Thừa Thiên Huế triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Theo ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2022, thị trường các nước đã đón người lao động trở lại làm việc. Tính đến nay, Tỉnh có trên 1.180 lao động đã xuất cảnh sang nước ngoài làm việc theo hợp đồng, đạt 59% kế hoạch, tăng 240% so với năm 2021. Trong đó, lao động tập trung chủ yếu ở thị trường, như: Nhật Bản (chiếm 78,4%), Đài Loan (chiếm 15,2%), Hàn Quốc (chiếm 4%) và một số nước khác.
Ký kết hợp tác đưa lao động của Tỉnh sang Nhật Bản làm việc trong ngành nông nghiệp |
Để có được kết quả như vậy, các cơ quan chức năng trên địa bàn Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể:
Trung tâm Dịch vụ việc làm Tỉnh tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế thẩm định đăng ký hoạt động, như: Suleco, Quinn, Daystar, Sao Kim, Hải Phong... tổ chức các hội nghị thông tin về đơn hàng, chính sách hỗ trợ, tư vấn chuyên sâu, tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng trực tiếp và trực tuyến trên các phương tiện thông tin đại chúng và triển khai các hoạt động tư vấn, tạo nguồn tại các điểm tư vấn, điểm vệ tinh ở các địa phương cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động thất nghiệp, thanh niên nông thôn, bộ đội xuất ngũ...
Đồng thời, triển khai và hướng dẫn người lao động đăng ký ứng tuyển các đơn hàng đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS; Nhật Bản theo Chương trình EPA và IM Japan; chương trình đưa hộ lý, điều dưỡng đi học tập và làm việc tại Đức do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện... Tập trung tuyên truyền đến lực lượng thanh niên chưa tìm được việc làm; bộ đội phục viên xuất ngũ; học sinh tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề...
Cùng với đó, nhiều địa phương trong Tỉnh còn triển khai các chính sách hỗ trợ giúp người dân đi xuất khẩu lao động. Cụ thể là để hỗ trợ vốn ban đầu cho lao động đạt phỏng vấn đi làm việc ở nước ngoài được học ngôn ngữ, kỹ năng cần thiết, huyện Nam Đồng đã xây dựng và thực hiện Đề án "Hỗ trợ người lao động huyện Nam Đông đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giai đoạn 2021-2025" với hình thức "cho mượn 15 triệu đồng/người" trong thời gian 18 tháng. Sau 2 tháng kể từ khi người lao động xuất cảnh làm việc ở nước ngoài, thì phải hoàn trả lại số tiền trên để tiếp tục "xoay vòng" cho những lao động kế tiếp được vay mượn. Trong khi đó, huyện Phú Lộc tập trung vào công tác tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ, chọn "người thực việc thực" đi làm việc ở nước ngoài thành công, thoát nghèo, vươn lên khá giả để vận động bà con, láng giềng, người dân mạnh dạn đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp dịch vụ, cũng như cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ đội ngũ giáo viên, chương trình, giáo trình phù hợp đảm bảo tạo nguồn lao động chất lượng; khai thác các đơn hàng chất lượng, uy tín để tạo lòng tin, điều kiện làm việc, thu nhập tốt cho người lao động.
Thực tế cho thấy, hầu hết các công ty dịch vụ đưa lao động đi làm việc nước ngoài trên địa bàn Tỉnh đều đánh giá cao về các cơ chế, chính sách của Tỉnh dành cho người lao động. Theo đại diện Công ty Đầu tư hợp tác quốc tế Daystar, Tỉnh có chính sách rất tốt cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhất là áp dụng chính sách cho vay lên đến 80 triệu đồng/người, cao nhất so với nhiều tỉnh, thành khác./.
Bình luận