Từ năm 1990 đến nay, chính sách lạm phát mục tiêu (ITP) được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới và ngày càng chứng minh tính hiệu quả của nó trong việc kiềm chế lạm phát so với chính sách tiền tệ truyền thống. ITP đang trở thành một xu thế tất yếu và là một sự chuyển đổi cần thiết, đặc biệt đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Vậy "Việt Nam đã sẵn sàng cho chính sách lạm phát mục tiêu?", tác giả Nguyễn Thị Mỹ Phượng sẽ cho thấy rõ hơn qua phân tích bằng mô hình vectơ tự hồi quy (VAR) và kiểm định nhân quả Granger.

Cũng về lạm phát của Việt Nam, tác giả Nguyễn Ngọc Quỳnh đã cho thấy, các chỉ số giá năng lượng, chỉ số sản xuất công nghiệp, chỉ số giá lương thực thực phẩm, lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng và cung tiền đều có tác động tới lạm phát cơ bản. Trong đó, chỉ số giá năng lượng là yếu tố quan trọng nhất tác động tới lạm phát cơ bản. Nội dung chi tiết cũng như các kết luận sẽ được rõ hơn trong bài "Các nhân tố tác động tới lạm phát cơ bản ở Việt Nam".

Khi ra quyết định đầu tư, doanh nghiệp thường phải căn cứ vào các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, bao gồm nhân tố nội sinh, như: nguồn vốn, lực lượng lao động, quỹ đầu tư, quản trị doanh nghiệp và nhân tố ngoại sinh như môi trường kinh doanh (thể chế)... Ở những môi trường thể chế tốt thì xác suất đầu tư của doanh nghiệp sẽ cao hơn và ngược lại môi trường thể chế kém sẽ cản trở việc ra quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Qua bài "Tác động của thể chế đến xác suất ra quyết định đầu tư của các doanh nghiệp ở Việt Nam" của nhóm tác giả Chu Thị Mai Phương và Từ Thúy Anh, chúng ta sẽ thấy được sự cần thiết thực thi các chính sách liên quan đến việc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh, nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư và phát triển.

Sau gần 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng về tăng trưởng và phát triển kinh tế. Phân tích và lượng hóa được đóng góp của mỗi ngành và tái phân bổ các nguồn lực vào tăng trưởng kinh tế sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá các chính sách phát triển ngành và chính sách liên quan đến phân bổ các nguồn lực trong thời gian qua, đồng thời giúp điều chỉnh các chính sách hợp lý hơn trong thời gian tới. Điều này sẽ được tác giả Vũ Thị Thu Hương phân tích rõ hơn trong bài "Đóng góp của các ngành và chuyển dịch cơ cấu lao động vào tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam".

Sự phát triển công nghiệp nói chung, các khu công nghiệp nói riêng đã đưa Thái Nguyên trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư và về giá trị sản xuất công nghiệp. Mặc dù vậy, phát triển công nghiệp hỗ trợ chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Với bài "Các yếu tố tác động đến sự phát triển công nghiệp hỗ trợ tại tỉnh Thái Nguyên", nhóm tác giả Nguyễn Thu Hà, Trần Thị Thu Trâm và Vũ Thị Thu Huyền sẽ kiểm chứng qua dữ liệu được điều tra từ các lãnh đạo tại 50 doanh nghiệp sản xuất tại Tỉnh. Kết quả sẽ gợi mở các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ cho tỉnh Thái Nguyên.

Cùng với một số bài trên, Tạp chí số này còn nhiều bài nghiên cứu với các lĩnh vực khác nhau sẽ đem đến cho bạn đọc những tài liệu tham khảo hữu ích./.