Tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

Nhìn từ năng lực nội tại, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Đó là hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, lao động dồi dào, Chính phủ rất quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam…

Việt Nam có gần 80 loại hình khoáng sản và hơn 500 điểm mỏ đã được phát hiện. Đặc biệt, Việt Nam có nhiều khoáng sản quý quy mô lớn, trong đó là 3 loại hình quy mô rất lớn, nhưng mới khai thác thử nghiệm hoặc chưa khai thác là: đất hiếm, titan, bauxite.

Đáng lưu ý, Việt Nam hiện đứng thứ hai thế giới về đất hiếm, một loại khoáng sản đặc biệt, nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn, phân bố chủ yếu ở Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Kon Tum, Lâm Đồng… Theo ước tính của Cục Khảo sát địa chất Hoa Kỳ, trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc (44 triệu tấn) và cao hơn Brazil (21 triệu tấn), Nga (21 triệu tấn), Ấn Độ (6,9 triệu tấn).

Chất bán dẫn (Semiconductor) là chất có độ dẫn điện ở mức trung bình; nó hoạt động như chất cách điện ở nhiệt độ thấp và có tính dẫn điện ở nhiệt độ phòng, nên thích hợp dùng để điều khiển dòng điện. Chất bán dẫn là xương sống của nền kinh tế kỹ thuật số, đặc biệt trong sản xuất chip điện tử (hoạt động dựa vào cơ chế bật, tắt để tạo ra tín hiệu) của các thiết bị và linh kiện điện tử như điện thoại di động, máy ảnh, tivi, máy giặt, tủ lạnh, máy ATM, bóng đèn LED, bộ vi xử lý của máy tính…

Việt Nam đang có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có nền tảng tư duy toán tốt, nhân lực có trình độ cao không ngừng tăng. Lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, đặc biệt lĩnh vực công nghệ thông tin, tự động hóa, điện tử, kỹ thuật máy tính đang dành được nhiều sự quan tâm của thế hệ trẻ.

Đây là các lĩnh vực có liên quan đến các công đoạn khác nhau trong ngành công nghiệp bán dẫn. Số liệu từ Cổng thông tin khoa học và công nghệ quốc gia cho thấy, đến cuối năm 2023, cả nước có hơn 5.500 kỹ sư thiết kế chip. Đây là nền tảng cho nhân lực ngành bán dẫn.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023, khi được hỏi về nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành bán dẫn của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam, trong đó có Đề án phát triển nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn đến năm 2030.

Cơ hội lớn cho Việt Nam

Vào tháng 7/2023, khi lần đầu đến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ nhấn mạnh, trong một thập kỷ qua, Việt Nam nổi lên như một điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Bà Janet Yellen chia sẻ mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong việc phát triển chuỗi cung ứng, bao gồm trong lĩnh vực bán dẫn.

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam hai ngày 10-11/9/2023, Tuyên bố chung của Việt Nam và Hoa Kỳ cho thấy, hai bên sẽ hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực khoa học - công nghệ. Ngành bán dẫn của Việt Nam được cho là đang đứng trước cơ hội thu hút dòng vốn lớn từ Hoa Kỳ, trong bối cảnh hai nước vừa xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Tại hội nghị giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và các doanh nghiệp công nghệ lớn của hai nước vào ngày 11/9/2023, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình đã đề xuất phía Hoa Kỳ hỗ trợ đào tạo 30.000-50.000 chuyên gia bán dẫn thông qua đầu tư vào Đại học FPT, nhằm nâng cao năng lực của lực lượng lao động. Ngoài ra, Chủ tịch FPT cũng chia sẻ, Tập đoàn này dự kiến đầu tư 100 triệu USD và gần 1.000 nhân lực tại Hoa Kỳ vào cuối năm nay.

Đặc biệt, có thể nói, tại Việt Nam, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) là “bệ phóng” cho công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.

Cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam
NIC được coi là “bệ phóng” cho công nghiệp bán dẫn của Việt Nam

Trong một bài viết được đăng tải trên Tạp chí điện tử Kinh tế và Dự báo vào đầu tháng 2/2024, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cho biết, các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá rất cao những tiềm năng của Việt Nam. Các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) đã nhận thấy những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam phát triển dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu và thông báo những kế hoạch đầu tư mới và dự định phát triển tại thị trường đầy tiềm năng. Gần đây, Chủ tịch Jensen Huang của Nvidia đã cam kết biến Việt Nam thành quê hương thứ hai của Nvidia và sẽ thành lập pháp nhân ở Việt Nam.

Nhân chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Hoa Kỳ 17-23/9/2023, NIC đã ký một loạt biên bản ghi nhớ hợp tác quan trọng. Chẳng hạn, ký kết thỏa thuận hợp tác với Synopsys, Cadence Design Systems - hai công ty cung cấp phần mềm thiết kế chip lớn nhất thế giới hiện nay - về thúc đẩy năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm chip bán dẫn tại Việt Nam; rồi ký kết hợp tác với Đại học bang Arizona (ASU) về việc phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Phía Hoa Kỳ cũng đang đề xuất NIC phối hợp với ASU để sử dụng một nguồn tài trợ của Chính phủ Hoa Kỳ (khoảng 50 triệu USD) nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam. Cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cũng đã cam kết hỗ trợ NIC 12,5 triệu USD để đào tạo nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo và ngành công nghiệp bán dẫn. Theo ông Vũ Quốc Huy, NIC đã triển khai một phần gói tài trợ này và năm 2024 sẽ mở rộng triển khai.

Thực tế cho thấy, trong ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam đã có nhiều thỏa thuận hợp tác, cũng như các dự án đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn.

Ngày 16/9/2023, Công ty bán dẫn Hana Micron (Hàn Quốc) đã khánh thành nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang). Đây là dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc nước ta. Dự kiến trong năm nay, doanh thu của công ty đạt 300 triệu USD. Đến năm 2025, Công ty có kế hoạch tăng tổng mức đầu tư lên hơn 1 tỷ USD, doanh thu dự kiến đạt 800 triệu USD và tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động.

Ngày 11/10/2023, tại Khu công nghiệp Yên Phong 2 (tỉnh Bắc Ninh) đã diễn ra Lễ khánh thành nhà máy bán dẫn của Tập đoàn Amkor (Hoa Kỳ). Đây là nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của Amkor (với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, dự kiến tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động vào năm 2035) và là một trong những nhà máy sản xuất bán dẫn lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.

Hiện nay, Tập đoàn Intel đã có nhà máy quy mô 1,5 tỷ USD ở TP. Hồ Chí Minh. Marvell cũng đã công bố thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch tại TP. Hồ Chí Minh và tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Một số tập đoàn Renesas, Applied Micro, Synopsys, NXP Semiconductors, Hanmi Semiconductor… cũng lần lượt có các hoạt động đầu tư, kinh doanh về bán dẫn tại Việt Nam.

Sự xuất hiện của những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới nói trên giúp Việt Nam xác nhận quá trình thâm nhập thị trường bán dẫn toàn cầu, thậm chí có thể trở thành trung tâm tăng trưởng lớn của ngành, trong bối cảnh quy mô thị trường chip toàn cầu đã đạt hơn 600 tỷ USD trong năm 2022 và dự báo tăng lên tới 1.400 tỷ USD vào năm 2029.

Giải pháp nào để ngành công nghiệp bán dẫn “cất cánh”?

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học có khả năng tham gia đào tạo lĩnh vực công nghệ bán dẫn, tuy nhiên số lượng cơ sở đào tạo có kinh nghiệm, có truyền thống còn rất ít. Vì vậy, nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học, cả về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và công nghệ, nhằm tạo tiều đề phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

Ngoài ra, cần có những giải pháp để thu hút những sinh viên đang học các ngành phù hợp, ngành gần; thu hút nhiều hơn nữa những học sinh phổ thông đăng ký vào học những ngành, chuyên ngành này; xây dựng những hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học, giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp sử dụng nhân lực, với các địa phương nơi các doanh nghiệp đang đầu tư hoặc sẽ đầu tư, nhằm chia sẻ kinh nghiệm...

Cũng nói về đào tạo nguồn nhân lực, tại buổi họp báo Chính phủ tháng 9/2023, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, qua sơ bộ nghiên cứu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 3 trụ cột chính đào tạo nhân lực phục vụ cho công nghiệp bán dẫn. Trụ cột đầu tiên mang tính lâu dài, dài hơi để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chính là đào tạo đại học. Để đào tạo được các kỹ sư, tiến sĩ, thạc sĩ giỏi về bán dẫn, nhà nước cần có cơ chế tạo điều kiện cho các trường đại học, các viện đào tạo số lượng sinh viên đủ để phục vụ trong ngành công nghiệp bán dẫn. Hiện nay, chúng ta vẫn còn thiếu hụt lực lượng này.

Bên cạnh đó, các viện và các trường đại học, phải có một kế hoạch mang tính dài hơi là mở thêm các khoa, phòng đào tạo, hoặc hợp tác với các trường trên thế giới để có nguồn giáo viên dạy được cho học sinh, sinh viên Việt Nam về công nghiệp bán dẫn. Trên cơ sở đó chúng ta mới có sự hấp dẫn đối với sinh viên đăng ký học các khoa này. Nhóm đối tác hết sức quan trọng nữa là doanh nghiệp trong công nghiệp bán dẫn.

Đặc biệt, để phát triển ngành công nghiệp, cần có cơ chế hỗ trợ và thúc đẩy các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp Việt Nam tập trung nghiên cứu và phát triển ngành bán dẫn, bao gồm cả phát triển các nghiên cứu về công nghệ lõi và phát triển nguồn lực phục vụ cho nhà máy sản xuất.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc thu hút, kêu gọi các tập đoàn sản xuất bán dẫn đầu tư vào Việt Nam, đồng thời có cơ chế hỗ trợ hấp dẫn và lâu dài cho họ./.