Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn

Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam nhấn mạnh, diễn đàn là sáng kiến của Việt Nam, lần đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ GMS 6.

Qua mỗi kỳ Hội nghị, cộng đồng doanh nghiệp GMS đã ngày càng lớn mạnh và khẳng định vai trò quan trọng, đóng góp lớn trong triển khai, hiện thực hóa các chính sách của Chương trình hợp tác GMS. Để có được kết quả này, Hội đồng kinh doanh GMS (GMS Business Council) đã thể hiện rất tốt vai trò kết nối, điều phối các hoạt động và sáng kiến phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong cộng đồng GMS chính là việc tạo ra các giá trị mới để đóng góp cho tăng trưởng không chỉ của một quốc gia, mà còn cả các quốc gia trong khu vực. Doanh nghiệp GMS cần tiếp tục hợp tác, gắn kết với nhau, giữa các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ để tận dụng được các cơ hội hiện có, bổ sung, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển, tạo ra nhóm các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh, từng bước tham gia thị trường và các chuỗi giá trị toàn cầu.

Bộ trưởng Dũng khẳng định, cộng đồng các quốc gia tiểu vùng sông Mê-Kông đang đứng trước những cơ hội phát triển hết sức khả quan, với một thị trường của hơn 340 triệu dân có nhiều sự tương đồng về văn hóa, ngôn ngữ, tập quán. Đây là thị trường hết sức tiềm năng với nguồn nhân lực trẻ, dồi dào; với nguồn tài nguyên thiên nhiên nhiệt đới phong phú, nhiều thế mạnh về các sản phẩm nông sản, với vị trí chiến lược kết nối các khu vực Đông Nam Á - Đông Bắc Á - Nam Á; giữa các thị trường rộng lớn gồm Đông Nam Á hơn 500 triệu dân, Ấn Độ với hơn 1,3 tỷ dân và Trung Quốc với hơn 1,4 tỷ dân.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, cũng có rất nhiều thách thức phải đối mặt. Sự hội nhập kinh tế sâu rộng của các quốc gia trên thế giới, các quốc gia thành viên GMS sẽ tạo áp lực lên cơ chế hợp tác chung của khối, đem đến những thách thức trực tiếp vào những cam kết và khả năng cân đối lợi ích. Mặt khác, sự phát triển của những công nghệ mang tính nền tảng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi nguồn nhân lực phải thực sự nhạy bén để tiếp cận, khai thác và đưa vào ứng dụng những thành tựu công nghệ mới.

“Bên cạnh đó, chúng ta đang đứng trước thách thức lớn không tránh khỏi là những biến động về môi trường, khí hậu, nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nguồn nhân lực con người, yếu tố quan trọng nhất của tăng trưởng vẫn còn gặp nhiều vấn đề, trong đó có giáo dục, thể trạng, y tế, là những yếu tố tác động trực tiếp đến chất lượng nguồn lực này”, Bộ trưởng nói.

Với vai trò là đại diện cơ quan của Chính phủ, Bộ trưởng khẳng định sự ủng hộ, tạo điều kiện của Chính phủ Việt Nam nói riêng và Chính phủ các quốc gia GMS nói chung đối với cộng đồng doanh nghiệp GMS và với các Chương trình, hoạt động sắp triển khai của Hội đồng kinh doanh GMS giai đoạn tới.

Cũng tại phiên khai mạc, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định những đóng góp và vai trò tiên phong của hội đồng Kinh doanh GMS đối với sự phát triển của khu vực, cho rằng đây là một cơ chế kết nối hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực và là một đối tác đối thoại công - tư vì sự phát triển của GMS.

Chia sẻ những thách thức của các doanh nghiệp GMS trong bối cảnh mới, ông Lộc đề nghị nghiên cứu triển khai chương trình kết nối hệ thống cáp quang siêu tốc, dỡ bỏ phí điện thoại roaming, thành lập hiệp hội hợp tác xử lý các vấn đề về an ninh mạng giữa các quốc gia GMS. Sáng kiến này nếu được thực hiện, sẽ tạo một nền tảng kết nối để có thể đi tắt, đón đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế GMS. Tổng công ty Viettel của Việt Nam được đề xuất sẽ cụ thế hoá sáng kiến này.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, chính mạng lưới các cộng đồng doanh nghiệp sẽ nhân lên sức mạnh của GMS trong những nỗ lực hội nhập và phát triển.

Tại diễn đàn, ông Oudet Souvannavong, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh GMS, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Lào, nhận định, cộng đồng doanh nghiệp GMS đang phải đối mặt với những cơ hội và thách thức lớn hơn từ việc hội nhập kinh tế. Nổi lên là sự phát triển của công nghệ mới và các mô hình kinh doanh mới đến từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Chính vì vậy các doanh nghiệp GMS cần kết nối lại, đặc biệt các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, để nhanh chóng cập nhật các công nghệ mới, các mô hình thị trường mới để đáp ứng các cơ hội thị trường mới, qua đó, nhằm gia tăng sức cạnh tranh, tiếp cận các chuỗi giá trị của khu vực và toàn cầu./.

--------------------------------------------------------------------------------------------------

Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 tại Hà Nội từ ngày 29-31/3. Với chủ đề "Phát huy 25 năm hợp tác, xây dựng GMS hội nhập, bền vững và thịnh vượng", hội nghị năm nay đánh dấu 25 năm thành lập cơ chế hợp tác GMS, đồng thời là nơi lãnh đạo cấp cao các nước thành viên phê chuẩn nhiều chương trình, ngân sách và phương hướng hoạt động của chương trình hợp tác trong giai đoạn 2018-2022.

Chương trình hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng được khởi xướng năm 1992 với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Các nước thành viên gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc với 2 tỉnh đại diện là Vân Nam và Quảng Tây.

Cho tới nay, GMS đã tổ chức 22 hội nghị Bộ trưởng và 5 hội nghị thượng đỉnh. Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng với mục tiêu dài hạn là thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc, đưa tiểu vùng Mekong mở rộng nhanh chóng trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở Đông Nam Á./.