Sáng ngày 9/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đã chính thức ký kết bàn giao nhiệm vụ xử lý 12 dự án doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương (trong đó Nhà máy Bột giấy Phương Nam đang hoàn thiện thủ tục) từ Bộ Công Thương sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh hoàn tất ký biên bản bàn giao

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành đã quyết liệt trong việc phối hợp, chỉ đạo sát sao nhằm tháo gỡ, xử lý các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả và đến nay có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả này thể hiện sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của tất cả các cấp nhằm thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, 12 dự án này là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho chúng ta để tránh các nguy cơ cho tương lai sau này. Bộ trưởng tin tưởng, sau khi nhận bàn giao, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp không chỉ xử lý nốt các vấn đề còn lại của dự án mà còn hoàn thiện việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này.

Bộ trưởng nhấn mạnh, tuy đã bàn giao nhưng phía Bộ Công Thương vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong việc tiếp tục triển khai những nhiệm vụ chung được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 650/QĐ-TTg.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đồng tình với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về việc tăng cường công tác phối hợp giữa hai bên. Theo đó, Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ thường xuyên trao đổi, phối hợp để triển khai công việc một cách hiệu quả, sát sao nhất.

Ông Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ gắn trách nhiệm cụ thể cho Chủ tịch, Tổng giám đốc của các tập đoàn, tổng công ty là đơn vị chủ quản của dự án yếu kém. Nếu dự án không có tiến triển, người đứng đầu chắc chắn phải chịu trách nhiệm.

Tại cuộc họp, Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn cũng đã trao đổi các vấn đề liên quan tới tình hình xử lý các dự án và những nhiệm vụ trọng tâm cần phối hợp xử lý trong thời gian tới theo chỉ đạo chung của Ban Chỉ đạo. Với nhiệm vụ được giao theo chức năng nhiệm vụ và theo phân công trong Ban Chỉ đạo của Chính phủ, hai Cơ quan cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy quá trình xử lý dứt điểm các dự án bảo đảm theo đúng lộ trình và phương án xử lý đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.

Về tình hình 12 dự án yếu kém, thua lỗ, ông Nguyễn Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ Công Thương) cho biết: trong số 6 nhà máy trước đây có sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đã có 2 nhà máy sản xuất trở lại, bước đầu có lãi, đang đề xuất đưa 2 Nhà máy này ra khỏi danh sách (Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 Hải Phòng, Nhà máy thép Việt Trung); 4 dự án còn lại đang tiếp tục từng bước ổn định sản xuất (Nhà máy đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai, Nhà máy đạm Ninh Bình, Công ty DQS).

2/3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đã vận hành trở lại (Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi). Còn dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước đã chuẩn bị xong các khâu liên quan, sẵn sàng khởi động lại ngay khi điều kiện thị trường thuận lợi.

Còn lại 3 dự án đang xây dựng dở dang gồm: Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đã hoàn thành định giá lại, chuẩn bị trình Bộ Công Thương phương án bán đấu giá theo quy định; Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ đang tiếp tục gặp khó khăn do các cổ đông không góp thêm vốn để triển khai dự án; Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên chưa giải quyết được tranh chấp hợp đồng EPC.