Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư từ Hợp đồng Hợp tác kinh doanh về thiết lập và hoạt động mạng viễn thông di động mặt đất giữa Công ty cổ phần Viễn thông Hà Nội và Hutchison Telecommunications (Vietnam) S.À.R.L (Hợp đồng BCC) thành Công ty cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile.

Liệu sự chuyển đổi này có giúp Vietnamobile mạnh hơn

Theo đó, thành lập công ty cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile gồm 3 cổ đông: Công ty cổ phần Viễn thông Hà Nội, góp 50% vốn điều lệ; Hutchison Telecommunications (Vietnam) S.À.R.L, góp 49% vốn điều lệ; bà Trịnh Minh Châu, quốc tịch Việt Nam góp 1% vốn điều lệ.

Tổng vốn đầu tư điều chỉnh là 1,248 tỷ USD. Thời hạn thực hiện dự án 50 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Tỷ lệ cổ phần nhà nước tại Công ty cổ phần Viễn thông Hà Nội thực hiện theo quy định tại Quyết định số 55/2011/QĐ-TTg, ngày 14/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng do Nhà nước nắm cổ phần, vốn góp chi phối.

Tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài trong Công ty cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile không quá 49% vốn điều lệ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Sau khi thành lập, Công ty cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile được xử lý tài chính và chuyển lỗ của các bên liên doanh liên quan đến Hợp đồng BCC khi chuyển thành công ty cổ phần.

Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý, Công ty cũng kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và nợ nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến đầu tư thực hiện Hợp đồng BCC.

Các khoản nợ phải đảm bảo có đủ hóa đơn, chứng từ, biên bản xác nhận nghĩa vụ nợ các bên có liên quan; không phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng đối với tài sản góp vốn khi chuyển đổi từ Hợp đồng BCC thành công ty cổ phần.

Khi chuyển từ Hợp đồng BCC thành Công ty cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile, kế thừa cam kết chuyển giao tài sản không bồi hoàn cho cổ đông nhà nước trong Công ty cổ phần Viễn thông Hà Nội theo quy định. Công ty cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile báo cáo cơ quan có thẩm quyền để chuyển giao tài sản không bồi hoàn của Dự án đầu tư Hợp đồng BCC.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn xử lý cụ thể theo quy định bảo đảm lợi ích của Nhà nước và quyền lợi hợp pháp của Nhà đầu tư, trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Việc Vietnamobile chuyển đổi mô hình đầu tư cũng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong cuộc chiến giành thị phần.

Hiện, thị trường viễn thông Việt Nam vẫn đang nằm trong tay ba “đại gia” Viettel, Vinaphone và MobiFone, với trên 90% thị phần.

Sách Trắng công nghệ thông tin năm 2014 cho biết, Vietnamobile chỉ chiếm 4,07% thị phần, còn Gmobile chiếm 3,22% thị phần dịch vụ điện thoại di động 2G và 3G. Trong khi đó, với thị trường dịch vụ điện thoại 2G, thì thị phần của Gmobile là 3,83% và Vietnamobile là 4,43%.

Chưa có số liệu thị phần của năm 2015, song báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm qua, MobiFone đạt tổng doanh thu pháp lệnh khoảng 36.900 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 7.395 tỷ đồng.

Trong khi đó, con số ở Viettel là doanh thu 222.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 45.800 tỷ đồng. Còn tại VNPT, tổng doanh thu của doanh nghiệp này ước đạt 89.122 tỷ đồng, trong đó doanh thu kinh doanh viễn thông - CNTT đạt 80.811 tỷ đồng.

Cả ba nhà mạng này cũng đều đạt kết quả tăng trưởng thuê bao ấn tượng, với 29,7 triệu thuê bao của Vinaphone, tăng 3,3 triệu thuê bao so với cuối năm 2014. Với MobiFone, riêng thuê bao phát triển mới đã đạt 15 triệu thuê bao, vượt 33,6% so với kế hoạch. Bên cạnh đó, Viettel phát triển thêm 6,8 triệu thuê bao, lũy kế toàn mạng 56,4 triệu thuê bao trong năm qua.

Trong khi đó, với chất lượng mạng lưới ổn định, độ phủ sóng gần 63 tỉnh thành trên cả nước, năm 2015, số thuê bao di động 2G và 3G của Vietnamobile ước đạt gần 11 triệu thuê bao. Năm 2015, nhà mạng này ước đạt tổng doanh thu 9.950 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 177 tỷ đồng./.