Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2018 bằng 61,5% dự toán năm

Bội chi ngân sách 38,3 tỷ đồng

Con số tổng thu ngân sách nhà nước ước tính từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2018 được Tổng cục Thống kê công bố là 898,3 nghìn tỷ đồng, bằng 68,1% dự toán năm, trong đó thu nội địa 710,1 nghìn tỷ đồng, bằng 64,6%; thu từ dầu thô 43,5 nghìn tỷ đồng, bằng 121,1%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 140,9 nghìn tỷ đồng, bằng 78,7%.

Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 99,7 nghìn tỷ đồng, bằng 59,9% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 119,8 nghìn tỷ đồng, bằng 53,7%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 139,7 nghìn tỷ đồng, bằng 64,1%; thu thuế thu nhập cá nhân 65,5 nghìn tỷ đồng, bằng 67,7%; thu thuế bảo vệ môi trường 30,5 nghìn tỷ đồng, bằng 62,4%; thu tiền sử dụng đất 81,6 nghìn tỷ đồng, bằng 95,1%.

Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2018 ước tính đạt 936,6 nghìn tỷ đồng, bằng 61,5% dự toán năm.

Điều đáng lưu ý là chi thường xuyên đạt 651 nghìn tỷ đồng, bằng 69,2%; chi đầu tư phát triển 192,8 nghìn tỷ đồng, bằng 48,2%; chi trả nợ lãi 79,3 nghìn tỷ đồng, bằng 70,5%.

Như vậy, bội chi ngân sách trong 9 tháng đầu năm là 38,3 tỷ đồng.

Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 9,52%

Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến ngày 20/9/2018, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,74% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 9,59%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 9,15% (cùng kỳ năm 2017 tăng 10,08%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 9,52% (cùng kỳ năm 2017 tăng 11,02%).

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng nói chung tương đối ổn định, mặc dù một số ngân hàng đã có động thái tăng lãi suất huy động nhưng mức độ tăng nhỏ, không thể hiện xu hướng tăng của thị trường.

Hiện mặt bằng lãi suất huy động đồng Việt Nam phổ biến ở mức 0,6%-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3%-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3%-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5%-7,3%/năm.

Lãi suất cho vay đồng Việt Nam phổ biến khoảng 6%-9%/năm đối với ngắn hạn và 9%-11%/năm đối với trung và dài hạn; đối với khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4%-5%/năm.

Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển hướng theo hướng tích cực tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các dự án lớn, trọng tâm trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ.

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý III năm 2018 tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, ước tính tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ tăng 14%, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tăng 20%. Ước tính doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ tăng 13%, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tăng 27%./.