Giới thiệu Tạp chí Kinh tế và Dự báo số chuyên đề Tháng 02/2015
Hiện nay, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp. Với một tỷ lệ cao như vậy, có thể nói, sự phát triển hay không của bộ phận doanh nghiệp này sẽ ảnh hưởng chung tới nền kinh tế Việt Nam. Bởi vậy, một trong vô vàn “việc” phải làm hiện nay để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế, là phải tìm giải pháp đẩy mạnh sự phát triển của khối doanh nghiệp này và coi đây là khâu đột phá. Đó cũng là điều mà tác giả Đỗ Phương Thảo muốn đề cập qua bài viết “Hướng đi nào cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới?”.
Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 11 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, cũng đang tiếp tục đàm phán 10 FTA khác. Đây là cơ hội mở ra rất lớn không chỉ đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung, mà cả các doanh nghiệp nói riêng. Qua bài “Để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tối đa lợi ích từ các FTA đã ký kết”, tác giả Nguyễn Thị Nguyệt Minh sẽ đề xuất một số giải pháp để tận dụng một cách hiệu quả nhất trước vận hội mở ra từ các FTA này.
Nhiều doanh nghiệp đang không đủ vốn sản xuất, kinh doanh nên phải hoạt động cầm chừng, mất đi cơ hội phát triển; thậm chí đã có không ít doanh nghiệp phải giải thể, phá sản. Bài viết “Tháo gỡ khó khăn về vốn cho các DNNVV” của tác giả Trần Tuệ An sẽ phân tích rõ những khó khăn này của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm tháo gỡ.
Cũng về vấn đề vốn, tác giả Đặng Thị Huyền Hương với bài viết “Các nhân tố ảnh hưởng đến tiếp cận vốn vay của các DNNVV” sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn để có giải pháp phù hợp trong tiếp cận vốn.
Tại Việt Nam, hình thức doanh nghiệp xã hội xuất hiện từ khá sớm và đã có những đóng góp nhất định trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, như: xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới... Tuy nhiên, loại hình doanh nghiệp này vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc theo đuổi mục tiêu của tổ chức. Bài viết “Giải pháp phát triển doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam” của tác giả Nguyễn Thị Hạnh Duyên và Nguyễn Lan Anh sẽ phân tích những khó khăn trên, từ đó đưa ra một số giải pháp phát triển doanh nghiệp xã hội.
Các nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có tỷ lệ phá sản cao hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp quy mô lớn, mà một nguyên nhân cơ bản đó là chưa quan tâm đúng mức tới công tác kế toán quản trị. Bài viết “Kế toán quản trị trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Canada” của tác giả Đào Nam Giang và Nguyễn Bích Ngọc sẽ đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam qua kinh nghiệm của Canada.
Với chủ đề “Một số nghiên cứu về hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh mới”, số Chuyên đề tháng 2 chắc chắn sẽ đem đến cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích./.
Bình luận