Bứt phá trong thu hút đầu tư và phát triển các KCN tỉnh Hải Dương
Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Hải Dương phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác thi đua của Khối thi đua Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT các tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm 2023 |
PV: Thưa ông, được biết năm 2023, thu hút đầu tư vào các KCN tỉnh Hải Dương đạt được nhiều kết quả khởi sắc, với số lượng dự án, cũng như chất lượng vốn đăng ký tăng vượt bậc so với năm 2022. Xin ông chia sẻ rõ hơn về những kết quả của hoạt động này?
Trưởng ban Nguyễn Trung Kiên: Năm 2023, Ban Quản lý đã quan tâm đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào các KCN của Tỉnh. Với những nỗ lực lớn của Ban Quản lý, tình hình thu hút đầu tư vào các KCN tỉnh Hải Dương trong năm 2023 đã đạt được những kết quả quan trọng ngoài kỳ vọng, với số lượng dự án, cũng như chất lượng vốn đăng ký tăng vượt bậc so với năm 2022.
Từ ngày 01/01 đến ngày 30/11/2023, Ban Quản lý đã thu hút đầu tư thành công vào các KCN như sau :
Dự án FDI: Cấp mới, điều chỉnh tăng vốn đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,05 tỷ USD cho các dự án FDI, đạt 527% kế hoạch năm 2023. Trong đó, cấp mới 50 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 921 triệu USD; điều chỉnh 28 lượt dự án FDI tăng vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm khoảng 132 triệu USD.
Dự án DDI: Cấp mới, điều chỉnh tăng vốn đầu tư dự án DDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 6.045 tỷ đồng, đạt 4.030% kế hoạch năm 2023. Trong đó, cấp mới 9 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.925 tỷ đồng; điều chỉnh cho 6 lượt dự án DDI tăng vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 3.120 tỷ đồng.
Đồng thời, ban hành thông báo/quyết định chấm dứt hoạt động của 9 dự án đầu tư; trong đó, có 7 dự án FDI và 2 dự án DDI.
Trong năm 2023, Ban Quản lý đã thu hút được một số dự án công nghệ cao, có vốn đầu tư lớn như: Dự án nhà máy sản xuất văn phòng phẩm của Công ty hữu hạn tập đoàn Deli (Nhà đầu tư Trung Quốc), với tổng vốn đầu tư đăng ký 270 triệu USD tại KCN Đại An mở rộng; dự án của Biel Crystal (Singapore) Private Limited (Nhà đầu tư Singapore), với tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD thực hiện tại KCN An Phát; dự án của Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật năng lượng mặt trời BOVIET (Nhà đầu tư Trung Quốc), với tổng vốn đầu tư đăng ký 120 triệu USD tại KCN Cộng Hòa; dự án của Ce Link Limited (Nhà đầu tư Hồng Kông, Trung Quốc), với tổng vốn đầu tư đăng ký 60 triệu USD tại KCN An Phát 1.
Tại kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Hải Dương Trần Đức Thắng đã chia sẻ những thắng lợi trong công tác thu hút đầu tư tại Tỉnh trong năm 2023: Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của Tỉnh ước đạt 60.955 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022. Trong đó, thu hút FDI tăng vượt bậc về số lượng dự án, cũng như chất lượng vốn đăng ký, tổng vốn đăng ký tăng gấp 3,1 lần so với năm 2022; đầu tư trong nước (DDI) tăng gấp 5,6 lần so với năm 2022. Đặc biệt, thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh Hải Dương năm 2023 chủ yếu tập trung đầu tư vào các KCN của Tỉnh. |
Luỹ kế đến ngày 30/11/2023, các KCN tỉnh Hải Dương đã thu hút được 357 dự án đầu tư thứ cấp; trong đó, khoảng 288/357 dự án đã triển khai đầu tư, đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh (đạt tỷ lệ gần 80,7% tổng số dự án thứ cấp trong KCN); số dự án còn lại đang hoàn thiện các thủ tục để đảm bảo đủ điều kiện xây dựng nhà xưởng. Các dự án đi vào hoạt động đã tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp lớn và là một trong các nhân tố chính đóng góp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Tỉnh; đặc biệt, các dự án FDI trong các KCN đã tạo sức kéo, điều kiện tốt cho các dự án DDI tiếp cận công nghệ sản xuất tiên tiến, kỹ năng quản trị hiện đại.
Để đạt được những kết quả tích cực trên, Ban Quản lý đã tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư với nhiều hình thức xúc tiến đầu tư đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm. Công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư được Ban Quản lý xác định là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm định hướng mục tiêu thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn Tỉnh.
Ban Quản lý thường xuyên cập nhật, chỉnh lý tài liệu giới thiệu về các KCN trên địa bàn Tỉnh bằng 5 ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung) để phục vụ công tác xúc tiến đầu tư tại các hội nghị, hội thảo, các buổi làm việc với cơ quan ngoại giao, tổ chức, hiệp hội và các nhà đầu tư. Đồng thời, tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo về xúc tiến đầu tư do các cơ quan Trung ương, các tổ chức thực hiện nhằm quảng bá thông tin, hình ảnh về các KCN. Cụ thể như hội thảo, diễn đàn do VCCI tổ chức về phát triển logistic, liên kết phát triển kết nối KCN trục cao tốc phía Đông (Hà Nội - Quảng Ninh). Bên cạnh đó, Ban tích cực tham dự các sự kiện xúc tiến đầu tư ở trong và ngoài nước, tham dự đoàn xúc tiến đầu tư tại Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc). Năm 2024, Ban Quản lý đã tham dự các buổi tiếp đoàn khảo sát của các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, đến thăm và tìm hiểu môi trường đầu tư tại Tỉnh… Mặt khác, Ban tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông trong công tác tuyên truyền về môi trường đầu tư của Tỉnh; chủ động cung cấp các số liệu về thu hút đầu tư, phát triển các KCN cho các cơ quan báo chí, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và nhà đầu tư... Cùng với đó, tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành với doanh nghiệp.
Ban Quản lý phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, huyện, thành phố của Tỉnh trong công tác quản lý nhà nước đối với các KCN theo quy chế được UBND Tỉnh ban hành, đặc biệt là thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh là cơ quan đầu mối về xúc tiến đầu tư của Tỉnh. Tháng 5/2023, Ban Quản lý đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh tổ chức Hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo Tỉnh với các doanh nghiệp FDI năm 2023. Tại Hội nghị, lãnh đạo Tỉnh đã trực tiếp đối thoại với doanh nghiệp và nhà đầu tư để giải quyết các vấn đề, đồng thời giao các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, xử lý những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Cổng ngoài KCN Đại An, tỉnh Hải Dương |
PV: Nhằm đáp ứng kịp thời tốc độ thu hút đầu tư mạnh mẽ vào các KCN của Tỉnh, xin ông cho biết tỉnh Hải Dương đã triển khai các giải pháp quan trọng nào để đẩy mạnh phát triển các KCN?
Trưởng ban Nguyễn Trung Kiên: Các KCN đầu tiên của tỉnh Hải Dương được thành lập năm 2003 (gồm KCN Đại An, KCN Nam Sách và KCN Phúc Điền, với tổng diện tích trên 320 ha) đã mở ra hướng đi mới trong đầu tư phát triển kinh tế về hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp tập trung của tỉnh Hải Dương. Việc hình thành các KCN đã mang đến một động lực kinh tế quan trọng, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Hải Dương.
Tỉnh Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển các KCN vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam gồm 21 KCN và 3 KCN mở rộng (gọi chung là 24 KCN) với tổng quy mô diện tích khoảng 4.508 ha.
Nhận thức được vai trò của phát triển công nghiệp là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; trong đó phát triển KCN là hướng đi chiến lược để phát triển công nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung, phù hợp với tiềm năng và lợi thế của tỉnh Hải Dương, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã rất quan tâm chú trọng đến công tác quy hoạch và phát triển các KCN, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Để tận dụng cơ hội thu hút nguồn vốn FDI dịch chuyển vào Việt Nam, tỉnh Hải Dương đang tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, các thủ tục về đất đai để bàn giao đất cho các nhà đầu tư hạ tầng KCN, từ đó nhanh chóng cho các nhà đầu tư thứ cấp thuê đất lập dự án đầu tư.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương chụp ảnh lưu niệm cùng các đối tác nước ngoài, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các cơ quan tham tán Việt Nam tại nước ngoài trong chương trình xúc tiến đầu tư nước ngoài năm 2023 |
Về tình hình triển khai đầu tư, xây dựng hạ tầng các KCN tỉnh Hải Dương, đến nay tỉnh Hải Dương đã thành lập 17 KCN với tổng diện tích quy hoạch chi tiết khoảng 2.738 ha; tỷ lệ lấp đầy trung bình của 17 KCN đã thành lập đạt khoảng 53% (trong đó, tỷ lệ lấp đầy trung bình 12 KCN đã đầu tư xây dựng hạ tầng và khai thác kinh doanh đạt khoảng 73%), trong đó:
12/17 KCN đã đầu tư xây dựng hạ tầng, khai thác kinh doanh, gồm: Hệ thống hạ tầng giao thông; hệ thống thu gom nước mặt, hệ thống thu gom nước thải, trạm xử lý nước thải tập trung được lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để truyền dữ liệu 24/24 giờ tới Sở Tài nguyên và Môi trường; hệ thống cấp điện, nước, viễn thông…, đảm bảo tính đồng bộ của các công trình kết cấu hạ tầng KCN và hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN.
4/17 KCN đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng, với quy mô diện tích khoảng 938 ha; trong đó, diện tích đất công nghiệp, dịch vụ có thể cho thuê khoảng 649 ha.
1/17 KCN (KCN Lương Điền - Ngọc Liên, 149 ha) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 31/8/2023. Chủ đầu tư KCN đang tích cực phối hợp với UBND huyện Cẩm Giàng thực hiện các thủ tục có liên quan về đất đai để triển khai công tác giải phóng mặt bằng theo quy định.
Các KCN còn lại trên địa bàn Tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam, gồm: KCN Bình Giang (150 ha) đã được UBND Tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng; đã được UBND Tỉnh phân bổ chỉ tiêu đất để triển khai thực hiện giai đoạn 2021-2025, đảm bảo quy định về quy hoạch và đất đai để lập hồ sơ dự án. Tổng Công ty phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP đã lập hồ sơ Dự án KCN Bình Giang và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định. Tuy nhiên, do tỷ lệ lấp đầy trung bình các KCN đã thành lập trên địa bàn tỉnh Hải Dương chưa đạt 60%, nên chưa đảm bảo điều kiện để Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư theo quy định. Còn 6 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam, với tổng diện tích khoảng 1.590 ha; trong đó, có 5/6 KCN đã được phân bổ chỉ tiêu đất thực hiện giai đoạn 2021-2030. UBND Tỉnh đã giao UBND các huyện có KCN chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan lập quy hoạch xây dựng theo quy định.
Toàn cảnh nhà máy trong KCN Đại An, tỉnh Hải Dương |
PV: Với góc độ là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp về KCN, theo ông, Ban Quản lý đã đóng vai trò như thế nào trong việc phát triển thành công các KCN của Tỉnh?
Trưởng ban Nguyễn Trung Kiên: Góp phần tạo nên sự thành công trong xây dựng và phát triển các KCN trong 21 năm qua, có thể nói vai trò của Ban Quản lý với cơ chế quản lý nhà nước “một cửa, một đầu mối” đã được vận hành có hiệu quả, được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước hoan nghênh và đánh giá cao.
Là cơ quan quản lý nhà nước về KCN, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hải Dương đã tăng cường công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được phân cấp. Đồng thời tham mưu kịp thời cho Tỉnh ủy, UBND Tỉnh trong việc xây dựng các chính sách phát triển KCN và quản lý hoạt động của doanh nghiệp trong KCN. Ban luôn chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố giải quyết kịp thời các yêu cầu, khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Chú trọng nâng cao đạo đức, năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ban Quản lý.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng trao tặng Bằng khen của UBND Tỉnh cho các cá nhân Ban Quản lý đạt thành tích xuất sắc trong công tác quản lý nhà nước phát triển KCN |
Năm 2024 công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, tài nguyên, môi trường và phòng cháy chữa cháy tại các KCN được tăng cường đẩy mạnh, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các dự án trong KCN, nhất là đối với các dự án chuẩn bị triển khai xây dựng. Tranh thủ tăng cường công tác xúc tiến đầu tư theo hướng trọng điểm, phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVII. Ban đã chủ động tiếp xúc với các tổ chức đầu tư thương mại quốc tế, các nhà đầu tư lớn để mời gọi phối hợp thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn Tỉnh; tìm kiếm và tập trung thu hút các dự án công nghệ cao; sàng lọc, lựa chọn các nhà đầu tư có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động vào các KCN. Bám sát tiến độ triển khai dự án, đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng KCN tích cực phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương, tập trung kinh phí để thực hiện công tác giải phóng và đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phối hợp thanh tra, nhằm kịp thời phát hiện các sai phạm (nếu có), từ đó có những uốn nắn, hướng dẫn kịp thời các doanh nghiệp. Đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật về lao động. Tăng cường quản lý lao động trong nước và nước ngoài. Đôn đốc, hướng dẫn thực hiện xây dựng, đăng ký, sửa đổi, bổ sung nội quy lao động và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cở sở, đặc biệt là tăng cường đối thoại, thương lượng, ký thỏa ước lao động tập thể. Phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết kịp thời các vụ việc tranh chấp lao động hoặc dừng việc tập thể.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn gắn với công tác phổ biến pháp luật đối với các quy định mới để các doanh nghiệp hiểu và thực hiện đúng pháp luật. Thực hiện đúng quy định, nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án, xây dựng nhà xưởng để tiến hành sản xuất theo tiến độ đăng ký. Kịp thời tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN, cũng như các nhà đầu tư thứ cấp trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Nhiệt tình hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đầu tư và thương mại. Công tác cải cách hành chính được quan tâm sát sao và triển khai có hiệu quả. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động, chỉ đạo điều hành, giải quyết công việc và giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan; thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, “một cửa điện tử”. Duy trì tốt việc thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo mô hình khung tiêu chuẩn ISO 9001:2015; thường xuyên rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ thủ tục hành chính, nhằm giảm các thủ tục cho doanh nghiệp. Năm 2023, 100% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đầu tư được thụ lý, giải quyết đúng thời hạn, trong đó có trên 95% thủ tục hành chính giải quyết trước thời hạn. Tăng cường cập nhật thông tin lên website của Ban Quản lý những văn bản, chính sách pháp luật mới; đồng thời quan tâm, đôn đốc, thông báo tới các doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật bằng nhiều hình thức như: văn bản, email…
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng đối thoại với đại diện Liên minh Việt - Bỉ tại Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp Việt - Bỉ, tháng 10/2023 |
PV: Để triển khai đồng bộ và hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước và phát triển các KCN của Tỉnh trong năm 2024, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hải Dương đã có hoạch định chiến lược gì, thưa ông?
Trưởng ban Nguyễn Trung Kiên: Năm 2024, năm thứ tư thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2020-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, Ban Quản lý đã xây dựng một số chỉ tiêu trọng tâm trong năm 2024, đó là:
Thu hút vốn FDI khoảng 500 triệu USD, trong đó: Cấp mới khoảng 20 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 350 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho khoảng 20 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm khoảng 150 triệu USD; chỉ tiêu phấn đấu đạt 800 triệu USD.
Thu hút vốn DDI khoảng 500 tỷ đồng, trong đó: Cấp mới khoảng 5 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 100 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn cho khoảng 5 lượt dự án với tổng vốn đầu tăng thêm khoảng 200 tỷ đồng; chỉ tiêu phấn đấu là 1.000 tỷ đồng.
Năm 2024, có thêm 25 dự án triển khai đầu tư và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh với vốn đầu tư thực hiện khoảng 500 triệu USD, đóng góp ngân sách 100 triệu USD.
Phấn đấu 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Ban Quản lý được giải quyết trước và đúng hạn, trong đó phấn đấu ít nhất 80% các thủ tục hành chính được thụ lý và giải quyết trước thời hạn.
Các doanh nghiệp trong KCN dự kiến đạt được các kết quả sản xuất kinh doanh trong năm 2024 như sau: Doanh thu thuần đạt 4.300 triệu USD; giá trị hàng xuất khẩu đạt 5.500 triệu USD; giá trị hàng nhập khẩu đạt 2.500 triệu USD; thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước đạt 100 triệu USD.
Thực hiện tốt chế độ chính sách của nhà nước giao; hoàn thành tốt chỉ tiêu về tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ doanh nghiệp: Tổng số vốn nhà nước giao: 1.717 tỷ đồng; số lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, 8.000 người; số lao động được Trung tâm quốc gia dự báo và thông tin thị trường lao động giới thiệu việc làm: 5.000 người; huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động, kiểm tra an toàn điện, hóa chất, cấp Giấy phép lao động, chứng chỉ sơ cấp nghề: 7.000 người; đào tạo nghề cho lao động nông thôn: 175 người.
Để có thể đạt được các chỉ tiêu trên, Ban Quản lý đặt quyết tâm cao phấn đấu triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu cho lãnh đạo Tỉnh xây dựng định hướng phát triển các KCN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tổng hợp vào quy hoạch Tỉnh.
Thứ hai, tích cực phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng, chính quyền địa phương có KCN hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục có liên quan để triển khai công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện xây dựng hạ tầng các KCN, nhanh chóng có quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, cụ thể: KCN An Phát 1 (180 ha), KCN Kim Thành (165 ha), KCN Phúc Điền mở rộng (235,64 ha), KCN Gia Lộc (197,94 ha), KCN Tân Trường mở rộng (112,6 ha), KCN Đại An mở rộng giai đoạn 2 (227 ha), KCN Lương Điền- Ngọc Liên (149,897 ha) hoàn thiện cơ bản hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng điều kiện thu hút, tiếp nhận dự án đầu tư là cơ sở cho việc đón dòng dịch chuyển đầu tư, thu hút một lượng lớn các dự án đầu tư mới.
Thứ ba, thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trọng tâm trong năm 2024 theo các Kế hoạch của UBND tỉnh Hải Dương (về Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Hải Dương; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giải đoạn 2021-2025…).
Thứ tư, tham mưu cho UBND Tỉnh báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trường đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các KCN Bình Giang (150 ha).
Thứ năm, tiếp tục triển khai mở các lớp dạy nghề, phấn đấu 100% học viên đủ điều kiện tốt nghiệp, được cấp chứng chỉ, chứng nhận sau học nghề theo đúng quy định. Thực hiện tốt công tác cung ứng, giới thiệu việc làm cho người lao động và doanh nghiệp tại các KCN. Mở rộng và thực hiện tốt các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp: Tư vấn, hỗ trợ thủ tục cấp, cấp lại Giấy phép lao động cho lao động người nước ngoài; tư vấn, hỗ trợ thông tin, thủ tục liên quan đến việc cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp; thực hiện quan trắc môi trường; tư vấn, điều chỉnh tổng mặt bằng xây dựng cho các doanh nghiệp; đảm bảo các chỉ tiêu, chế độ báo cáo, thực hiện tốt chế độ chính sách của nhà nước giao; hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch về vốn nhà nước giao trong năm 2024.
Thứ sáu, duy trì hoạt động của các Khối thi đua các doanh nghiệp trong các KCN, nhằm kịp thời động viên các doanh nghiệp tiêu biểu và thúc đẩy lan tỏa phong trào thi đua yêu nước, sản xuất kinh doanh giỏi trong các KCN trên địa bàn Tỉnh./.
PV: Xin chân thành cảm ơn Ông!
Một góc KCN Tân Trường, tỉnh Hải Dương |
Bình luận