Hải Phòng xây dựng Khu Kinh tế ven biển phía Nam trở thành động lực mới cho phát triển kinh tế của Thành phố
Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Khu kinh tế ven biển phía Nam - Động lực mới cho phát triển kinh tế thành phố Hải Phòng” |
Sáng ngày 17/3/2024 tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, TP. Hải Phòng, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã phối hợp cùng Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) Hải Phòng tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Khu kinh tế ven biển phía Nam - Động lực mới cho phát triển kinh tế thành phố Hải Phòng”.
Hội thảo nhằm cung cấp những thông tin chi tiết, thời sự, cập nhật về nhiệm vụ xây dựng và phát triển KKT ven biển phía Nam TP. Hải Phòng trong thời gian sắp tới; đồng thời thảo luận, phát triển thêm cơ sở lý luận và thực tiễn về xây dựng KKT mới của Thành phố. Thông qua Hội thảo khoa học góp phần truyền thông, lan toả sâu rộng hơn về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội và thách thức, cũng như hiệu quả của việc phát triển KKT mới của TP. Hải Phòng đến các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp và người dân TP. Hải Phòng. Từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự đồng thuận, ủng hộ tuyệt đối để quyết tâm phát triển KKT ven biển phía Nam của cả hệ thống chính trị và nhân dân TP. Hải Phòng.
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học“Khu kinh tế ven biển phía Nam - Động lực mới cho phát triển kinh tế thành phố Hải Phòng” |
Tham dự Hội thảo, về phía thành phố Hải Phòng có: TS. Lê Trung Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý KKT Hải Phòng; TS. Nguyễn Đình Bích, nguyên Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, nguyên Phó chủ tịch HĐND Thành phố; PGS,TS. Đan Đức Hiệp, nguyên Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND Thành phố; đại diện các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng.
Lãnh đạo Trường Đại học Hàng hải Việt Nam và các đại biểu tham dự Hội thảo |
Về phía Trường Đại học Hàng hải Việt Nam và các trường đại học tại Hải Phòng có: PGS, TS. Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Nhà trường; PGS,TS. Nguyễn Minh Đức, Phó Hiệu trưởng cùng đại diện lãnh đạo các Phòng/Ban, Khoa/Viện, giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên thuộc Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Đại diện lãnh đạo các trường: Chính trị Tô Hiệu, Cao đẳng FPT Polytechnic.
Về phía các hiệp hội doanh nghiệp, có ông Ko Tae Yeon, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hải Phòng; TS. Phạm Hữu Thư, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng; đại diện các Hiệp hội Vận tải Hải Phòng, Hiệp hội Logistics Hải Phòng.
Về phía các doanh nghiệp, có ông Bruno Johan O. Jaspaert, Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp (KCN) Deep C; ông Edmund Chong, Tổng giám đốc Công ty TNHH VSIP Hải Phòng; đại diện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam chi nhánh tại Hải Phòng; Tổng công ty đô thị Kinh Bắc; Công ty cổ phần tập đoàn CEO; Công ty Cổ phần Hạ tầng Gelex, Công ty cổ phần KCN MV Hải Phòng.
Các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong KKT Đình Vũ- Cát Hải và các KCN Hải Phòng (ngoài cùng từ trái sang) tham dự Hội thảo |
Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế Hải Phòng
Phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học, PGS, TS. Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trân trọng cảm ơn sự có mặt của các nhà khoa học, các đại biểu, khách quý đã dành nhiều thời gian quý báu tham dự Hội thảo. Đặc biệt, ông cảm ơn Ban Quản lý KKT Hải Phòng đã phối hợp chặt chẽ, nhiệt tình, hiệu quả với Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cùng đồng tổ chức Hội thảo.
PGS, TS. Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo |
PGS, TS. Phạm Xuân Dương vui mừng chia sẻ, trong ít ngày sắp tới, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam vinh dự tổ chức Kỷ niệm 68 năm Ngày thành lập trường (01/4/1956 - 01/4/2024). Những năm qua, Nhà trường đã không ngừng phát triển lớn mạnh, trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của đất nước và khu vực; đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo của ngành Giao thông vận tải nói riêng, nền kinh tế đất nước nói chung, nhằm thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế biển của Tổ quốc.
Với vai trò là một trong những trường đại học trọng điểm quốc gia đóng trên địa bàn TP. Hải Phòng, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam luôn xác định vai trò và trách nhiệm của mình đối với sự phát triển kinh tế của Thành phố, vì vậy Nhà trường tích cực tham gia vào quá trình xây dựng, hình thành KKT ven biển phía Nam của Thành phố; có Chương trình, Kế hoạch cụ thể trong công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu phát triển của KCN, KKT Hải Phòng hiện nay và KKT phía Nam Hải Phòng sau này.
Theo PGS, TS. Phạm Xuân Dương, Hải Phòng có định hướng phát triển kinh tế bám sát vào 3 trụ cột chính gồm: Công nghiệp công nghệ cao; cảng biển – logistics; du lịch – thương mại, để tạo động lực phát triển chung cho toàn bộ nền kinh tế Thành phố. Trong đó, một trong ba nhiệm vụ trọng tâm phát triển Hải Phòng thời kỳ 2021-2030 là thành lập KKT ven biển phía Nam gắn với dịch vụ cảng biển và logistics. Đây là định hướng rất quan trọng, cấp thiết và đúng đắn của Hải Phòng, nhằm tận dụng tốt nhất các cơ hội, phát huy tiềm năng lợi thế, tạo dư địa phát triển rộng mở trong nhiều năm tới. Ông nhấn mạnh: “Để đóng góp cho chiến lược phát triển kinh tế của Hải Phòng trong tương lai trở thành hiện thực, nhằm lan toả cho các sinh viên và nhân dân Thành phố về ý nghĩa của việc xây dựng KKT phía Nam của Hải Phòng, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam rất mong muốn các nhà khoa học và các đại biểu tại Hội thảo tích cực tham gia trao đổi, thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến quý báu, để cùng chung tay góp phần hoàn thiện Đề án xây dựng KKT mới của Thành phố”.
Toàn cảnh Hội thảo khoa học“Khu kinh tế ven biển phía Nam - Động lực mới cho phát triển kinh tế thành phố Hải Phòng” |
KKT Đình Vũ – Cát Hải và các KCN Hải Phòng, điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài
Tại Hội thảo, TS. Lê Trung Kiên, Trưởng ban Quản lý KKT Hải Phòng đã trình bày nội dung với chủ đề: “KKT ven biển phía Nam – động lực mới cho phát triển kinh tế Hải Phòng”, nhằm cung cấp thông tin tổng quan về thành tựu phát triển của KKT Đình Vũ – Cát Hải và các KCN của Hải Phòng; cơ sở, định hướng xây dựng KKT ven biển phía Nam Hải Phòng để các đại biểu và khách mời tham dự Hội thảo hình dung một cách đầy đủ, rõ nét nhất về cơ sở đề xuất thành lập một KKT mới, một mô hình, một diện mạo mới, cũng như những hiệu quả kinh tế - xã hội của KKT mới được thành lập và phát triển trong tương lai.
TS. Lê Trung Kiên, Trưởng ban Quản lý KKT Hải Phòng trình bày tổng quan tình hình phát triển KKT và các KCN Hải Phòng và đề án phát triển KKT ven biển phía Nam |
Bài trình bày của TS. Lê Trung Kiên gồm có 6 nội dung, bao gồm: (1) Tổng quan về kết quả thu hút đầu tư của Thành phố và các KCN, KKT trên địa bàn Thành phố; (2) Tình hình phát triển của KKT Đình Vũ – Cát Hải; (3) Định hướng phát triển của KKT; (4) Đề xuất KKT phía Nam Hải Phòng; (5) Phương án phát triển KKT phía Nam Hải Phòng; (6) Những giải pháp để thực hiện phát triển KKT phía Nam Hải Phòng.
Giới thiệu tổng quan về tình hình thu hút đầu tư và phát triển của KKT Đình Vũ – Cát Hải và các KCN của Hải Phòng, ông Kiên cho biết:
Thành phố Hải Phòng bắt đầu có KCN đầu tiên từ năm 1993 với Khu chế xuất Đồ Sơn, sau đó đến năm 2008 mới được thành lập KKT Đình Vũ – Cát Hải. Giai đoạn năm 1993-2008, thu hút đầu tư của Thành phố chủ yếu tập trung ở ngoài các KCN, đầu tư vào trong các KCN chỉ chiếm khoảng 28% toàn Thành phố. Cơ cấu nền kinh tế tập trung một phần lớn là 40% vào lĩnh vực may mặc, nhựa, cơ khí, còn điện tử, logistics lần lượt chỉ chiếm 10% và 15%. Giá trị xuất khẩu của các KCN cũng chỉ chiếm 30% toàn Thành phố. Tổng số lao động trong các KCN thời điểm năm 2008 là khoảng 22.000 người.
Song kể từ khi thành lập KKT Đình Vũ – Cát Hải (năm 2008), đã có sự thay đổi vượt bậc về về phát triển công nghiệp của Thành phố. Hiện nay tổng giá trị vốn đầu tư thu hút vào các KCN, KKT đạt 25,4 tỷ USD, chiếm tới 96% toàn Thành phố. Cơ cấu ngành cũng chuyển dịch một cách mạnh mẽ với lĩnh vực điện tử và logistics có sự tăng trưởng lớn, lần lượt đạt 36% và 29%. Giá trị xuất khẩu của các KCN, KKT chiếm khoảng 75% toàn Thành phố. Tổng số lao động đang làm việc trong KCN, KKT hiện nay có khoảng gần 200.000 người.
Có thể thấy, kể từ khi thành lập KKT Đình Vũ – Cát Hải, thu hút đầu tư vốn FDI của Thành phố luôn đứng trong Top 5 của cả nước; đặc biệt năm 2021, Hải Phòng đứng đầu với tổng vốn FDI thu hút là 5,3 tỷ USD.
Tổng vốn FDI thu hút của Thành phố từ năm 2020 đến nay đạt hơn 10,5 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước, nhưng nếu chỉ xét thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, Hải Phòng đứng thứ 1, vì TP. Hồ Chí Minh chủ yếu là thu hút vốn FDI vào các lĩnh vực thương mại, bất động sản.
Tỷ suất đầu tư vào các KCN của Hải Phòng là 12 triệu USD/ha, đứng ở nhóm cao nhất cả nước, trong đó với cụm dự án của Tập đoàn LG và các vệ tinh tại KCN Tràng Duệ, tỷ suất đầu tư đạt tới 37 triệu USD/ha. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đến nay đạt khoảng 65%.
KKT Đình Vũ - Cát Hải từ khi thành lập đến nay, với diện tích 22.540 ha đã đạt tỷ lệ lấp đầy trên 80%, trở thành một trong những điểm sáng về phát triển công nghiệp và cảng biển, đặc biệt là với sự hiện diện của các dự án lớn như: Cảng Lạch Huyện, Nhà máy ô tô Vinfast, 9 KCN đã thành lập với nhiều dự án lớn của các tập đoàn đa quốc gia, các khu đô thị, nhà ở xã hội, khu du lịch, dịch vụ. Mặc dù KKT Đình Vũ - Cát Hải có diện tích khiêm tốn, nhưng đóng góp vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội lớn nhất cả nước.
TS. Lê Trung Kiên, Trưởng ban Quản lý KKT Hải Phòng (hàng trên, ngoài cùng) và các đại biểu nguyên là lãnh đạo TP. Hải Phòng tham dự Hội thảo |
Những kết quả trên đã minh chứng cho sức hút mạnh mẽ của KKT Đình Vũ – Cát Hải và các KCN TP. Hải Phòng, đã trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài (FDI). Trong đó: KKT Đình Vũ – Cát Hải đã được đánh giá là KKT ven biển đầu tư thành công nhất trong 18 KKT ven biển của cả nước; hạ tầng kỹ thuật được hoàn thiện đồng bộ, hiện đại; thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước đạt 32 tỷ USD với nhiều dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, chế biến, chế tạo; đóng góp quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu ngành; thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; dần thể hiện vai trò dẫn dắt trong phát triển kinh tế của cả Vùng; thu hút hơn 120.000 lao động với thu nhập bình quân 11,5 triệu đồng/tháng, thuộc mức cao so với các KKT của cả nước.
Ông Chu Đức Anh, Phó Trưởng Ban Quản lý KKT Hải Phòng tham dự Hội thảo |
KKT ven biển phía Nam – Động lực mới cho phát triển kinh tế TP. Hải Phòng
TS. Lê Trung Kiên cho biết, bên cạnh những thành tựu của KKT Đình Vũ – Cát Hải và các KCN đã đạt được, sau quá trình 15 năm xây dựng và phát triển, KKT Đình Vũ – Cát Hải đã phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức do các nguyên nhân khách quan tác động (liên quan đến các chính sách phát triển các KCN, KKT còn nhiều bất cập, chưa hoàn thiện, thay đổi nhiều lần, thiếu ổn định, do tác động của nhiều luật liên quan; các chính sách ưu đãi trước đây áp dụng cho KKT đã dần không còn phù hợp với nhu cầu của giai đoạn này, đặc biệt là với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu của OECD), nên chưa tạo được sức hấp dẫn lớn cho các nhà đầu tư; quá trình triển khai thực tế đối với KKT Đình Vũ – Cát Hải gặp nhiều vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; khu vực phát triển là lấn biển, phải san lấp, đầu tư đê biển rất tốn kém và kéo dài…
Ông Kiên bày tỏ: “Sự phát triển thành công hiện nay của KKT Đình Vũ – Cát Hải đã khẳng định sự quyết tâm cao của các cấp chính quyền Thành phố, cũng như cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay vì sự phát triển vững mạnh của TP. Hải Phòng. Đến nay, 80% diện tích đất của KKT Đình Vũ – Cát Hải cơ bản đã và đang được đầu tư xây dựng, diện tích còn lại không nhiều, khó tranh thủ được dư địa phát triển trong thời gian qua của Thành phố”.
Phối cảnh tổng thể Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng |
Phát huy những kết quả của KKT Đình Vũ - Cát Hải và các KCN đã đạt được trong hơn 30 năm qua, cùng với vị trí đặc biệt quan trọng của TP. Hải Phòng trong vùng Đồng bằng Sông Hồng (là một cực quan trọng trong Vùng động lực tăng trưởng phía Bắc, nằm trên 3 hành lang kinh tế quan trọng); mặt khác căn cứ vào thực tế tình hình phát triển của KKT Đình Vũ – Cát Hải hiện nay, trên cơ sở đó, TP. Hải Phòng đã xác định một trong những định hướng phát triển chính trong giai đoạn tới là thành lập, xây dựng một KKT mới làm cơ sở để tiếp tục thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, để đầu tư phát triển các dự án hạ tầng quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố trong khu vực; đồng thời tận dụng tốt dư địa phát triển của KKT Đình Vũ – Cát Hải...
Các đại biểu đến từ Ban Quản lý KKT Hải Phòng tham dự Hội thảo |
Từ những định hướng nêu trên, Hải Phòng dự kiến xin đề xuất Chính phủ đến năm 2025 thành lập KKT ven biển phía Nam Hải Phòng, để góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng và phát triển kinh tế, xã hội của Hải Phòng. Hiện nay, Thành phố đã chỉ đạo việc nghiên cứu thành lập KKT ven biển phía Nam Hải Phòng, với mục tiêu chủ yếu xây dựng một KKT theo xu hướng toàn cầu. Tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, cảng logistics hiện đại (cảng dời, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp), khu thương mại tự do (1.200 ha). Trong đó, khu vực phát triển các KCN dự kiến có 6 khu, định hướng phát triển theo mô hình KCN xanh, sinh thái (tập trung thu hút các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp sạch, phát thải thấp, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên), nhằm tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị và cung ứng của khu vực và thế giới. Phấn đấu đến năm 2030, trở thành một động lực chủ đạo của nền kinh tế TP. Hải Phòng, tương đương với 80% năng lực của KKT Đình Vũ – Cát Hải hiện nay.
Ban tổ chức sự kiện đến từ Ban Quản lý KKT Hải Phòng (ngoài cùng) và Trường Đại học Hàng hải Việt Nam tham dự Hội thảo |
Thành phố đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thành lập KKT, trong đó điều kiện cuối cùng là phải có dự án quy mô lớn, đặc biệt quan trọng và có tác động lớn. Hiện nay, trong phạm vi KKT Nam Hải Phòng có 6 KCN dự kiến được thành lập, thì đều đã có các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất; trong đó UBND Thành phố đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH VSIP, để nghiên cứu thành lập KCN Tiên Lãng 2 với quy mô khoảng 500 ha theo mô hình KCN sinh thái. Bên cạnh đó, UBND Thành phố cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Kinh Bắc và các nhà đầu tư cảng lớn của Mỹ là Cảng Los Angeles và Cảng New York & New Jersey để phát triển một Tổ hợp tổ hợp cảng biển, sân bay, đô thị, công nghiệp, năng lượng, logistics với quy mô 5 – 10 tỷ USD. Ban Quản lý KKT Hải Phòng đang phối hợp với các nhà đầu tư để triển khai các thủ tục theo quy định. Các dự án này sau khi được thực hiện sẽ trở thành những động lực phát triển vô cùng quan trọng cho KKT, cũng như cho cả vùng Đồng bằng sông Hồng.
Đề xuất phương án xây dựng KKT ven biển phía Nam Hải Phòng |
Phương án phát triển KKT Nam Hải Phòng với diện tích khoảng 20.000 ha được xác định trên cơ sở: Bám theo tuyến đường cao tốc ven biển nhằm phát huy tối đa tính liên kết vùng; bao gồm khu vực sông Văn Úc, cảng Nam Đồ Sơn và sân bay Tiên Lãng là khu vực cửa ngõ phía Nam của Thành phố, tích hợp đủ 5 loại hình giao thông quan trọng.
Về lộ trình thực hiện dự án, Thành phố dự kiến phấn đấu thành lập KKT và triển khai lập quy hoạch chung xây dựng KKT trong năm 2025 và sẽ bắt đầu đầu tư xây dựng các công trình, dự án và thu hút đầu tư từ năm 2026.
“Để xây dựng và phát triển KKT Nam Hải Phòng trong tương lai gần trở thành khu vực thu hút đầu tư mạnh mẽ và năng động hơn nữa, tôi rất mong muốn nhận được sự tham gia đóng góp ý kiến cho Đề án phát triển KKT Nam Hải Phòng của toàn thể đại biểu và quý vị tham dự tại Hội thảo, đây là cơ sở quan trọng để TP. Hải Phòng sớm trình Chính phủ ban hành Quyết định trong thời gian tới, góp phần giúp Hải Phòng có không gian, dư địa mới cho phát triển kinh tế”, ông Kiên kỳ vọng.
Tiếp đó, Hội thảo tiếp tục được lắng nghe 2 bài trình bày báo cáo khoa học của đại diện cho khối doanh nghiệp và các chuyên gia, nhà khoa học về chủ đề phát triển KKT ven biển phía Nam được đánh giá trên nhiều góc độ.
Ông Ko Tae Yeon, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Heesung Electronics Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM) tại Hải Phòng trình bày bài phát biểu với chủ đề: “Phát triển KKT ven biển phía Nam – Từ góc nhìn của các doanh nghiệp FDI” |
Ông Ko Tae Yeon, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Heesung Electronics Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM) tại Hải Phòng trình bày bài phát biểu với chủ đề: “Phát triển KKT ven biển phía Nam – từ góc nhìn của các doanh nghiệp FDI”. Đánh giá việc xây dựng KKT ven biển phía Nam, ông Ko Tae Yeon khẳng định là rất cần thiết, vì Hải Phòng đã và đang tạo được môi trường đầu từ thuận lợi, hấp dẫn các nhà đầu tư FDI; cùng với xu hướng dịch chuyển đầu tư của các nhà đầu tư toàn cầu, Hải Phòng cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội để kịp thời “đón làn sóng” đầu tư FDI nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh với các địa phương trong khu vực và cả nước.
PGS, TS. Đan Đức Hiệp, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng trình bày bài nghiên cứu với chủ đề: “Phát triển KKT ven biển phía Nam – Thời cơ, thách thức đối với ngành cảng biển, vận tải biển và logistics” |
Tại Hội thảo, PGS, TS. Đan Đức Hiệp, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng trình bày bài nghiên cứu với chủ đề: “Phát triển KKT ven biển phía Nam – Thời cơ, thách thức đối với ngành cảng biển, vận tải biển và logistics”. Ông đã khái quát tiềm năng, thế mạnh, cơ hội và thách thức hiện nay của Hải Phòng đối với sự phát triển cảng biển, vận tải biển và logistics.
Theo đó, về điểm mạnh của Thành phố: Có lợi thế so với các địa phương có cùng nhiều điểm tương đồng (vị trí địa lý, hạ tầng giao thông, cảng nước sâu, nguồn nhân lực dồi dào). Mặt khác, hiện nay Hải Phòng đang đón nhận nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư. Số doanh nghiệp thành lập và đi vào hoạt động trong lĩnh vực logistics tại Hải Phòng thuộc nhiều thành phần khác nhau, trong đó có công ty logistics đa quốc gia hàng đầu trên thế giới… đã tạo “đòn bẩy” cho Hải Phòng phát triển kinh tế khá nhanh và mạnh (tăng trưởng trên hai con số), đặc biệt thị trường dịch vụ, dịch vụ logistics có tốc độ tăng trưởng cao (20-25%)… đã khẳng định độ mở của kinh tế Hải Phòng, đóng vai trò trung tâm, là động lực tăng trưởng của Vùng và cả nước. Cùng với đó, sự chủ động của các cấp chính quyền TP. Hải Phòng và sự ủng hộ cuả Trung ương là các điều kiện tiên quyết để Thành phố lập Đề án xây dựng KKT ven biển phía Nam và trình Chính phủ trong thời gian sắp tới.
Các cán bộ và sinh viên đến từ Trường Đại học Hàng hải Việt Nam tham dự Hội thảo |
Về thách thức của Hải Phòng, ông Hiệp đã nêu ra một số vấn đề còn tồn tại như: Thể chế, chính sách phát triển KCN, KKT còn nhiều tồn tại, bất cập; biến động kinh tế, quốc tế; cạnh tranh thu hút đầu tư trong và ngoài nước ngày càng gay gắt; ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; sự gia tăng khoảng cách đô thị - nông thôn và những tác động của KKT tới hệ sinh thái (đô thị phát triển chậm, tồn tại nhiều bất cập, cần điều chỉnh định hướng phát triển); doanh nghiệp tăng trưởng chậm, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, công nghệ lạc hậu, tính liên kết kém; kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thiếu…
Ông Hiệp cho rằng, để giải quyết những khó khăn trên, đòi hỏi các nhà quản lý phải biến khó khăn, thách thức thành cơ hội; đồng thời ông đưa ra một số giải pháp đó là: Xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm liên kết Vùng, kết nối Vùng trong nước và quốc tế; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng, các trung tâm logistics đồng bộ, hiện đại, cũng như hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối Vùng; tăng cường liên kết, hợp tác, kết nối Vùng giữa các địa phương, các doanh nghiệp thuộc các địa phương Vùng theo chuỗi giá trị; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tranh thủ được sự hỗ trợ của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia…
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học tham dự Hội thảo |
Cần thiết sớm xây dựng KKT ven biển phía Nam Hải Phòng
Điều hành phần thảo luận do TS. Lê Trung Kiên và PGS.TS. Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam chủ trì, với sự tham gia phát biểu, thảo luận, đóng góp ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu khoa học, cơ quan quản lý nhà nước Thành phố và nhà đầu tư trong KKT Hải Phòng (TS. Nguyễn Đình Bích, nguyên Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, nguyên Phó chủ tịch HĐND thành phố; ông Lê Văn Huyến, nguyên Phó Viện trưởng Viên Quy hoạch TP. Hải Phòng; ông Bruno Johan O. Jaspaert, Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp Deep C; đại diện đến từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng).
TS. Lê Trung Kiên và PGS, TS. Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam điều hành phần thảo luận tại Hội thảo |
Các đại biểu đã phát biểu sôi nổi, đóng góp tích cực cho dự thảo Đề án phát triển KKT ven biển phía Nam, về các vấn đề liên quan đến về mô hình phát triển của KKT; các lĩnh vực ưu tiên phát triển; giải pháp phát triển KKT nhằm bảo đảm bảo đầu tư hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh của Khu kinh tế (cần làm rõ thêm việc phát triển KKT ven biển phía Nam và KKT Đình Vũ – Cát Hải sẽ có sự cạnh tranh hay không để đảm bảo sự hài hoà, kích thích sự phát triển); đề xuất phương án phát triển giao thông, phát triển đa dạng các loại hình công nghiệp, nghiên cứu công nghiệp hóa chất cơ bản (tránh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển); công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; cơ hội và thách thức mới; đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù để tăng sức hấp dẫn của Khu kinh tế…
Ông Bruno Johan O. Jaspaert, Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp Deep C phát biểu đánh giá cao môi trường đầu tư tại Hải Phòng |
Với vai trò là nhà đầu tư hạ tầng KCN đã và đang thu hút đầu tư thành công vào tổ hợp KCN DEEP C tại Hải Phòng, ông Bruno Johan O. Jaspaert, Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp Deep C đánh giá việc phát triển KKT ven biển phía Nam sẽ tạo cơ hội lớn cho Hải Phòng phát triển. Nếu phát triển thành công dự án KKT ven biển phía Nam, thì Hải Phòng sẽ trở thành địa phương lý tưởng để thu hút đầu tư, thu hút nhân tài và hội tụ mọi người dân đến đây sinh sống.
“Các sinh viên hãy học tập thật tốt, các ngành nghề mà các bạn đang học là ngành nghề phát triển trong tương lai gần. TP. Hải Phòng là một địa chỉ đầu tư lý tưởng nhất cho các nhà đầu tư. Hy vọng Hải Phòng sẽ hiện thực hóa dự án này, để biến Hải Phòng trở thành một thành phố đáng sống” Tổng Giám đốc Bruno Johan O. Jaspaert bày tỏ kỳ vọng.
Ông Lê Văn Huyến, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch TP. Hải Phòng phát biểu tại Hội thảo |
Các ý kiến phát biểu đều nhất trí khẳng định, việc xây dựng KKT ven biển phía Nam là một bước xoay chuyển để tạo nên những động lực mới, sức bật mới cho Hải Phòng đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo diện mạo mới cho phát triển kinh tế của TP. Hải Phòng; đồng thời mong muốn lãnh đạo TP. Hải Phòng quyết liệt sớm hoàn thiện Đề án xây dựng KKT ven biển phía Nam, để trình Chính phủ bạn hành Quyết định thành lập KKT trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đình Bích, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Hải Phòng phát biểu tại Hội thảo |
Giải đáp các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo, TS. Lê Trung Kiên cho biết, hiện nay Hải Phòng đã có chính sách vượt trội trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thành phố. Hiện Thành phố có 200.000 lao động (33% lao động ngoại tỉnh, trong đó 20% lao động đến từ Quảng Ninh) được đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp (8 ngành nghề); sinh viên đi học ra trường được tạo việc làm, được chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp với độ tuổi lao động; có chính sách hỗ trợ cho lao động ngoại tỉnh đi học nghề. Cùng với đó, Thành phố có chính sách xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động ở vị trí thuận lợi. Hiện nay, Thành phố đã làm việc với các ngân hàng chính sách để cho vay ưu đãi đối với người lao động mua nhà, hỗ trợ lãi suất nhất định vay ngân hàng để kích cầu và thu hút nguồn nhân lực ở các địa phương lân cận (Hải Dương, Quảng Ninh) an tâm đến làm việc và sinh sống tại Hải Phòng.
Đại biểu đến từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng phát biểu tại Hội thảo |
TS. Lê Trung Kiên khẳng định: “Cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào KKT là cơ chế thu hút đầu tư tốt nhất hiện nay. KKT ven biển phía Nam có dự địa tốt, có khả năng phát triển thành tổ hợp công nghiệp, sân bay, cảng logistics. Hải Phòng có định hướng thu hút đầu tư trong ngành hóa chất, song mục tiêu trong lĩnh vực sản xuất hóa dược nên hạn chế tối đa nguy cơ ô nhiễm môi trường”.
Ông Ko Tae Yeon, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Heesung Electronics Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM) tại Hải Phòng phát biểu tại Hội thảo |
Theo PGS, TS. Phạm Xuân Dương, Hải Phòng nằm trong vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đóng vai trò là Vùng kinh tế biển trọng điểm của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước. Ông khẳng định: “Nắm bắt được những thời cơ thuận lợi đó, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam luôn luôn thay đổi cách tiếp cận phương pháp giảng dạy mới nhằm giúp học viên, sinh viên Nhà trường đáp ứng đủ những tiêu chí của một công dân toàn cầu (tiêu chí “kiềng 3 chân") như kiến thức, kỹ năng, thái độ và 2 tiêu chuẩn là chuẩn ngoại ngữ và tin học; đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực ngành hàng hải chất lượng cao cho TP. Hải Phòng nói riêng và trong nước cũng như quốc tế nói chung. Đây là cam kết của Nhà trường với các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội”.
Lãnh đạo Tổ hợp Khu công nghiệp Deep C tham dự Hội thảo |
Bế mạc và kết luận Hội thảo, thay mặt lãnh đạo TP. Hải Phòng, Trưởng ban Quản lý KKT Hải Phòng Lê Trung Kiên phát biểu bày tỏ sự cảm kích về sự hỗ trợ, phối hợp và đóng góp nhiệt tình của Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam; các đồng chí nguyên lãnh đạo TP. Hải Phòng; các cơ quan, doanh nghiệp đã mang lại thành công lớn cho Hội thảo. Đồng thời xin ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp quan trọng của các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp quan trọng, để Thành phố làm cơ sở nghiên cứu, hoàn thiện xây dựng Đề án phát triển KKT phía Nam Hải Phòng để trình Chính phủ trong trong tháng 5 tới.
PGS, TS. Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trao tặng lưu niệm cho Trưởng ban Quản lý KKT Hải Phòng Lê Trung Kiên |
Ông Kiên mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và hợp tác nhiệt tình từ tất cả các bên liên quan, để xây dựng tương lai khởi sắc cho KKT Nam Hải Phòng và đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố. Đặc biệt, ông hy vọng Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai nhiều hội thảo khoa học với các chủ đề liên quan để lan toả vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển KKT ven biển phía Nam Hải Phòng.
Ông Kiên cũng thông tin cho biết, sắp tới Ban Quản lý KKT Hải Phòng sẽ tổ chức Hội thảo với chủ đề thương mại tự do, nên mong muốn sẽ nhận được nhiều sự quan tâm tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế…, để góp phần nâng cao nhận thức và lan toả tầm quan trọng của dự án phát triển KKT phía Nam Hải Phòng đến cộng đồng xã hội và nhân dân Hải Phòng về một KKT sinh thái năng động, bền vững trong tương lai, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TP. Hải Phòng và cả vùng Đồng bằng Sông Hồng nói riêng và kinh tế đất nước nói chung.
PGS, TS. Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trao tặng lưu niệm cho lãnh đạo Ban Quản lý KKT Hải Phòng, nguyên lãnh đạo TP. Hải Phòng và đại diện nhà đầu tư |
Hy vọng với sự chung tay của các cấp chính quyền TP. Hải Phòng, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân TP. Hải Phòng; cùng với sự quan tâm hỗ trợ và giúp đỡ nhiệt tình của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; dự án xây dựng KKT ven biển phía Nam sẽ sớm trở thành hiện thực, góp phần tạo nên nhiều khởi sắc mới và dấu ấn mới cho phát triển kinh tế, xã hội của TP. Hải Phòng./.
Ban tổ chức Hội thảo chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu, khách quý tham dự Hội thảo |
Bình luận