Số lao động có việc làm tại nhiều "thủ phủ" công nghiệp có xu hướng giảm so với quý IV/2022
Sáng ngày 06/4/2023, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) tổ chức họp báo Tình hình lao động việc làm quý I/ 2023. Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến chủ trì buổi họp báo.
Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, số lao động có việc làm tại nhiều "thủ phủ" công nghiệp có xu hướng giảm so với quý IV/2022 |
Thị trường lao động quý I/2023 tiếp tục duy trì đà phục hồi
Tại cuộc họp báo, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động nêu nhận định, thị trường lao động quý I/ 2023 tiếp tục duy trì đà phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý I /2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I /2023 là 52,2 triệu người, tăng 88,7 nghìn người so với quý trước và tăng hơn một triệu người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, lực lượng lao động ở khu vực thành thị tăng 121 nghìn người, trong khi đó khu vực nông thôn giảm 32,3 nghìn người; lực lượng lao động nam và nữ đều tăng, tương ứng tăng 597,9 nghìn người và 438 nghìn người. So với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động ở cả khu vực thành thị, nông thôn và nam nữ đều tăng (tăng tương ứng là 355,4 nghìn người; 680,4 nghìn người; 597,9 nghìn người và 438,0 nghìn người).
Hình 1: Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên các quý, giai đoạn 2020 - 2023
Đơn vị tính: Triệu người
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Tốc độ tăng lực lượng lao động so với quý trước tăng mạnh vào thời điểm mở cửa sau dịch Covid -19, quý IV/2021 (3,4%).
Bắt đầu năm 2022, tốc độ tăng lực lượng lao động so với quý trước có dấu hiệu giảm dần, tỷ lệ này giảm từ 0,9% ở quý I xuống 0,5% ở quý cuối năm.
Quý I /2023, tốc độ tăng lực lượng lao động duy trì tại mức 0,2%. Với các biến động tiêu cực từ thị trường lao động, cũng như tình hình kinh tế xã hội, lực lượng lao động đang có dấu hiệu tăng chậm lại so với thời điểm sau dịch Covid-19.
Hình 2: Tốc độ tăng lực lượng lao động so với quý trước, giai đoạn 2021 - 2023
Đơn vị tính: %
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I/ 2023 là 68,9%, không thay đổi so với quý trước và tăng 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới là 62,9% và của nam giới là 75,3%. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 65,2%, trong khi đó tỷ lệ này ở nông thôn là 71,3%. Quan sát theo nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở các nhóm tuổi rất trẻ và nhóm tuổi già, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 55 tuổi trở lên (thành thị: 30,9%; nông thôn: 48,3%) và nhóm từ 15-24 tuổi (thành thị: 39,0%; nông thôn: 48,8%).
Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý I/2023 là 26,4%, không thay đổi so với quý trước và cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tính đến quý I/2023, cả nước có khoảng 38,1 triệu người lao động chưa qua đào tạo.
"Đây là thách thức lớn đối với mục tiêu hiện thực hóa khát vọng hùng cường của đất nước. Việc xây dựng các chương trình chính sách đào tạo cụ thể nhằm nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động là nhu cầu cấp thiết trong thời gian tới", ông Nam nói.
Số người có việc làm sụt giảm tại TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Ninh, Bắc Giang
Điều đáng lưu ý trong bức tranh lao động chung của quý đầu năm 2023, theo ông Nam là số người có việc làm nhìn chung trên toàn quốc vẫn tiếp tục tăng so với quý trước, tuy nhiên có sự sụt giảm tại một số địa phương như: TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Số người lao động có việc làm tiếp tục tăng. Quý I/2023, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm đạt 51,1 triệu người, tăng 113,5 nghìn người so với quý trước, tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước và tăng 677,9 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019, năm trước khi dịch Covid-19 xảy ra.
Hình 3: Số người có việc làm quý I các năm 2019-2023 và quý IV/2022
Đơn vị tính: Nghìn người
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nhìn chung trên toàn quốc, Tổng cục Thống kê cho biết, số người có việc làm vẫn tiếp tục đà phục hồi ổn định, tuy nhiên tại một số địa phương như: TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Nghệ An, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên…, số lao động có việc làm lại có xu hướng giảm so với quý IV/ 2022.
Cụ thể, số lao động có việc làm ở TP. Hồ Chí Minh giảm 0,4%; Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 2,6%; Bình Phước giảm gần 4,0%; Nghệ An giảm 5,5%; Bắc Giang giảm 4,5%; Bắc Ninh giảm 0,9%; Thái Nguyên giảm 2,2%, điều này làm giảm đà phục hồi của thị trường lao động nói chung.
Trong tổng số 51,1 triệu lao động có việc làm, lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 39,0%, tương đương gần 20,0 triệu người, tiếp đến là lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 33,9%, tương đương 17,3 triệu người. Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng thấp nhất, 27,1%, tương đương 13,8 triệu người. So với quý trước và cùng kỳ năm trước, quy mô lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đều giảm lần lượt là 285,6 nghìn người và 53,6 nghìn người; lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng tăng lần lượt là 360,9 nghìn người và 566,9 nghìn người; lao động trong ngành dịch vụ tăng lần lượt là 38,1 nghìn người và 599,3 nghìn người.
Số người có việc làm phi chính thức giảm
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, số người có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông nghiệp) trong quý I /2023 là 33,0 triệu người, giảm 327,1 nghìn người so với quý trước và giảm 322,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức chung quý I /2023 là 64,6%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 2,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Theo khu vực kinh tế, khu vực dịch vụ có sự phục hồi khá tốt khi số người làm việc trong khu vực này tăng lên và cùng với đó tỷ lệ lao động phi chính thức trong khu vực này cũng giảm mạnh so với quý trước (giảm 1,4 điểm phần trăm).
Bên cạnh đó, ở khu vực công nghiệp và xây dựng mặc dù số lượng lao động trong ngành có xu hướng tiếp tục phục hồi, tuy nhiên sự phục hồi này còn chưa thực sự bền vững khi số lao động tăng chủ yếu ở lao động phi chính thức, điều này làm tỷ lệ lao động phi chính thức ở khu vực này tăng 0,3 điểm phần trăm so với quý trước./.
Bình luận