Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Ban chỉ đạo dự án “Nhân rộng phương pháp tiếp cận khu công nghiệp sinh thái để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”
Toàn cảnh KCN DEEP C Hải Phòng, KCN thụ hưởng dự án KCN sinh thái |
Cơ hội phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Ban Chỉ đạo dự án “Nhân rộng phương pháp tiếp cận khu công nghiệp (KCN) sinh thái để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam” (Dự án) gồm có 16 thành viên. Theo đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc được phân công là Trưởng ban Chỉ đạo; Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Ban Quản lý dự án Lê Thành Quân là Thường trực Ban Chỉ đạo; cùng các đại diện của: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Ban Quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Tổng Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO).
Theo Quyết định, Ban Chỉ đạo Dự án có các nhiệm vụ, quyền hạn như:
Một là, quyết định các vấn đề chiến lược gồm: Thông qua kế hoạch triển khai Dự án hằng năm, theo dõi việc thực hiện Dự án và phê duyệt các kết quả đánh giá thực hiện Dự án hàng năm.
Hai là, phê duyệt các nội dung điều chỉnh cơ bản về mục tiêu và phân bổ ngân sách thuộc Dự án trong năm.
Ba là, chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của Ban Quản lý dự án, đặc biệt đối với các nội dung cần sự đồng thuận của các bên liên quan trong quá trình thực hiện Dự án.
Bốn là, Giám sát tổng thể về các mục tiêu và kết quả đầu ra của Dự án theo nội dung Văn kiện dự án đã được phê duyệt, đảm bảo các hoạt động và kết quả của Dự án phù hợp với định hướng phát triển chung của Chính phủ.
Quyết định cũng nêu rõ, hoạt động của Ban Chỉ đạo Dự án như sau: Tổ chức họp định kỳ hằng năm, có thể họp đột xuất để thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo; Ban chỉ đạo Dự án được phép sử dụng con dấu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để điều hành công việc thuộc thẩm quyền của Ban Chỉ đạo, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế về hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đã được ký kết; Ban Chỉ đạo tự giải thể sau khi Dự án kết thúc.
Đoàn công tác KCN sinh thái trao đổi chuyên môn với đại diện KCN Amata tại Nhà máy xửa lý nước thải trong KCN Amata, KCN thụ hưởng dự án KCN sinh thái |
Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp Việt Nam
Trước đó, tại Hội nghị: “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong các khu công nghiệp Việt Nam hướng tới phát triển bền vững” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UNIDO đồng tổ chức; ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Giám đốc quốc gia Dự án KCN sinh thái đã cho biết: Các KCN vốn là trung tâm hoạt động kinh tế, hiện đang chuyển hướng từ mô hình kinh tế tuyến tính mà tại đó nguyên vật liệu đầu vào sử dụng, tạo ra sản phẩm và thải bỏ sang sang mô hình ưu tiên thiết kế bền vững, hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu chất thải và tái chế. Bằng cách tích hợp các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn, chẳng hạn như thiết kế sản phẩm bền lâu, tái sử dụng vật liệu và triển khai hệ thống quản lý chất thải hiệu quả.
Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc quốc gia Dự án KCN sinh thái phát biểu tại Hội nghị: Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp Việt Nam hướng tới phát triển bền vững” |
Ông Quân chia sẻ: trong những năm vừa qua, Bộ kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UNIDO thực hiện mô hình KCN sinh thái, trong đó thúc đẩy thực hiện các mô hình cộng sinh công nghiệp được coi là một hình thức sáng tạo để tăng năng suất sử dụng tài nguyên và là một trong những cách tiếp cận để hiện thực hóa nền kinh tế tuần hoàn (Circular Economy) và hướng đến đạt được tăng trưởng xanh. Với những mô hình KCN sinh thái tăng cường thực hiện hiệu quả tài nguyên sản xuất sạch hơn và công sinh công nghiệp. Trong giai đoạn 2020 - 2024, 88 doanh nghiệp tại 5 KCN thí điểm chuyển đổi KCN sinh thái đã thực hiện hơn 600 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm 69,2 tỷ đồng/năm, cắt giảm được 8.910 tấn khí CO2 hàng năm”. Ông Quân khẳng định: Phát triển KTTH đang là xu thế thời đại mà nhiều quốc gia trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21 và phù hợp với định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn tới; trong đó, mô hình KCN sinh thái chính là động lực thúc đẩy KTTH. Việc chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, KTTH trong các KCN, KKT là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững cho từng KCN, KKT, cho từng địa phương và cả nền kinh tế.
Cũng tại Hội nghị tổng kết Dự án “KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” diễn ra ngày 12/4/2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO phối hợp triển khai thực hiện trong 4 năm (giai đoạn 2020-2024) đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đối tác tổng kết, đánh giá thành công vượt kỳ vọng. Qua đó góp phần tạo động lực và niềm tin mạnh mẽ để Chính phủ, các đối tác của Việt Nam và các doanh nghiệp tiếp tục thúc đẩy phát triển KCN sinh thái và kinh tế tuần hoàn trong các KCN tại Việt Nam.
Tiếp đà thành công của Dự án KCN sinh thái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đối tác UNIDO, SECO tiếp tục nỗ lực thúc đẩy triển khai mạnh mẽ Dự án giai đoạn tiếp theo; bằng chứng là ngày 25/10/2023 tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Lễ Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam giai đoạn 2024-2028 giữa Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ dưới sự chứng kiến của Quốc Vụ khanh Dominique Paravicini, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc và bà Lê Thanh Thảo, Giám đốc quốc gia UNIDO tại Việt Nam. Buổi Lễ ký kết đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho phát triển KCN sinh thái, là tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn toàn diện và bền vững tại Việt Nam trong thời gian tới./.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các nhà tài trợ thăm quan phân xưởng thiết kế quần áo bò xuất khẩu của Công ty Quốc tế Saitex, đơn vị trong KCN Amata Biên Hòa, Đồng Nai đang thực hiện thành công từ việc sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn và cộng sinh công nghiệp trong quá trình vận hành sản xuất |
Bình luận