Tóm tắt

Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế, nhiều kênh huy động vốn đang phát triển khá đa dạng, như phát hành trái phiếu doanh nghiệp (DN), cổ phiếu, song đến nay vốn đầu tư của DN nói riêng và đầu tư phát triển kinh tế vẫn chủ lực là vốn tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng - ngân hàng vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Để các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện được mục tiêu cung ứng vốn tín dụng an toàn, hiệu quả và kịp thời, với lãi suất phù hợp, bài viết phân tích làm rõ công tác điều hành tín dụng cũng như hoạt động ngân hàng trong năm 2022, từ đó, đưa ra một số khuyến nghị góp phần phát triển bền vững nền kinh tế trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Từ khóa: tăng trưởng tín dụng, hoạt động ngân hàng, tăng trưởng kinh tế

Summary

As Vietnam’s economy has deeply integrated with regional and global economy, many capital mobilization channels are developing quite diversely, such as the issuance of corporate bonds and stocks. However, so far the financial sources for enterprise investment capital in particular and the development investment capital in general are mainly bank credit capitals. Meanwhile, credit-banking activities still faced limitations and difficulties. In order to help credit institutions achieve the goal of providing credit capital safely, effectively and timely at the appropriate interest rates, the article analyzes and clarifies credit management activities as well as banking activities in 2022, thereby making some recommendations to contribute to the sustainable development of the economy in 2023 and the following years.

Keywords: credit growth, banking activities, economic growth

TÁC ĐIỀU HÀNH TÍN DỤNG ĐỐI VỚI NỀN KINH TẾ

Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đề ra định hướng tăng trưởng tín dụng là 14%, tương đương các năm gần đây. Tuy nhiên, ngay từ cuối tháng 6/2022, nhiều TCTD và DN đã đề nghị NHNN tăng hạn mức tín dụng, không nên cứng nhắc ở mức đó, mà cần phải căn cứ vào nhu cầu vốn đầu tư của nền kinh tế trong bối cảnh lạm phát của Việt Nam được kiểm soát, thấp hơn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Song NHNN không điều chỉnh với lý do ổn định vĩ mô.

Cho đến ngày 05/12/2022, NHNN mới quyết định nâng chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm 1,5%-2% cho toàn hệ thống TCTD, tương đương tăng thêm 240.000 tỷ đồng cho nền kinh tế trong thời gian còn lại chưa tới 1 tháng của năm.

Theo số liệu của NHNN, tính đến hết năm 2022, dư nợ tín dụng và đầu tư đối với toàn nền kinh tế của hệ thống ngân hàng đạt trên 11,958 triệu tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mục tiêu đề ra đã điểu chỉnh là 15,5%-16%.

Phân tích xu hướng dòng chảy vốn tín dụng đối với nền kinh tế trong năm 2022 có thể thấy, cơ cấu vốn tín dụng tiếp tục được tập trung đầu tư cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đặc biệt là nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Cụ thể, các ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện nghiêm túc chủ trương của Chính phủ, dòng vốn tín dụng tiếp tục được hướng vào 5 lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế, như: nông nghiệp nông thôn, DN nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông sản sạch…, nên có mức tăng cao hơn cùng kỳ năm 2021.

Vốn tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, như chứng khoán, bất động sản được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng ưu đãi chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam tính đến ngày 30/11/2022 đạt khoảng 279.732 tỷ đồng, tăng 12,81% so với năm 2021 với hơn 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ (Ngân hàng Nhà nước, 2022).

Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng vốn tín dụng cho phát triển nền kinh tế, các NHTM chủ yếu phải huy động vốn từ thị trường 1- tức là dân cư và các DN, các tổ chức kinh tế và tổ chức khác. Cũng theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 20/12/2022, số dư vốn huy động của hệ thống ngân hàng từ các tổ chức, DN và dân cư đạt 11,6 triệu tỷ đồng, chỉ tăng khoảng 5,99% so với đầu năm 2022, tức là chỉ bằng dưới 1/2 so với tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng, đặt ra thách thức đối với hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng rất cao, cũng gây ra một số lo ngại về thanh khoản của hệ thống ngân hàng vì có huy động tiền được mới cho vay được nền kinh tế. Đây là mức tăng tiền gửi thấp nhất của hệ thống ngân hàng trong nhiều năm trở lại đây. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng vốn huy động của năm 2021 là 9,24%, năm 2020 là 13,96%, năm 2019 là 13,92%.

Để tăng cường huy động vốn từ nền kinh tế, các NHTM phải linh hoạt điều chỉnh lãi suất. Các NHTM đang tăng lãi suất thu hút tiền gửi. Lãi suất tiền gửi nội tệ của nhiều NHTM cổ phần lên tới mức cao nhất trong 5 năm gần đây để tăng cường huy động vốn, gây sức ép lớn tăng lãi suất cho vay, cao nhất tới 13%/ năm. Quy mô 11,78 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng trong nền kinh tế, trong đó, các TCTD huy động được 11,6 triệu tỷ đồng trên thị trường 1. Điều đó đồng nghĩa với việc các TCTD đang cho vay nhiều hơn vốn huy động được trên thị trường 1.

Bên cạnh việc huy động vốn trên thị trường 1 từ dân cư và các DN, thì các NHTM còn nhận tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước (KBNN) do độ trễ trong điều hành chi tiêu ngân sách nhà nước, đầu tư công và các nguồn thu khác.

Đến hết năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công đạt khá, tuy nhiên vẫn chưa như kỳ vọng, nên tiền gửi của KBNN tại các NHTM vẫn ở mức khá cao. Tính chung, 3 NHTM Nhà nước (Vietcombank, BIDV và VietinBank), kể cả đã cổ phần hóa, có số dư tiền gửi gần 306.000 tỷ đồng (tiền gửi) của KBNN tại thời điểm 30/9/2022, tăng hơn 254.700 tỷ đồng so với cuối năm 2021. Riêng quý III/2022, lượng tiền gửi này tăng thêm gần 117.700 tỷ đồng và đến hết quý IV/2022 số dư tiền gửi KBNN chắc chắn không giảm nhiều (Quang Hưng, 2022).

Xu hướng tăng mạnh của tiền gửi KBNN tại các NHTM diễn ra trong bối cảnh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 thời điểm quý III/2022 vẫn rất chậm. Điều này đồng nghĩa một lượng tiền lớn dùng cho hoạt động chi tiêu công không được sử dụng đến trong năm 2022, ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn tín dụng NHTM.

THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG NĂM 2022

Trong năm 2022, tính an toàn hệ thống các TCTD vẫn được đảm bảo. Hiện nay, các ngân hàng đều đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hoạt động theo quy định của NHNN và tiệm cận thông lệ quốc tế. Các NHTM đóng vai trò lớn trong cung vốn tín dụng cho đầu tư phát triển, cung ứng dịch vụ ngân hàng hiện đại, tiện ích, đặc biệt là công nghệ ngân hàng số cho các đối tượng khách hàng khác nhau.

Theo báo cáo tài chính được 28 NHTM công bố, tính đến cuối quý IV/2022, các NHTM này đang cho khách hàng vay 8,56 triệu tỷ đồng, tăng gần 16% so với đầu năm, chiếm 71,6% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh các NHTM nói trên, thì đến hết năm 2022, tổng tài sản của Agribank đạt 1,87 triệu tỷ đồng, tăng 11,2% so với cuối năm 2021; nguồn vốn đạt trên 1,71 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,44 triệu tỷ đồng, trong đó trên 65% dư nợ cho vay phục vụ phát triển “Tam nông”. Nguồn vốn Agribank chiếm tỷ trọng lớn nhất thị phần tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam (Agribank, 2023).

Như vậy, nếu tính cả Agribank, thì 29 NHTM hàng đầu ngành ngân hàng đã đạt tổng dư nợ 11.197 triệu tỷ đồng, chiếm tới 87,2% trong tổng dư nợ 11.958 triệu tỷ đồng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế (NHNN, 2022).

Theo Ngân hàng Nhà nước, các TCTD, đặc biệt là các NHTM tập trung đầu tư phát triển mạnh thanh toán điện tử dựa trên nền tảng công nghệ số. Chỉ tính riêng trong 11 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng tới 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị. Trong đó, giao dịch qua kênh internet tăng tương ứng 89,36% và 40,55%; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 116,1% và 92,3%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 182,5% và 210,6%; giao dịch qua POS tăng tương ứng 53,57% và 48,78%; giao dịch qua ATM tăng tương ứng 13,28% và 14,04%. Kết quả đó cho thấy, sự bùng nổ của thị trường ngân hàng số tại Việt Nam. Đến cuối tháng 12/2022, trong cả nước có khoảng trên 5,5 triệu tài khoản mở bằng định danh điện tử eKYC, không cần tới trực tiếp phòng giao dịch. Đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy hơn nữa thanh toán không sử dụng tiền mặt thời gian tới.

Tăng trưởng tín dụng và hoạt động ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Ảnh minh họa

Trong năm 2022, các NHTM Việt Nam tiếp tục tăng thêm năng lực tài chính, tăng vốn chủ sở hữu, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn. Đến hết năm 2022 có thêm 4 NHTM Việt Nam đạt quy mô vốn chủ sở hữu trên 100.000 tỷ đồng. Cụ thể, tại thời điểm cuối tháng 9/2022, vốn chủ sở hữu của Vietcombank đạt hơn 128.000 tỷ đồng, tiếp đến là Techcombank đạt 110.000 tỷ đồng, VietinBank đạt 106.000 tỷ đồng, VPBank đạt 102.000 tỷ đồng và BIDV đạt 101.000 tỷ đồng (NHNN, 2022).

Trong năm 2022, các NHTM Việt Nam tiếp tục cải thiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quản trị rủi ro. Trong đó, đã có hơn 20 NHTM đã áp dụng tiêu chuẩn Basel II. Đáng chú ý, nhiều NHTM Việt Nam đã thành công áp dụng Basel III, với nhiều yêu cầu khắt khe hơn, như: TPBank, ACB, VPBank, SeABank, NamABank, OCB… Bên cạnh đó, một số NHTM cũng đang áp dụng một phần hoặc thí điểm triển khai Basel III, như: VIB, HDBank, Techcombank, ABBank, MSB, Sacombank...

Tính đến cuối tháng 12/2022, chất lượng tín dụng của hệ thống TCTD có thể thấy rõ như sau: tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,92%, nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn thành nợ xấu so với tổng dư nợ là 4,5% (NHNN, 2022). Chính phủ cũng báo cáo, đề xuất Bộ Chính trị cơ chế xử lý với các ngân hàng yếu kém và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB); tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Đến nay có 4 NHTM yếu kém thuộc diện tái cơ cấu gồm NHTM CP Đông Á (DongABank) và 3 NHTM vị mua bắt buộc là NHTMCP Xây dựng (CB), NHTMCP Đại Dương (Oceanbank), NHTMCP Dầu khí toàn cầu (GPBank).

Ngày 15/10/2022, NHNN đã quyết định kiểm soát đặc biệt NHTM Cổ phần Sài Gòn (SCB) để ổn định hoạt động của Ngân hàng này. Trong năm 2022, có 4 NHTM Việt Nam, bao gồm: Vietcombank, MB, HDBank, VPBank đã thông qua chủ trương nhận chuyển giao bắt buộc TCTD yếu kém.

Về hiệu quả hoạt động kinh doanh của hệ thống TCTD, theo NHNN, trong năm 2022, định giá P/B của ngành ngân hàng đã có thời điểm về gần đáy, sau đó hồi phục tốt trong 2 tháng cuối năm. Đến đầu tháng 01/2023, P/B ngành là 1,49 lần, tương đương -1Std. Trong khi đó, kết quả kinh doanh của toàn ngành ngân hàng cho đến quý III/2022 vẫn khả quan, ROE toàn ngành là khoảng 15,97%, trên đường trung bình 12 năm gần đây. Kết quả kinh doanh của toàn bộ hệ thống TCTD tăng trưởng chậm lại trong quý IV/2022 và nửa đầu năm 2023 do biên lãi ròng (NIM) bị thu hẹp và áp lực thanh khoản khiến tăng trưởng tín dụng chậm lại. Dù vậy, định giá cổ phiếu nhóm NHTM cổ phần trên thị trường chứng khoán trong tháng 01/2023 vẫn ở mức hấp dẫn.

Tháng 11/2022, NHNN Việt Nam đã chỉ đạo các NHTM giảm lãi suất huy động và cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ DN và nền kinh tế. Trước đó, Hiệp hội Ngân hàng cũng kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm. Tình hình đó cũng ảnh hưởng đến thu nhập lãi, NIM vàlợi nhuận năm 2022, cũng như năm 2023 của NHTM.

Trong quý III/2022, các NHTM Việt Nam niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) có quy mô lợi nhuận trước thuế tăng 55,7% so với cùng kỳ, nhưng giảm 3% so với quý II/2022. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng trưởng hơn 31% so với cùng kỳ. Thu nhập ngoài lãi tăng thấp hơn do tác động tiêu cực từ thị trường chứng khoán và trái phiếu DN. Đến hết quý IV/2022 thu nhập lãi thuần chắc chắn sẽ tiếp tục giảm mức độ tăng trưởng hơn so với cuối quý III/2022.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Một là, ngành ngân hàng triển khai còn khá chậm gói hỗ trợ ưu đãi lãi suất theo Nghị quyết của Quốc hội. Việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng theo Nghị quyết của Quốc hội trong năm 2022-2023 rất chậm, tương ứng 800.000 tỷ đồng dư nợ cho vay lãi suất thấp được tung ra thị trường trong năm 2022 và 1,2 triệu tỷ đồng dư nợ dành cho năm 2023. Tuy nhiên, đến hết tháng 12/2022, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất 2% mới chỉ giải ngân không quá 15.000 tỷ đồng (Vân Linh, 2022). Việc NHNN thắt quá chặt hạn mức tín dụng là nguyên nhân hàng đầu của tình trạng triển khai chậm gói hỗ trợ này. Trong 2 tháng đầu năm 2023, không có kết quả cho vay nào.

Hai là, hiện nay và trong thời gian tới, rủi ro các NHTM đầu tư vào trái phiếu DN nói chung, trái phiếu bất động sản nói riêng đang tiềm ẩn rủi ro rất lớn.

Ba là, lãi suất cho vay vẫn còn cao, mặc dù Chính phủ nhiều lần có chỉ đạo, nhưng đến nay vẫn chưa giảm.

Bốn là, điều hành hạn mức tín dụng thiếu linh hoạt. Chính phủ chỉ đạo NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nên việc NHNN đưa ra lý giải về điều hành hạn mức tín dụng 14% là chưa linh hoạt theo chỉ đạo, chưa linh hoạt vì mục tiêu kinh tế vĩ mô, đến đầu tháng 12/2022 mới điều chỉnh tăng thêm 1,5%-2,0% hạn mức tín dụng khi đã chuẩn bị kết thúc năm 2022.

Năm là, nợ xấu của các NHTM đang tiềm ẩn ở mức rất cao. Công cụ xử lý nợ xấu qua Công ty Quản lý tài sản (VAMC) hầu như không có hiệu quả, hầu như không phát mại được khoản tài sản đảm bảo tiền vay nào để thu hồi nợ.

Sáu là, các tổ chức hỗ trợ vốn cho DN nhỏ và vừa hầu như không phát huy được hiệu quả như mong đợi, quy mô hoạt động rất thấp, trong khi đó, bộ máy của các tổ chức này còn cồng kềnh, thiếu năng động. Hơn nữa, Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoạt động còn khó khăn, không phát huy được vai trò đối với nền kinh tế.

Bảy là, việc tiếp cận tin dụng của các DN, người dân còn khó khăn, thủ tục hành chính về cho vay vẫn còn nặng nề. Công nghệ 4.0 chưa được ứng dụng rộng rãi và đồng bộ trong hoạt động tín dụng của TCTD đối với khách hàng. Tín dụng đen vẫn còn tồn tại, vẫn len lỏi tại các vùng nông thôn, các khu vực nhà trọ của công nhân, gây bất ổn kinh tế - xã hội cho các khu vực này, chưa có biện pháp kiểm soát triệt để.

MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ

Dự báo, tốc độ tăng trưởng tài sản của hệ thống ngân hàng (hệ thống TCTD) năm 2023 và năm 2024 nhìn chung có cao hơn so với các năm trước đây. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2023, NHNN đưa ra dự kiến tăng lên đến 14,5% và có thể điều chỉnh tăng thêm tùy theo nhu cầu vốn an toàn, hiệu quả của nền kinh tế, nên sẽ tăng cao hơn so với mức tăng 10%-14% trong các năm qua. Để các TCTD thực hiện được mục tiêu cung ứng vốn tín dụng an toàn, hiệu quả và kịp thời, với lãi suất phù hợp, tác giả có một số khuyến nghị sau:

Thứ nhất, NHNN cần khẩn trương chuyển mạnh sang sử dụng công cụ gián tiếp trong điều hành chính sách tiền tệ, thay cho công cụ hành chính can thiếp sâu vào tín chủ động hoạt động cho vay của NHTM như hiện nay. Theo đó, NHNN cần sớm bỏ hạn mức tín dụng đối với các NHTM nhà nước và NHTM nhà nước đã cổ phần hóa, các NHTM có tỷ lệ nợ xấu dưới 1% và đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định, đến năm 2024 bỏ hoàn toàn công cụ có tính chất hành chính này.

Thứ hai, để chủ động ứng phó trước các diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới, các TCTD cần rà soát, đánh giá một cách thận trọng hơn để chủ động có các giải pháp cải thiện, đảm bảo an toàn, vững chắc hệ thống. Các NHTM cần tự mình kiểm soát vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro để đảm bảo sự phát triển bền vững cho chính mình. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng hoạt động kiểm soát nội bộ, nâng cao năng lực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế.

Thứ ba, NHNN cần chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo thuận lợi cho người dân, DN tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, như: đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu DN.

Thứ tư, NHNN cần có biện pháp giảm lãi suất cho vay trong nền kinh tế. Trước tiên, NHNN cần giảm các loại lãi suất điều hành, ít ra là 2 đợt trong năm 2023 với mỗi đợt giảm 1% các loại lãi suất đó, quay về mức lãi suất trước tháng 9/2023. Bên cạnh đó, NHNN cần giảm 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giúp giải phóng khoảng trên 100.000 tỷ đồng vốn cho vay đối với nền kinh tế, tác động giảm lãi suất cho vay.

Thứ năm, trong năm 2023, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương có biện pháp sát thực tế đẩy mạnh giải ngân 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy vốn tín dụng NHTM tăng trưởng bền vững./.

ThS. PHẠM TRỌNG NHƠN

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bến Tre

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo Số 07 - Tháng 3/2023)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII (2021), Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030

2. Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam (2020), Tư liệu văn kiện đảng, truy cập từ https:// tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/gioi-thieu-van-kien-dang?page=1

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.

4. Nguyễn Xuân Phúc (2020), Nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020: Kết quả, bài học kinh nghiệm và định hướng thời gian tới, truy cập từ https://www. tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/nhin-lai- 10-nam-thuc-hien-chien-luoc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-2011-2020-ket-qua-bai-hoc-kinh-nghiem-va-dinh-huong-thoi-gian-toi.

5. Trần Nguyễn Tuyên (2021), Phát triển nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, truy cập từ http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/phat-trien-nhanh-va-ben-vung-theo- -dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia-o-viet-nam.html.

6. Tổng cục Thống kê (2021-2022), Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và cả năm 2021, 2022.

7. Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.