Cam Cọn tập trung nguồn lực đưa xã về đích nông thôn mới trong năm 2024
Những năm trở lại đây, diện mạo nông thôn trên địa bàn xã Cam Cọn thay đổi từng ngày. Những cánh đồng cây trái bát ngát, những tuyến đường bê tông kiên cố trải khắp từ khu dân cư ra ruộng rẫy, giao thông thuận lợi, con em được học tập trong các ngôi trường mới khang trang, người dân hăng say lao động sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.
Để có được sự đổi thay này, Đảng bộ, chính quyền xã Cam Cọn ngay từ sớm đã xây dựng kế hoạch, xác định lộ trình, phần việc và thời gian hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng, đóng góp ngày công, hiến đất, cây cối (tổng kinh phí đã huy động từ nhân dân cho xây dựng NTM là 991,6 triệu đồng, trong đó tiền mặt là 527,6 triệu đồng, số đất hiến 27.270 m2, 1.619 ngày công và 6.010 cây lâm nghiệp)...
Kinh tế - xã hội phát triển, các tiêu chí xã NTM dần được hoàn thiện, bộ mặt nông thôn mới thay đổi và hơn hết là sự hài lòng của người dân, chủ thể thực hiện và thụ hưởng những thành quả xây dựng NTM. Tính đến thời điểm hiện tại, Xã đã hoàn thành 13/19 tiêu chí NTM.
Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư nâng cấp đồng bộ
Kết cấu hạ tầng nông thôn, đặc biệt là hệ thống thủy lợi, giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp đồng bộ. Các tuyến đường xã và đường trung tâm xã đến đường huyện, các đường trục thôn, ngõ xóm, đường trục chính được cứng hóa, nhựa hóa và bê tông hóa, từ đó đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
NTM giúp Cam Cọn đổi thay từng ngày |
Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân
Song song với việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, diện mạo, cảnh quan, Cam Cọn đặc biệt quan tâm đến tổ chức sản xuất, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói chung, trên địa bàn Xã nói riêng, Cam Cọn tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, để tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sản xuất, ổn định đầu ra cho sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống nhân dân.
Sản phẩm chuối của Hợp tác xã chuối ngự Hồng Cam đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao |
Giảm nghèo và an sinh xã hội được ưu tiên, chú trọng
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, Cam Cọn đã tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tăng gia sản xuất nâng cao thu nhập. Xã đã xây dựng Kế hoạch giảm nghèo, phân công cụ thể cho từng tổ chức đoàn thể thôn bản, từng cán bộ tìm hướng và có biện pháp giúp đỡ các hộ thoát nghèo. Tính đến nay, theo điều tra, trên địa bàn Xã đã giảm 45 hộ nghèo và 74 hộ cận nghèo, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm xuống 12,39%. Xã cũng thường xuyên mở các hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm, vận động người nghèo, hộ nghèo, người chưa có hoặc thiếu việc làm phát huy khả năng của bản thân, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, chủ động phấn đấu thoát nghèo. Tuyên truyền, vận động người dân đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài Tỉnh, tham gia xuất khẩu lao động nhằm tăng thu nhập, ổn định cuộc sống…
Phát triển y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn. Tuy Xã chưa đạt tiêu chí quốc gia về y tế, song công tác khám, chữa bệnh đã được thực hiện tốt, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (áp dụng đạt cho cả nam và nữ) đạt 5.087/5.469 người, tương đương đạt 93,01%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) là 26,5%. Cần giảm 2,5% tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi (cần giảm 9 trẻ để đạt tiêu chí). Tỷ lệ người dân có sổ sức khỏe điện tử lũy kế là 1.585/5.627 người, tương đương 28,17%.
Chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên. Kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi là 100%. Xã đã đạt phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục đi học trung học phổ thông, bổ túc, học nghề đạt 71,4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 2.488/3.554 lao động, đạt 70,01%.
Cơ sở vật chất văn hóa được quan tâm đầu tư. Nhà văn hóa các thôn được chỉnh trang, xây mới khang trang theo đúng tiêu chí NTM. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì, thu hút đông đảo người dân tham gia. Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở: Xã có dịch vụ viễn thông, internet đạt 100%; xã có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn: 10/13 thôn; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành; hướng dẫn tổ công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến...
Phấn đấu “về đích” NTM mới trong năm 2024
Chủ tịch UBND xã Cam Cọn Hồ Viết Hùng cho biết: Xã xác định, xây dựng NTM là nền tảng và là nhiệm vụ trọng tâm để đưa Cam Cọn phát triển trong những năm tới đây. Mục tiêu về đích NTM trong năm 2024 không chỉ là cơ hội để Xã hoàn thành kế hoạch, mà còn là dịp tốt để tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của Tỉnh, Huyện, nhằm nâng cấp hệ thống hạ tầng, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ an sinh xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân. Chính vì vậy, thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập trung chỉ đạo duy trì, giữ vững các tiêu chí đã đạt và huy động mọi nguồn lực tích cực triển khai thực hiện 6 tiêu chí còn lại. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Huyện đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho người dân. Theo đó, Xã cũng đề ra một số giải pháp để hiện thực hóa các mục tiêu trong Kế hoạch của mình, cụ thể:
Một là, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân: Tiếp tục vận động nhân dân tham gia sản xuất, nhất là việc liên kết sản xuất, tăng vụ kết hợp với phát triển chăn nuôi, đẩy mạnh kinh tế hộ gia đình để tăng thu nhập, góp phần đảm bảo cuộc sống, từng bước thoát nghèo, phấn đấu đạt thu nhập trên 45 triệu đồng/người/năm.
Hai là, xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc: Phấn đấu 13/13 thôn bản đạt làng văn hóa và đặc biệt trú trọng các làng bản văn hóa đã đạt làng văn hóa liên tục trong các năm vừa qua để đảm bảo đạt 5 năm liên tục.
Ba là, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; cải tạo vệ sinh môi trường nông thôn: Tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng đường hoa nông thôn mới kết hợp với các công trình điện thắp sáng làng quê; giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; thay đổi thói quen, tập tục lạc hậu, ...;
Bốn là, giữ gìn an ninh trật tự nông thôn: Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật đến người dân và giữ gìn an ninh trật tự tại các thôn, bản của Xã.
Bên cạnh đó, vận động nhân dân tích cực đóng góp ngày công, xã hội hóa các khoản thu để có nguồn lực xây dựng NTM... Với sự nhất trí, đồng lòng của chính quyền và người dân, hy vọng Cam Cọn sẽ “về đích” nông thôn mới vào cuối năm 2024 theo đúng kế hoạch đề ra./.
Bình luận