Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng quyết định và chịu trách nhiệm về việc xử lý giá trị doanh nghiệp của Công ty mẹ - Tổng công ty sông Đà gồm: Dự án hầm đường bộ qua Đèo Ngang, dự án Quốc lộ 1A đoạn tránh thành phố Hà Tĩnh, khoản chi phí tái cấu trúc và khoản đầu tư tài chính theo quy định pháp luật.

Cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu của Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà như sau:

- Cổ phần nhà nước 229.500.000 cổ phần, chiếm 51% vốn điều lệ đến hết năm 2019, năm 2020 bán tiếp phần vốn nhà nước còn nắm giữ tại doanh nghiệp này xuống dưới 50% vốn điều lệ;

- Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 48 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ 822.000 cổ phần, chiếm 0,18% vốn điều lệ;

- Cổ phần bán đấu giá công khai: 219.768.000 cổ phần, chiếm 48,82% vốn điều lệ.

Trước đó, tham gia góp ý về phương án cổ phần hóa Tổng công ty Sông Đà, Bộ Tài chính mạnh dạn đề nghị tỷ lệ nắm giữ vốn nhà nước từ 49% vốn điều lệ trở xuống trong cơ cấu phát hành cổ phần lần đầu.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Sông Đà về Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thuộc Bộ Tài chính.

Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn đề xuất một phương án dứt khoát hơn. Đó là bán toàn bộ phần vốn nhà nước ở Tổng công ty Sông Đà. Trường hợp không bán hết cổ phần, Bộ Xây dựng điều chỉnh lại cơ cấu vốn điều lệ, tiếp tục thoái vốn theo lộ trình và tiến tới thoái toàn bộ vốn nhà nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đồng điểm với Bộ Tài chính trong việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Sông Đà sang SCIC.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng, Tổng công ty Sông Đà đang nắm giữ khối lượng tài sản, vốn nhà nước lớn, số lượng lao động gần 20.000 người. Trong suốt quá trình thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia, nhất là các công trình thủy điện, tổng công ty đã phải huy động, đầu tư rất lớn về nguồn nhân lực, tài sản thiết bị đảm bảo tiến độ thi công theo yêu cầu của Chính phủ.

Chính vì vậy, đại diện Bộ Xây dựng đã đề nghị Thủ tướng cho phép tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ là 51% vốn điều lệ tại công ty mẹ khi cổ phần hóa đến hết năm 2019. Năm 2020, điều chỉnh tỷ lệ vốn này xuống còn dưới 50% theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong năm 2016, Sông Đà đạt doanh thu 13.599 tỷ đồng, vượt 8% chỉ tiêu được giao (12.600 tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế đạt 370 tỷ đồng, vượt 72% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà Đại hội cổ đông giao phó./.