Sự thần kỳ của tế bào gốc trong y học

Trên lý thuyết, nếu có tế bào gốc tự thân thì khả năng sẽ điều trị được hầu hết các căn bệnh hiểm nghèo. Cụ thể, tại Việt Nam Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Truyền máu và Huyết học Tp.HCM, Bạch Mai, Đại học Y Dược, Vạn Hạnh, 108, … đều có những công trình nghiên cứu và thành công bước đầu trong việc ứng dụng điều trị một số các căn bệnh hiểm nghèo.

Theo bác sĩ Trần Trung Dũng, trưởng khoa Ngân hàng tế bào gốc, bệnh viện Truyền máu và Huyết học Tp.HCM thì hiện nay có khoảng 70 bệnh lý hiểm nghèo được điều trị thành công bằng phương pháp ghép tế bào gốc máu dây rốn như bạch cầu cấp dòng lymphô, bạch cầu cấp dòng tủy, bạch cầu mãn dòng tủy, hội chứng loạn sinh tủy, suy giảm miễn dịch kết hợp trầm trọng, thiếu máu Fanconi, suy tủy nặng, lymphoma Non-Hodgkin, bệnh β Thalassemie, suy tủy dòng hồng cầu, thiếu máu hồng cầu liềm…

Ngoài ra, các nghiên cứu gần đây cho thấy tế bào gốc hệ tạo máu có thể biệt hóa thành những tế bào của những mô khác, như: cơ (cơ vân, cơ tim), tế bào não, tế bào gan, tế bào da, tế bào phổi, tế bào thận, tế bào ruột và tế bào tuyến tụy. Trên cơ sở đó việc điều trị được nhiều bệnh lý ngoài huyết hoc là hoàn toàn có cơ sở.

Thu thập màng dây rốn Thu thập máu cuống rốn

Lưu giữ tế bào gốc ví như bảo hiểm sinh học cho tương lai

Ngoài ra, tế bào gốc hệ tạo máu trong máu dây rốn cũng đang được nghiên cứu điều trị cho những bệnh nhân ung thư như ung thư tinh hoàn, ung thư nguyên bào thần kinh, nhiều nghiên cứu cũng được tiến hành trong việc ứng dụng điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng ở phụ nữ, carcinoma ở thận, ung thư tế bào nhỏ ở phổi, ...

Nhìn chung, ngoài những bệnh lý ác tính, tế bào gốc hệ tạo máu điều trị hiệu quả những bệnh lý mắc phải hoặc bẩm sinh khác, với công nghệ biệt hóa tế bào đang phát triển rất nhanh, tế bào gốc máu dây rốn sẽ là nguồn tế bào gốc để từ đó giúp phân lập và biệt hóa ra những tế bào của các hệ cơ quan mong muốn, hứa hẹn việc ứng dụng sâu rộng trong việc điều trị nhiều bệnh lý khác nhau trong tương lai.

Còn theo bà Trương Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc Ngân hàng tế bào gốc Mekostem thì các tế bào gốc từ màng dây rốn giúp tái tạo mô tạng đặc khác của cơ thể như da, giác mạc mắt, sụn, xương, tim, gan... Sau khi chào đời, tế bào gốc máu và màng dây rốn của em bé được lưu trữ siêu đông lạnh, mỗi năm em bé thêm một tuổi, nhưng nguồn tế bào gốc này vẫn cứ tại tuổi số 0. Khi em bé đến 50, 60 tuổi, thì có thể quay lại dùng chính tế bào gốc sơ sinh của chính mình giúp cho mình chống lão hóa, điều trị bệnh. Nghe như chuyện khoa học viễn tưởng, nhưng thực tế có thể thực hiện được.

Trên cơ sở đó, việc lưu giữ tế bào gốc cho đứa trẻ có ý nghĩa như một bảo hiểm sức khỏe cho tương lai không chỉ của “chủ nhân” mà kể cả những người thân trong gia đình.

Nhu cầu lớn, nhưng thực tế ngược lại

Việc lưu giữ tế bào gốc cho đứa trẻ ví như bảo hiểm sinh học cho tương lai, đây là nguyện vọng chung của tất cả các ông bố bà mẹ. Tuy dịch vụ này đã triển khai khá lâu nhưng người dân còn rất khó tiếp cận, phần vì thiếu thông tin, phần vì rào cản tài chính.

Tại thành phố Hồ Chí Minh có 2 đơn vị cung cấp dịch vụ lưu giữ tế bào gốc là bệnh viện Truyền máu và Huyết học và ngân hàng tế bào gốc Mekostem. Nhưng bệnh viện truyền máu và huyết học chỉ nhận giữ máu dây rốn, còn Mekostem (ngân hàng duy nhất ở 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia) tiếp nhận và lưu giữ cả 2 loại máu dây rốn mà màng dây rốn. Chi phí gửi ở các nơi này không khác nhau mấy. Nhìn chung, dịch vụ ở các đơn vị này chưa phát huy xứng tầm mà nguyên nhân lớn nhất chính là hành lang pháp lý cũng như rào cản tài chính của những người có nhu cầu.

Cần những giải pháp đột phá

Hành lang pháp lý chính là yếu tố căn cơ để ngành tế bào gốc của chúng ta phát triển xứng tầm, một lĩnh vực với tiềm năng ứng dụng to lớn đến gần hơn với thực tiễn đời sống, đặc biệt là trong lĩnh vực y học.

Theo Giáo sư - tiến sĩ Trương Đình Kiệt, Chủ tịch hội tế bào gốc thì hiện nay Hội đang xây dựng đề án trình lên UBND TP.HCM xây dựng nơi đây thành một trung tâm khoa học tế bào gốc và là nơi đào tạo tiên tiến về tế bào gốc cho cả nước. Về vấn đề phí thu thập và lưu giữ, nguyên nhân chính cản trở nguyện vọng của người muốn tham gia, ông Kiệt lý giải thêm “phải làm sao cho ngân hàng tế bào gốc có sự luân chuyển về tài chính, được như thế thì người dân sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận hơn với loại hình bảo hiểm cho tương lai hết sức hiện đại này”.

Quy trình thực hiện như thế nào?

Tại Mekostem, ít nhất 5 tuần trước khi sinh, các bà mẹ có nhu cầu sẽ được tư vấn và tiến hành làm các xét nghiệm về sức khỏe, hoàn thiện thủ tục đăng ký. Tùy vào nhu cầu, có thể lưu giữ một trong 2 loại tế bào gốc như trên. Toàn bộ quy trình thu thập mất chưa đến 10 phút. Những thao tác này không gây ảnh hưởng gì đến em bé và người mẹ vì chỉ được thực hiện khi việc sinh nở đã hoàn tất. Tỷ lệ thành công trong trường hợp này rất cao, theo thống kê từ ngân hàng tế bào gốc Mekostem tỉ lệ thành công trên 95%. Nếu quá trình thu thập không thành, người gửi sẽ được hoàn trả lại số tiền đã đóng trước đó.
Sau khi thu thập thành công, máu dây rốn sẽ được đưa về ngân hàng Tế bào gốc để tiến hành phân lập tế bào gốc. Các kỹ thuật tách tế bào sẽ cho phép tách máu dây rốn thành 3 thành phần chính là huyết tương, hồng cầu và các tế bào có nhân có chứa tế bào gốc. Các tế bào gốc này sau đó sẽ được đưa đi định tính, định lượng và làm các xét nghiệm xác định có nhiễm khuẩn hay không trước khi bảo quản để đảm bảo rằng các tế bào gốc này khi lấy ra sử dụng sẽ hoàn toàn “sạch”, có thể đem đi cấy ghép khi cần.

Hợp đồng lưu giữ trong 18 năm. Phí dịch vụ năm đầu tiên: máu dây rốn 25,3 triệu đồng, màng dây rốn 15,8 triệu đồng, cả máu và màng dây rốn 39 triệu đồng. Từ năm thứ hai trở đi, mỗi năm đóng 2,1 triệu đồng cho dịch vụ giữ máu hay màng dây rốn. Nếu giữ cả máu và màng dây rốn đóng 3,2 triệu đồng, có thể đóng phí theo gói 5 năm, 10 năm hoặc17 năm.

Khi cần điều trị bệnh cho bản thân hoặc người thân thì sẽ được tiếp nhận trở lại từ ngân hàng lưu trữ.