Đó là lời cảnh báo của chuyên gia Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (Green ID) tại buổi tọa đàm "Chất lượng không khí ở Hà Nội – Thực trạng và giải pháp khoa học kỹ thuật 2017", do Trung tâm Văn hóa Pháp vừa tổ chức vào tối 05/06 tại Hà Nội.

Hà Nội nỗ lực cải thiện

Thực tế, chất lượng không khí ở Hà Nội hiện nay ngày càng có xu hướng xấu đi và chưa có dấu hiệu được cải thiện. Trong khi đó, những phương án giải quyết vấn đề ô nhiễm chỉ mới bước đầu được triển khai, muốn thành công đòi hỏi một nỗ lực rất dài.

Chất lượng không khí ở Hà Nội ngày càng xấu đi

Được biết vào tháng 06/2016, Chính phủ đã ban hành “Kế hoạch hành động quản lý chất lượng không khí tới năm 2020, tầm nhìn 2025” với mục đích quản lý các nguồn phát thải ô nhiễm và giám sát chất lượng không khí.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã triển khai những bước đi đầu tiên trong việc thực hiện kế hoạch trên, như xử lý bụi theo giai đoạn và thành lập 02 trạm giám sát không khí vào tháng 01/2017

Còn gần đây, TP. Hà Nội đã đưa ra nhiều biện pháp để cải thiện môi trường như thiết lập các trạm quan trắc, đẩy mạnh truyền thông nhằm kiểm soát vấn đề ô nhiễm không khí.

Tuy nhiên, bà Khanh quan ngại nếu Chính phủ, các tổ chức không chung tay giải quyết vấn đề ô nhiễm, Hà Nội rất có thể sẽ trở thành bản sao của New Delhi (Ấn Độ) hoặc Bắc Kinh (Trung Quốc).

Hiện, tình trạng ô nhiễm quá mức ở Bắc Kinh đã khiến người dân không thể thở được, nên tại quốc gia này đã sinh ra hình thức kinh doanh không khí sạch. Hà Nội chưa đến mức độ đó, nhưng nếu không có các giải pháp, rất có thể người dân Hà Nội cũng phải đi mua không khí sạch. Vì thực tế là khả năng tự lọc của môi trường tự nhiên chỉ có giới hạn. Do đó, khi lượng phát thải càng gia tăng, chắc chắn nồng độ ô nhiễm sẽ vượt ngưỡng cao.

Chất lượng không khí gây hại vẫn gia tăng

Cũng theo nghiên cứu về chất lượng không khí Việt Nam do GreenID thực hiện, trong 3 tháng đầu năm 2017, chất lượng không khí ở Hà Nội có cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, số ngày chất lượng không khí ở mức rất có hại cho sức khỏe lại gia tăng.

Cụ thể, quý I/2017, Hà Nội có 37 ngày có nồng độ PM 2.5 trong 24 giờ cao hơn so với giới hạn Quy chuẩn Quốc gia (50 μg/m3); 78 ngày vượt quá giới hạn theo Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 25 μg/m3.

Mặc dù, trong quý I/2017, chất lượng không khí ở Hà Nội dần cải thiện nhưng vào những ngày cao điểm chất lượng không khí vẫn ở mức rất có hại cho sức khỏe. Thí dụ, ngày 15/2, nồng độ PM 2.5 trung bình đạt 234 μg/m3, vượt quá gần 5 lần Quy chuẩn Quốc gia và gấp 10 lần theo hướng dẫn của WHO.

Đáng chú ý, khi so với cùng kỳ năm ngoái, chất lượng không khí ở TP. Hồ Chí Minh có xu hướng kém đi, nhưng vẫn tốt hơn ở Hà Nội. TP. Hồ Chí Minh có 6 ngày nồng độ PM 2.5 vượt quá Quy chuẩn Quốc gia (50 μg/m3), thấp hơn 31 ngày so với Hà Nội. Tuy nhiên, vẫn có đến 78 ngày cao hơn so với tiêu chuẩn của WHO (25 μg/m3).

Trước thực trạng chất lượng không khí ở hai thành phố lớn có dữ liệu đáng lo ngại, bà Khanh đề xuất một số nội dung. Trong đó có kiến nghị việc Việt Nam cần có luật và quy định về không khí sạch, giảm phát thải khí CO2 và thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo./.