Việt Nam chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón “làn sóng” đầu tư mới vào chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu
Toàn cảnh VGMF2024

Ngày 26/3/2024, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, TP. Hà Nội đã diễn ra VGMF2024, do Công ty Cổ phần Đầu tư Bất Động Sản Công nghiệp và Cho thuê A+ (A+ Industrial JSCO) phối hợp cùng Công ty TNHH Tư vấn DH Việt Nam, Công ty TNHH Viện Nghiên Cứu Đầu tư Quốc Tế (ISC) và Công ty TNHH Sunrise Big Data đồng tổ chức.

Tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, cùng 600 đại biểu đến từ các bộ, ngành của Trung ương và địa phương; Ban Quản lý các Khu Kinh tế (KKT), Khu Công nghiệp (KCN) các tỉnh thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh; các đơn vị tư vấn xúc tiến đầu tư và các công ty kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN/cụm công nghiệp (CCN) của Việt Nam. Đặc biệt, khoảng 300 đại biểu tham dự là đại diện của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực điện tử, sản xuất đang hoạt động tại Việt Nam (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore...) và các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, bán dẫn, thiết bị của Việt Nam.

VGMF2024 nhằm tạo ra một nền tảng giao lưu và báo cáo kiến nghị cho các cơ quan Chính phủ; sân chơi giao lưu giữa các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp FDI và chuỗi cung ứng toàn cầu. Diễn đán sẽ tập trung thảo luận về công nghệ mới nhất, xu hướng các ngành công nghiệp mới, môi trường chính sách, cơ hội đầu tư, cách tìm kiếm các phương thức hợp tác và phát triển trong bối cảnh kinh tế toàn cầu mới. Thông qua Diễn đàn này, các bên tham gia sẽ cùng nhau khám phá cách thức sử dụng sản xuất thông minh, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp và đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững.

Việt Nam chủ động đón làm sóng sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu

Phát biểu khai mạc chào mừng Diễn đàn, TS. Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) đã đánh giá tổng quan những lợi thế “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà” của Việt Nam, đã góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư mạnh mẽ vào nước ta hiện nay. Sự ổn định về chính trị, xã hội với thị trường lao động dồi dào; đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ (đã kiến tạo các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn) và tinh thần quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị nhằm hội nhập quốc tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy chuyển đổi số..., đã và đang tạo ưu thế đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang chủ động thay đổi để đón đầu làn sóng chuyển dịch sản xuất thông minh và tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu hiệu quả, tích cực hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm nhằm sản xuất kinh doanh hiệu quả bền vững hơn.

Đối với các lĩnh vực đầu tư vào Việt Nam, mà đặc biệt là các dự án đầu tư vào các ngành nghề sản xuất thông minh, hàm lượng tri thức cao, trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, luôn được Chính phủ Việt Nam, hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm hỗ trợ. Các doanh nghiệp và các tổ chức của Việt Nam luôn mong muốn đồng hành cùng triển khai hợp tác kinh tế - thương mại. Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực, uy tín, công nghệ tiên tiến đến đầu tư và cam kết tạo môi trường kinh doanh công bằng, thuận lợi cho các doanh nghiệp này phát triển thuận lợi tại Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, việc tổ chức VGMF2024 có ý nghĩa rất lớn nhằm thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế đầu tư nhằm kết nối và thúc đẩy Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu, tập trung vào việc ứng dụng công nghệ đổi mới và quản lý hiệu quả để nâng cao sức cạnh tranh của chuỗi cung ứng tại Việt Nam; xây dựng và củng cố mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế, tìm kiếm cơ hội phát triển chung và cùng có lợi...

Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam là tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoạt động có liên quan đến lĩnh vực tư vấn tài chính cho các thành phần kinh tế. Chúng tôi hoan nghênh và ủng hộ sáng kiến tổ chức Diễn đàn lần này. Chúng tôi tin tưởng rằng, Diễn đàn sẽ đóng góp tích cực, tìm ra nhiều giải pháp hữu hiệu để thu hút đầu tư quốc tế và chuyển giao công nghệ, tạo ra những đột phá cho các doanh nghiệp Việt và thị trường Việt Nam tham gia có hiệu quả vào chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu, thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững của Việt Nam; đồng thời góp phần xây dựng và củng cố mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chủ tịch VFCA Lê Minh Nghĩa bày tỏ kỳ vọng.

Đến dự và phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông ghi nhận và giá cao đơn vị tổ chức sự kiện đã có sáng kiến tổ chức Diễn đàn có chủ đề rất quan trọng, thiết thực, được Chính phủ và các bộ, ngành Việt Nam, cũng như cộng đồng doanh nghiệp ở trong và ngoài nước rất quan tâm tại thời điểm hiện nay.

Việt Nam chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón “làn sóng” đầu tư mới vào chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông tham dự và phát biểu tại Diễn đàn

Chia sẻ về “bức tranh” tươi sáng của kinh tế Việt Nam, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Việt Nam hiện nay đã thuộc top 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới (trên 430 tỷ USD); thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.300 USD trong năm 2023; nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về quy mô thương mại, thu hút FDI. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 190 nước, trong đó có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện hoặc Đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và nhiều nước G20; ký 16 FTA với hơn 60 nước. Năm 2023, vượt qua những tác động tiêu cực do ảnh hưởng của tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới đến nền kinh tế Việt Nam, thu hút FDI của Việt Nam năm 2023 đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022; vốn FDI thực hiện đạt 23,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Về đầu tư nước ngoài, hiện nay Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm ưu tiên thu hút đầu tư FDI. Việt Nam định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc hướng đến các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa, kết nối với các doanh nghiệp trong nước. Theo đó, ưu tiên các dự án như: công nghệ cao, điện tử, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, trung tâm tài chính quốc tế, thương mại dịch vụ hiện đại, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nghiên cứu và phát triển... Trong đó, đổi mới sáng tạo, sản xuất thông minh là một trong các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư trong giai đoạn hiện nay.

Việt Nam chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón “làn sóng” đầu tư mới vào chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu
Công nhân Công ty Sam Sung Việt Nam làm việc trong KCN Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh

Đối với chính sách đầu tư trong lĩnh vực điện tử, bán dẫn, sản xuất thông minh hiện là một trong các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư và đang được Chính phủ và các bộ, ngành rất quan tâm. Chính phủ đã giao các bộ, ngành, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai nhiều công việc, thể hiện sự sẵn sàng và mong muốn đón nhận làn sóng đầu tư mới trong ngành này tại Việt Nam. Cụ thể: (1) Giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Chiến lược phát triển ngành bán dẫn Việt Nam đến năm 2030”; (2) Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030 (với mục tiêu rất cụ thể là đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn). Hiện Bộ đang khẩn trương triển khai Đề án này và sẽ sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới; (3) Thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế. Trong đó, có 8 lĩnh vực phát triển trọng tâm của NIC, gồm: Nhà máy thông minh, Đô thị thông minh, Truyền thông số, Công nghệ môi trường, An ninh mạng, Công nghiệp bán dẫn, Hydrogen và Y tế. Trong đó, đối với lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, đã ký hợp tác với 2 tập đoàn thiết kế chip lớn nhất của Hoa Kỳ là Synopsys và Garden, để thành lập trung tâm nghiên cứu, thiết kế chip trong các cơ sở của NIC.

Đồng thời, bên cạnh nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng Nghị định về Quỹ hỗ trợ đầu tư, trong đó dự kiến sẽ có những hỗ trợ thích đáng đối với lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, bán dẫn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương dự thảo Nghị định này và sẽ trình Chính phủ ban hành trong thời sắp tới.

Đặc biệt, các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư tại các địa phương đã được đảm bảo sẵn sàng. Thứ nhất là hạ tầng đất đai, các địa phương đã đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, hình thành các mặt bằng sạch để có thể cung cấp cho các doanh nghiệp điện tử, bán dẫn. Thứ hai, hạ tầng giao thông chiến lược kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, sân bay cũng đang được tăng cường. Ngoài ra, các địa phương cũng chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố về công nghệ thông tin, điện, nước, hạ tầng xã hội cho công nhân trong ngành bán dẫn.

Thứ trưởng nhấn mạnh, như vậy, các yếu tố như: hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, cơ chế chính sách, nghiên cứu phát triển, chiến lược và đặc biệt là nguồn nhân lực đều thể hiện rằng: sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng là rất đúng đắn, kịp thời để các doanh nghiệp Việt có thể làm chủ và sẵn sàng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị trong ngành điện tử, bán dẫn toàn cầu. Chính phủ và Thủ tướng đang rất quyết liệt chỉ đạo Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón nhận được làn sóng đầu tư này. Trước hết, phải có lộ trình chiến lược, hướng đi bài bản, căn cơ. Thứ hai, nhanh chóng triển khai để đáp ứng được ngay nhu cầu về nguồn nhân lực. Thứ ba, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách. Đồng thời mong muốn được lắng nghe các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp về các chính sách ưu đãi đầu tư đối với ngành này (như các loại thuế ưu đãi cho ngành bán dẫn; chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho ngành công nghệ mới; cơ chế đối với các trung tâm R&D; phát triển hạ tầng số...).

Trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng với các bộ, ngành tổng hợp, nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới để làm sao đưa ra được những chính sách có tính cạnh tranh cao. Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chúng tôi cam kết luôn lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp lĩnh vực điện tử, bán dẫn đầu tư kinh doanh hiệu quả, lâu dài và bền vững tại Việt Nam. Thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi, Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định, đồng thời bày tỏ niềm lạc quan, tin tưởng: “Với quyết tâm cao, nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc thu hút đầu tư nói chung và đầu tư trong lĩnh vực quan trọng này nói riêng, tôi tin tưởng rằng, trong thơi gian tới hoạt động đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực này sẽ ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu, mong muốn của Chính phủ, cũng như của cộng đồng các nhà đầu tư”.

Cần giải quyết “điểm nghẽn” để các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia sâu vào chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu

Thay mặt các doanh nghiệp Việt Nam, ông Lưu Văn Đại, Giám đốc Công ty Cổ phần Metal Heat Việt Nam đã chia sẻ với Diễn đàn những khó khăn, thách thức của Công ty, cũng như toàn ngành cơ khí Việt Nam. Ông cho biết, Công ty hoạt động sản xuất trong lĩnh vực xử lý nhiệt các sản phẩm linh kiện ô tô, xe máy và chi tiết máy. Hiện nay Công ty và các doanh nghiệp trong ngành cơ khí gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do phải cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành đến từ các doanh nghiệp nước ngoài và cạnh tranh sản phẩm trên toàn cầu. Có rất nhiều nguyên nhân gây khó khăn cho ngành cơ khí, trong đó vốn và chính sách là hai nguyên nhân cơ bản đang trở thành “điểm nghẽn” cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành cơ khí. Trong khi đó, sản phẩm vào chuỗi cung ứng phải đáp ứng được ít nhất 2 tiêu chí: chất lượng và giá thành. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đưa ra công nghệ tốt, tìm được phương thức sản xuất tốt, để giảm chi phí sản xuất. Công nghệ tiên tiến, tối ưu sẽ tạo ra sản phẩm chất lượng tốt và giảm giá thành sản phẩm.

Về vấn đề vốn, để đầu tư công nghệ mới cần rất nhiều tiền, một doanh nghiệp nhỏ, thì rất khó để đủ tiềm lực tài chính để đầu tư những công nghệ này, những doanh nghiệp startup thì càng khó khăn hơn. Thực tế cho thấy, vốn tự có của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam rất khó đủ để đầu tư công nghệ mới. Vay vốn ngân hàng thì có rất nhiều rào cản, cần tài sản thế chấp, lãi suất cao. Như vậy, lãi suất cao thì giá bán cao, khi đó mất đi tính cạnh tranh. Theo ông Đại, hiện nay Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này rất tốt, rất phù hợp với bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp tiếp cận vốn rất khó, gặp rất nhiều rào cản. Để có được sự hỗ trợ vốn này, thì doanh nghiệp phải giành rất nhiều thời gian để theo đuổi, gây tổn hại rất lớn đến cơ hội của doanh nghiệp.

Việt Nam chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón “làn sóng” đầu tư mới vào chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu
Nhiều năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp cùng các đối tác triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam, để thúc đẩy thu hút đầu tư công nghệ cao, hiện đại vào các KCN, KKT Việt Nam

Để giải quyết hiệu quả những khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói chung, các doanh nghiệp trong ngành cơ khí nói riêng, ông Đại mong muốn nhà nước cần nghiên cứu để đưa ra chính sách ưu đãi hơn nữa đối với các doanh nghiệp cơ khí (như: miễn giảm thuế, miễn giảm lãi suất vay vốn và đơn giản hóa thủ tục vay vốn từ các quỹ hỗ trợ của Nhà nước), để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, từ đó tham gia vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Đồng thời, đề xuất Chính phủ phân công các đầu mối giám sát các chuỗi sản xuất, thông báo cho doanh nghiệp về các yêu cầu lựa chọn nhà cung cấp linh kiện, sản xuất phụ trợ để các doanh nghiệp nhỏ và vừa đăng ký tham gia chuỗi sản xuất; qua đó có cơ chế, biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp này nâng cao năng lực đủ điều kiện tham gia chuỗi; thành lập một nhóm, hoặc tổ chức kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước để cung cấp linh kiện và sản xuất phụ trợ trong nước.

Việt Nam chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón “làn sóng” đầu tư mới vào chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký kết hợp tác với các đối tác để tiếp tục triển khai các KCN sinh thái tại Việt Nam trong năm 2024, tạo đòn bẩy để đón làn sóng đầu tư mới, thông minh, sinh thái vào Việt Nam

Giải pháp cho Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu

Với góc độ của nhà đầu tư FDI trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam, ông Ranjit Thambyrajah, Chủ tịch Công ty Acuity Funding Acuity Funding cho biết, đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong việc thiết kế và cung cấp đúng loại sản phẩm tài chính toàn cầu, để khuyến khích và hỗ trợ tăng trưởng thành công trong các ngành sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu. Trình bày về các giải pháp tài chính cho chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu tại Việt Nam, ông cho rằng, để mang lại lợi ích tốt nhất cho Việt Nam và tất cả các đối tác quốc tế trong các mối quan hệ đối tác đang phát triển này, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế sẽ cần nhiều giải pháp tài chính khác nhau để chuẩn bị tốt nhất cho những trở ngại mà họ sẽ gặp phải khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu mới. Các doanh nghiệp yêu cầu sản xuất được xây dựng có mục đích và chuyên dụng, sẽ là trọng tâm của tất cả các KCN hiện tại và tương lai ở Việt Nam để tăng cường quy trình sản xuất cần thiết cho các doanh nghiệp dẫn đầu và cạnh tranh toàn cầu.

Ông Ranjit Thambyrajah cho biết, có rất nhiều lợi ích và thách thức trong việc tham gia tích cực hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó tập trung vào một số nội dung:

Một số tác động tích cực của quan hệ đối tác chiến lược đối với nền kinh tế: Các hiệp định thương mại tăng cường sẽ giúp giảm thuế và đơn giản hóa thủ tục hải quan. Bằng cách đó, sẽ tiết kiệm chi phí hơn cho các nhà sản xuất Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa và cho Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu thô cần thiết.

Tăng dòng vốn đầu tư: Cải thiện quan hệ và quan hệ đối tác chiến lược sẽ thu hút FDI từ các quốc gia liên kết khác nhau. Những khoản đầu tư này có thể chảy vào cơ sở hạ tầng; mục đích xây dựng và dành riêng cho các KCN; công nghệ và các lĩnh vực sản xuất, củng cố vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chuyển giao công nghệ và kỹ năng: Quan hệ đối tác chiến lược thường tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ và kỹ năng. Các công ty từ khắp nơi trên thế giới có thể mang các công nghệ và thực tiễn sản xuất tiên tiến đến Việt Nam, nâng cao năng suất và đổi mới trong các ngành công nghiệp Việt Nam.

Đa dạng hóa chuỗi cung ứng: Việt Nam hiện có thể cung cấp cho các quốc gia khác đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ khỏi các trung tâm truyền thống như Trung Quốc. Điều này sẽ dẫn đến sự gia tăng các hoạt động sản xuất và mở rộng vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tiếp cận thị trường: Các doanh nghiệp tại Việt Nam và các doanh nghiệp đối tác của họ giờ đây có thể mong muốn mở ra thị trường mới cho các sản phẩm Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như: Dệt, giày dép, nông nghiệp, IT, điện tử...

Trên đây đều là những điều rất tốt cho Việt Nam và các doanh nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, điều rất quan trọng là chúng ta phải chuẩn bị đúng đắn cho những khó khăn có thể theo sau những cơ hội này”, ông Ranjit Thambyrajah nhấn mạnh.

Bên cạnh nhưng lợi thế mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, ông Ranjit Thambyrajah đã phân tích những thách thức đối với Việt Nam để đáp ứng cho nền kinh tế đẳng cấp thế giới mới nổi lên bao gồm: Tiếp cận lực lượng lao động lành nghề; năng lực và cơ sở hạ tầng; các quy định và tuân thủ luật pháp trong và ngoài nước; rủi ro tiền tệ và tỷ giá hối đoái; tài chính và quản lý vốn.

Ông Ranjit Thambyrajah khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt cần bám sát các đối tác thương mại, chính sách kinh tế và môi trường chính trị có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Sự ổn định chính trị, tốc độ tăng trưởng kinh tế và chính sách đầu tư nước ngoài là những yếu tố quan trọng cho kế hoạch dài hạn. Do vậy, các doanh nghiệp luôn phải có sự linh hoạt trong tài chính để đảm bảo rằng những thay đổi trong môi trường chính trị của các nước mà thương mại được bảo vệ chống lại trong các chiến lược tài chính và sản xuất. Cần trau dồi sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa và thực tiễn kinh doanh của tất cả các đối tác thương mại. Ngoài ra, xây dựng mối quan hệ bền chặt với các đối tác địa phương, nhà cung cấp và các cơ quan chính phủ để tạo điều kiện cho hoạt động và đàm phán suôn sẻ hơn, dẫn đến nguồn cung bền vững tại thị trường Việt Nam cũng là điều quan trọng. Cần xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt bằng cách đa dạng hóa các nhà cung cấp, đầu tư vào quan hệ đối tác địa phương và xem xét sắp xếp một số hoạt động. Chiến lược này có thể giảm thiểu rủi ro liên quan đến căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại và đại dịch toàn cầu.

Đối với hệ thống pháp luật của Việt Nam, việc bảo đảm và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là rất quan trọng. Vì vậy, hệ thống pháp luật của Việt Nam phải công nhận và thực thi quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ đầy đủ cho chủ sở hữu tất cả các sở hữu trí tuệ. Mặt khác, hiểu luật pháp địa phương và các thỏa thuận quốc tế là rất quan trọng để bảo vệ tất cả các loại đổi mới trong và ngoài nước; cần phải tôn trọng và tuân thủ Công ước La Hay quốc tế để các nhà đầu tư nước ngoài có thể tự tin đến đây. Hệ thống pháp luật phải hợp lý hóa các quy trình hiện tại, để đảm bảo rằng tất cả các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được bảo vệ khi đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

Ông Ranjit Thambyrajah nhấn mạnh, nhìn chung, sự liên kết chiến lược giữa Việt Nam và các quốc gia có khả năng đẩy nhanh quá trình hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu, mang lại cơ hội tăng trưởng và phát triển đáng kể trong chuỗi cung ứng và lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, tối đa hóa những lợi ích này trong khi quản lý các thách thức đi kèm sẽ đòi hỏi phải lập kế hoạch chiến lược, đầu tư và cải cách bởi các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam. Bằng cách giải quyết các điểm trên, các công ty có thể phát triển các giải pháp và chiến lược tài chính hiệu quả để điều hướng sự phức tạp của chuỗi cung ứng toàn cầu và bối cảnh sản xuất tại Việt Nam, định vị bản thân để tăng trưởng và khả năng phục hồi trên thị trường thế giới.

Tại Diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, nhà đầu tư trong và ngoài nước đã trao đổi, thảo luận sôi nổi về các xu hướng mới trong công nghiệp sản xuất, về công nghệ các doanh nghiệp hiện tại đang áp dụng trong sản xuất, tìm kiếm các giải pháp sáng tạo. Đồng thời, đưa ra những đề xuất, kiến nghị về chính sách ưu đãi đầu tư đối với ngành công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử và bán dẫn (chính sách thuế; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho ngành công nghệ mới; cơ chế đối với các trung tâm nghiên cứu và phát triển; phát triển hạ tầng số...) để đón đầu cơ hội hợp tác với các “đại bàng” công nghệ trên thế giới đang có kế hoạch đổ bộ vào Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn cho rằng, việc các doanh nghiệp sản xuất nội địa của Việt Nam chủ động tìm hiểu về năng lực sản xuất, khả năng cung ứng hiện tại để cùng tìm ra các điểm yếu cần khắc phục, từ đó cải tiến công nghệ và phương thức sản xuất nhằm đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe của các đối tác là rất quan trọng. Bên cạnh đó, sự quan tâm và hỗ trợ thiết thực của Chính phủ và các bộ, ngành Việt Nam trong việc xây dựng các chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, bán dẫn, sản xuất thông minh sẽ giúp cho các doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua được những thách thức, tạo thành sức mạnh, để cùng nhau xây dựng một chuỗi cung ứng tại chỗ và lớn mạnh, qua đó góp phần hỗ trợ đắc lực cho công nghiệp sản xuất chế tạo tại Việt Nam phát triển và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế./.

Việt Nam chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón “làn sóng” đầu tư mới vào chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu
Các mẫu xe đa dạng được lắp ráp tại Nhà máy lắp ráp ô tô Thành Thành công trong KCN Gián Khẩu, tỉnh Ninh Bình