Xác định phát triển các khu công nghiệp (KCN) là nền tảng thúc đẩy nền công nghiệp của Tỉnh tăng trưởng nhanh và bền vững, góp phần tạo động lực để kinh tế- xã hội Vĩnh Phúc phát triển lên một tầm cao mới, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã đặc biệt quan tâm chú trọng đến công tác quy hoạch, phát triển các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn và đạt được những kết quả đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực.

Phát triển các KCN tăng cả chất và lượng

Ảnh: Đường vào KCN Bá Thiện II

Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý nhà nước và thu hút đầu tư, phát triển các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn đã phát huy cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt làm tốt công tác tham mưu cho UBND Tỉnh đề ra các quyết sách quan trọng cho sự phát triển của hệ thống các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Để hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, công tác quản lý nhà nước sau cấp Giấy chứng nhận đầu tư giai đoạn 2015-2020 luôn được quan tâm và coi trọng, Ban Quản lý thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các dự án sau cấp phép, tiến độ triển khai dự án, việc chấp hành pháp luật về đầu tư, xây dựng, môi trường và lao động...; Ban đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để hỗ trợ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư và doanh nghiệp; duy trì chế độ cung cấp các thông tin liên quan giữa các ngành bằng nhiều hình thức (qua văn bản, trao đổi trực tiếp, điện thoại, email...).

Do đó các dự án đầu tư vào các KCN trên địa bàn được triển khai theo đúng tiến độ đăng ký; nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả đã tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất...Với những giải pháp đồng bộ và hiệu quả trên, thời gian qua Vĩnh Phúc đã và đang thu hút được nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn của các tập đoàn đa quốc gia, có thương hiệu lớn trên thế giới.

Hiện trên địa bàn Tỉnh có 18 KCN đã được quy hoạch với quy mô 5.270 ha, trong đó đã có 09 KCN được thành lập và cấp Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (bao gồm: 08 KCN đi vào hoạt động; 01 KCN đang thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng) với tổng vốn đăng ký là 8.031,8 tỷ đồng và 117,42 triệu USD; tổng diện tích đất quy hoạch là 1.837,75 ha, trong đó đất công nghiệp theo quy hoạch 1.353,72 ha; tổng diện tích đất công nghiệp đã bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng là 1.007,23 ha; tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê, đăng ký thuê là 865,88 ha; tỷ lệ lấp đầy KCN đạt 85,97%.

Riêng trong giai đoạn năm 2015-2020, tỉnh Vĩnh Phúc đã phát triển mới nhiều KCN như: KCN Thăng Long Vĩnh Phúc; hoàn thiện thủ tục đấu giá, lựa chọn chủ đầu tư KCN Bá Thiện - phân khu 1; KCN Tam Dương I – khu 2; KCN Sông Lô I; KCN Nam Bình Xuyên – giai đoạn I; KCN Sông Lô II; KCN Lập Thạch I, II; KCN Bình Xuyên II giai đoạn 2. Giai đoạn 2015-2020, đầu tư FDI vào tỉnh Vĩnh Phúc tập trung chủ yếu là các nhà đầu tư truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, xuất hiện thêm các nhà đầu tư mới đến từ Hoa Kỳ và Thụy Điển. Các nhà đầu tư FDI khi đầu tư vào KCN phần lớn chọn lĩnh vực công nghiệp (sản xuất, lắp ráp điện tử; phụ tùng, linh kiện ô tô, xe máy; cơ khí chế tạo; vật liệu xây dựng, may mặc).

Do Vĩnh Phúc chủ động được mặt bằng sạch, đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư nên tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào KCN của Tỉnh đã tăng mạnh cả về số lượng dự án và vốn đầu tư đăng ký hàng năm đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Riêng về đầu tư trong nước (DDI) tuy tăng về số lượng dự án, song chủ yếu vẫn là các dự án sản xuất có quy mô nhỏ lẻ nên vốn đầu tư đăng ký còn hạn chế. Nhìn chung, giai đoạn 2015- 2020 các KCN trên địa bàn đã tạo ra quỹ đất sạch có quy mô lớn với hạ tầng tương đối đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu thu hút đầu tư.

Các KCN đã thu hút được nhiều dự án, sản xuất ra những sản phẩm công nghiệp chủ lực của Tỉnh, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, góp phần tăng thu ngân sách, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc. Ước tính đến hết năm 2020, trên địa bàn Tỉnh có 15 KCN được thành lập và cấp Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng diện tích quy hoạch là 3.029,62,62 ha, tống vốn đầu tư đăng ký là 14.417,67 tỷ đồng và 183,15 triệu USD; tỷ lệ lấp đầy các KCN ước đạt 55-60%.

Trong 11 tháng đầu năm 2020, mặc dù nền kinh tế Việt Nam và thế giới bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, song với những cố gắng vượt bậc của Ban quản lý các KCN Vĩnh Phúc, hoạt động thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn Tỉnh vẫn tiếp tục khởi sắc.

11 tháng đầu năm năm 2020, các KCN trên địa bàn Tỉnh thu hút được 20 dự án FDI mới và 35 lượt tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 403,05 triệu USD (trong đó vốn cấp mới là 213,49 triệu USD, vốn tăng thêm là 189,56 triệu USD), bằng 54% về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2019, đạt 122% kế hoạch năm; thu hút 08 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) mới và 03 lượt tăng vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.332,1 tỷ đồng (trong đó: vốn cấp mới là 1.253,84 tỷ đồng; vốn tăng thêm là 78,27 tỷ đồng), bằng 50% về số vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2019, đạt 160% kế hoạch năm 2020. Đến ngày 15/11/2020, số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các KCN là 377 dự án, bao gồm 311 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 4.451,19 triệu USD và 66 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 13.766,1 tỷ đồng; trong đó có 319 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 84,6% tổng số dự án; 20 dự án đang triển khai xây dựng và lắp đặt máy móc thiết bị nhà xưởng; 33 dự án mới cấp và đang làm các thủ tục triển khai dự án; 5 dự án FDI thuộc diện giãn tiến độ, đang làm thủ tục chấm dứt hoạt động (chiếm 1,3% tổng số dự án).

Vốn thực hiện tháng 11/2020 của các dự án đạt 31,3 triệu USD và 19 tỷ đồng. Dự kiến trong tháng12/2020, Ban Quản lý sẽ cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 03 đến 04 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 20-30 triệu USD và 01 đến 02 dự án DDI với số vốn đầu tư đăng ký khoảng 30 tỷ đồng; có thêm 01 đến 02 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, vốn thực hiện các dự án FDI đạt 29-31 triệu USD và các dự án DDI đạt 15-20 tỷ đồng.

Dự kiến trong năm 2020 các KCN sẽ thu hút được khoảng 25 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 0,57 tỷ USD (trong đó có 02 dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN và khoảng 12 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 6.775,8 tỷ đồng (trong đó có 04 dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN).

Đi đôi với kết quả khả quan trong thu hút đầu tư, tình hình triển khai dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KCN tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn 2015-2020, có khoảng 215 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, các dự án hoạt động hiệu quả và tăng trưởng ổn định. Dự kiến đến hết năm 2020, doanh thu của các doanh nghiệp FDI đạt 5,78 tỷ USD, tăng gấp 2,7 lần so với thực hiện năm 2015; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 4,57 tỷ USD, tăng 3,2 lần so với thực hiện năm 2015; nộp ngân sách nhà nước đạt 2.817 tỷ đồng, tăng 2,4 lần so với thực hiện năm 2015; giải quyết việc làm cho khoảng 90 nghìn lao động, tăng khoảng 40 nghìn người so với thời điểm năm 2015.

Đồng thời đối các doanh nghiệp DDI, dự kiến đến hết năm 2020, doanh thu đạt 11.886 tỷ đồng, tăng gấp 1,4 lần so với thực hiện năm 2015; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 60 tỷ đồng, tăng 1,4 lần so với thực hiện năm 2015; nộp ngân sách nhà nước đạt 460 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với thực hiện năm 2015; giải quyết việc làm cho trên 4,3 nghìn lao động, tăng hơn 2 nghìn người so với thời điểm năm 2015.

Tiếp tục đầu tư hạ tầng KCN đồng bộ và bền vững

Ảnh: Doanh nghiệp FDI trong KCN tỉnh Vĩnh Phúc

Từ kinh nghiệm thực tiễn phát triển các KCN cuả Tỉnh, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc khẳng định nguyên nhân có được thành công trên trước hết là sức mạnh tổng hợp của cả một hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương đã luôn quan tâm ủng hộ và chủ động, quyết liệt trong điều hành sự nghiệp phát triển các KCN của Tỉnh, tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư vào chính sách và sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân trong vùng dự án có KCN.

Phát huy những thành tựu đạt được trong thời gian qua, Ban quản lý các KCN Vĩnh Phúc cho biết trong giai đoạn tới 2020-2025 sẽ tiếp tục phấn đấu để đạt được các mục tiêu cụ thể sau:

Các dự án FDI: Bình quân mỗi năm thu hút thêm khoảng 25 dự án FDI với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 0,39 tỷ USD; vốn thực hiện của các dự án bình quân hàng năm đạt khoảng 0,37 tỷ USD; bình quân mỗi năm có thêm khoảng 30 dự án FDI đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dự kiến đến năm 2025, lũy kế vốn đầu tư FDI đầu tư vào các KCN đạt 5,88 tỷ USD; vốn thực hiện của các dự án là 4,12 tỷ USD, đạt 70% tổng vốn đầu tư đăng ký; doanh thu của các dự án FDI đạt 5,46 tỷ USD, tăng 1,2 lần so với năm 2020; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD; nộp ngân sách đạt 3.500 tỷ đồng, tăng 1,1 lần so với năm 2020; giải quyết việc làm cho trên 115 nghìn lao động trong và ngoài Tỉnh (bình quân mỗi năm thu hút mới khoảng 5,8 nghìn lao động).

Các dự án DDI: Bình quân mỗi năm thu hút thêm khoảng 10 dự án DDI với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1.800 tỷ đồng; vốn thực hiện của các dự án bình quân hàng năm đạt khoảng 1.650 tỷ đồng; bình quân mỗi năm có thêm khoảng 5 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dự kiến đến năm 2025, lũy kế vốn đầu tư DDI đầu tư vào các KCN đạt 23.518,47 tỷ đồng; vốn thực hiện của các dự án là 14.073 tỷ đồng, đạt 60% tổng vốn đầu tư đăng ký; doanh thu của các dự án đạt 18.100 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2020; kim ngạch xuất khẩu đạt 90 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2020; nộp ngân sách đạt 535 tỷ đồng, tăng 1,2 lần so với năm 2020; giải quyết việc làm cho trên 7,3 nghìn lao động trong và ngoài Tỉnh (bình quân mỗi năm thu hút mới khoảng 600 lao động).

Công tác phát triển các KCN: Phát triển và thành lập thêm 03-05 KCN mới trong quy hoạch đã được phê duyệt; cơ bản thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ hạ tầng các KCN trên địa bàn Tỉnh đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; chủ động được quỹ đất cho thuê để kêu gọi, thu hút đầu tư; xây dựng khoảng 1.000-1.500 căn hộ cho công nhân thuê, thuê mua, đáp ứng chỗ ở cho 3.000 đến 4.000 công nhân; hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào KCN được đầu tư đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật trong các KCN; các công trình giao thông đối ngoại tại các KCN được xây dựng hoàn chỉnh trước khi các KCN đi vào hoạt động; các hệ thống cấp điện, cấp nước, thông tin, viễn thông được đầu tư đồng bộ với tiến độ xây dựng hạ tầng KCN; 100% các KCN đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

Để đạt được những chỉ tiêu chủ yếu trên, Ban quản lý các KCN Vĩnh Phúc cho rằng, Tỉnh cần chỉ đạo các ban, ngành đẩy mạnh một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau: Về phát triển các KCN: Đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các KCN; đẩy mạnh công tác phát triển nhà ở công nhân tại địa bàn có các KCN; đề xuất điều chỉnh các quy định phân cấp quản lý chất lượng công trình, cấp phép xây dựng, quản lý quy hoạch kiến trúc trên địa bàn tỉnh cho Ban Quản lý các KCN để quản lý toàn diện các hoạt động xây dựng trong KCN.

Công tác xúc tiến và thu hút đầu tư: Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp. Chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ và thông qua các nhà đầu tư đã thành công tại Tỉnh để giới thiệu đến các nhà đầu tư khác. Chủ động xây dựng tài liệu phục vụ xúc tiến đầu tư riêng trong các KCN. Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư về công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch thân thiện môi trường, công nghệ năng lượng mới, dự án dịch vụ KCN; không tiếp nhận, cấp phép cho những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sinh thái; ưu tiên thu hút đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy tại các KCN: Bá Thiện II; Bình Xuyên II; Thăng Long Vĩnh Phúc; Bá Thiện – Phân khu 1. Hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ các dự án đã cấp phép đầu tư trong KCN, tạo môi trường đầu tư hiệu quả thúc đẩy khả năng thu hút đầu tư mới; đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về KCN: Tăng cường công tác quản lý các dự án sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; quản lý chặt chẽ lao động làm việc tại các doanh nghiệp KCN (đặc biệt là lao động nước ngoài), đi đôi với việc phát triển tổ chức công đoàn cơ sở và phát huy hiệu quả hoạt động công đoàn để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp và người lao động; giảm thiểu đình công, lãn công nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư của Tỉnh; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng khu nhà ở và các thiết chế văn hóa cho công nhân tại các KCN để bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho người lao động. Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, với mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đầu tư kinh doanh, giảm tối đa chi phí khởi nghiệp, giảm chi phí đầu vào, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp./.