Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị thông minh bền vững tại TP. Hồ Chí Minh
Từ khóa: đô thị thông minh, đào tạo nguồn nhân lực, TP. Hồ Chí Minh
Summary
Smart cities are a development trend that is receiving more and more attention and investment around the world. However, to successfully develop smart cities, training and developing human resources is very important. In this article, the authors introduce the characteristics of a smart city in general and the smart city in Ho Chi Minh City (HCMC) in particular, analyzed the City's human resources, thereby proposing a number of human resource training solutions to meet the needs of sustainable smart city development.
Keywords: smart city, human resource training, Ho Chi Minh City
ĐẶT VẤN ĐỀ
Xây dựng và phát triển ĐTTM là một xu hướng mới trên thế giới, đã và đang được nhiều quốc gia tổ chức triển khai thực hiện. Tại Việt Nam, chủ trương, chính sách xây dựng và phát triển ĐTTM đã được ban hành tại các Nghị quyết của Đảng và Đề án của Chính phủ. Trong đó, Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị xác định xây dựng ĐTTM là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam khi tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bên cạnh phát triển kinh tế số và xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số.
Quyết định số 642/QĐ-TTg, ngày 26/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Nhiệm vụ lập quy hoạch TP. HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ tầm nhìn đến năm 2050, TP. HCM là ĐTTM, trình độ phát triển ngang tầm với các thành phố lớn khu vực Đông Nam Á và châu Á, tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên cơ cấu kinh tế hiện đại với nguồn nhân lực chất lượng cao và yếu tố đổi mới sáng tạo là trung tâm, có trình độ khoa học công nghệ phát triển và đời sống của người dân ở mức cao.
ĐTTM VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐTTM
Khái niệm về ĐTTM
Theo Albino và cộng sự (2015), khái niệm ĐTTM bắt đầu từ những năm 1990, được sử dụng chủ yếu để mô tả việc áp dụng tiến bộ công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông hỗ trợ cho cơ sở hạ tầng đô thị. Bakici và cộng sự (2013) lập luận, ĐTTM là một đô thị tiên tiến về công nghệ, kết nối con người, thông tin và các yếu tố của đô thị sử dụng các công nghệ mới để tạo ra sự bền vững, tạo ra đô thị xanh hơn có khả năng sáng tạo, cạnh tranh thương mại và nhằm tăng chất lượng cuộc sống.
Giffinger và cộng sự (2007) cho rằng, ĐTTM là một đô thị tốt, hướng đến tương lai, được xây dựng dựa trên sự kết hợp thông minh gồm 6 đặc trưng: kinh tế thông minh, con người thông minh, quản trị thông minh, di động thông minh, môi trường thông minh và đời sống thông minh. Nghiên cứu của Nam và Pardo (2011) xác định 3 khía cạnh ĐTTM gồm: Công nghệ thông minh, Con người thông minh và Cộng tác thông minh.
Đặc điểm của ĐTTM
Các đặc điểm của ĐTTM bền vững gồm:
- Sử dụng công nghệ thông minh: ĐTTM bền vững sử dụng các công nghệ thông minh để quản lý và giám sát các hoạt động trong đô thị, từ giao thông đến giải trí và nhu cầu sinh hoạt của cư dân. Công nghệ thông minh giúp tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và năng lượng, giảm thiểu lãng phí và ô nhiễm môi trường.
- Xây dựng hạ tầng thông minh: Hạ tầng thông minh là những cơ sở vật chất được trang bị các cảm biến và kết nối mạng để thu thập và truyền tải thông tin về các hoạt động trong đô thị. Hạ tầng thông minh giúp quản lý tài nguyên và dịch vụ công cộng hiệu quả hơn, đồng thời tạo ra một môi trường sống an toàn và tiện nghi cho cư dân.
- Phát triển vận tải thông minh: ĐTTM bền vững cần phát triển các phương tiện vận tải thông minh, bao gồm: các xe tự lái, hệ thống xe buýt thông minh, hệ thống giao thông ĐTTM, giúp giảm thiểu tắc đường và ô nhiễm khí thải.
- Tích hợp nguồn năng lượng tái tạo: ĐTTM bền vững sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, như: năng lượng mặt trời, gió và thủy điện, để cung cấp điện cho các cơ sở vật chất và dịch vụ công cộng. Tích hợp nguồn năng lượng tái tạo giúp giảm thiểu sử dụng năng lượng từ nguồn hóa thạch và giảm thiểu lượng khí thải.
- Tạo ra một môi trường sống xanh: ĐTTM bền vững tạo ra một môi trường sống xanh, bao gồm các khu vườn, công viên và không gian xanh nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
- Tăng cường sự thống nhất và hiểu biết của cộng đồng: ĐTTM bền vững đặt trọng tâm vào sự tham gia của cộng đồng trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị. Điều này giúp tăng cường sự thống nhất và hiểu biết của cộng đồng về các vấn đề quan trọng trong đô thị.
- Tăng cường an ninh và an toàn: ĐTTM bền vững sử dụng các công nghệ tiên tiến để tăng cường an ninh và an toàn, bao gồm hệ thống giám sát và bảo vệ cộng đồng.
- Phát triển bền vững: ĐTTM bền vững được thiết kế để phát triển bền vững, đảm bảo rằng các nguồn tài nguyên được sử dụng một cách bền vững và tạo ra một tương lai tốt đẹp cho cư dân.
VAI TRÒ CỦA NGUỒN NHÂN LỰC TRONG ĐTTM
Theo quan điểm ĐTTM lấy con người làm trung tâm thì sự chuyển hóa từ công nghệ sang “đô thị” không chỉ đơn giản là dịch vụ mà còn tạo dựng môi trường tương tác hiệu quả hơn và sáng tạo hơn (Calderoni, 2012). ĐTTM vì con người sẽ thông minh bởi “đầu tư vào nguồn vốn con người và xã hội cũng như các hạ tầng truyền thống và hạ tầng ICT nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống và quản lý tài nguyên thiên nhiên khôn ngoan qua cách quản trị có sự tham gia” (Caragliu, Del Bo và Nijkamp, 2011).
Các ĐTTM được xem là các khu vực đô thị với tỷ lệ lớn dân số trưởng thành có bằng đại học (Shapiro, 2006). Những ĐTTM này thường là các khu vực đô thị nhỏ và vừa chứa các trường đại học quốc gia hàng đầu (Winters, 2011), chủ yếu được xây dựng dựa trên đặc điểm của cư dân thông minh, về trình độ học vấn của họ (người thông minh) và trình độ giáo dục này được coi là động lực chính của tăng trưởng đô thị (Shapiro, 2006).
Về việc dân số có trình độ học vấn cao, trong khi Shapiro (2006) chỉ ra rằng, dân số có học vấn cao sẽ di chuyển đến các thành phố có chất lượng cuộc sống cao để sinh sống. Trong khi đó, Winters (2011) cho rằng, sinh viên của các trường đại học hàng đầu sẽ ở lại thành phố sau khi học xong. Mặc dù nhấn mạnh trọng tâm nguồn nhân lực, tức là cho rằng con người thông minh là trung tâm trong hoạt động của thành phố thông minh, nhưng những người chủ trương định hướng này không bỏ qua công nghệ.
Định hướng này đồng nghĩa với việc nâng cao trình độ học vấn và trình độ chuyên môn cho hầu hết dân đang sinh sống tại đô thị và đây là vấn đề then chốt đảm bảo cho sự thành công của mô hình thành phố thông minh cũng như tốc độ và chất lượng tăng trưởng của thành phố.
Một trong những yếu tố quan trọng của mô hình ĐTTM là việc sử dụng CNTT để giải quyết các vấn đề liên quan đến giao thông, môi trường, an ninh, và quản lý đô thị. Tuy nhiên, CNTT không thể thay thế được con người trong việc vận hành và quản lý hệ thống ĐTTM. Đó là lý do tại sao nguồn nhân lực trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất trong mô hình ĐTTM.
Nhu cầu nguồn nhân lực cho ĐTTM
Nhu cầu lao động của đô thị thông mình sẽ ít hơn đô thị thông thường. Bởi vì, đô thị thông minh chỉ cần có một lực lượng lao động đủ để đảm bảo hoạt động và phát triển của các hệ thống thông minh và các dịch vụ công cộng. Tuy nhiên, những công việc thủ công và đơn giản hơn có thể được thay thế bằng các hệ thống tự động hóa, giúp tối ưu hóa quy trình và giảm thiểu sự phụ thuộc vào lao động. Để phát triển và vận hành các dịch vụ công cộng thông minh, đô thị thông minh cần có các nhân lực có kỹ năng và năng lực sau:
- Kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT): Các nhân viên cần có kiến thức chuyên sâu về công nghệ thông tin và truyền thông để thiết kế, triển khai và vận hành các hệ thống thông minh.
- Kỹ năng quản lý dữ liệu và phân tích dữ liệu: Các nhân viên cần có khả năng quản lý dữ liệu và phân tích dữ liệu để thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu từ các hệ thống thông minh.
- Kỹ năng lập kế hoạch và quản lý dự án: Các nhân viên cần có kỹ năng lập kế hoạch và quản lý dự án để triển khai các giải pháp thông minh cho các dịch vụ công cộng.
- Kỹ năng tư vấn và giải quyết vấn đề: Các nhân viên cần có khả năng tư vấn và giải quyết các vấn đề liên quan đến các hệ thống thông minh và các dịch vụ công cộng.
- Kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm: Các nhân viên cần có kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm để tương tác với các bên liên quan và đảm bảo sự hài hòa giữa các hệ thống thông minh.
- Kiến thức về quản lý đô thị và các chính sách công cộng: Các nhân viên cần có kiến thức về quản lý đô thị và các chính sách công cộng để triển khai các giải pháp thông minh cho các dịch vụ công cộng.
Ngoài ra, các nhân lực này cần có khả năng thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và môi trường kinh doanh. Để đáp ứng nhu cầu lao động của đô thị thông minh, các trường đại học và tổ chức đào tạo cần cung cấp các chương trình đào tạo và huấn luyện để đào tạo nhân lực có kỹ năng và năng lực cần thiết cho các công việc liên quan đến đô thị thông minh.
THỰC TRẠNG NGUỒN NHÂN LỰC CỦA TP. HCM
TP. HCM là trung tâm kinh tế và tài chính của Việt Nam, vì vậy có nhiều người di cư đến đây để tìm kiếm việc làm. Theo Cục Thống kê, năm 2022, dân số TP. HCM có 9,37 triệu người, tăng 2,2% so với năm 2021. Trong đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 4,7 triệu người, nam chiếm 53,6% và nữ chiếm 46,4%. Số lao động có việc làm là 4,5 triệu người, chiếm 95% số người trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, số lao động đang làm việc đã qua đào tạo chỉ chiếm 35,7% trong tổng số lao động có việc làm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo của các doanh nghiệp tại TP. HCM là hơn 132.400 vị trí việc làm (chiếm 86,2% tổng nhu cầu nhân lực). Trong đó, các doanh nghiệp cần nhân lực trình độ đại học trở lên chiếm 19,73%, cao đẳng chiếm 23,19%, trung cấp chiếm 24,42% tập trung các nhóm nghề, như: kinh doanh thương mại, kế toán, kiểm toán, dịch vụ tư vấn, CNTT, tài chính, ngân hàng…
Về nguồn cung lao động, các trường đóng trên địa bàn TP. HCM: có 59 trường đại học (10 trường là cơ sở 2), 60 trường cao đẳng và 51 trường trung học chuyên nghiệp, khoảng 200 trung tâm đào tạo nghề. Các trường đại học, cao đẳng ở TP. HCM đào tạo hầu hết các loại ngành nghề kỹ thuật, tự nhiên, kinh tế, xã hội, văn hóa, pháp luật… với lực lượng sinh viên đang học nghề nghiệp (học việc) có trên 3 triệu người, chiếm khoảng 69,7% lực lượng lao động năm 2021. Đây là lực lượng lao động được đào tạo tiềm năng mà nền kinh tế Thành phố có thể thu hút. Tuy nhiên, nguồn cung này chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực cho ĐTTM.
TP. HCM là một đô thị tập trung đông dân đang gặp phải nhiều vấn đề, như: ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, quá tải về hạ tầng, y tế, giáo dục… Để giải quyết các vấn đề đó; đồng thời, để Thành phố phát triển một cách bền vững, tiếp tục giữ vai trò đầu tàu của cả nước, Thành phố đang có chiến lược phát triển thành một đô thị sáng tạo ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin truyền thông theo mô hình của một thành phố thông minh. Về bản chất, phát triển ĐTTM cũng chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô đô thị và lấy người dân làm trung tâm. Đây là một quá trình liên tục, lâu dài và là vấn đề lớn cần tổ chức nguồn lực để triển khai; đặc biệt là cần có tư duy phát triển ĐTTM ngay từ khi lập quy hoạch phát triển đô thị... Vì vậy, nguồn nhân lực có tay nghề cao là rất cần thiết.
Tuy nhiên, thị trường lao động TP. HCM đang thiếu trầm trọng lao động chất lượng cao có trình độ đại học và giáo dục nghề nghiệp, có kỹ năng thực hành. Năng suất lao động cũng không đạt hiệu quả cao cho dù được đánh giá là có óc sáng tạo, thông minh và cần cù.
Trước thực tế như vậy, cùng với làn sóng của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ 4, mối lo tụt hậu trình độ lao động ngày càng hiện hữu, là sự thiếu hụt lao động có kỹ năng thực hành. Nhu cầu về nhân lực theo xu hướng nhân lực chất lượng cao "lao động tri thức" thay thế sức lao động bằng vận hành máy móc tự động hóa, robot, trí tuệ nhân tạo. Trong bối cảnh kiến thức về công nghệ thay đổi rất nhanh, việc trang bị cách thức tự học và ý thức học tập suốt đời càng quan trọng hơn kiến thức của chương trình đào tạo.
GIẢI PHÁP ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CỦA ĐTTM CỦA TP. HCM
Trên cơ sở những yêu cầu về nguồn nhân lực của ĐTTM nói chung, việc đào tạo nguồn nhân lực cho ĐTTM của TP. HCM cần lưu ý các giải pháp sau:
Thứ nhất, thúc đẩy các chương trình đào tạo tích hợp giữa các trường đại học và các doanh nghiệp. Những chương trình này sẽ giúp sinh viên học được các kỹ năng thực tế và có cơ hội làm việc trực tiếp với các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ và quản lý đô thị. Các doanh nghiệp cũng có thể cung cấp cho sinh viên những khoá đào tạo ngắn hạn để giúp họ cập nhật kỹ năng mới và nâng cao hiệu quả làm việc.
Thứ hai, các trường đại học cũng cần thay đổi phương pháp đào tạo và đưa vào các chương trình giáo dục mới để đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động. Thay vì tập trung vào việc giảng dạy các kiến thức chuyên môn, các trường đại học cần phát triển các chương trình đào tạo linh hoạt và đa ngành, cho phép sinh viên học tập theo nhu cầu cá nhân và đáp ứng với các thay đổi nhanh chóng trong công nghệ và thị trường lao động.
Thứ ba, trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, việc sử dụng các công nghệ mới trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực cũng rất quan trọng. Các trường đại học có thể áp dụng: trí tuệ nhân tạo (AI) và học sâu (Deep Learning) để phân tích dữ liệu và cung cấp thông tin hữu ích cho sinh viên. Ngoài ra, các trường đại học cũng có thể sử dụng các phần mềm và ứng dụng để tăng tính tương tác và trải nghiệm học tập của sinh viên.
Thứ tư, cần tạo ra môi trường làm việc thu hút và giữ chân nhân tài trong lĩnh vực ĐTTM. Điều này bao gồm cải thiện mức lương, phúc lợi và điều kiện làm việc để tăng khả năng cạnh tranh với các ngành nghề khác. Ngoài ra, cần tạo ra một môi trường làm việc thoải mái, sáng tạo và đầy thử thách để khuyến khích nhân viên phát triển năng lực của mình.
Cuối cùng, việc đào tạo nguồn nhân lực cho ĐTTM đòi hỏi sự thay đổi trong cách suy nghĩ và hành động của các nhà quản lý. Các nhà quản lý cần có tầm nhìn và kế hoạch phù hợp để phát triển các chương trình đào tạo và thúc đẩy sự hợp tác giữa trường đại học và các doanh nghiệp; đảm bảo rằng, các sinh viên được trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết để tham gia vào nền kinh tế số và đáp ứng với những thách thức của thế giới mới./.
TS. Võ Thị Thu Hồng - Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn
TS. Nguyễn Vũ Hiếu Trung - Trường Đại học Tân Tạo
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 29, tháng 10/2023)
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Albino, V., Umberto, B., and Rosa, M.. D. (2015), Smart Cities: Definitions, Dimensions, Performance, and Initiatives, Journal of Urban Technology, 22(1), 3-21.
2. Bakici, T., Almirall, E., and Wareham, J. (2013), A Smart City Initiative: The Case of Barcelona, Journal of the knowledge economy, 4, 135-148.
3. Calderoni, L., Maio, D., Palmieri, P. (2012), Location-aware mobile services for a smart city: design, implementation and deployment, J. Theor. Appl. Electron. Commer. Res., 7(3), 74–87.
4. Caragliu, A., Del Bo, C., and Nijkamp, P. (2011), Smart Cities in Europe, Journal of Urban Technology, 18, 65-82.
5. Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (2021), Tổng luận: “ĐTTM: Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, bài học cho phát triển ĐTTM tại Việt Nam”.
6. Giffinger, R., Fertner, C., Kramar, H., Kalasek, R., Pichler-Milanovic, N., and Meijers, E. J. (2007), Smart cities. Ranking of European medium-sized cities, Final report, https://doi.org/10.34726/3565.
7. Nam, T., and Pardo. T. (2011), Conceptualizing Smart City with Dimensions of Technology, People, and Institutions, Proceedings of the 12th Annual International Digital Government Research Conference, 282-291.
8. Nguyễn Thành Phong (2019). Bài phát biểu khai mạc Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ở TP. HCM giai đoạn 2020-2030, ngày 15/8/2019, TP. HCM.
9. Shapiro (2006), Mechanisms of mindfulness, PMID: 16385481 DOI: 10.1002/jclp.20237.
10. Winters (2011), Why are smart cities growing? who moves and who stays, retrieved from https://doi.org/10.1111/j.1467-9787.2010.006931.
Bình luận