Theo thống kê của Bộ Y tế, từ năm 2010 đến nay, cả nước đã xảy ra 656 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 27.000 người mắc, trong đó 184 người tử vong. Riêng bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đã xảy ra 84 vụ ngộ độc thực phẩm làm 6.059 công nhân phải nhập viện cấp cứu. Trong 6 tháng đầu năm 2015, cả nước ghi nhận 90 vụ ngộ độc thực phẩm, với 2.595 người mắc, 2.444 người đi viện và 16 trường hợp tử vong (Ngô Châu Anh, 2015).

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương tại Cuộc họp Kiểm điểm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm 06 tháng đầu năm 2015, khi lực lượng kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 344.390 cơ sở, phát hiện 68.025 cơ sở vi phạm, song mới chỉ có 12.690 cơ sở bị xử lý về an toàn thực phẩm, chiếm 18,7%.

Bên cạnh đó, tại Hội nghị sơ kết công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm,thủy sản 6 tháng đầu năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây,Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cũng cho biết, công tác quản lý chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh nông, lâm, thủy sản thời gian qua mới chỉ dừng ở mức kiềm chế, chưa tạo sự chuyển biến trên thực tế. Việc xử lý còn mang tính sự vụ, chưa quyết liệt và đồng bộ.

Nhìn từ kết quả triển khai Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT, ngày 03/12/2014 của 40/63 tỉnh, thành phố, có một thực tế là việc các cơ sở xếp loại C đang chiếm lượng lớn và khi tái kiểm tra thì đa số vẫn không đạt. Cụ thể, số cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản được kiểm tra phân loại và kiểm tra định kỳ là 3.942 cơ sở; 1.260/3.942 cơ sở xếp loại C (chiếm 32%). Có 735 cơ sở xếp loại C được tái kiểm tra (chiếm 58,3%), sau kiểm tra có 711 cơ sở vẫn xếp loại C (96,7%). Trong số 735 cơ sở này có 702 cơ sở giết mổ và chỉ có 1 cơ sở giết mổ được lên hạng B sau tái kiểm tra.

Sử dụng các chất kháng sinh quá liều hoặc chất cấm trong chăn nuôi gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao cũng là vấn đề nổi cộm.Thực tế có không ít nguy cơ về an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng khi tình trạng giết mổ nhỏ lẻ hay tình trạng sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản vẫn còn; việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực phẩm, nhiều cơ sở xếp loại C được tái kiểm tra vẫn vi phạm mà chưa có cách xử lý triệt để…

Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản,tại Hội nghị trên, ông Nguyễn Xuân Dương,Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần đẩy mạnh lấy mẫu thịt, nước tiểu ở các lò mổ để kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện thì ngăn chặn không cho bán ra thị trường, đồng thời khuyến cáo người dân không ăn thịt có chứa chất cấm.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền cũng đề xuất: Xử lý các vi phạm trong lĩnh vực thủy sản nhất là chất cấm phải tổ chức thanh tra đột xuất, còn báo trước thì khi thanh tra không tìm thấy dấu hiệu vi phạm, khi phát hiện vi phạm thì xử phạt nặng. Ngoài ra, cần quản lý từ gốc không cho nhập khẩu các loại chất cấm, kháng sinh không có trong danh mục.

Trong việc xử lý những cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, tại cuộc họp Kiểm điểm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm 06 tháng đầu năm 2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành Trung ương cần tập trung thực hiện cho được việc tái kiểm tra 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm, thủy sản từng bị xếp loại C; nếu cơ sở nào không chuyển biến, phải đề nghị chấm dứt hoạt động.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ trong thực thi nhiệm vụ, kế hoạch đảm bảo vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường thời lượng tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm; biểu dương những mặt tốt, lên án những hạn chế, bấp cập, nhất là kết quả xử lý vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm cần công khai đến nhân dân được biết.

Ngoài ra, các bộ, ngành cần tiếp tục khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Luật An toàn thực phẩm. Cụ thể, đến nay, Bộ Công Thương còn 1 văn bản chưa ban hành, Bộ Y tế còn 3 văn bản và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 2 văn bản chưa ban hành./.

Tổng hợp từ các nguồn:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2015). Hội nghị Sơ kết công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2015, ngày 24/7, tại Hà Nội

2. Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương (2015). Họp Kiểm điểm công tác an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm nay, triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, ngày 30/7, tại Hà Nội

3. Ngô Châu Anh (2015). Hàng nghìn công nhân bị ngộ độc mỗi năm, trách nhiệm thuộc về ai?, truy cập từ http://infonet.vn/hang-nghin-cong-nhan-bi-ngo-doc-moi-nam-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-post169212.info