Việt Nam sẵn sàng làm chủ và đón làn sóng đầu tư vào bán dẫn
Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới đang rất quan tâm đầu tư vào phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Nước ta đã chuẩn bị những gì để đón làn sóng đầu tư này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chính phủ đã giao các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) triển khai nhiều công việc, thể hiện sự sẵn sàng cho việc đón nhận làn sóng đầu tư mới trong ngành bán dẫn tại Việt Nam.
Cụ thể, Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Chiến lược phát triển ngành bán dẫn Việt Nam đến năm 2030. Theo như tôi biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn thiện giai đoạn cuối việc xây dựng Chiến lược và sẽ sớm trình Chính phủ thông qua.
Đồng thời, Chính phủ và Thủ tướng đã giao cho Bộ KH&ĐT chủ trì, xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu rất cụ thể là đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn.
Liên quan đến thiết kế chip, chúng ta đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và ký hợp tác với 2 tập đoàn thiết kế chip lớn nhất của Hoa Kỳ là Synopsys và Garden để thành lập trung tâm nghiên cứu, thiết kế chip trong các cơ sở của NIC.
Bên cạnh đó, dù đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao nhưng tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng một Nghị định, theo đó sẽ thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho các ngành công nghệ cao, trong đó có ngành bán dẫn.
Tiếp theo, về hạ tầng, các địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng. Thứ nhất là hạ tầng đất đai, các địa phương đã đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, hình thành các mặt bằng sạch để có thể cung cấp cho các doanh nghiệp bán dẫn. Thứ hai, hạ tầng giao thông chiến lược kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, sân bay cũng đang được tăng cường. Ngoài ra, các địa phương cũng chuẩn bị sẵn sàng các vấn đề về công nghệ thông tin, điện, nước, hạ tầng xã hội cho công nhân trong ngành bán dẫn.
Như vậy, các yếu tố như hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, cơ chế chính sách, nghiên cứu phát triển, chiến lược và đặc biệt là nguồn nhân lực đều thể hiện rằng sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng là rất đúng đắn, kịp thời để chúng ta có thể làm chủ và sẵn sàng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị trong ngành bán dẫn toàn cầu.
Các chuyên gia cho rằng để phát triển ngành bán dẫn thì vấn đề lớn nhất hiện nay là nhân lực. Bộ KH&ĐT là cơ quan được giao chắp bút xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam. Xin Bộ trưởng chia sẻ rõ hơn về việc này?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Nhân lực là vấn đề quan trọng nhất hiện nay, không chỉ trong ngành bán dẫn mà trong tất cả các ngành kinh tế - xã hội, nhất là đối với lĩnh vực công nghệ cao. Quá trình xây dựng Đề án đang được Bộ KH&ĐT triển khai ở giai đoạn cuối cùng. Chúng tôi đã khảo sát, nghiên cứu, hoàn thiện một cách bài bản, xin ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước, các bộ, ngành. Chúng tôi sẽ trình Chính phủ Đề án trong thời gian sớm nhất, có thể là trong tháng tới.
Theo đó, nước ta sẽ đào tạo khoảng 50.000 kỹ sư, 1.000 thạc sĩ và 100 tiến sĩ - những người nghiên cứu chuyên sâu ngành này; có thể đào tạo trong nước hoặc nước ngoài, kết hợp trao đổi sinh viên, giáo viên. Ngoài ra, không chỉ đào tạo mới, mà chúng ta có thể đào tạo lại những người làm việc trong những ngành gần với ngành công nghiệp bán dẫn để rút ngắn thời gian và bảo đảm chỉ tiêu. Như vậy, cần có sự phối hợp hết sức chặt chẽ giữa các bộ, ngành, các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học. Chúng tôi đã phối hợp với khoảng 30 trường đại học lớn trong nước để triển khai chương trình này.
Nhằm cụ thể hóa mục tiêu đề ra, được sự giới thiệu của Chính phủ Hoa Kỳ, chúng tôi cũng đã ký kết hợp tác với Đại học Arizona, nơi đào tạo lớn nhất của Hoa Kỳ về ngành bán dẫn.
Cùng với đó, chúng tôi sẽ tìm kiếm, huy động các nguồn lực đa dạng như Nhà nước, tư nhân, hỗ trợ không hoàn lại để thực hiện Đề án và báo cáo Chính phủ với mục đích tổng hòa các nguồn lực, thực hiện ngay các nhiệm vụ được giao.
Thưa Bộ trưởng, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI đang ngày càng gia tăng và năm 2024, thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, nước ta có những giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng bán dẫn tại Việt Nam?
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Thực tế đang diễn ra tình trạng cạnh tranh rất khốc liệt giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới về thu hút FDI và đặc biệt là đối với ngành bán dẫn vì các quốc gia đều thấy lợi ích, tiềm năng và quy mô của ngành này là rất lớn, đến năm 2030 có thể lên tới hơn 1.000 tỷ USD. Nước nào nhanh nhạy, có những chính sách phù hợp, quyết liệt thì sẽ làm chủ và tranh thủ được làn sóng mới.
Việt Nam không nằm ngoài trào lưu đó. Chính phủ và Thủ tướng đang rất quyết liệt chỉ đạo Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành liên quan chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón nhận được làn sóng đầu tư này. Trước hết, chúng ta phải có lộ trình chiến lược, hướng đi bài bản, căn cơ. Thứ hai, nhanh chóng triển khai để đáp ứng được ngay nhu cầu về nguồn nhân lực. Thứ ba, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách.
Các doanh nghiệp đề xuất rất nhiều kiến nghị rất có giá trị như các loại thuế ưu đãi cho ngành bán dẫn; chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho ngành công nghệ mới; cơ chế đối với các trung tâm nghiên cứu R&D; phát triển hạ tầng số... Chúng tôi sẽ cùng với các bộ, ngành tổng hợp, nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới để làm sao chúng ta đưa ra những chính sách có tính cạnh tranh cao.
Tôi hy vọng và tin tưởng chúng ta có hướng đi đúng, quyết sách kịp thời để làm chủ và đón nhận được làn sóng lớn trong ngành bán dẫn hiện nay.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.
Bình luận