Từ khóa: đô thị thông minh, thể chế, TP. Hồ Chí Minh

Summary

Smart city development is one of the important driving forces to realize the goal of turning Vietnam into a modern, high-income industrial country by 2045, towards the humane goal of bringing a happy life, comprehensive human development, environmental protection and establishing a sustainable urban ecosystem. This article overviews the building of institutions to promote smart city development in Ho Chi Minh City (HCMC), thereby identifying limitations and existing problems in the construction and development of smart cities. On that basis, propose some recommendations on building institutions and policies for smart city development in the Ho Chi Minh City in a new context.

Keywords: smart city, institutions, Ho Chi Minh City

ĐẶT VẤN ĐỀ

Xây dựng thể chế ĐTTM là một quá trình đòi hỏi sự thay đổi và chuyển đổi để tận dụng những tiềm năng của Ccách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, ứng phó với biến đổi khí hậu. Dưới tác động của những yếu tố này, việc xây dựng ĐTTM sẽ đan xen cơ hội lẫn các thách thức đối với chính quyền Thành phố. Cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi sự chuyển đổi và đổi mới trong việc áp dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, IoT và tự động hóa vào quản lý đô thị. Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý đô thị và công dân để tận dụng tối đa tiềm năng của CMCN 4.0. Xây dựng phát triển đô thị hướng tới thông minh, bền vững cần phải có giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, như: mực nước biển dâng cao, ô nhiễm môi trường và sự cạn kiệt tài nguyên. ĐTTM cần tích hợp các công nghệ và biện pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính, tăng cường việc sử dụng năng lượng tái tạo và xây dựng không gian xanh hơn. Theo tinh thần của nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025, đến năm 2025, Thành phố sẽ là ĐTTM, dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại. Vì vậy, công tác xây dựng thể chế phục vụ phát triển ĐTTM tại Thành phố là cần thiết và quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

NHỮNG KHÁI NIỆM CƠ BẢN

Khái niệm ĐTTM

Theo Báo cáo của Liên minh viễn thông Quốc tế năm 2014 đã phân tích hơn 100 định nghĩa liên quan đến các ĐTTM và định nghĩa: “Một ĐTTM bền vững là một đô thị sáng tạo sử dụng công nghệ thông tin (ICT) và các phương thức khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao hiệu quả vận hành và các dịch vụ cũng như khả năng cạnh tranh của đô thị, đồng thời đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về kinh tế, xã hội và môi trường” [3].

Khái niệm về thể chế

Từ điển Luật học định nghĩa, thể chế là “những quy định, luật lệ của một chế độ xã hội buộc mọi người phải tuân theo” (Trần Hồng Nhung, 2017). Thể chế cũng có thể được hiểu là tổng thể các quy định, các nguyên tắc xác lập các quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật, tạo lập nên “luật chơi” trong các lĩnh vực của đời sống xã hội (Hoàng Minh Hội, 2019), từ đó có thể hiểu định nghĩa “Thể chế là hệ thống pháp chế gồm: hiến pháp, các bộ luật, các quy định, các quy tắc, chế định…, nhằm đảm bảo hài hòa các quyền lợi và trách nhiệm của mỗi công dân, mọi tổ chức trong một trật tự xã hội, hướng tới sự tổng hòa các lợi ích của cộng đồng; là những nguyên tắc xác định mối quan hệ xã hội; định hình cách thức ứng xử của các thành viên trong xã hội và điều chỉnh sự vận hành xã hội (Nguyễn Thanh Tuyền và Nguyễn Lê Anh, 2015).

Thể chế thúc đẩy phát triển ĐTTM

Theo quan niệm của tác giả bài viết, đó là tổng thể các các quy định, các nguyên tắc xác lập các quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể tham gia xây dựng, vận hành, phát triển ĐTTM, trong đó có sử dụng công nghệ thông tin (ICT) và các phương thức khác để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nâng cao hiệu quả vận hành các dịch vụ và khả năng cạnh tranh của đô thị nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa các quyền lợi và trách nhiệm của các chủ thể trong mọi tổ chức trong một trật tự ĐTTM, hướng tới sự tổng hòa lợi ích của cộng đồng và đảm bảo, đáp ứng được nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về kinh tế, xã hội và môi trường”.

THỰC TIỄN CÔNG TÁC XÂY DỰNG THỂ CHẾ THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN ĐTTM

Những kết quả đạt được

Quyết định số 950/QĐ-TTg, ngày 01/8/2018 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 định hướng đến năm 2030 (gọi tắt Đề án 950). Thực hiện triển khai Đề án 950, Bộ Thông tin và Truyền đã chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá, công nhận ĐTTM và hướng dẫn các địa phương thực hiện, bảo đảm việc đầu tư thiết thực, hiệu quả, phù hợp với khả năng cân đối vốn và điều kiện của từng địa phương, tránh đầu tư theo phong trào, lãng phí, thất thoát. Các bộ, ngành cũng đang khẩn trương tiến hành nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế chính sách phát triển ĐTTM bền vững tại Việt Nam.

Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ khi Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP. HCM đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg, ngày 06/01/2010, công tác quản lý, phát triển đô thị theo quy hoạch chung đã đạt được những thành tựu quan trọng. TP. HCM là một trong những thành phố đi đầu trong cả nước về ứng dụng ICT, Chính quyền điện tử và bây giờ là xây dựng ĐTTM. Đề án "Xây dựng TP. HCM trở thành ĐTTM giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025" đã được UBND Thành phố phê duyệt ngày 23/11/2017 tại Quyết định số 6179/QĐ-UBND, tập trung vào 9 lĩnh vực: giao thông, y tế, an toàn thực phẩm, môi trường, chống ngập, nguồn nhân lực, an ninh trật tự, chính quyền điện tử và chỉnh trang, phát triển đô thị; với 4 trụ cột ("Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở", "Trung tâm điều hành chỉ huy ĐTTM", "Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội", “Trung tâm An toàn thông tin Thành phố”) và chính quyền điện tử (Cục Phát triển đô thị, 2022).

Tuy nhiên, để thực hiện được các mục tiêu phát triển ĐTTM và bền vững, thì công tác quy hoạch TP. HCM cần được đổi mới về mặt phương pháp luận, đồng thời công tác quản lý đô thị cần được thay đổi theo hướng ứng dụng những thành tựu của cuộc CMCN 4.0 trong phát triển đô thị, cụ thể năm 2022, Sở Xây dựng TP. HCM đã xây dựng đề án thí điểm “Đề án xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí kết cấu hạ tầng kỹ thuật thông minh, hạ tầng xã hội tiên tiến, đánh giá chất lượng đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và thiết kế công trình trong đô thị sáng tạo phía Đông Thành phố, áp dụng cho TP. Thủ Đức (Lưu Đức Cường, 2022).

Song song với công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) trong quá trình điều hành phát triển ĐTTM, Thành phố cũng đã ban hành nhiều văn bản, như: Quyết định số 3086/QĐ-UBND, ngày 24/8/2020 “Quyết định phê duyệt duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật Trung tâm điều hành ĐTTM TP. HCM; Quyết định số 4182/QĐ-UBND, ngày 24/9/2019 “Về việc kiện toàn nhân sự Tổ giúp việc Ban Điều hành thực hiện Đề án “Xây dựng TP. HCM trở thành ĐTTM”; Quyết định số 4693/QĐ-UBND, ngày 08/9/2016 “Về thành lập Ban Điều hành thực hiện Đề án “Xây dựng TP. HCM trở thành ĐTTM”; Quyết định số 828/QĐ-UBND, ngày 9/3/2020 “Về thành lập Tổ công tác hướng dẫn, góp ý xây dựng các Đề án ĐTTM tại quận - huyện”; Quyết định số 202/QĐ-UBND, ngày 28/01/2021 “Về phê duyệt Đề án hình thành và phát triển Đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố giai đoạn 2020-2035”.

Về công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý các cấp về phát triển đô thị tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng, phát triển ĐTTM, thực hiện kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của TP. HCM năm 2022 (Ban hành kèm theo quyết định số 3769/QĐ-UBND, ngày 23/11/2021 của UBND TP. HCM). Sở Nội vụ đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan tổ chức các lớp bồi dưỡng về phát triển đô thị, tăng trưởng xanh, ứng phó với BĐKH và nước biển dâng, phát triển ĐTTM cho 2.009 lượt học viên.

Ngoài ra, Thành phố đang triển khai 5 dự án đã được HĐND Thành phố thông qua chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công gồm: Dự án “Triển khai hệ thống quản lý, lưu trữ cơ sở dữ liệu thuộc kho dữ liệu dùng chung của Thành phố giai đoạn I”; Dự án “Xây dựng trung tâm điều hành ĐTTM TP. HCM; Dự án “ Xây dựng trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp quốc gia TP. HCM thông qua một đầu số viễn thông duy nhất giai đoạn 2019-2025”; Dự án “Xây dựng hệ thống giám sát hình ảnh camera tập trung của TP. HCM giai đoạn 2019-2021”; Dự án “Triển khai giải pháp bảo mật và an toàn thông tin trên địa bàn TP. HCM”. Ngoài ra, còn khoảng 75 dự án đang trong quá trình xây dựng báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.

Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

Trên thực tế khi xây dựng, triển khai và thực thi thể chế thúc đẩy phát triển ĐTTM tại TP. HCM đã bộc lộ những hạn chế như sau:

i. Chính sách về ĐTTM chủ yếu ưu tiên giải quyết vấn đề cấp bách, mà chưa quan tâm định hướng dài hạn. Hiện tại, chính sách về ĐTTM tại TP. HCM chủ yếu tập trung vào giải quyết các vấn đề cấp bách và ngắn hạn. Việc thiếu kế hoạch và chính sách chi tiết trong trung hạn và dài hạn có thể gây thiếu sự định hướng và liên tục trong việc phát triển ĐTTM. Điều này có thể làm giảm hiệu quả và tính bền vững của các dự án ĐTTM, đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của cư dân và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Để giải quyết những hạn chế này, cần xem xét và đề xuất các chính sách ĐTTM hợp lý, phù hợp với thời hạn phát triển dài hơn. Điều này đòi hỏi sự tập trung vào lập kế hoạch chi tiết và định hướng rõ ràng để xây dựng các giải pháp thông minh và bền vững cho đô thị. Cần đảm bảo tính liên tục và nhất quán trong việc thực hiện chính sách ĐTTM để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả trong quá trình phát triển ĐTTM tại TP. HCM.

ii. Nguồn nhân lực xây dựng thể chế còn thiếu về số lượng. Để xây dựng thể chế cho phát triển ĐTTM, cần có đội ngũ nhân lực có chuyên môn cao, tuy nhiên, TP. HCM đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng và đủ số lượng để đáp ứng nhu cầu phát triển ĐTTM. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng thể chế xây dựng, triển khai và quản lý các dự án ĐTTM.

iii. Thiếu chính sách có hiệu quả thu hút được đối tác đầu tư các công trình ĐTTM. Xây dựng và triển khai các công trình ĐTTM đòi hỏi đầu tư lớn về tài chính và công nghệ. Tuy nhiên, TP. HCM chưa có chính sách đủ sức mạnh thu hút được nhiều đối tác đầu tư trong lĩnh vực này, có thể do thiếu quy hoạch rõ ràng và cơ chế hỗ trợ hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực ĐTTM.

iv. Chính sách, cơ chế hỗ trợ huy động và phát huy các nguồn lực của xã hội chưa hiệu quả. Xây dựng ĐTTM đòi hỏi sự huy động và phát huy các nguồn lực của xã hội, bao gồm: vốn, công nghệ và nhân lực. Tuy nhiên, hiện nay việc huy động và phát huy các nguồn lực này chưa hiệu quả, gây khó khăn trong việc triển khai các dự án ĐTTM và đảm bảo tính bền vững của chúng.

NHỮNG KHUYẾN NGHỊ, GIẢI PHÁP XÂY DỰNG CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN ĐTTM TẠI TP. HCM

Thứ nhất, thực hiện Đề án “Xây dựng TP. HCM trở thành ĐTTM giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”, Thành phố cần chủ động nghiên cứu, đề xuất phân cấp và trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và sáng tạo trong xây dựng và triển khai các sáng kiến hợp tác thực hiện đề án, kế hoạch triển khai xây dựng ĐTTM, huy động các nguồn lực và có cơ chế thúc đẩy hợp tác công tư (PPP), giữa Thành phố và mỗi tỉnh thành trong vùng, giữa doanh nghiệp trong hệ sinh thái, cũng như giữa các địa phương, quận – huyện thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố.

Thứ hai, thúc đẩy và nâng cao công tác hoàn thiện cơ chế chính sách kết hợp phát huy các nguồn lực trong quản lý và phát triển ĐTTM, bao gồm cơ chế đặc thù cho phát triển vùng của TP. HCM. Nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh một số điều khoản trong các luật có liên quan đến cơ chế, chính sách khuyến khích các nguồn lực tham gia đầu tư, xây dựng phát triển ĐTTM, nhằm tháo gỡ những nút thắt, giải phóng nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng…

Thứ ba, đề xuất với Chính phủ chỉ đạo, rà soát đánh giá toàn diện thực trạng và điều chỉnh kịp thời các định hướng, chiến lược, chương trình, cơ chế chính sách quốc gia về quản lý và phát triển ĐTTM tại TP. HCM, nhằm tạo điều kiện phát huy thế mạnh và tiềm năng của thành phố. Thúc đẩy các sáng kiến, chủ động hợp tác liên kết vùng và hợp tác giữa các ĐTTM, chùm đô thị, đẩy mạnh hợp tác công tư, hợp tác quốc tế. Đề xuất điều chỉnh cơ chế phân bổ đầu tư có trọng điểm trong ĐTTM của Thành phố và cả quốc gia. Ưu tiên hiệu quả các ĐTTM ở TP. HCM nhằm dẫn dắt quá trình đô thị hóa theo hướng cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.

Thứ tư, chủ động đề xuất điều chỉnh, bổ sung cập nhật những nội dung đặc thù của TP. HCM trong các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng ĐTTM. Bổ sung các quy định áp dụng, quy chuẩn, tiêu chuẩn, các chỉ tiêu xây dựng cho ĐTTM, với những khả năng vận dụng gắn với yêu cầu thực tế và đặc thù của Thành phố. Nghiên cứu giải pháp thúc đẩy phương thức xã hội hóa trong đầu tư các dự án phát triển ĐTTM, nhằm huy động mọi nguồn lực, các thành phần kinh tế cùng tham gia. Đổi mới tư duy, ứng dụng công nghệ, đề xuất thử nghiệm các mô hình (ví dụ mô hình PPP), giải pháp quản lý mới trong phát triển các dự án ĐTTM trọng điểm để nâng cao chất lượng cuộc sống và đặc trưng không gian đô thị của TP. HCM.

Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế trong việc nâng cao năng lực quản lý ĐTTM của chính quyền các cấp, thu hút nguồn lực quốc tế trong việc đầu tư hạ tầng ĐTTM với quan điểm học hỏi, nhận chuyển giao tích cực và từng bước làm chủ năng lực, công nghệ quản lý ĐTTM. Ứng dụng, thí điểm các mô hình, giải pháp tổ chức quản lý đầu tư các dự án trọng điểm, các khu đô thị mới thông minh theo mô hình mới, đột phá trong tư duy và tổ chức thực hiện. Tập trung triển khai các mô hình đô thị mới thông minh hơn theo định hướng giao thông (TOD) theo các làm thí điểm để tháo gỡ cơ chế chính sách và nhân rộng cách làm. Xây dựng, phát triển ĐTTM, đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý và phát triển đô thị. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số (GIS, Big Data…), xây dựng cơ sở dữ liệu đô thị trong quản lý đô thị.

Thứ sáu, Thành phố cần phải chú trọng và tiếp cận toàn diện việc hình thành, xây dựng và thúc đẩy thị trường tài chính (thị trường vốn, thị trường tiền tệ…) cho phát triển ĐTTM. Đẩy mạnh các chính sách khuyến khích cho các hoạt động đầu tư nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và các cơ chế tạo nguồn thu từ ĐTTM phải nghiên cứu nghiêm túc và hoàn thiện hơn. Đặc biệt, các cơ chế chính sách tài chính (đầu tư công PPP), hợp tác quốc tế trong đầu tư tài chính cần được rà soát toàn diện và bổ sung theo hướng thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước thông qua các hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài, hình thức PPP, xây dựng - vận hành - chuyển giao, xây dựng - chuyển giao vào tất cả các lĩnh vực ĐTTM ở TP. HCM, như: hạ tầng thông minh, năng lượng thông minh, di chuyển thông minh... Ngoài ra, Thành phố cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng của ĐTTM theo hướng phân cấp phân quyền hợp lý, chịu trách nhiệm trong thẩm quyền quyết định về tài chính cho các vấn đề liên quan đến dự án đầu tư vào ĐTTM, từng bước giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn ngân sách nhà nước. Đồng thời, rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách tài chính thúc đẩy phát triển toàn diện hệ sinh thái tài chính, bao gồm: phát triển các định chế tài chính, mô hình tài chính, công cụ tài chính, thúc đẩy liên kết và kiểm soát chặt chẽ các chủ thể khác trong hệ sinh thái tài chính ĐTTM. Các chính sách thúc đẩy kết nối, hợp tác, thiết lập mạng lưới tài chính quốc gia, toàn cầu cần được ban hành nhằm tạo sự liên kết thúc đẩy tìm kiếm cơ hội cho các chủ thể tham gia đầu tư vào ĐTTM TP. HCM./.

NCS. Phạm Thị Thùy Linh - Khoa Kinh tế Chính trị, Học viện Chính trị khu vực II

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 28, tháng 10/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng (2022), Thực trạng và yêu cầu đổi mới cơ chế, chính sách phát triển đô thị ở Việt Nam, Kỷ yếu Hội nghị đô thị toàn quốc 2022, 470-476.

2. Hoàng Minh Hội (2019), Cơ chế pháp lý kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước đối với chính quyền địa phương: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 11(387), tháng 6/2019.

3. ITU-T Focus Group on Smart Sustainable Cities (2021), Smart sustainable cities: An analysis of definitions, 3/2021, 13.

4. Lưu Đức Cường (2022), Báo cáo tổng hợp Đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí đánh giá ĐTTM tại Việt Nam, Viện Quy hoạch và Xây dựng nông thôn quốc gia.

5. Nguyễn Thanh Tuyền, Nguyễn Lê Anh (2015), Mối quan hệ hữu cơ giữa thể chế, cơ chế, chính sách cơ chế điều hành và hành vi ứng xử, Tạp chí Phát triển & hội nhập, số 22(32), tháng 5, 6/2015.

6. Thủ tướng Chính phủ (2018), Quyết định số 950/QĐ-TT,g ngày 01/8/2018 phê duyệt Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

7. Trần Hồng Nhung (2017), Thiết chế tổ chức, quản lý ở làng, xã đồng bằng Bắc Bộ thế kỷ XIX và những bài học kinh nghiệm, truy cập từ https://tcnn.vn/news/detail/37113/Thiet-che-to-chuc-quan-ly-o-lang-xa-dong-bang-Bac-Bo-the-ky-XIX-va-nhung-bai-hoc-kinh-nghiem.html.

8. UBND TP. HCM (2020), Quyết định số 3086/QĐ-UBND, ngày 24/8/2020 Quyết định phê duyệt duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật Trung tâm điều hành ĐTTM TP. HCM.