Ông Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam

PV: Thưa ông, sau hơn 17 năm hoạt động và phát triển, VEPF đã có những bước phát triển lớn mạnh, khẳng định rõ vai trò là một tổ chức tài chính Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời là công cụ kinh tế quan trọng phục vụ sự nghiệp bảo vệ môi trường ởViệt Nam. Xin ông vui lòng cho biết một số thành tựu mà Quỹ đã đạt được trong chặng đường vừa qua?

Ông Nguyễn Đức Thuận: VEPF là một tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, được thành lập theo Quyết định số 82/2002/QĐ-TTg ngày 26/06/2002 của Thủ tướng Chính phủ.

Sau hơn 17 năm hoạt động, VEPF đã hỗ trợ tài chính hiệu quả cho hàng trăm chương trình, dự án bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là các dự án xử lý nước thải, rác thải và điện mặt trời. Bên cạnh đó, hoạt động tài trợ cũng phát huy tính kịp thời và cấp thiết, đặc biệt là công tác tài trợ khắc phục sựcố ô nhiễm môi trường sau thiên tai, bão, lũ.

Hiện nay, tổng nguồn vốn hoạt động của VEPF khoảng 1.600 tỷ đồng. Quỹ đã sử dụng nguồn vốn này đúng mục đích, đảm bảo hiệu quả trên cơ sở đẩy mạnh hoạt động cho vay với lãi suất ưu đãi, tài trợ đối với các dự án bảo vệ môi trường.

Năm 2018 tốc độ giải ngân cho vay của VEPF tăng 33% so với năm 2017. Với lãi suất cho vay ưu đãi hiện tại là 2,6%-3,6%, VEPF đã cho vay hơn 300 dự án với tổng số vốn gần 3.000 tỷ đồng; tài trợ cho 63 dự án và tài trợ cho các hoạt động bảo vệ môi trường với tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng, góp phần tích cực vàhiệu quả vào sự nghiệp bảo vệ môi trường phát triển bền vững.

VEPF cũng tích cực tham gia nhiều hoạt động bảo vệ môi trường với các tổ chức trong và ngoài nước; tiếp nhận nguồn vốn cho vay lại từ Ngân hàng thế giới (WB) 20,47 triệu USD để cho vay đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải trong khu công nghiệp (KCN) tập trung tại 4 tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Nam Định và Hà Nam.

Do kiểm soát tốt chi phí và sử dụng vốn hiệu quả nên nguồn thu tài chính hàng năm của VEPF luôn lớn hơn mức chi. Với nguồn lực hiện có, VEPF đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao, bảo toàn và phát triển vốn; từng bước thể hiện vai trò của một tổ chức tài chính nhà nước cung cấp nguồn vốn dài hạn, ổn định cho các chương trình, dự án bảo vệ môi trường.

PV: Trong thời gian qua VEPF đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác với các tổ chức quốc tế cũng như các đơn vị trong nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông có thể cho biết đôi nét những kết quả về hoạt độngcủa Quỹ trên trong thời gian gần đây?

Ông Nguyễn Đức Thuận: Thời gian qua VEPF đã mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế như: Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO), Quỹ Môi trường toàn cầu, các công ty đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thân thiện môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ mới, hiện đại và xúc tiến đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đồng thời VEPF tiếp tục xây dựng các mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương, các quỹ bảo vệ môi trường địa phương nhằm tạo sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt trong năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chuyển giao Văn phòng Quỹ Môi trường toàn cầu tại Việt Nam (Văn phòng GEF) về Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, đây là một lợi thế rất lớn giúp VEPF nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong giai đoạn 2018-2022, Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam 18,01 triệu USD.

Đại diện VEPF và các đối tác, khách hàng chụp ảnh lưu niệm tại sảnh Dinh Độc Lập

PV: Được biết trong giai đoạn tới VEPF sẽ triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực và hiệu quả, góp phần nâng cao mức đóng góp cho các hoạt động bảo vệ môi trường. Vậy giải pháp then chốt được Quỹ xác định trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Thuận: Trên cơ sở huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế, trong giai đoạn 2019-2022 VEPF sẽ đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao, cụ thể:

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định mới về tổ chức và hoạt động của Quỹ; theo đó đề nghị Thủ tướng Chính phủxem xét tăng vốn điều lệ của Quỹ lên 3.000 tỷ đồng và giao Quỹ thêm nhiệm vụ của Quỹ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long

VEPF phấn đấu tăng doanh số cho vay với tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 25%/năm, đồng thời bảo đảm tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Thực hiện tốt nhiệm vụ Văn phòng GEF và vai trò đầu mối tác nghiệp quốc gia.

Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các quy trình nghiệp vụ theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả.

Tăng cường hợp tác quốc tế; tăng cường công tác truyền thông để nhiều doanh nghiệp biết và có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của VEPF.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!