Sắp diễn ra Đại hội Liên chi hội tài chính KCN Việt Nam lần thứ I và Diễn đàn Chuỗi Sản xuất Thông minh & Chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024
TS. Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Ban chấp hành lâm thời Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam (VIPFA) phát biểu tại Lễ ra mắt Ban chấp hành lâm thời VIPFA vào tháng 1 vừa qua

Ngày 25/3/2024 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, TP. Hà Nội sẽ diễn ra Đại hội Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam (VIPFA) lần thứ I do Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp (KCN) Việt Nam (VIPFA) tổ chức.

Tiếp đó, ngày 26/3/2024 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, TP. Hà Nội tiếp tục diễn ra Diễn đàn Chuỗi Sản xuất Thông minh & Chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024 (VGMF2024) do Công ty Cổ phần Đầu tư Bất Động Sản Công nghiệp và Cho thuê A+ (A+ Industrial JSCO) phối hợp cùng các đối tác: Công ty TNHH Tư vấn DH Việt Nam, Công ty TNHH Viện Nghiên Cứu Đầu tư Quốc Tế (ISC) và Công ty TNHH Sunrise Big Data đồng tổ chức.

VIPFA - ngôi nhà chung” của các nhà đầu tư và các doanh nghiệp KCN, KKT

Lãnh đạo Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam cho biết, Đại hội Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam (VIPFA) lần thứ I, nhiệm kỳ 2024 – 2029 dự kiến thu hút sự tham gia của hơn 200 các đại biểu, khách quý đến từ các Bộ, ngành Trung ương và địa phương; đại diện các Ban Quản lý KKT, KCN, cụm công nghiệp (CCN), khu chế xuất (KCX), khu công nghệ cao (KCNC); các tổ chức xúc tiến đầu tư, thương mại, tư vấn luật, ngân hàng, quỹ đầu tư tài chính, logictics; các hiệp hội doanh nghiệp và các đơn vị dịch vụ trong các KCN, KKT, CCN; các chuyên gia trong nước và quốc tế liên quan đến lĩnh vực tài chính KCN; các nhà đầu tư hạ tầng trong các KCN, KKT; các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; các chuyên gia kinh tế, công nghệ, các học giả trong và ngoài nước cùng các cơ quan thông tấn, báo chí truyền thông đến dự và đưa tin.

Trước thềm Đại hội Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam lần thứ I, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Chủ tịch Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế (ISC), Chủ tịch Ban chấp hành lâm thời VIPFA cho biết, Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam được thành lập có mục tiêu rất rõ ràng, nhằm huy động vốn đầu tư, kinh doanh trong KCN, KKT một cách chuyên nghiệp, có chuẩn mực, đạo đức phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam; là tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp; là đầu mối tin cậy kết nối cung – cầu về đầu tư, tài chính; thực hiện các hoạt động hỗ trợ thị trường và các hội viên Liên chi hội phát triển hoạt động đầu tư, kinh doanh một cách hiệu quả; cùng với đó, tham mưu cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc xây dựng các cơ chế chính sách, giải quyết các vướng mắc, tư vấn, phản biện và giám định xã hội cũng như các hoạt động khác liên quan đến tài chính KCN.

Đại hội Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam lần thứ I với sự ra mắt chính thức của Ban Chấp hành Liên chi hội sẽ là bước khởi đầu hết sức quan trọng của một tổ chức kết nối hỗ trợ tài chính chuyên nghiệp trong các KCN, KKT và các mô hình kinh tế tương tự, tuân thủ theo phương châm hoạt động: Đồng hành hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư”, TS. Phan Hữu Thắng khẳng định. Đồng thời ông cho biết thêm, sự kiện Đại hội Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam lần thứ I sẽ là cơ hội để các các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương cùng các nhà đầu tư, các chuyên gia, các tổ chức và các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùn gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thông tin, kết nối hợp tác đầu tư, đề xuất các giải pháp sáng tạo nhằm hình thành hệ thái tài chính xanh và phát triển bền vững trong các KCN, KKT, KCX và các mô hình kinh tế tương tự.

Trước đó, ngày 16/1/2024 tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ra mắt Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam và Quyết định thành lập Ban Chấp hành lâm thời Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam.

Được biết, đến nay cả nước đã có 416 KCN và hơn 1000 CCN đã thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố. Trong số các KCN đã được thành lập, có 296 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 92,2 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63 nghìn ha; 119 KCN đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37,5 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 24,7 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước đạt khoảng 51,8 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,7%.

Về phát triển các KKT, đến nay cả nước có 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh biên giới đất liền, với tổng diện tích 766.000 ha và 18 KKT ven biển đã thành lập với tổng diện tích 857,6 nghìn ha, trong đó diện tích đất liền khoảng 568,4 nghìn ha (chiếm 1,68% tổng diện tích cả nước).

Tính đến nay, các KCN, KKT trên địa bàn cả nước đã thu hút được hơn 11.200 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt trên 231 tỷ USD, và trên 10.400 dự án đầu tư DDI với tổng vốn đăng ký đạt trên 2,54 triệu tỷ đồng.

Các doanh nghiệp trong KCN, KKT đóng góp khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, đồng thời đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho khoảng trên 4,15 triệu lao động trực tiếp. Đến nay, các KCN, KKT Việt Nam đã thu hút khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới vào đầu tư.

Sự phát triển của các KCN góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ hiện đại, phát triển hệ sinh thái đầu tư xanh, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và giải quyết một số lượng lớn việc làm, từ đó, có ý nghĩa rất lớn trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng an sinh xã hội ở nước ta. Dòng vốn đầu tư thực hiện trong KCN ngày càng tăng, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.

Bất chấp những khó khăn do tác động nghiêm trọng của ảnh hưởng suy thoái kinh tế và chính trị toàn cầu ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ và các nhà đầu tư tại Việt Nam đã nhanh nhạy nắm bắt xu hướng dịch chuyển đầu tư ngoài để đón làn song đầu tư FDI vào Việt Nam, biến khó khăn thành cơ hội phát triển, đồng thời tranh thủ tận dụng mọi thời cơ để phát triển kinh tế đất nước. Việc phát triển lớn mạnh không ngừng của các KCN, KKT tại Việt Nam hiện nay đã minh chứng cho thấy “sức đề kháng” mạnh mẽ của kinh tế trong nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì việc phát triển KCN đang gặp một số vấn đề vướng mắc về khung khổ pháp lý liên quan đến cơ chế, chính sách trong các KCN, KKT, nhất là các vấn đề về tài chính.

Thực tiễn thời gian qua đã cho thấy, những khó khăn, hạn chế về tài chính cần phải được nhanh chóng tháo gỡ, để các KCN có thể tiếp tục phát triển, tương xứng với tiềm năng to lớn của mô hình này. Do đó, việc thành lập VIPFA có ý nghĩa hết sức quan trọng để có Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam có thêm nhiều cơ hội giúp cho các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước kết nối, hợp tác đầu tư trong các KCN, KKT Việt Nam.

Sắp diễn ra Đại hội Liên chi hội tài chính KCN Việt Nam lần thứ I và Diễn đàn Chuỗi Sản xuất Thông minh & Chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024
Toàn cảnh toạ đàm “Thực trạng các KCN hiện nay và các giải pháp tài chính” do Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam và Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam đồng tổ chức

Cơ hội cho ngành công nghiệp sản xuất thông minh của Việt Nam và toàn cầu

Hơn 300 doanh nghiệp và nhà sản xuất trong và ngoài nước sẽ tham dự Diễn đàn Chuỗi Sản xuất Thông minh & Chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024 (VGMF2024) để tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh.

Diễn đàn dự kiến thu hút gần 600 đại biểu đến từ các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương gồm: Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ban Quản lý các Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh, các đơn vị, hiệp hội tư vấn xúc tiến đầu tư và các công ty kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, CCN tại Việt Nam. Đặc biệt, khoảng 300 đại biểu tham dự là đại diện của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện tử, sản xuất đang hoạt động tại Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore và các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, bán dẫn, thiết bị của Việt Nam.

Sắp diễn ra Đại hội Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam lần thứ I và Diễn đàn Chuỗi Sản xuất Thông minh & Chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024
Toàn cảnh nhà máy Haast trong KCN Đồng Văn I, tỉnh Hà Nam

Vào năm 2024, với sự phát triển và biến đổi không ngừng của nền kinh tế toàn cầu, sản xuất thông minh đã trở thành lực lượng chủ chốt thúc đẩy nâng cấp công nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh này, Việt Nam, với vai trò là mắt xích sản xuất mới của châu Á, đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, VGMF2024 được tổ chức nhằm tạo ra một diễn đàn đối thoại để làm cơ sở báo, cáo kiến nghị cho Chính phủ Việt Nam và các bộ, ngành liên quan; tạo sân chơi giao lưu giữa các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp FDI và chuỗi cung ứng toàn cầu. Diễn đàn sẽ tập trung thảo luận về công nghệ mới nhất, xu hướng các ngành công nghiệp mới, môi trường chính sách, cơ hội đầu tư và cách tìm kiếm các phương thức hợp tác và phát triển trong bối cảnh kinh tế toàn cầu mới.

VGMF2024 không chỉ là cửa sổ giới thiệu công nghệ và mô hình kinh doanh mới nhất, mà còn là chất xúc tác thúc đẩy hợp tác sản xuất thông minh giữa Việt Nam với các quốc gia sản xuất như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc đã và sẽ đầu tư tiếp tục trong thời gian tới.

Sắp diễn ra Đại hội Liên chi hội tài chính KCN Việt Nam lần thứ I và Diễn đàn Chuỗi Sản xuất Thông minh & Chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024
Toàn cảnh KCN DEEP C Hải Phòng

Ông Lê Anh Dũng – Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Bất động sản công nghiệp và cho thuê A+ cho biết “Các chuyên gia và nhà đầu tư sẽ cùng thảo luận về xu hướng và sự phát triển mới của ngành công nghiệp sản xuất thông minh, tạo nên một bức tranh tổng thể mới cho ngành công nghiệp sản xuất thông minh của Việt Nam và toàn cầu”. Đồng thời ông chia sẻ thêm: Thông qua diễn đàn này, các bên tham gia sẽ cùng nhau khám phá cách thức sử dụng sản xuất thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp và đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài ra, Diễn đàn cũng sẽ thảo luận về cách tìm kiếm cơ hội phát triển chung và đạt được kết quả cùng có lợi trong bối cảnh quốc tế hiện nay, đặc biệt là trong tình hình các dòng đầu tư sản xuất toàn cầu tiếp tục định hướng coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, một trung tâm sản xuất của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Được biết, Diễn đàn sẽ gồm 2 phiên chính. (1) Chủ đề của phiên 1 là sản xuất thông minh, sản phẩm trí tuệ, công nghệ và đối mới sáng tạo. Vai trò của Việt Nam trong xu hướng mới công nghiệp công nghệ toàn cầu. Trong đó các chuyên gia, đơn vị hoạch định chính sách và doanh nghiệp sẽ có các trao đổi về. Vị thế thuận lợi của Việt Nam trong toàn cầu hóa và chính sách hỗ trợ đầu tư nước ngoài của Việt Nam thúc đẩy sự phát triển toàn diện của ngành sản xuất Việt Nam. (2) Phiên thảo luận thứ 2 có Chủ đề “Công nghệ sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Đây sẽ là diễn đàn để các doanh nghiệp giới thiệu, chia sẻ các công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực sản xuất thông minh. Sau diễn đàn, Ban tổ chức sẽ tiếp tục kết nối các nhà đầu tư với các doanh nghiệp trong ngành của Việt Nam, các công ty FDI đang có mặt tại Việt Nam để thúc đẩy tăng cường mở rộng hợp tác, đầu tư tạo nên chuỗi liên kết hợp tác kinh tế toàn cầu./.

Sắp diễn ra Đại hội Liên chi hội tài chính KCN Việt Nam lần thứ I và Diễn đàn Chuỗi Sản xuất Thông minh & Chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024
Toàn cảnh KCN Thăng Long II , tỉnh Hưng Yên