn Toyota và Tập đoàn Honda Nhật Bản đầu tư vào Vĩnh Phúc đã góp phần thiết lập nền móng vững chắc và phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác giữa Vĩnh Phúc và Nhật Bản. Từ hợp tác về kinh tế cho đến nay phạm vi hợp tác đã mở rộng trên nhiều lĩnh vực và ngày càng phát triển tốt đẹp.
Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu khai mạc Hội nghị |
Bà Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, tính đến hết tháng 5/2022 trên địa bàn tỉnh đã có 435 dự án FDI đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,33 tỷ USD. Trong đó Nhật Bản có 58 dự án, tổng vốn đăng ký là 1,62 tỷ USD. Nhật Bản luôn đứng đầu về tỷ lệ và số vốn thực hiện, hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như đóng góp vào ngân sách tỉnh.
"Tỉnh Vĩnh Phúc luôn tin tưởng và đánh giá rất cao về chất lượng và hiệu quả từ các dự án của Nhật Bản. Các dự án đầu tư trực tiếp (FDI) và các dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản tại Vĩnh Phúc những năm qua đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là nền tảng xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa Vĩnh Phúc và Nhật Bản. Quan điểm của tỉnh Vĩnh Phúc là “Các nhà đầu tư đầu tư tại Vĩnh Phúc là công dân của tỉnh, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”, do vậy tỉnh sẽ luôn đặc biệt quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất về các chính sách hỗ trợ, thu hút cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng được thành công khi đầu tư tại Vĩnh Phúc", Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc khẳng định.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan cam kết, địa phương sẽ tiếp tục nỗ lực trong giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp Nhật Bản và luôn chào đón các doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Vĩnh Phúc là địa phương có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, môi trường đầu tư thuận lợi, người dân Vĩnh Phúc có truyền thống chịu khó, nên rất xứng đáng là đối tác tin cậy của các doanh nghiệp Nhật Bản |
Đánh giá cao mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam ngày phát triển sâu rộng, tốt đẹp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được tình cảm từ người bạn như Nhật Bản. "Trong thời gian tới, Việt Nam kỳ vọng hợp tác với Nhật Bản trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường... quan hệ hợp tác giữa hai bên sẽ tiếp tục phát triển lên tầm cao mới. Vĩnh Phúc là địa phương có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, môi trường đầu tư thuận lợi, người dân Vĩnh Phúc có truyền thống chịu khó, nên rất xứng đáng là đối tác tin cậy của các doanh nghiệp Nhật Bản”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn bày tỏ.
Về phần mình, ông Yamada Taikio, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của hội nghị, là cơ hội rất đúng thời điểm để quảng bá môi trường kinh doanh hợp tác đối tác tại Vĩnh Phúc. Theo Đại sứ Nhật Bản, Vĩnh Phúc đã phát huy được các lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng thế mạnh từ thiên nhiên ưu đãi, tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư, nên cũng là địa phương thành công nhất trong việc thu hút đầu tư từ Nhật Bản, được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản xem là môi trường đầu tư lý tưởng của họ. "Trong thời gian tới các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục đầu tư đến địa phương, với các lĩnh vực đầu tư phát triển thân thiện, bảo vệ môi trường", ông Yamada Taikio nhấn mạnh.
Cũng tại Hội nghị, các phiên thảo luận cũng được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với các diễn giả là Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc; Thống đốc tỉnh Akita và tỉnh Tochigi, Nhật Bản; Lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện VCCI; Trưởng đại diện Tổ chức JETRO; đại diện một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đã và đang đầu tư tại Vĩnh Phúc, như: Sumitomo, Sojitz, Toyota, Honda....
Đánh giá về thế mạnh và tiềm năng của Vĩnh Phúc, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, Vĩnh Phúc có cả lợi thế cứng và lợi thế mềm. Đó là thế mạnh về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng thuận lợi, dân số trẻ với 55% nguồn lao động đã qua đào tạo. Đặc biệt, Vĩnh Phúc còn thu hút nhà đầu tư bởi là một địa phương luôn đi đầu trong cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tích cực hỗ trợ nhà đầu tư từ lúc triển khai dự án và xuyên suốt quá trình hoạt động của dự án, làm tốt vai trò đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư trong toàn bộ quá trình trước, trong và sau cấp phép đầu tư cũng như trong quá trình doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa phương. "Đó là những yếu tố rất quan trọng làm nên sự khác biệt, giúp Vĩnh Phúc luôn hấp dẫn được các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng", Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận xét.
Cũng tại phiên thảo luận, cùng với trao đổi về cơ hội và tiềm năng, thế mạnh của Vĩnh Phúc trong tăng cường hội nhập quốc tế, đẩy mạnh kinh tế đối ngoại, tiềm năng, lợi thế đầu tư và đồng hành cùng doanh nghiệp; nhu cầu và định hướng hợp tác giữa tỉnh Vĩnh Phúc với các tỉnh Akita và Tochigi, Nhật Bản, các diễn giả cũng đánh giá và nhận định về cơ hội và thách thức cho Việt Nam nói chung cũng như tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng trong thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, đặc biệt là xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản và triển vọng của Vĩnh Phúc; sự khác biệt và sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc; Vĩnh Phúc luôn đồng hành cùng Doanh nghiệp, Lợi thế so sánh của các KCN tại Vĩnh Phúc; Xu hướng lựa chọn đầu tư, phát triển dự án mới...
Hội nghị cũng dành thời gian thảo luận hỏi đáp về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Vĩnh Phúc. Đặc biệt, các doanh nghiệp hết sức quan tâm tìm hiểu và được giải đáp về các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào các ngành và lĩnh vực của địa phương, cải thiện thủ tục hành hành chính và môi trường đầu tư tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hoạt động hỗ trợ nhà đầu tư trước, trong và sau quá trình thực hiện thủ tục cấp phép đầu tư...
Cũng tại phiên thảo luận, các doanh nghiệp và tập đoàn đã đầu tư và đang hoạt động tại Vĩnh Phúc như: Sumitomo, Sojitz, Toyota, Honda… đã có những nhận định và chia sẻ rất thiết thực về kinh nghiệm đầu tư vào Vĩnh Phúc nói riêng và Việt Nam nói chung. Các ý kiến của các nhà đầu tư đều ghi nhận đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực của chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc trong các nỗ lực đồng hành với các doanh nghiệp và nhà đầu tư, đặc biệt là tinh thần cầu thị, nỗ lực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp của trực tiếp lãnh đạo và các sở ban ngành của tỉnh trong bối cảnh chịu tác động kéo dài từ dịch Covid-19 trong 2 năm qua.
Các diễn giả tập trung thảo luận về cơ hội và tiềm năng, thế mạnh của Vĩnh Phúc trong tăng cường hội nhập quốc tế |
Bên cạnh đó, một số vấn đề tồn tại cũng được các doanh nghiệp và nhà đầu tư đề xuất tỉnh tiếp tục quan tâm giải quyết thời gian tới như hỗ trợ đào tạo người lao động để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, cải thiện cơ sở hạ tầng thoát nước để khắc phục tình trạng ngập lụt, đảm bảo tiếp cận nguồn điện…
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, một số hoạt động bên lề đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp và nhà đầu tư đang có ý định đầu tư vào Việt Nam, đó là thăm quan hạ tầng KCN Thăng Long Vĩnh Phúc; thăm quan doanh nghiệp của Nhật Bản đang hoạt động tại địa phương; Tham quan khu trưng bày hỉnh ảnh hoạt động quan hệ hợp tác đối ngoại giữa Vĩnh Phúc và các địa phương của Nhật Bản...
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành đã cùng với ông Nakajima Takeo - Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội đại diện cho tỉnh Vĩnh Phúc và JETRO ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư giữa tỉnh Vĩnh Phúc và JETRO |
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành và ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư giữa tỉnh Vĩnh Phúc và JETRO. Theo đó hai bên thống nhất tăng cường thúc đẩy hợp tác xúc tiến đầu tư phát triển trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch, phát triển công nghệ số trên nền tảng 4.0..., mở ra trang mới cho hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, đồng thời mở rộng cơ hội phát triển của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng./.
Bình luận