Nâng cao hiệu quả quản lý phát triển cụm công nghiệp ở nước ta hiện nay
Ngày 19/8/2009, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg về quy chế quản lý CCN (Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg). Từ đây, khái niệm về CCN đến các quy định về quản lý CCN được thống nhất trên phạm vi cả nước và đã tạo ra khung pháp lý thống nhất quản lý CCN từ Trung ương đến các địa phương; làm cơ sở cho các cơ quan quản lý, chủ đầu tư hạ tầng và các đơn vị liên quan chấp hành đúng chủ trương, quy định của nhà nước về phát triển CCN. Đây cũng chính là nền tảng để các CCN trên cả nước phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện về việc quản lý các CCN đã bộc lộ một số bất cập như: (1) Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg không có quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển CCN như ưu đãi, hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất kinh doanh trong CCN; (2) Các tiêu chí, điều kiện quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN chưa chặt chẽ; (3) Việc xác định mô hình chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, địa bàn không thu hút được doanh nghiệp đầu tư hạ tầng chưa rõ, chưa có quy định về việc lựa chọn doanh nghiệp/hợp tác xã làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN; (4) Việc phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, Sở Công Thương, UBND cấp huyện trong hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu quản lý CCN; (5) Chưa có cơ chế báo cáo tình hình CCN dẫn đến khó khăn cho các Sở Công Thương trong công tác quản lý, thống kê báo cáo.
Tính đến hết năm 2022, cả nước đã có 1.014 cụm công nghiệp |
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên, cũng như nâng cao hiệu lực pháp lý của Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg, ngày 25/5/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển CCN (Nghị định số 68/2017/NĐ-CP).
Tiếp đó, ngày 11/6/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP.
Việc ban hành, tổ chức thực hiện Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, Nghị định số 66/2020/NĐ-CP đã tạo hành lang pháp lý thống nhất thực hiện trong cả nước từ quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư, hoạt động trong CCN. Đồng thời, chấn chỉnh việc phát triển CCN tự phát trước đây, thu hút được các nhà đầu tư hạ tầng và đầu tư thứ cấp vào CCN.
Theo số liệu từ Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), đến hết năm 2022, cả nước có 542 CCN đã thành lập do doanh nghiệp làm chủ đầu tư; 436 CCN đã thành lập do đơn vị sự nghiệp công lập làm chủ đầu tư và 36 CCN đã thành lập do UBND cấp huyện/cấp xã làm chủ đầu tư. |
Việc phát triển CCN đã khẳng định vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp (đặc biệt là tại khu vực nông thôn), tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động trên địa bàn, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước “ly nông bất ly hương” và xây dựng nông thôn mới.
Công tác quản lý, đầu tư phát triển CCN nhìn chung được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo trình tự, quy định của pháp luật. Nhiều địa phương đã rà soát xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế quản lý, Quy hoạch phát triển và chính sách hỗ trợ CCN trên địa bàn. Việc quy hoạch, phát triển CCN đã tạo thuận lợi trong tiếp cận chính sách về đất đai, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất hộ gia đình.
Tuy nhiên, tiến độ đầu tư, hoàn thiện hạ tầng CCN tại các địa phương nhìn chung còn chậm, trông chờ vào ngân sách; thu hút doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng các CCN tại nhiều địa phương, nhất là địa phương vùng miền núi, vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn; vấn đề môi trường chưa được cải thiện rõ rệt...
Vì vậy, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, phát triển CCN để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn quản lý, phát triển CCN.
Để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, phát triển CCN; đảm bảo quy hoạch, phát triển CCN bền vững, trật tự, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, kịp thời tháo gỡ những bất cập phát sinh trong thực tiễn, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2024/NĐ-CP, ngày 15/3/2024 về quản lý, phát triển CCN (thay thế Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP). Nghị định số 32/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2024.
Vì vậy, để triển khai, chấp hành đầy đủ, nghiêm túc quy định của pháp luật, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển CCN, ngày 22/3/2024, Bộ Công Thương đã ban hành Công văn số 1817/BCT-CTĐP gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc quản lý, phát triển CCN.
Theo đó, về Phương án phát triển CCN thuộc Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn, đối với các địa phương có Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, trong quá trình xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Phương án phát triển CCN trên địa bàn, Bộ Công Thương đề nghị: rà soát lại Phương án phát triển CCN trong kỳ quy hoạch đảm bảo đầy đủ thông tin đối với từng CCN (gồm: tên gọi, vị trí, diện tích, ngành nghề hoạt động, tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật) theo quy định tại Nghị định số 66/2020/NĐ-CP; đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, thống nhất và không chồng lấn với các quy hoạch khác trên địa bàn. Trường hợp Phương án phát triển CCN thuộc Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt không đủ thông tin theo quy định hoặc chồng lấn với các quy hoạch khác trên địa bàn, UBND cấp tỉnh chỉ đạo xử lý hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Phương án phát triển CCN giai đoạn 2021-2030 đảm bảo khả thi; đủ quỹ đất để thành lập, đầu tư phát triển CCN có trong danh mục theo tiến độ quy hoạch đã được phê duyệt.
Đối với các CCN rút khỏi quy hoạch: Có giải pháp quản lý, kế hoạch chuyển đổi khả thi, phù hợp quy định của pháp luật liên quan; trong đó, lưu ý quản lý chặt chẽ về môi trường, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Ngoài ra, chỉ đạo xúc tiến đầu tư, thu hút, lựa chọn các doanh nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN. Định hướng, ưu tiên xúc tiến các doanh nghiệp/dự án đầu tư thứ cấp có cùng ngành nghề, có khả năng liên kết hỗ trợ nhau vào cùng một CCN; các ngành công nghiệp theo định hướng Quy hoạch tỉnh có công nghệ cao, sạch, tiêu tốn ít năng lượng, mang lại giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững vào CCN.
Thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (trong đó lưu ý CCN phải có hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định), thu hút đầu tư vào các CCN trên địa bàn để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát huy hiệu quả; xử lý dứt điểm các CCN, dự án trong CCN gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, không đúng mục đích, chậm tiến độ.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật tại các CCN trên địa bàn (như: pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và pháp luật khác có liên quan) để chấn chỉnh công tác quản lý, đầu tư phát triển các CCN trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật./.
Bình luận