Từ tuần này (05/11/2018), liên minh cầm quyền ở Nhật Bản bắt đầu thảo luận về dự luật với các đảng đối lập để có thể đưa dự luật ra thảo luận tại Quốc hội vào thứ Năm (ngày 8/11).

Theo dự thảo Luật Kiểm soát nhập cư và công nhận tị nạn sửa đổi được Chính phủ Nhật Bản nhất trí thông qua ngày 2/11 tại cuộc họp Nội các, Chính phủ Nhật Bản dự kiến tiếp nhận lao động người nước ngoài trong 14 lĩnh vực, trong đó có xây dựng và điều dưỡng.

Giới chức các bộ của Nhật Bản ước tính số lao động người nước ngoài trong 14 lĩnh vực có thể lên tới khoảng 40.000 người trong năm tài chính 2019.

Bên cạnh đó, dự luật cũng đưa ra 2 tư cách lưu trú mới dành cho người nước ngoài. Cụ thể là:

Tư cách lưu trú thứ nhất, lao động nước ngoài đáp ứng yêu cầu nhất định về kỹ năng nghề trong một số lĩnh vực cụ thể sẽ được cấp tư cách lưu trú tối đa 5 năm. Tuy nhiên, tư cách lưu trú này không cho phép mang theo gia đình.

Tư cách lưu trú thứ hai được áp dụng cho những người nước ngoài có kỹ năng trình độ cao hơn. Những người này không bị giới hạn về thời gian lưu trú và được phép mang theo gia đình.

Dự luật không nêu rõ 14 lĩnh vực thiếu lao động, song dự thảo trên dự kiến áp dụng đối với các lĩnh vực từ nông nghiệp, xây dựng đến khách sạn và điều dưỡng. Đáng lưu ý là các thực tập sinh đã làm việc tại Nhật Bản ít nhất 3 năm liên tục sẽ có quyền tham gia chương trình xin visa lao động kiểu mới.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam, hiện nay, cộng đồng người lao động Việt Nam tại Nhật Bản vào khoảng 300.000 người, chỉ đứng sau Trung Quốc (khoảng 370.000). Năm 2017, ước tính Việt Nam có khoảng 48.000 lao động Việt Nam sang Nhật Bản và dự kiến con số này trong năm 2018 lên 60.000 lao động.

Từ đầu năm 2018 đến nay, thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản đón nhận một số thông tin có lợi cho người lao động, như: gia hạn ở lại làm việc tối đa lên đến 5 năm, không phải đặt cọc chống bỏ trốn, mở rộng thêm nhiều ngành nghề tiếp nhận, tăng lương cơ bản đầu năm 2018, chấp nhận đi lại lần 2…

Từ đó giúp cho người lao động sau khi sang Nhật Bản làm việc hoàn toàn yên tâm, không có những phát sinh như bỏ trốn ra ngoài làm việc, ăn cắp vặt hay tự động ra ngoài nhận việc làm thêm nhằm mục đích hoàn vốn nhanh.

Vì vậy, để đón nhận cơ hội này từ Luật Kiểm soát nhập cư và công nhận tị nạn sửa đổi có thể được thông qua, các địa phương cần tích cực liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu lao động đào tạo tay nghề, ngoại ngữ để có thể tuyển chọn người lao động có trình độ tham gia thị trường Nhật Bản. Bên cạnh đó, cần có hành lang pháp lý đủ mạnh để xử phạt vi phạm hành chính về lao động, thu hồi giấy phép của doanh nghiệp xuất khẩu lao động hoạt động trái phép.

Ngoài ra, đối với những lao động cư trú bất hợp pháp, cần nâng mức chế tài không chỉ đối với doanh nghiệp có lao động bỏ trốn cũng như thu phí của người lao động cao hơn mức quy định của pháp luật mà với cả người lao động nếu có hành vi phá vỡ hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài làm ăn phi pháp. Nhưng đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp, giảm các thủ tục xuất - nhập cảnh cho đối tượng lao động xuất khẩu.

Đặc biệt, người lao động nên tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đăng ký, không nên tin những lời hứa hẹn tác động đến kết quả thi hoặc lựa chọn ngành, nghề theo yêu cầu.... Các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nhiều thị trường.

Bên cạnh đó, để tiếp tục duy trì và phát triển thị trường Nhật Bản, cần tổ chức hoạt động xúc tiến, trao đổi với cơ quan chức năng của Nhật Bản để đàm phán trình Bộ hoặc cấp có thẩm quyền ký kết hoặc gia hạn các thỏa thuận về hợp tác tiếp nhận lao động Việt Nam đến làm việc, nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích của người lao động, doanh nghiệp cũng như tăng số lượng tiếp nhận lao động Việt Nam.../.