Lai Châu đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển
Do vị trí địa lý và địa hình bất lợi cho việc vận chuyển, Lai Châu vẫn là một tỉnh nghèo. Theo thống kê, Tỉnh có tỷ lệ các ngành công nghiệp rất thấp, nền kinh tế của Tỉnh chủ yếu dựa trên các dịch vụ nông, lâm ngư nghiệp... Để cải thiện mức sống cho người dân, Tỉnh thúc đẩy tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chế độ, chính sách về xuất khẩu lao động; tuyển chọn người lao động đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng.
Trung bình mỗi năm lượng kiều hối mà người lao động gửi về Tỉnh là trên 30 tỷ đồng |
Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2017-2022, toàn Tỉnh đã đưa được 673 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tăng 45,36% so với giai đoạn 2011-2016. Riêng năm 2022, Tỉnh đưa được 218 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đa số người lao động đi làm việc ở các thị trường: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc…., với các ngành nghề: Xây dựng, may mặc, lắp ráp điện tử, nông nghiệp, thuyền viên…
Thông qua công tác xuất khẩu lao động đã góp phần giúp Tỉnh giảm sức ép về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động; đồng thời tăng thu ngoại tệ cho địa phương. Trung bình mỗi năm lượng kiều hối mà người lao động gửi về Tỉnh trên 30 tỷ đồng. Qua đó, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Theo đánh giá của các thị trường tiếp nhận, cũng như các doanh nghiệp, thì phần lớn lao động địa phương được các thị trường tiếp nhận đánh giá là có tố chất cần cù, thông minh, khéo tay, nắm bắt công việc nhanh, ham học hỏi, năng động, sáng tạo, làm việc năng suất, chất lượng, tích cực quảng bá bản sắc văn hóa, hình ảnh con người Lai Châu nói riêng và đất nước nói chung đến bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, để hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiệu quả hơn, thực sự là cơ hội làm giàu như chủ trương Tỉnh đưa ra, theo Chủ tịch UBND Tỉnh Trần Tiến Dũng, các cấp, ngành, địa phương cần có sự quyết tâm thay đổi cuộc sống của người lao động, coi công tác xuất khẩu lao động là nhiệm vụ trọng tâm, tăng cường mở rộng thị trường lao động, số lượng lao động; kết nối mở rộng thêm các thị trường mới có việc làm ổn định, thu nhập cao phù hợp; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ tỉnh đến cơ sở, phải xem công tác xuất khẩu lao động là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành và nhân dân; ưu tiên các đơn hàng đi xuất khẩu lao động tại các thị trường có thu nhập cao, tình hình an ninh - chính trị ổn định; lựa chọn các công ty, doanh nghiệp cung ứng lao động uy tín, trách nhiệm.
Bên cạnh đó, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, người dân tại các huyện, thành phố về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xuất khẩu lao động; hỗ trợ vay vốn, giảm thiểu phụ phí không cần thiết. Mỗi xã năm 2023 phải có từ 5 lao động trở lên tham gia, sẵn sàng đi xuất khẩu lao động; kiện toàn Ban Chỉ đạo xuất khẩu lao động các huyện, thành phố do Chủ tịch UBND huyện, thành phố làm Trưởng ban.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu thành lập đường dây nóng, trên trang website, zalo xuất khẩu lao động phải cập nhật thường xuyên các thông tin về xuất khẩu lao động, các hướng dẫn cho người lao động...; Sở Ngoại vụ phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ký kết được nhiều hơn với các tỉnh của các nước có nhu cầu sử dụng lao động; đề nghị Trường Cao đẳng cộng đồng mở các khóa đào tạo ngoại ngữ./.
Bình luận