SCIC đang phát huy vai trò của mình trong tiến trình tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan và Người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã thống nhất chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC phối hợp với SCIC khẩn trương hoàn thiện hồ sơ và thực hiện chuyển giao theo đúng quy định của pháp luật trong năm 2016 và quý I năm 2017.

Đồng thời thực hiện nghiêm túc việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 655/TTg-ĐMDN ngày 11/5/2015, công văn số 10382/VPCP-ĐMDN ngày 11/12/2015 và quy định của pháp luật.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề xuất hướng xử lý đối với các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao về SCIC nhưng SCIC và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa thống nhất được, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo Bộ Tài chính, lũy kế từ đầu năm đến ngày 20/11, đã có 56 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.

Trong số này, có 6 tổng công ty nhà nước. Bên cạnh đó có 3 tổng công ty đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt giá trị doanh nghiệp, đang triển khai xây dựng phương án cổ phần hóa trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, gồm: Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp-IDICO, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị-HUD.

Tổng giá trị thực tế của 56 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 34.017 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 24.390 tỷ đồng.

Theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 56 đơn vị là 24.379 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 11.937 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.670 tỷ đồng, bán cho người lao động 388 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 8 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 4.374 tỷ đồng.

Cũng theo Bộ Tài chính, lũy kế 11 tháng năm 2016, các đơn vị đã thoái được 3.558 tỷ đồng, thu về 6.569 tỷ đồng.

Trong đó, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 490 tỷ đồng tại 5 lĩnh vực nhạy cảm, thu về 450 tỷ đồng, giá trị thu về thấp hơn giá trị đã đầu tư do Tổng công ty Thanh Lễ thoái 100,6 tỷ đồng tại Khu biệt thự vườn Chánh Mỹ, thu về 18,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái 1.578 tỷ đồng vốn đầu tư ở doanh nghiệp khác (ngoài 05 lĩnh vực nhạy cảm), thu về 2.273 tỷ đồng.

Cùng thời điểm, SCIC đã bán vốn tại 59 doanh nghiệp với giá trị là 1.489 tỷ đồng, thu về 3.844 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, trong kế hoạch tới đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016 – 2020, trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty thống nhất chỉ đạo, nghiêm túc triển khai thực hiện./.