Ngày 11/1, báo cáo Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2023 đã chính thức được phát hành ở dạng bản mềm và bản in, bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.

Báo cáo được thực hiện bởi Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo mở BambuUP dưới sự bảo trợ của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

Việt Nam là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo
Báo cáo Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2023 được phát hành ở dạng bản mềm và bản in

Đây là năm thứ 3 báo cáo được thực hiện, với cấu trúc mới và diện mạo mới. Thay vì tổng hợp các nội dung vào một bản báo cáo dài duy nhất, báo cáo được phát hành dưới dạng một bộ với 3 cuốn nội dung riêng, để báo cáo phát huy tối đa vai trò của mình đối với người đọc. Nội dung cụ thể bao gồm 3 chủ đề chính:

Cuốn 1: Thế giới 2030 - Những xu hướng sẽ định hình tương lai

Cuốn 2: Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023

Cuốn 3: Thế giới phẳng của đổi mới sáng tạo

Báo cáo khẳng định, bên cạnh những khó khăn chung của tình hình thế giới, Việt Nam vẫn có không ít điểm sáng trong bức tranh chủ đạo của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở. Theo báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023, mà Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2022, đạt xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế. Với kết quả này, Việt Nam đang duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp, xếp sau Ấn Độ. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp sau Singapore (5), Malaysia (36) và Thái Lan (43).

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua và cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp.

Tuy nhiên, phương diện đầu tư vốn cho hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện. Mức đầu tư vào R&D so với GDP của hệ sinh thái Việt Nam vẫn còn thấp và có xu hướng giảm. Năm 2023, con số được ghi nhận về mức đầu tư R&D so với GDP của Việt Nam là 0,4%, thấp hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á, xếp hạng 66 toàn cầu, giảm 7 bậc so với năm ngoái. Trong khi đó, các nước trong cùng khu vực đã có sự gia tăng về nguồn vốn đầu tư vào hoạt động này, và nhanh chóng vươn lên trên bảng xếp hạng năm 2023, như: Thái Lan 1,3% (tăng 4 hạng), Singapore 2,2% (tăng 3 hạng), Malaysia 1%. Nhìn vào con số này, có thể nhận thấy điểm tương đồng giữa việc đầu tư vào R&D của một quốc gia so với mức độ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của quốc gia đó.

Hơn nữa, tình hình đầu tư công nghệ năm qua nhìn chung đã chững lại do suy thoái chung trên toàn cầu. Theo đó, trước bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam tiếp tục chững lại, đánh dấu mức giảm hai năm liên tiếp kể từ năm 2021. Trong 9 tháng năm 2023, tổng giá trị các thương vụ giảm 13%, đạt tổng cộng 427 triệu USD; số lượng thương vụ cũng giảm mạnh 40%, chạm mức thấp nhất kể từ năm 2018.

Số lượng giao dịch cũng đã giảm đáng kể ở các thương vụ với quy mô gọi vốn nhỏ và trung bình, với mức giảm đáng kể nhất là 50% trong các thương vụ có giá trị dưới 500.000 USD. Số lượng giao dịch trong phạm vi 10-50 triệu USD giảm không đáng kể, vẫn duy trì ở mức cao hơn so với giai đoạn trước năm 2022. Xu hướng này cho thấy, sự có mặt ngày càng nhiều của các công ty công nghệ “trưởng thành” trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam.

Để tồn tại bền vững, báo cáo gợi ý rằng, doanh nghiệp cần ưu tiên thích ứng với xu hướng thế giới, cũng như bảo đảm về tài sản trí tuệ của mình. Cụ thể, "tài sản trí tuệ" là động lực tăng trưởng quan trọng mà doanh nghiệp cần lưu tâm, để có thể phát triển bền vững trước sự thay đổi chóng vánh của thị trường công nghệ. Đặc biệt, với nhóm startup, thay vì chỉ dừng lại ở thương hiệu hay giải pháp công nghệ, tài sản trí tuệ được bảo đảm mới là động lực về vốn quan trọng hơn hết./.