Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu

Thứ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian vừa qua, việc quản lý giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều vấn đề bất cập.

Vừa qua, Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, khảo sát, tham khảo các mô hình về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và đề xuất một mô hình để quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thứ trưởng cho biết, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có tờ trình lên Chính phủ kiến nghị thành lập một Ủy ban, không phải là “siêu ủy ban”, quản lý giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp trực thuộc Chính phủ.

“Việc này tương đối lớn, hiện nay Chính phủ dự kiến là trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cao hơn, chứ quy định thì chưa có quy định về vấn đề này”, Thứ trưởng Đào Quang Thu cho hay.

Tại Tờ trình về sự cần thiết của việc xây dựng ủy ban giám sát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh những lý do chủ yếu sau đây:

Một là, thể chế hóa chủ trương của Đảng về doanh nghiệp nhà nước và mô hình thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước.

Cụ thể là Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã xác định: "Tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước; sớm xoá bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, Uỷ ban nhân dân đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp. Thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước".

Hai là, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật về tổ chức thực hiện các quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp phù hợp với các luật mới ban hành trong thời gian qua.

Trước đây, cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp là Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Nghị định này có nội dung chủ yếu là quy định về quyền, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty và Người đại diện trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Hiện nay, cơ chế phân công, phân cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước theo Nghị định định số 99/2012/NĐ-CP không còn phù hợp với quy định của một số luật mới ban hành trong thời gian qua:

- Theo Điều 39 Luật Tổ chức Chính phủ số 76/2015/QH13 ngày 19 tháng 06 năm 2015, các bộ, cơ quan ngang bộ không còn chức năng "thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp" như quy định tại Điều 22 của Luật Tổ chức Chính phủ trước đây (năm 2001).

- Luật Doanh nghiệp và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp có một số quy định mới khác hẳn so với trước đây về thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước, trước hết là quy định về cơ quan đại diện chủ sở hữu; không còn quy định về sự tham gia của các bộ quản lý tổng hợp vào thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp.

Đồng thời, Khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp giao Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Rà soát pháp luật hiện hành cho thấy, những vấn đề sau đây cần phải hướng dẫn:

+ Hướng dẫn việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu, trong đó: Xác định rõ địa vị pháp lý cũng như mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu; quy định đầy đủ, đồng bộ, toàn diện các quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước do cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện.

+ Hướng dẫn cơ chế giám sát, đánh giá đối với hoạt động của cơ quan đại diện chủ sở hữu, trong đó quy định cụ thể về tiêu chí, căn cứ, phương thức và chủ thể thực hiện giám sát, đánh giá.

Việc hoàn thiện pháp luật về vấn đề này là cần thiết nhằm xác định rõ vai trò và trách nhiệm giải trình của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với tài sản và hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Ba là, đáp ứng yêu cầu tiếp tục nâng cao hiệu quả vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh; tiếp tục cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập đối với doanh nghiệp nhà nước.

Quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế và gia tăng phúc lợi quốc gia ở hầu khắp các nước trên thế giới.

Trong đó, chuyên trách và chuyên nghiệp hóa bộ máy quản lý, giám sát vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp là một trong những giải pháp cơ bản đầu tiên và được xem là thông lệ quốc tế tốt.

Bộ máy quản lý, giám sát chuyên nghiệp và chuyên trách tạo điều kiện cần thiết để tách việc thực hiện chức năng chủ sở hữu của nhà nước ra khỏi chức năng quản lý hành chính nhà nước, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, một yếu tố không thể thiếu của kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập.

Giải pháp này giúp tập trung nguồn lực, vốn và tài sản nhà nước vào thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, chiến lược có giá trị gia tăng cao nhất về dài hạn, mà khu vực tư nhân không làm hoặc không thể làm được.

Ở nước ta, giá trị vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh còn rất lớn. Cụ thể, theo Báo cáo của Bộ Tài chính năm 2015, tính riêng 781 doanh nghiệp nhà nước đã có tổng giá trị tài sản là 3.105 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu nhà nước là 1.233 nghìn tỷ đồng. Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2014, tổng giá trị tài sản của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có trên 50% sở hữu nhà nước đạt 5408,4 nghìn tỷ đồng.

Việc sử dụng có hiệu quả lượng vốn và tài sản quan trọng này không chỉ tác động tích cực đến tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh chung của nền kinh tế, mà còn là công cụ hữu hiệu để Nhà nước định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đề ra.

Tuy vậy, hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu. Một trong những nguyên nhân đã được Hội nghị Trung ương 6 Khóa XI kết luận từ năm 2012 là thể chế, cơ chế quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước có nhiều sơ hở, yếu kém.

Đánh giá thực trạng quản lý và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước cho thấy, việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước một cách chia tách, phân tán làm cho Nhà nước, với tư cách là chủ sở hữu, chưa thực hiện đầy đủ, hiệu quả và hiệu lực tất cả các quyền chủ sở hữu của mình tại doanh nghiệp, đồng thời, không phải là người chịu trách nhiệm về kết quả và hiệu quả đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Vì vậy, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của chủ đầu tư nhà nước, của cơ quan và cá nhân được phân công thực hiện quyền chủ sở hữu tại doanh nghiệp rất thấp. Đây là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp trong thời gian qua.

Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn nêu trên, đồng thời tham khảo kinh nghiệm tốt của thế giới về vấn đề này, việc hình thành bộ máy chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cần thiết để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thể chế, cơ chế quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả của vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

"Giải pháp này cũng tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước tập trung năng lực và nguồn lực của mình để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước ngày càng phức tạp và nặng nề trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội", Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ./.