Những ngày đầu tháng 10 gợi nhắc cả thế giới về sự ra đi của đồng sáng lập Apple – Steve Jobs – một bức tượng đài về sự sáng tạo và khác biệt trong nỗ lực “thay đổi thế giới”. Mệnh đề của Apple rất giản dị: “Think Different” (nghĩ khác đi), nhưng chính là cảm hứng dẫn dắt Apple, từ một ý tưởng trong gara nhà Jobs, trở thành một thương hiệu công nghệ khổng lồ sau hơn 20 năm. Trong khối thành tựu huy hoàng của Apple đã và đang gây dựng, sức sáng tạo của những người khởi nghiệp như Steve Jobs có vai trò mang tính chất quyết định.

Sự khác biệt đột phá ngày nay trở thành động lực mạnh cho cộng đồng khởi nghiệp toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam. Nó vừa là biểu trưng lại vừa đòi hỏi “nền kinh tế của những đam mê” (Peters (2009), nơi mà giáo dục và sáng tạo đóng vai trò chủ chốt. Tuy vậy, với cộng đồng khởi nghiệp Việt, sáng tạo dường như vẫn chỉ là một khái niệm thuộc về những “giai thoại” bất hủ của thế giới, để đưa đẩy các câu chuyện bên ly cà phê.

Từ năm 1995 đến nay, mặc dù hàng năm số lượng bằng sáng chế của Việt Nam đã tăng lên đáng kể, nhưng cả số tuyệt đối lẫn tỷ trọng được cấp cho người Việt vẫn rất khiêm tốn (Hình 1).

Hình 1 cho thấy, lượng bằng sáng chế của người Việt chiếm một diện tích rất nhỏ trong tổng số bằng được cấp tại Việt Nam, với tỷ lệ không quá 7%. Hơn 93% các đăng ký sở hữu trí tuệ (bản quyền sáng chế/giải pháp) tại Việt Nam được cấp cho các cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài, nhằm bảo vệ quyền sử dụng những ý tưởng sáng tạo của họ trong khu vực. Cụ thể, năm 1995, trong số 56 bằng sáng chế cấp tại Việt Nam, chỉ có 3 bằng được cấp cho người Việt. Cho đến khi tổng số tăng lên tới 1.368 trong năm 2014, người Việt cũng chỉ sở hữu 36 bằng trong đó.

Dù những con số ít ỏi phản ánh tình trạng nghèo nàn trong khả năng đổi mới sáng tạo (ĐMST), hay hạn chế trong việc hiểu biết và chuẩn bị cho đăng ký sở hữu sáng chế, chúng đều thể hiện vai trò rất mờ nhạt của ĐMST trong năng lực cạnh tranh và phát triển của tổ chức.

Là một nền kinh tế mới nổi, Việt Nam có lý do để giải thích cho sự tăng trưởng với tốc độ cao, nhưng hàm lượng về khoa học, công nghệ nội địa lại thấp. Tuy nhiên, trong dài hạn, một nền kinh tế “xanh dương”[1] mới là cái đích cần nhắm đến.

Những thống kê đơn giản nói trên dẫn đến những suy nghĩ và câu hỏi phức tạp hơn, mà để trả lời ta sẽ cần đến dữ liệu điều tra. Một nghiên cứu về nhận thức đối với đổi mới-sáng tạo đã được tiến hành trên một bộ phận người khởi nghiệp (hoặc cận kề với kế hoạch khởi nghiệp) tại Việt Nam, vào cuối quý I/2015[2]. Qua đó, trong tổng số 3.071 phiếu điều tra thu thập được, 2.823 cho biết ý kiến trả lời trọn vẹn cho hai câu hỏi liên quan trực tiếp sau: (i) Đánh giá về mức độ sáng tạo của sản phẩm, dịch vụ, mô hình/giải pháp kinh doanh; (ii) Tự ước tính khả năng thành công?

Các kết quả thống kê và phân tích thực chứng đã góp phần cung cấp một số hiểu biết lý thú, thậm chí bất ngờ.[3]

Trong mẫu điều tra bao gồm 2.823 quan sát, chỉ có 14,1% tự đánh giá rằng hàm lượng ý tưởng ĐMST trong kế hoạch khởi nghiệp là đáng kể; 43,6% có một vài điểm mới trong dự án. Trong khi đó, có tới 42,3% các dự án khởi nghiệp tự nhận thấy không có – hoặc không cần đến – năng lực sáng tạo nào (Bảng 1).

Con số này phần nào cảnh báo về cách thức tổ chức kinh doanh của một bộ phận không nhỏ các khởi nghiệp Việt Nam, phần đông đang có xu hướng bắt chước các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh có sẵn trên thị trường. Tư duy này hoàn toàn đi ngược với những kết luận về mối liên quan mật thiết giữa khởi nghiệp và sáng tạo đã được nhiều nghiên cứu khẳng định NK (Napier, DLN Vu & QH Vuong, 2012).

Mặc dù khả năng sáng tạo – nguồn lực tuyệt vời nhất của tăng trưởng kinh tế - không được tận dụng, những số liệu thống kê vẫn cho thấy một sự lạc quan và tự tin khó tưởng tượng của cộng đồng khởi nghiệp Việt.

Hình 2 thể hiện số lượng người khởi nghiệp phân chia theo các mức độ thành công ước tính, bao gồm 4 khả năng, do người khởi nghiệp tự đánh giá:

Chắc chắn thành công;

Khả năng thành công cao;

Khả năng thành công ở mức trung bình; và,

Ít khả năng thành công.

Theo đó, 52,7% người khởi nghiệp đánh giá khả năng thành công của dự án ở mức trung bình, hơn 33% kỳ vọng xác suất thành công ở mức cao trở lên. Trong khi đó, tỷ trọng những dự án được đánh giá sẽ thất bại chỉ chiếm 13,7%.

Lạc quan và tin tưởng vào thành công là một thái độ tốt, giúp người khởi nghiệp có niềm tin và động lực để cố gắng. Tuy nhiên, tính tích cực sẽ chuyển hóa sang trạng thái nguy hiểm nếu niềm lạc quan đó xuất phát từ sự hạn chế hiểu biết về những rủi ro, bất trắc có thể xảy ra. Nói khác đi, đó là sự tự tin bất hợp lý. Rất tiếc, Hình 2 lại có xu hướng cho thấy, khả năng xấu hơn lại đang có nguy cơ thành hiện thực.

Chủ quan mà nói, phần đông người khởi nghiệp sẽ không thích và không muốn công nhận đánh giá vừa rồi, nhưng sự thật hết sức lạnh lùng, thống kê trên 3200 dự án start-up cho biết 90% đều thất bại. Đặc biệt, các trường hợp này cho thấy nguyên nhân “tự hủy diệt” nhiều hơn là do cạnh tranh. Trong số 10% thành công, hầu hết đều đã đi qua “ngưỡng cửa tử thần”, cận kề với sự sụp đổ (M Marmer et al., 2011). Tỷ lệ 10&pide;90 trên đây nói lên rất nhiều điều.

Thực tế tại Việt Nam cho thấy, hàng năm, cùng với sự gia tăng của số lượng doanh nghiệp được thành lập mới, lượng doanh nghiệp giải thể/ngừng hoạt động cũng không ngừng tăng lên, thậm chí ở nhiều thời điểm còn có mức tăng lớn hơn. Cụ thể, năm 2013, lượng doanh nghiệp đăng ký mới và lượng doanh nghiệp giải thể/ngừng hoạt động lần lượt tăng 10,1% và 11,9% so với năm 2012. Đến năm 2014, số doanh nghiệp giải thể/ngừng hoạt động tiếp tục tăng 11,7% trong khi số doanh nghiệp đăng ký mới giảm 2,7% so với năm 2013 (Bảng 2).

Trở lại mối tương quan giữa khởi nghiệp và sáng tạo, trong nghiên cứu này, có thể thấy nhận thức của người khởi nghiệp Việt Nam về vai trò của ĐMST trong nỗ lực tiến tới thành công.

Hình 3 cho biết phỏng ước về khả năng thành công của khởi nghiệp Việt Nam tương ứng 3 mức độ năng lực sáng tạo khảo sát: a) cao; b) vừa phải; c) không đáng kể. Trong nhóm các dự án khởi nghiệp có nhiều yếu tố sáng tạo, số dự án được ước tính có nguy cơ thất bại là rất thấp, ước tính khoảng 9%; trong khi đó, số dự án được đánh giá thành công ở mức cao trở lên đạt trên 50%. Điều này cho thấy, khi đánh giá sản phẩm, mô hình kinh doanh có nhiều sáng tạo, thì người khởi nghiệp cũng có nhiều niềm tin hơn vào khả năng thành công của dự án.

Điều thú vị nằm ở nhóm đánh giá các dự án khởi nghiệp gần như không có yếu tố sáng tạo; nhóm này chiếm trên 42%. Mặc dù tỷ trọng đã giảm, trên 28% trong số này vẫn tin rằng dự án của họ có nhiều khả năng thành công. Bên cạnh đó, 53% có niềm tin thành công ở mức trung bình. Chỉ có gần 19% nhìn đến nguy cơ thất bại. Nói cách khác, cứ 100 dự án khởi nghiệp tự nhận thấy mô hình cũ, sản phẩm không có sáng tạo, thì 91 vẫn đánh giá khả năng thành công trên mức trung bình. Chỉ có 19 dự án lường trước khả năng thất bại.

Rõ ràng, một bộ phận rất lớn cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam cho rằng, họ vẫn có thể thành công, mà không cần yếu tố sáng tạo. Trên thực tế, nếu thành công, số này sẽ phủ nhận mệnh đề được các nhà nghiên cứu đặt ra rằng, cộng đồng khởi nghiệp sẽ khuyến khích gia tăng đổi mới và những phát minh, đồng thời tạo nên sức ép thay đổi một cách tích cực hệ thống kinh tế hiện có. Những kết cục này sẽ đẩy tới quá trình chuyển đổi sang trạng thái tiến bộ ở mức cao hơn. Nếu không, sự thật rất dễ hiểu, khi không còn khả năng đáp ứng đặc tính về ĐMST, bộ phận này sẽ bị đào thải một cách tự nhiên khỏi cộng đồng kinh doanh trong nền kinh tế hiện đại, rơi vào 90% gánh chịu tổn thất.

Những con số khách quan đã nói lên thái độ của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam đối với yếu tố ĐMST. Trong khi Thung lũng Silicon luôn cổ vũ người khởi nghiệp sáng tạo và vinh danh văn hóa “thất bại nhanh, thất bại thường xuyên”; Steve Jobs khẳng định, muốn sáng tạo chúng ta cần quẳng hết những gì đã làm và đã có – tương tự điều mà Joseph Schumpeter gọi là “sự phá hủy mang tính kiến tạo” (JA Schumpeter, 1994), thì hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam dường như tràn đầy vẫn hy vọng vào những thứ đã có, vẫn ổn, hay đã thành công ở đâu đó. Đây là một đặc tính mà Lawrence E. Harrison gọi là “văn hóa tĩnh” tương phản với “văn hóa tiến bộ” (LE Harrison&SP Huntington, 2000)./.

Tài liệu tham khảo:

1. M Marmer et al.( 2011). Startup genome report extra: premature scaling, Startup Genome 10

2. LE Harrison & SP Huntington (2000). Culture Matters: How Values Shape Human Progress, New York: Basic Books

3. NK Napier, DLN Vu & QH Vuong (2012). It takes two to tango: entrepreneurship and creativity in troubled times -Vietnam 2012, Sociology Study 2(9): 662-674

4. Peters (2009). Education, creativity and the economy of passions: new forms of educational capitalism, Thesis Eleven 96:40-63

5. JA Schumpeter (1994). Capitalism, Socialism and Democracy, New York: Psychology Press



[1] Nền kinh tế xanh dương (Blue Economy) – khái niệm được phát triển bởi nhà kinh tế người Bỉ Gunter Pauli – là nền kinh tế được hỗ trợ bởi ít vốn đầu tư hơn và nhiều đổi mới hơn, tập trung vào việc tạo ra công ăn việc làm, xây dựng nguồn lực xã hội, và tạo ra dòng tiền đa dạng bằng cách kích thích khởi nghiệp và sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới.

[2] Dữ liệu được thu thập thông qua các hội thảo và hội nghị với sự tham gia của những người khởi nghiệp hoặc đang có kế hoạch khởi nghiệp. Đóng góp dữ liệu lớn nhất nhận được là từ Hành trình vì Khát vọng Việt của Tập đoàn Trung Nguyên và Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên, và các câu lạc bộ khởi nghiệp của Trung tâm BSA.

[3] Nghiên cứu được thiết kế cho dữ liệu hỗn hợp, dựa trên khuôn khổ phân tích của TS. Vương Quân Hoàng (CEB/ULB). Các biểu đồ, hình vẽ và bảng thống kê cung cấp trong bài là bản quyền © 2015 Vuong & Associates.

Lương Minh Hà, Đỗ Thu Hằng, Vương Thu Trang
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 19/2015)