Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái được thành lập theo Quyết định số 19/2012/QĐ-CP, ngày 10/04/2012 của Thủ tướng Chính phủ với địa giới hành chính bao gồm TP Móng Cái và 9 xã, thị trấn của huyện Hải Hà.

Đây là Khu kinh tế được đánh giá có tiềm năng và lợi thế rất lớn để phát triển thành vùng kinh tế động lực ở Bắc Bộ và có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Đây là khu kinh tế có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, có mạng lưới dịch vụ hoàn thiện; trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia; có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú; đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; quốc phòng - an ninh được đảm bảo, là phòng tuyến vững chắc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Theo định hướng, Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái phát triển theo mô hình và cấu trúc không gian theo hướng 1 trục 2 vùng (phía Bắc và phía Nam) với 3 trung tâm (1 trung tâm hạt nhân là đô thị tích hợp mới (Khu trung tâm hành chính) và 2 trung tâm động lực là trung tâm Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà và thành phố cửa khẩu Móng Cái).

Cấu trúc không gian thành 5 khu vực phát triển chính: (1) Khu A - Đô thị Móng Cái (trung tâm động lực); (2) Khu B - Khu vực Hải Hà (trung tâm động lực); (3) Khu C - Đô thị trung tâm hành chính, dịch vụ tổng hợp mới (trung tâm hạt nhân); (4) Khu D - Khu vực du lịch biển đảo phía Nam (vùng phía Nam); (5) Khu E - Dịch vụ thương mại vùng biên và phát triển nông thôn mới (vùng phía Bắc).

Trong Khu B - Khu vực Hải Hà (trung tâm động lực) hình thành các khu đô thị mới dọc tuyến đường kết nối giữa Hải Hà và Móng Cái. Tổ chức khai thác du lịch sinh thái gắn với bảo tồn rừng ngập mặn; hình thành các khu dịch vụ và khu nhà ở xã hội tại phía Bắc Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà để giải quyết nhu cầu nhà ở cho Khu công nghiệp và Cảng biển Hải Hà.

Khu D - Khu vực du lịch biển đảo phía Nam (vùng phía Nam) hình thành hành lang du lịch biển đảo tầm cỡ khu vực và quốc tế trên cơ sở kết nối quần thể du lịch ven biển Quảng Ninh (từ đảo Hoàng Tân - Tuần Châu - Hạ Long - Bái Tử Long - Vân Đồn - Móng Cái - Trà Cổ).

Khu E - Dịch vụ thương mại vùng biên và phát triển nông thôn mới (vùng phía Bắc) hình thành các trung tâm thương mại - dịch vụ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời tăng cường ổn định kinh tế cho khu vực vùng biên...

Trước đó, bản Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới là McKinsey (Hoa Kỳ) thực hiện cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo ý tưởng tư vấn, Cửa khẩu Móng Cái sẽ được xây dựng thành một khu kinh tế có không gian phát triển riêng biệt với môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi theo quy định của pháp luật, có những ưu đãi đầu tư phát triển các ngành kinh tế và tạo động lực phát triển vùng.

Quy hoạch hướng tới mục tiêu xây dựng Cửa khẩu Móng Cái trở thành một cực tăng trưởng kinh tế năng động của vùng Đồng bằng sông Hồng, một trung tâm kinh tế phát triển trên vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ và là cửa ngõ thương mại hợp tác quốc tế quan trọng giữa Việt Nam - Trung Quốc và các nước trong khu vực ASEAN.

Trên cơ sở đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế xuất và thương mại, du lịch, đến năm 2020, khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái sẽ trở thành một khu kinh tế dịch vụ, công nghiệp, tri thức theo hướng hiện đại.

Trong giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng GDP nhanh và ổn định đạt trên 17%/năm. Trong đó, tăng GDP thương mại và vận tải khoảng 20-22%/năm; công nghiệp đạt 22%/năm; nông nghiệp đạt 8%/năm.

Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người danh nghĩa đạt khoảng 10.000 USD (tương đương với 5.700 USD/người/năm tính theo giá so sánh 2010); Cơ cấu GDP: Dịch vụ (59%), Công nghiệp (35%), Nông nghiệp (6%).

Đến năm 2030, Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái sẽ là trung tâm kinh tế- tài chính lớn, với một nền kinh tế đa dạng, sáng tạo, hiện đại và bền vững; đồng thời là một trong những trọng điểm du lịch của khu vực Đông Nam Á. GDP bình quân đầu người ước đạt 22.000 USD, cao hơn 2.000 USD so với mục tiêu chung của cả tỉnh.

Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển, tư vấn McKinsey đã xây dựng Chương trình hành động thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái giai đoạn 2016-2020 trên 10 lĩnh vực với 155 giải pháp và cam kết hỗ trợ Cửa khẩu Móng Cái tổ chức xúc tiến đầu tư tại nước ngoài để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trên thế giới./.