VNEI khẳng định tính tích cực, thực chất trong các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Hội nghị tổng kết Mạng lưới Trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam (VNEI) nhiệm kỳ 2022 -2023 và bầu ra đội ngũ lãnh đạo của nhiệm kỳ 2024 vừa diễn ra.
Tại Hội nghị, Chủ tịch nhiệm kỳ đầu tiên, PGS, TS. Lê Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm FIIS, Trường đại học Ngoại thương đã tổng kết các kết quả, thành tựu của VNEI (https://vnei.edu.vn/) trong nhiệm kỳ 2022- 2023, đó là: Mạng lưới đã mở rộng từ 13 thành viên sáng lập lên 31 thành viên (cuối năm 2023); các hoạt động triển khai ở các lĩnh vực và có kết quả cụ thể, thực chất: xây dựng nền tảng phục vụ kết nối và truyền thông; nghiên cứu trong lĩnh vực thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST); tổ chức sự kiện cấp cao, kết nối 3 miền và thúc đẩy đối thoại chính sách với lãnh đạo các bộ (Diễn đàn đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp miền Trung và Tây nguyên; Diễn đàn Lãnh đạo cấp cao các trường Đại học/Cao đẳng trong bối cảnh Đổi mới sáng tạo mở); tổ chức chương trình kết nối và nâng cao năng lực cho các thành viên (Innovation Tours).
“Trong nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta đã nhìn rõ hơn vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái, đặc biệt dưới góc độ ở một trường đại học, thì tổ chức tiên phong thúc đẩy các hoạt động về ĐMST chính là các Trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trực thuộc các trường, là những người tiếp cận, lĩnh hội và thúc đẩy những điều mới theo hướng ĐMST. Mạng lưới VNEI ra đời với mong muốn kết nối, phối hợp của các thành viên các trung tâm ĐMST khởi nghiệp trong toàn bộ hệ thống của Việt Nam và thúc đẩy kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức để cùng nhau tổ chức những hoạt động ở quy mô lớn hơn, phạm vi rộng hơn. Đặc biệt, VNEI trong nhiệm kỳ đầu tiên nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), từ việc kết nối các nguồn lực, đến triển khai các hoạt động, hỗ trợ rất cụ thể từng chương trình…”, bà Hà cho hay.
Về phía đơn vị bảo trợ cho sự ra đời của VNEI, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc NIC nhắc lại ngày đầu tiên NIC tham gia sáng lập VNEI để thấy với chặng đường 1 năm đầu tiên hoạt động, VNEI đã khẳng định tính tích cực, thực chất trong các hoạt động thúc đẩy ĐMST và hỗ trợ khởi nghiệp, tiềm năng giữ vai trò trung tâm trong các mạng lưới về ĐMST mà NIC đang ủng hộ, xây dựng và hỗ trợ. Đồng thời, NIC cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ để VNEI phát triển hơn nữa, có tính đại diện và có tiếng nói, đóng góp tích trong lĩnh vực ĐMST ở Việt Nam.
13 thành viên Ban Thường trực nhiệm kỳ mới ra mắt Đại hội (online + offline) |
Đặc biệt, Hội nghị đã bầu chọn thành viên Ban Thường trực mạng lưới và Chủ tịch Mạng lưới nhiệm kỳ 2024 với số lượng mở rộng Ban Thường trực từ 7 thành viên (năm 2023) lên 13 thành viên (năm 2024),
Ban Thường trực mạng lưới đã họp phiên đầu tiên và bầu chọn ra Chủ tịch Mạng lưới nhiệm kỳ 2024 là TS. Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc BK-Holding, Đại học Bách Khoa Hà Nội; và 6 Phó chủ tịch nhiệm kỳ 2024 đại diện cả 3 khu vực Bắc, Trung, Nam là: PGS. Trương Ngọc Kiểm; PGS. Trương Thị Nam Thắng; ThS. Lê Công Đức; TS. Hoàng Kim Toản; ThS. Lê Nhật Quang và TS. Nguyễn Văn Vũ An.
Chia sẻ về tầm nhìn 2024, tân Chủ tịch VNEI, TS. Nguyễn Trung Dũng nhấn mạnh: Tiếp tục phát huy các hoạt động tiên phong, tích cực của nhiệm kỳ 2023, VNEI sẽ mở rộng lên 50 thành viên và các thành viên tham gia tích cực, thực chất, không khuyến khích thành viên chỉ “đánh trống ghi tên”. Với sự đồng hành, hỗ trợ của NIC, hoạt động truyền thông của VNEI sẽ được tăng cường để nâng cao vai trò, năng lực đại diện cho các thành viên, năng lực đóng góp và phản biện xã hội, đối thoại chính sách trong lĩnh vực ĐMST như một hiệp hội. VNEI mở rộng hợp tác quốc tế, phát huy vai trò tiên phong trong lĩnh vực ĐMST và khu vực đại học.
Sứ mệnh và tầm nhìn của VNEI: (i) Hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ĐMST và khởi nghiệp; (ii) Tăng cường hợp tác nghiên cứu các mô hình phát triển bằng ĐMST cho Việt Nam; (iii) Chuyển giao tri thức và ứng dụng khoa học công nghệ để giải quyết các vấn đề lớn của xã hội như biến đổi khí hậu, an sinh xã hội, phát triển bền vững…; (iv) Cùng nhau xây dựng các diễn đàn chính sách, đối thoại, các hội thảo khoa học quốc tế và quốc gia về đổi mới sáng tạo; (v) Kết nối các nguồn lực, chia sẻ cơ hội phát triển cho tất cả các thành viên về ĐMST và khởi nghiệp./.
Bình luận