Vậy nguyên nhân vì đâu?

*Tự phụ kiêu căng, coi thường thành công của đối phương.

Đây là nguyên nhân dễ mắc phải đối với những ông chủ ít tuổi. Có chút thành công, đã vội ngẩng cao đầu, xem thường sự tích cóp của người khác, chỉ muốn xuống tay ký hợp đồng lớn. Đến một lúc nào đó, bỗng giật mình vì cổ phần của mình sắp bị mua đứt.

Những người kiêu căng quên mất một điều: không phải lúc nào cũng có thể làm ăn lớn, ký hợp đồng lớn. Phương ngôn có câu: tích tiểu thành đại. Nếu không thực sự cầu thị, nắm chặt đồng xu nhỏ thì khó có thể có đồng xu lớn.

*Đầu tư mạo hiểm:

Người ta nói, đi đêm lắm, có ngày gặp ma. Đầu tư mạo hiểm không phải là phương kế toàn vẹn để có thể dễ dàng xuất chiêu. Đầu tư mạo hiểm thường chỉ áp dụng trong lúc công ty của bạn rất lớn, khoản đầu tư mạo hiểm là không đáng kể so với vốn, hoặc khi không còn tiến thoái, đành nhắm mắt làm liều.

Nhưng trong lúc đang làm ăn ổn định, chớ nên nổi hứng đầu tư mạo hiểm, có thể bạn sẽ mất hết những gì đã có. Giống như trong chiến trường, phương thức “đánh chắc, tiến chắc” vẫn là điều khả dĩ thành công. Những người ham làm giàu nhanh, thường là những anh chàng “bạo phát, bạo tàn”.

*Canh bạc lớn: Canh bạc lớn có nghĩa là được thì rất nhiều, nếu mất thì trắng tay. “Canh bạc lớn” cũng chính là một kiểu đầu tư cực kỳ mạo hiểm. Nhìn chung, bạn đừng bao giờ trông cậy tuyệt đối vào một dự án, hoặc một hợp đồng làm ăn nào, không được để tất cả vốn liếng của bạn vào một niềm hy vọng. Đó là một điều rất cơ bản, nhưng không phải lúc nào cũng được ghi nhớ một cách cẩn trọng.

*Ăn xổi ở thì: Đó là kiểu làm ăn của những tay láu cá, ham hố chụp giựt. Những tay này không bao giờ nghĩ đến việc tạo dựng cho mình một thương hiệu. Mà thực ra, không cần thương hiệu vì ăn xổi ở thì chưa khi nào làm nên chuyện lớn.

*Chèn ép đối phương: Là phương thức làm ăn xuất phát từ thiển nghĩ nông cạn: “người yếu ta mạnh”. Cho nên tìm mọi cách để chèn ép người khác, không cho ngóc đầu dậy. Thực ra, trong kinh doanh, tốt nhất vẫn là cạnh tranh lành mạnh, tức là “hai người cùng mạnh, các bên đều mạnh”. Thi đua với đối phương sẽ tạo ra sản phẩm hài lòng khách hàng, đó chính là tư tưởng mã thượng của những ông chủ lớn, còn ngược lại, chèn ép người khác tức là tự đeo đá nặng vào người.

*Sợ thất bại: Đối ngược với “canh bạc lớn” là sợ thất bại. Vì luôn sợ thất bại nên không quyết đoán nắm cơ hội, do vậy mà “trâu chậm uống nước đục”, cả đời nhìn người khác đi sau về trước mình.

*An phận thủ thường: Chính là bạn đồng hành của “sợ thất bại”. Vì an phận thủ thường nên không chịu khó học hỏi, không cầu tiến bộ, không muốn khuyếch trương phạm vi, lĩnh vực hoạt động. Suy nghĩ quanh quẩn một điều: thế là ổn rồi.

“An phận thủ thường” và “Sợ thất bại” là những kẻ đồng hành yếu đuối, không thể đi xa trong con đường kinh doanh.