Hướng đi đúng hỗ trợ mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đánh giá kết quả triển khai chương trình cho vay thí điểm theo Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 của Chính phủ (được tổ chức ngày 24/03/2016), Ủy viên Bộ Chính trị, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND các địa phương trong việc triển khai chủ trương này, từ việc khảo sát, lựa chọn mô hình, xây dựng chính sách đến triển khai thực hiện.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN được giao nhiệm vụ là đầu mối triển khai Nghị quyết 14, nên xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn ngành và yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) tích cực triển khai thực hiện. Quá trình triển khai ban đầu còn gặp những khó khăn nhất định nhưng đã từng bước được tháo gỡ và đến nay đạt được kết quả tích cực.

Một số cơ chế đặc thù của chương trình đã phát huy hiệu quả như tài sản đảm bảo, lãi suất và đặc biệt là sự vào cuộc lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của chính quyền các địa phương cùng với ngành ngân hàng triển khai chương trình này. Các NHTM được phê duyệt tham gia chương trình cũng đã chủ động phối hợp cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn vay theo tiến độ thực hiện của các dự án. Nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình đã đề nghị và được NHNN chấp thuận cho mở rộng dự án, tăng thêm số tiền vay...

Theo báo cáo tình hình triển khai và đánh giá kết quả thực hiện chương trình cho vay thí điểm theo Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 5/3/2016 của Chính phủ được trình bày tại Hội nghị, thì để triển khai chủ trương, NHNN đã ban hành Quyết định số 1050/QĐ-NHNN, ngày 28/5/2014, về chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ với một số cơ chế đặc thù, như: Lãi suất cho vay chương trình thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1-1,5%/năm; Mức cho vay lên đến 90% giá trị của phương án, dự án vay vốn; Ngân hàng có thể xem xét cho vay các thành viên tham gia liên kết không có bảo đảm bằng tài sản nếu kiểm soát được dòng tiền của chuỗi liên kết...

Căn cứ đề nghị của UBND các tỉnh, thành phố, liên bộ (NHNN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ) đã lựa chọn 28 doanh nghiệp trên toàn quốc thực hiện 31 dự án tại 22 tỉnh, thành phố tham gia chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, 08 NHTM đã cam kết tài trợ tín dụng cho các doanh nghiệp đầu mối liên kết, ứng dụng công nghệ cao với số tiền 5.627 tỷ đồng.

Sau gần 2 năm triển khai, các ngân hàng đã giải ngân cho dự án liên kết, ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương với số tiền 6.937 tỷ đồng, vượt số tiền cam kết ban đầu. Trong quá trình triển khai, nhiều doanh nghiệp đã được NHNN chấp thuận tăng số vốn vay để mở rộng sản xuất.

Những kết quả mà chương trình cho vay thí điểm đạt được có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là hướng đi đúng trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế toàn cầu.

Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đánh giá cao kết quả của chương trình cho vay thí điểm, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn hỗ trợ phát triển mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám đánh giá, các chính sách hỗ trợ tín dụng được triển khai theo Nghị quyết 14 đã kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho sản xuất nông nghiệp, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sản suất – kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất. Cùng với Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Nghị quyết số 14/NQ-CP là một trong các giải pháp đột phá, tạo “cú hích” đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, qua đó cải thiện và nâng cao điều kiện sống của cư dân vùng nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đại diện địa phương có dự án tham gia chương trình thí điểm, ông Vương Bình Thạnh – Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, qua quá trình thực hiện, UBND tỉnh An Giang thấy được hiệu quả mang lại từ 04 dự án thí điểm chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (lúa, nếp, cá và rau màu) trên địa bàn Tỉnh. Mô hình liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và ngân hàng đã giải quyết được những khó khăn, vướng mắc tồn tại nhiều năm qua. Đó là vấn đề nông dân tiếp cận vốn vay ưu đãi để sản xuất, doanh nghiệp có vốn đầu tư công nghệ, ngân hàng tăng trưởng tín dụng bền vững.

Là ngân hàng tham gia cho vay theo Nghị quyết 14, đại diện Agribank đánh giá, mô hình cho vay liên kết theo chuỗi sản xuất là mô hình mới, được Chính phủ, các bộ ngành, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần tham gia nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, cung ứng cho thị trường sản phẩm sạch, chất lượng cao, có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới. Tính đến ngày 18/3/2016, Agribank đã giải ngân vốn cho 11 dự án trong tổng số 13 dự án của 13 doanh nghiệp tại 12 tỉnh, thành phố được NHNN phê duyệt cho vay thí điểm. Doanh số cho vay đạt 1.528,7 tỷ đồng, doanh số thu nợ 875,8 tỷ đồng, dư nợ đạt 652,9 tỷ đồng; lãi suất cho vay ngắn hạn từ 5,5-6,5%/năm, lãi suất cho vay trung hạn từ 9,5-10%/năm; thời hạn cho vay chủ yếu là ngắn hạn (dưới 1 năm).


Ao nuôi cá của hộ dân theo chuỗi liên kết tại An Giang. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cần quan tâm thêm cơ chế bảo hiểm

Ông Vương Bình Thạnh – Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, để thực hiện hiệu quả hơn chương trình, Chính phủ cần nghiên cứu ban hành chính sách bảo hiểm về giá cho các mặt hàng chủ lực như lúa, lúa nếp và cá tra thương phẩm nhằm đảm bảo nguồn tài chính cho các hộ nông dân tái sản xuất sau mỗi vụ thu hoạch, đồng thời nghiên cứu phương án bảo hiểm mùa vụ cho người nông dân và doanh nghiệp khi triển khai chuỗi liên kết. Với cách làm này, người nông dân và doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư vùng nguyên liệu để chế biến xuất khẩu mà không phải lo lắng về thiên tai, dịch bệnh, xâm nhập mặn...

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đồng tình và khẳng định, về lâu về dài cần phải có cơ chế bảo hiểm chung cho nông nghiệp, để có cơ chế bảo hiểm cho người dân, doanh nghiệp và tránh rủi ro cho các tổ chức tín dụng. Song, Thống đốc Bình cũng nêu ra điểm hạn chế cần lưu ý trong cơ chế bảo hiểm, lấy ví dụ, có những hộ gia đình tôm bị chết do dịch bệnh, nhưng cũng có nhiều hộ nông dân cố tình cho tôm chết để hưởng tiền bảo hiểm. Các doanh nghiệp bảo hiểm phàn nàn nhiều lần nhưng vẫn chưa giải quyết được.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám thì cho rằng cơ chế bảo hiểm phải được thực hiện ở cả hai phía. Ông Tám chỉ ra, một là phải mở rộng bảo hiểm đối với chuỗi ngành hàng có dung lượng hàng hóa lớn như sản xuất thủy sản (tôm, cá tra…), sản xuất lúa, càphê. Mặt khác, Chính phủ cũng nên có chính sách để giúp ngân hàng thương mại yên tâm hơn trong vấn đề xử lý những rủi ro trong cho vay vốn theo quy chế thương mại. Ông Tám nhấn mạnh, nếu để các ngân hàng thương mại cho vay theo cơ chế tín dụng thương mại thông thường như hiện nay thì các rủi ro là rất khó khăn cho các ngân hàng thương mại. Bởi vậy, cùng với bảo hiểm cho các vùng sản xuất nguyên liệu thì bảo hiểm cho các ngân hàng thương mại là rất quan trọng.

Kêt luận Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Văn Bình yêu cầu NHNN cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, trên cơ sở tổng kết đánh giá toàn diện kết quả triển khai chương trình để hoàn thiện cơ chế chính sách để người nông dân, doanh nghiệp và ngân hàng yên tâm tham gia và nhân rộng các mô hình hiệu quả.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, đây là chương trình thí điểm thì không mở rộng đối tượng tham gia nữa, dừng ở số doanh nghiệp, dự án đó; còn những doanh nghiệp đang triển khai tốt thì cứ tiếp tục triển khai.

Để thực hiện đại trà, Thống đốc cho biết cần lập tổ công tác liên bộ xem xét những gì còn tồn đọng thì sửa đổi để hợp thức hóa bằng văn bản luật rồi mở rộng, phát triển trong cả nước. Trên cơ sở những kết quả đạt được của chương trình, các ngân hàng thương mại cũng sẽ nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng phù hợp để phục vụ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Thống đốc Bình cũng cho hay, lãi suất thiết kế cho doanh nghiệp và người dân tham gia chương trình thí điểm này là lãi suất tối đa, có nghĩa là ngân hàng không được cho vay quá so với mức lãi suất quy định là 5%/năm. NHNN vẫn khuyến khích các NHTM có thể mở rộng cho vay với lãi suất thấp hơn được thì cho vay, cái này là tự nguyện. Còn nếu để lãi suất cho vay thấp quá, ngân hàng không cho vay được vì họ không có nguồn vốn đầu vào rẻ thế. Quan trọng là lãi suất thấp để đảm bảo hiệu quả hơn và bước đầu phải có sự hỗ trợ. Người dân và doanh nghiệp có vốn để lưu động, vận hành hoạt động. Về lâu về dài sản xuất tốt hơn, hiệu quả hơn thì lãi suất không còn quan trọng nữa.

Thống đốc cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt đến các cấp, doanh nghiệp, người dân những lợi ích thiết thực của mô hình hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt. Hướng dẫn và hỗ trợ nông dân hình thành các hợp tác xã kiểu mới; tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân sản xuất với quy mô lớn theo chuỗi giá trị của sản phẩm trong nông nghiệp./.

Nguồn tham khảo:
1. http://www.sbv.gov.vn
2. http://www.vietnamplus.vn/thong-doc-khuyen-khich-cac-ngan-hang-cho-vay-theo-chuoi-lien-ket/377870.vnp